Có nên bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân?

Thứ Năm, 16/11/2023, 07:20

Khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp đánh giá sức khoẻ tổng quát và sức khoẻ sinh sản cho các cặp đôi, qua đó có thể phát hiện sớm các bệnh lý di truyền, giúp các cặp đôi có biện pháp sàng lọc trước sinh để sinh ra những đứa con khoẻ mạnh.

Theo thống kê, hàng năm trên cả nước có hàng triệu thanh niên bước vào độ tuổi kết hôn. Trong khi đó, ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 22.000 -23.000 trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh và mắc bệnh lý di truyền. Tại phiên thảo luận ngày 1/11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đề nghị Chính phủ cân nhắc đưa quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân vào luật và đi kèm chính sách hỗ trợ cho các đối tượng kết hôn ở vùng sâu, vùng xa, hộ nghèo.

Có nên bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân? -0
Khám sức khỏe tiền hôn nhân tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Từ Quảng Ninh lên Bệnh viện Phụ sản Trung ương khám, cặp đôi Nguyễn Tiến Mạnh và Phạm Thị Hương cho biết, họ kiểm tra sức khoẻ sinh sản trước khi kết hôn. Sau khi có kết quả bình thường, Hương sang Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương để xét nghiệm thêm xem cô có mang gene bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) hay không. “Chị con bác ruột của em mang gene bệnh này, em thấy mình cần phải xét nghiệm xem có mang gene Thalasimia không. Đây là xét nghiệm chuyên sâu nên chi phí không hề rẻ”, Hương cho biết.

PGS.TS Trần Danh Cường, Chủ nhiệm bộ môn Sản, Trường Đại học Y Hà Nội, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, thông thường các bạn trẻ đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương khám sức khỏe tiền hôn nhân chủ yếu hỏi về việc mang thai và chăm sóc thai nghén. “Mục đích đi khám của các bạn trẻ rất đơn giản, chưa có ý tưởng mình và người bạn đời có bệnh tật gì không, cần phải làm gì khi có bệnh”, PGS Cường nói.

Còn theo PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện hàng năm đều tiếp nhận nhiều trẻ sơ sinh bị hở van tim, suy tim, suy thận, các bệnh lý di truyền về máu, mang gene bệnh như Thalassemia… Vì vậy, các cặp đôi trước khi kết hôn đi khám sức khoẻ tiền hôn nhân là rất cần thiết.

Theo ĐBQH Nguyễn Tri Thức, trong thực hành lâm sàng, ông từng chứng kiến những trường hợp tới khi sinh, người phụ nữ mới biết mình bị hẹp van tim nặng hoặc suy tim, suy thận và cuối cùng đi đến quyết định cứu mẹ hay cứu con, trong khi tất cả những vấn đề này hoàn toàn có thể tránh được nếu khám sức khoẻ tiền hôn nhân.

Cũng theo ĐBQH Nguyễn Tri Thức, hiện nay, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và Nghị định 123/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch đều không có quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân. Trong khi đó, nếu kết hôn với người nước ngoài thì đây là vấn đề bắt buộc và khám rất sâu, kể cả khám chuyên khoa tâm thần. ĐBQH Nguyễn Tri Thức đề nghị Chính phủ cân nhắc đưa quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân vào luật và đi kèm chính sách hỗ trợ cho các đối tượng hết hôn ở vùng sâu, vùng xa, hộ nghèo.

Theo PGS.TS Trần Minh Điển và PGS.TS Trần Danh Cường, khám sức khỏe tiền hôn nhân thì cần phải khám về các bệnh lý mãn tính, đặc biệt những bệnh lý rất trầm trọng và có nguy cơ di truyền cho thế hệ sau như teo cơ, máu khó đông (Hemophilia), tan máu bẩm sinh… để phòng ngừa và sàng lọc sớm, nâng cao chất lượng dân số. Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân nhằm xem xét người cha, người mẹ tương lai có bệnh lý gì không để có chiến lược sàng lọc gene, tránh hậu quả cho thế hệ sau.

Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia thì việc này không dễ thực hiện, bởi để khám các bệnh lý di truyền phải khám chuyên sâu, chi phí tốn kém, không phải ai cũng có tiền chi trả. Khi phát hiện một trong hai người mắc bệnh hoặc cả hai cùng mang gene bệnh thì có cho họ lấy nhau hay không? Trường hợp họ đã yêu nhau tha thiết, hẹn thề kết hôn, khi phát hiện mắc bệnh, họ vẫn quyết tâm lấy nhau thì quản lý và sàng lọc trước khi có thai như thế nào? Đây đều là những vấn đề cần phải tính đến nếu triển khai bắt buộc.

Hiện nay, Bộ Y tế chưa có quy định khám sức khỏe tiền hôn nhân phải khám những gì. Những sàng lọc bệnh lý di truyền cũng chưa được bảo hiểm y tế chi trả. Chi phí vẫn là gánh nặng lớn và là rào cản nếu bắt buộc thực hiện. Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương có cặp đôi đến khám sức khoẻ tiền hôn nhân có nhu cầu xét nghiệm những bệnh lý di truyền, các dịch vụ này hầu như vẫn là tự phát, chưa chuyên sâu.

Ông Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số, Cục Dân số, Bộ Y tế cho rằng, trước khi bước vào đời sống vợ chồng, các bạn trẻ được tư vấn, được khám sức khỏe, được hướng dẫn giáo dục sức khoẻ là điều rất tốt. Nhưng để đưa khám sức khỏe tiền hôn nhân trở thành quy định bắt buộc và để triển khai vào thực tiễn còn cần phải có nhiều yêu cầu như quy định đó có sinh ra các thủ tục hành chính hay không; các luật có mâu thuẫn với nhau hay không… và vẫn cần phải xem xét, có lộ trình.

Cũng có ý kiến cho rằng chưa nên đưa khám sức khỏe tiền hôn nhân vào quy định bắt buộc mà chỉ nên khuyến khích thực hiện. Theo khuyến cáo của bác sĩ, với các cặp đôi chuẩn bị kết hôn, khám sức khoẻ tiền hôn nhân nên sàng lọc chức năng của cơ quan sinh sản, khả năng thai nghén để loại trừ những dị dạng của cơ quan sinh dục nữ và những bất thường của nam giới; sau đó là một số bệnh lây qua đường tình dục và một số đột biến gene phổ biến như Thalassimia.

Trần Hằng
.
.