Đảm bảo điều trị cho gần 1.000 bệnh nhân phải chuyển khỏi ổ dịch Bệnh viện Việt Đức

Thứ Tư, 06/10/2021, 06:51

Đêm ngày 4 và rạng sáng 5/10, gần 1.000 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức được lần lượt chuyển tới 3 bệnh viện trên địa bàn Thủ đô để tiếp tục điều trị. Đây là những bệnh nhân nặng đang điều trị, đã có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính, có nhiều người được tiêm vaccine phòng COVID-19 trước khi chuyển viện. Việc di dời bệnh nhân đang điều trị để Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiến hành "làm sạch" bệnh viện.

Nỗi lo của người bệnh nặng

Chuyển sang Bệnh viện Thanh Nhàn từ đêm 4/10, trưa 5/10, nhiều bệnh nhân đã bắt đầu ổn định tiếp nhận điều trị từ các bác sĩ mới. Mặc dù rời khỏi ổ dịch, song nhiều bệnh nhân và người nhà khá lo lắng. Theo Lương Đức Bồng, quê ở Vũ Thư, Thái Bình, bố ông năm nay đã 96 tuổi, phẫu thuật u bàng quang cách đây đúng 1 tuần tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Khi bệnh viện bùng phát ổ dịch, tuy khác dãy nhà song ông Bồng cũng như nhiều người bệnh và người nhà chăm bệnh đều lo lắng. Hai bố con ông Bồng được xét nghiệm COVID-19 2 lần đều âm tính, ông được bệnh viện tiêm cho 1 mũi vaccine phòng COVID-19. “Tối qua khi biết phải chuyển viện tôi cũng lo, không biết sang đây tiếp tục điều trị như thế nào. Trong quá trình di chuyển, các bác sĩ đã dặn dò rất cẩn thận nên chúng tôi tuân thủ theo”, ông Bồng cho biết.

Không lạc quan như ông Bồng, chị Phạm Thị Hương (Đan Phượng, Hà Nội) chăm sóc con bị chấn thương sọ não gần 3 tháng nay, cho biết: “Cháu vẫn chưa tỉnh hẳn, còn lơ mơ. Khi chuyển sang Bệnh viện Thanh Nhàn tôi khá lo vì chưa biết thuốc men ra sao, có điều trị giống bên kia không?”.

Đảm bảo điều trị cho gần 1.000 bệnh nhân phải chuyển khỏi ổ dịch Bệnh viện Việt Đức -0
Vận chuyển bệnh nhân từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sang Bệnh viện Thanh Nhàn.

Anh Bùi Đức Anh, ở Lương Sơn, Hòa Bình, chăm vợ bị u tủy, mổ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ngày 22/9 cho biết: “Vợ tôi đang điều trị hồi phục thì hay tin bên dãy nhà D có ca dương tính với COVID-19, tôi rất hoang mang, vì vợ đã  bệnh nặng nếu không may lây nhiễm thì rất nguy hiểm. May mắn cả hai vợ chồng đều có 2 lần kết quả xét nghiệm âm tính, hôm qua bệnh viện lại tiêm vaccine cho 2 chúng tôi. Bác sĩ bên Việt Đức nói do dịch diễn biến căng thẳng, cần phải giãn cách bớt bệnh nhân, chuyển vợ tôi sang Bệnh viện Thanh Nhàn, chúng tôi chấp hành thôi”.

Theo anh Đức Anh cho biết, vì bệnh của vợ khá nặng, hiện tại anh chưa biết phác đồ điều trị hồi phục bên này thế nào, nên còn lo lắng. 

Theo lãnh đạo Bệnh viện Thanh Nhàn, toàn bộ bệnh nhân và người nhà được chuyển từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sang được bố trí cách ly, điều trị toàn bộ ở tầng 8 và 9. BSCKII Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cho hay: “Ngay từ đêm hôm qua chúng tôi đã tiếp nhận 194 bệnh nhân và 160 người nhà. Các trường hợp chuyển sang đều là những bệnh nhân sau phẫu thuật và một số bệnh nhi. Việc tiếp nhận các bệnh nhân sẽ giúp họ không bị ngắt quãng điều trị. Về phía Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng có thêm quỹ thời gian để tập trung nhân lực khống chế dịch bệnh. Trong ngày hôm nay chúng tôi tiếp tục nhận thêm bệnh nhân và người nhà chuyển sang”.

Điều trị tốt nhất cho bệnh nhân

Gần 1.000 bệnh nhân của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức được chuyển đến 3 bệnh viện: Đại học Y Hà Nội, Đức Giang và Thanh Nhàn đều là những bệnh nhân nặng, sau phẫu thuật, theo lãnh đạo các bệnh viện, đều đảm bảo điều trị tốt nhất cho các bệnh nhân.

 Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn khẳng định: Những bệnh nhân được chuyển sang đã sắp xếp lại theo đúng chuyên khoa, mặt bệnh. Một số bệnh nhân nặng thuộc chuyên khoa phẫu thuật thần kinh, sọ não cũng đã bố trí phòng riêng, oxy, trang thiết bị để đảm bảo điều trị tốt nhất. Bệnh viện đã huy động bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa ngoại thần kinh để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân; đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Các bệnh nhân trước khi chuyển sang đã được bác sĩ cho thuốc và sức khoẻ hiện vẫn ổn. Một số trường hợp cấp cứu, Bệnh viện Thanh Nhàn đảm bảo thuốc điều trị, dịch truyền, oxy, chế phẩm máu..., duy trì chỉ số sinh tồn của người bệnh.

Các bệnh nhân và người nhà đều đã được xét nghiệm âm tính trước khi chuyển sang, nhưng Bệnh viện Thanh Nhàn sẽ tiếp tục làm các xét nghiệm các đối tượng nguy cơ cao để nhanh chóng bóc tách F0 nếu có ra khỏi khu điều trị. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng tuyên truyền cho người nhà hạn chế đi lại, tiếp xúc để tránh nguy cơ lây chéo. Về công tác chuyên môn, đối với bệnh nặng, bệnh viện tiếp tục theo dõi chặt chẽ và giữ kết nối với từng chuyên khoa của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để cùng hội chẩn đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, TS.BS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, tới chiều 5/10, Bệnh viện tiếp nhận 150 bệnh nhân và 150 người nhà từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chuyển sang. Bệnh viện dành 4 tầng (từ tầng 3-7) khu nhà C để điều trị riêng cho các bệnh nhân này. Các bác sĩ tại đây vừa điều trị cho bệnh nhân vừa thực hiện công tác phòng, chống dịch như một khu cách ly điều trị F0.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Thường, 150 bệnh nhân chuyển sang gồm bệnh nhân đã phẫu thuật, bệnh nhân đang đợi phẫu thuật, chủ yếu là các bệnh chấn thương, chấn thương sọ não, cơ xương khớp. Việc trước mắt bệnh viện cần làm là những bệnh nhân đã phẫu thuật thì tiếp tục điều trị, còn bệnh nhân chuẩn bị phẫu thuật nếu có thể trì hoãn được thì trì hoãn, đợi hết thời gian cách ly mới mổ vì nếu trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân phát hiện dương tính thì sẽ rất khó khăn. Song song với đó, bệnh viện thực hiện công tác chống lây lan, chống nhiễm khuẩn, phát hiện sớm F0 để bóc tách ra khỏi khu điều trị.

“Những bệnh nhân chuyển sang đây đều nằm trong tầm điều trị của bệnh viện, nên chúng tôi cố gắng đến mức tối đa để đưa ra các biện pháp điều trị tối ưu cho người bệnh. Những ca bệnh khó chúng tôi sẽ liên hệ với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để trao đổi về công tác chuyên môn”, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết.

Vào buổi làm việc sáng 4/10 với Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Sở Y tế Hà Nội, lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, bệnh viện có 1.054 bệnh nhân, 1.018 người nhà, hơn 1.000 nhân viên y tế đang có mặt trong khuôn viên bệnh viện ở thời điểm xuất hiện ổ dịch đều đã lấy mẫu xét nghiệm 2 lần. Bệnh viện đề xuất được chuyển người bệnh sang 3 cơ sở y tế khác điều trị để làm sạch bệnh viện.

Trần Hằng
.
.