Bắc Giang có tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3, 4 cao nhất

Thứ Tư, 29/06/2022, 14:27

Theo Bộ Y tế, Bắc Giang đứng đầu cả nước với tỷ lệ tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19 với 95,3% và mũi 4 với 23,1%.

Ngày 29/6, Bộ Y tế thông tin về kết quả tiêm vaccine phòng COVID-19 nhắc 1 (mũi 3) là 44.867.465 mũi tiêm (66,8%). Trong đó, các tỉnh tiêm thấp là Khánh Hòa (41,8%); Bình Thuận (34,7%); Sóc Trăng (38,3%); Cà Mau (37,7%); Hậu Giang 35,1%), Đồng Nai (43,4%).

Các tỉnh tiêm cao là Ninh Bình (90,9%); Thanh Hóa (93,3%); Bắc Giang (95,3%), Bến Tre (91,8%)

Kết quả tiêm nhắc 2 (mũi 4) là 3.831.205 mũi tiêm (chiếm 5,7%), trong đó, tỉnh tiêm thấp: Phú Thọ (1,1%), Hải Dương (1,6%), Bắc Kạn (0,3%), Nghệ An (1,2%), Quảng Nam (0,9%); Bến Tre (1,7%);

Và các tỉnh có tỷ lệ tiêm cao là Bắc Giang (23,1%); Quảng Ninh (20,9%); Hậu Giang (15,6%).

Bắc Giang có tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3, 4 cao nhất cả nước -0
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân ở Bắc Giang.

Theo TS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong số 32.212 trường hợp tử vong do COVID-19 tại Việt Nam, có tới 52,8% số tử vong là chưa tiêm vaccine phòng COVID-19; 29.8% đã tiêm 1 mũi hoặc 2 mũi vaccine và chỉ có 7,3% đã tiêm 3 mũi. Số liệu này một lần nữa khẳng định tính cần thiết phải thực hiện tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) cho những người đã hoàn thành 2 mũi tiêm cơ bản.

Tính đến nay, Việt Nam đã tiêm được trên 228 triệu mũi vaccine phòng COVID-19. Thời gian qua, ngành y tế các cấp đang nỗ lực, cố gắng hoàn thành mục tiêu triển khai tiêm nhắc lần 1 (mũi 3) đồng thời với triển khai tiêm nhắc lần 2 (mũi 4) từ tháng 5/2022 theo chỉ đạo của Chính phủ. Với trẻ từ 12 đến 17 tuổi, hiện nay các địa phương đang xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm triển khai tiêm chủng mũi 3 (mũi nhắc lại).

Một số địa phương đã bắt đầu triển khai kế hoạch tiêm trong tuần vừa qua, toàn quốc có hơn 160 ngàn trẻ trong độ tuổi này được tiêm mũi 3 an toàn.

Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bình thường đại dịch đi theo xu hướng tăng dần miễn dịch nếu có của vaccine và miễn dịch mắc phải, sẽ giảm dần xu thế của dịch và cuối cùng hoặc là biến mất hoặc thành bệnh lưu hành. Nhưng SAR-Cov-2 biến hóa khôn lường.

Qua 5 đợt dịch tại Việt Nam, thậm chí trong Omicron có 5 biến thể phụ cho thấy, biến đổi gần như cơ bản không lường được. Khi có chủng Delta lây lan nhanh người ta nghĩ đến kịch bản lưu hành, nhưng tháng 11/2021 xuất hiện Omicrno lây lan nhanh hơn hẳn, bản thân BA.4, BA.5 còn lây lan nhanh hơn, WHO vẫn chưa coi đây là bệnh lưu hành.

Chuyên gia này nhấn mạnh, hiện nay chưa biết được kháng thể nào có thể bảo vệ được trước COVID-19 vì việc đánh giá miễn dịch tế bào không đơn giản. Nhưng những so sánh cho thấy, người đã tiêm vaccine, đã mắc thì kháng thể tăng rất cao, kháng thể bảo vệ lâu hơn với người chưa tiêm. 

GS Lân khẳng định, khi chưa khống chế hoàn toàn được dịch COVID-19 và vẫn còn nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới của virus SARS-COV2, liều tiêm nhắc lại thực sự cần thiết giúp duy trì khả năng bảo vệ trước nguy cơ mắc bệnh, chuyển bệnh nặng và tử vong do COVID-19. 

Trần Hằng
.
.