Vì sao ít thuốc nội vào được bệnh viện?

Thứ Hai, 12/06/2017, 09:55
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, trở ngại lớn nhất để mở rộng việc sử dụng thuốc nội chính là việc kê thuốc của bác sĩ và quyết định của bệnh nhân. Bởi nhiều bệnh nhân chưa tin tưởng vào chất lượng thuốc, nhiều bác sĩ cũng còn băn khoăn do sợ ảnh hưởng đến kết quả điều trị, cũng là ảnh hưởng uy tín của mình.


Với mục tiêu chủ động được thuốc trong điều trị, người dân cũng giảm bớt chi phí do thuốc nhập khẩu thường có giá thành cao hơn, 4 năm trước, Bộ Y tế đã triển khai đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”.

Hiện Việt Nam đã có hơn 160 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP của WHO, một số nhà máy đạt tiêu chuẩn EU, Nhật Bản và đã sản xuất được 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của WHO với 520/953 hoạt chất đang lưu hành; đã sản xuất được 10/12 loại vaccine trong chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Sau 4 năm triển khai, theo Bộ Y tế, tỷ lệ sử dụng thuốc nội đạt 45,2%. Nhưng không phải BV nào cũng quan tâm đến việc sử dụng thuốc nội. Mới có một số BV điển hình là BV Chợ Rẫy, BV Việt Đức và BV Răng hàm mặt Trung ương - TP Hồ Chí Minh. 

Ở Chợ Rẫy, những thuốc trong nước đã sản xuất được BV ưu tiên tăng số lượng. Ở BV Việt Đức, một số kháng sinh trong nước có nguồn đảm bảo được BV ưu tiên sử dụng, như cefotaxim, metronidazol vv… BV Răng hàm mặt Trung ương TP Hồ Chí Minh xây dựng danh mục thuốc nội sử dụng chiếm tới 67%.

Việt Nam đã sản xuất được 10/13 vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng cho hay, ở các BV tuyến Trung ương tỷ lệ sử dụng thuốc nội vẫn còn khá thấp và đang có xu hướng giảm: năm 2013, tỷ lệ này là 11,57%; năm 2014 là 11,31% và đến năm 2015 chỉ còn 10,02%. Các BV Trung ương được đặt tại địa phương có tỉ lệ dùng thuốc nội cao hơn các BV còn lại. Chỉ một số BV điều trị các bệnh đặc thù như tâm thần, da liễu, sốt rét vv… sử dụng thuốc trong nước cao, đáp ứng được yêu cầu chữa trị, góp phần làm giảm chi phí cho bệnh nhân: Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung ương Quy Nhơn là 98%; BV Phong Da liễu Trung ương Quỳnh Lập trên 80%. Còn các BV tuyến Trung ương đặt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tỉ lệ thấp hơn. Thấp nhất là của BV ĐK Trung ương với 17,61%.

Hiện, tỷ lệ dùng thuốc nội của các BV tuyến Trung ương chưa có sự cải thiện, thấp hơn cả mục tiêu mà đề án đặt ra.

Lý giải điều này, ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết, tỷ lệ sử dụng thuốc Việt tại các BV tuyến Trung ương chưa như mong đợi là bởi đó là các BV chuyên khoa, tuyến cuối, nên hầu như bệnh nhân đến đây đều nặng, cần phải dùng thuốc chuyên khoa đặc trị nhập khẩu mà trong nước chưa sản xuất được, như ung bướu, sốc nhiễm khuẩn, gây mê hồi sức, tim mạch, chống thải ghép vv…

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, trở ngại lớn nhất để mở rộng việc sử dụng thuốc nội chính là việc kê thuốc của bác sĩ và quyết định của bệnh nhân. Bởi nhiều bệnh nhân chưa tin tưởng vào chất lượng thuốc, nhiều bác sĩ cũng còn băn khoăn do sợ ảnh hưởng đến kết quả điều trị, cũng là ảnh hưởng uy tín của mình.

Nhìn nhận một cách công bằng, nguyên nhân để tỉ lệ thuốc nội sử dụng trong các BV chưa cao không hoàn toàn thuộc về các BV. Trong bối cảnh các doanh nghiệp dược trong nước đã “chậm chân” so với các doanh nghiệp nước ngoài, thì chính họ lại chưa vươn lên để đáp ứng yêu cầu. Nhiều khi trúng thầu thuốc ở BV, nhà sản xuất lại không cung cấp kịp thời, hay trong quá trình sử dụng tại BV mà gặp sự cố, BV yêu cầu đổi hàng thì thời gian đổi quá lâu, khiến việc sử dụng thuốc nội của một số BV bị gián đoạn.

Nhiều doanh nghiệp đã sản xuất được các sản phẩm thuốc có tác dụng điều trị tốt, giá thành phù hợp nhưng lại chưa biết, hoặc chưa muốn đầu tư cho khâu marketing, quảng cáo nên sản phẩm chưa tạo được vị thế xứng đáng trên thị trường trong nước.

Để giải quyết các vấn đề này, chuẩn bị cho giai đoạn 2 đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết, Bộ Y tế sẽ tiếp tục triển khai những văn bản ưu tiên sử dụng thuốc trong nước, đồng thời kêu gọi các bác sĩ, các hội đồng chuyên môn trong ngành Y tế luôn ý thức, ưu tiên thuốc nội trong quá trình đấu thầu và lựa chọn thuốc để điều trị cho bệnh nhân. 

Bộ Y tế cũng sẽ chỉ đạo các cơ sở y tế động viên đội ngũ bác sĩ nêu cao y đức, thực hiện nghiêm túc các quy định về kê đơn, sử dụng thuốc sản xuất trong nước, thông qua ký cam kết. Bộ cũng sẽ giám sát, hỗ trợ các doanh nghiệp dược trong nước nâng cao chất lượng thuốc nội, tăng cường marketing quảng bá thương hiệu.

Thanh Hằng
.
.