Dự thảo Luật Phí và Lệ phí:

Đưa viện phí, học phí sang cơ chế giá

Thứ Sáu, 11/09/2015, 08:33
Từ 73 loại phí và 42 loại lệ phí được quy định tại Pháp lệnh Phí và Lệ phí, danh mục của Chính phủ đã ban hành lên tới hơn 300 khoản. Tuy nhiên, con số này đã được nâng lên cấp số nhân, khi về tới các địa phương, khiến phí và lệ phí đã lên tới hàng nghìn khoản.

Ngăn chặn lạm thu từ trong luật

Đây là thực tế đang diễn ra mà câu chuyện lạm thu, phí chồng phí đang “hâm nóng” dư luận trong thời gian gần đây. Trong Hội thảo “Một số vấn đề trong dự thảo Luật phí và Lệ phí” ngày 10/9, Phó Giáo sư, Tiến sỹ (PGS. TS) Lê Xuân Trường (Học viện Tài chính) cho biết, hiện danh mục ban hành kèm theo Pháp lệnh Phí và Lệ phí chỉ quy định 73 loại phí và 42 loại lệ phí.

Tuy nhiên, danh mục này được Chính phủ quy định chi tiết thành 171 khoản phí và 130 khoản lệ phí. Như vậy, tổng các khoản phí, lệ phí chỉ riêng Chính phủ ban hành đã lên tới hơn 300 khoản.

Song, khi về tới các địa phương, Hội đồng nhân dân các tỉnh sẽ tiếp tục quy định chi tiết hơn những khoản thu tại từng địa bàn. Điều này, theo ông Trường khiến các khoản phí, lệ phí thực tế có thể lên tới hàng nghìn. Điểm đáng nói đó là ngay cả cơ quan quản lý là Bộ Tài chính cũng không biết các địa phương có các khoản thu gì.

Viện phí và học phí sẽ được bỏ để thực hiện theo cơ chế giá.

Bởi vậy, PGS. TS Trường đã phải đặt ra câu hỏi: “Tại sao các khoản thu lại được đặt ra dễ như thế?”. Theo ông Trường, một phần nguyên nhân xuất phát từ việc đa số người dân chưa hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình. “Các khoản phí, lệ phí phải được Hội đồng nhân dân thông qua, nhưng thực tế khi nộp tiền, không mấy người người dân hỏi các khoản đó đã được thông qua tại quyết định nào. Điều này dẫn tới lạm thu”. ông Lê Xuân Trường nói. Trước thực trạng này, Bộ Tài chính đang rà soát các khoản thu, yêu cầu địa phương thống kê, báo cáo chi tiết để “ngăn chặn” ngay trong luật.

Đề xuất bỏ nhiều loại phí

Đánh giá kết quả phân tích tác động một số vấn đề chính sách trong dự thảo Luật Phí và Lệ phí, dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII sắp tới, PGS. TS. Lê Xuân Trường cho rằng, điểm nổi bật của Luật Phí và Lệ phí so với Pháp lệnh Phí và Lệ phí là xác định cụ thể về danh mục phí và lệ phí.

Theo đó, dự thảo luật đã bãi bỏ một số khoản phí để chuyển sang thực hiện cơ chế giá dịch vụ theo quy luật thị trường đối với các dịch vụ không phải do cơ quan Nhà nước thực hiện, mà do các tổ chức, cá nhân ngoài Nhà nước thực hiện. Trên cơ sở kế thừa danh mục phí và lệ phí của Pháp lệnh, Dự thảo Luật Phí và Lệ phí đề xuất danh mục phí gồm 51 khoản (36 khoản kế thừa, bổ sung thêm 15 khoản); danh mục lệ phí gồm 39 khoản (kế thừa 30, bổ sung 9 khoản).

Trong đó, một số loại phí và lệ phí được loại bỏ là: Học phí, viện phí, phí qua đò, qua phà, phí hoa tiêu, dẫn đường; phí kiểm định phương tiện vận tải; phí đường bộ qua trạm thu BOT… Về số lượng, dự thảo luật mới đang được Quốc hội cho ý kiến và chuẩn bị thông qua giảm 22 khoản phí và 3 khoản lệ phí.

Phân tích về Dự thảo Luật phí và Lệ phí, PGS. TS. Lê Xuân Trường cho rằng, việc chuyển đổi này hướng đến thúc đẩy xã hội hoá trong cung cấp dịch vụ, giảm bao cấp của Nhà nước. Điều này sẽ hướng đến nguồn lực của xã hội để đầu tư cung cấp dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo sự sẵn có của những dịch vụ mà không nhất thiết Nhà nước phải là người cung cấp, đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập theo hướng “ai hưởng người đó trả tiền”.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật phí và Lệ phí sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý đầy đủ và toàn diện, để điều chỉnh các mối quan hệ về thu ngân sách trong cung cấp và sử dụng dịch vụ công; khắc phục triệt để tình trạng tuỳ tiện, tự phát trong tổ chức thu phí, lệ phí.

Theo PGS. TS Lê Xuân Trường, trong danh mục, phí và lệ phí hiện đã loại bỏ được 19 loại phí có tính chất giá dịch vụ ra khỏi danh mục nhưng còn 51 khoản khác nhau trong đó có những khoản cần nghiên cứu thêm để đáp ứng nguyên tắc. Đã loại bỏ 3 loại lệ phí nhưng còn danh mục 39 khoản lệ phí. Vì vậy, một số khoản chưa phù hợp hoặc trùng lặp sẽ gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, TS. Trường đề nghị nên bỏ khỏi danh mục khoản “Lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất” vì đã có “Lệ phí trước bạ” có tính chất thu này. Bên cạnh đó, PGS. TS Lê Xuân Trường cũng đề nghị nên bỏ lệ phí phân bổ kho số viễn thông, tài nguyên Internet vì đã có phí cấp tên miền địa chỉ sử dụng Internet, phí sử dụng kho số viễn thông và phí hoạt động viễn thông. Việc bỏ khoản lệ phí này sẽ giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp và dân cư. Ngược lại, đề xuất đưa học phí sang cơ chế giá dịch vụ như trong dự thảo cần bàn bạc thêm.

Theo PGS. TS Lê Xuân Trường, cơ chế giá với bậc đại học là phù hợp nhưng với cấp phổ thông việc này hoàn toàn không ổn, cần cân nhắc lại. Ông đề xuất nên giữ lại học phí cấp bậc phổ thông trong danh mục phí, lệ phí và chỉ chuyển sang cơ chế giá với riêng bậc đại học. Điều này sẽ đảm bảo quyền được học hành của trẻ em, thúc đẩy phổ cập giáo dục phổ thông, đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó, nên bổ sung lệ phí quản lý kinh doanh thay thế cho thuế môn bài để đảm bảo phản ánh đúng bản chất khoản thu, để doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể hiểu và thực hiện chính sách tốt hơn…

Thúy - Hiệp
.
.