Hà Nội đã qua đỉnh dịch

Thứ Bảy, 26/03/2022, 07:55

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội yêu cầu các địa phương, Công an TP, Sở Y tế tiếp tục kiểm tra công tác phòng chống dịch, đặc biệt kiểm tra, xử lý hành vi đầu cơ tăng giá thuốc, vật tư y tế hỗ trợ, điều trị COVID-19, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Sáng 25/3, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Hà Nội đã tổ chức họp giao ban trực tuyến với các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, trong kỳ báo cáo (từ ngày 18 đến 24/3), trên địa bàn TP Hà Nội ghi nhận 123.134 ca mắc, 28 trường hợp tử vong; trung bình ghi nhận 17.591 ca bệnh/ngày, giảm 39,3% so với kỳ báo cáo trước.

Theo nhận định của Sở Y tế, TP Hà Nội đã bước qua đỉnh dịch, tuy nhiên không được phép chủ quan mà cần tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch và theo dõi diễn biến trong thời gian tới. Do số ca mắc F0 trên thực tế vẫn cao, nên Sở Y tế đề nghị các địa phương tập trung vào các mục tiêu cốt lõi của hoạt động phòng, chống dịch như kiểm soát chuyển tầng, tỷ lệ tử vong, chuyển nặng; đảm bảo số mắc không vượt quá năng lực tiếp nhận của hệ thống; đồng thời chủ động thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. 

Đến nay, tổng số mũi vaccine mà TP Hà Nội đã tiêm được là 16.351.353 mũi. Trong đó, tổng số mũi bổ sung đã tiêm được là 242.817 mũi; tổng số mũi nhắc lại đã tiêm là 3.898.042 mũi. Hiện nay, TP đang quản lý, điều trị cho 264.820 bệnh nhân ở tầng 1 (nhẹ, không triệu chứng), tỷ lệ 99,34%; 1.404 bệnh nhân ở tầng 2 (triệu chứng trung bình), tỷ lệ 0,53%; 345 bệnh nhân ở tầng 3 (nặng, nguy kịch), tỷ lệ 0,13%.

Hà Nội đã qua đỉnh dịch -0
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội yêu cầu xử lý hành vi đầu cơ tăng giá thuốc, vật tư y tế hỗ trợ, điều trị COVID-19. (Ảnh minh hoạ)

Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Lưu Hoa cho biết, đến nay công tác phòng, chống dịch tại các trường đã đi vào nền nếp, đảm bảo yêu cầu của ngành Y tế và ngành Giáo dục. Số cán bộ giáo viên, học sinh có yếu tố dịch tễ tiếp tục giảm; số học sinh đi học trực tiếp tăng lên nhiều. Thông tin về phần mềm liên thông hỗ trợ thủ tục hành chính cho các bệnh nhân F0 điều trị tại nhà, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Tiến Sỹ cho biết, đến nay các phiếu mẫu gồm: Phiếu xét nghiệm, đơn thuốc ngoại trú, giấy xác nhận hoàn thành điều trị, giấy xác nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đã được đơn vị phát triển phần mềm hoàn thành.

Trong hai ngày 23 và 24/3, Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội TP, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế để chuẩn bị triển khai thực hiện giai đoạn I trong thời gian tới. Còn đại diện Bảo hiểm xã hội TP cho biết, tuần qua đơn vị tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan để giải quyết hơn 61.000 lượt lao động bị F0 đến giải quyết chế độ nghỉ ốm, trong đó giải quyết hơn 49.000 lượt người với hơn 59 tỷ đồng, số còn lại chưa giải quyết được do thiếu hồ sơ.

Đối với vấn đề cho học sinh đi học trở lại, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên cập nhật văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo để có hướng dẫn cụ thể các địa phương chủ động hơn nữa trong công tác bảo đảm phòng, chống dịch cho học sinh từ lớp 7 đến 12 học trực tiếp tại trường.

Về việc tổ chức bán trú cho học sinh, TP thống nhất chủ trương, giao Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét bảo đảm phù hợp tình hình thực tế trong công tác phòng chống dịch hiện nay và điều kiện cụ thể của từng địa phương, trường, lớp, được sự đồng thuận của gia đình, phụ huynh học sinh. Liên quan tới việc ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai phần mềm hỗ trợ F0, Phó Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn, sớm triển khai thuận lợi cho người dân. Công an TP, Sở Y tế tiếp tục kiểm tra công tác phòng chống dịch, đặc biệt kiểm tra, xử lý hành vi đầu cơ tăng giá thuốc, vật tư y tế hỗ trợ, điều trị COVID-19, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Ngọc Yến
.
.