Hà Nội ghi nhận ca nhiễm viêm não Nhật Bản thứ 2 là một bé trai

Thứ Hai, 16/10/2023, 17:54

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, Thủ đô vừa ghi nhận thêm một ca viêm não Nhật Bản là bé trai 8 tuổi ở huyện Chương Mỹ.

Ngày 16/10, CDC Hà Nội cho biết, bé trai xuất hiện triệu chứng sốt cao, co giật, nôn, lơ mơ từ ngày 18/9. Bé được đưa vào cơ sở y tế điều trị, đến ngày 19/9 chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Kết quả xét nghiệm ngày 29/9 cho thấy, bé trai dương tính với virus viêm não Nhật Bản.

Hà Nội ghi nhận ca nhiễm viêm não Nhật Bản thứ hai -0
Tiêm phòng vaccine viêm não Nhật Bản cho trẻ đủ mũi, đúng lịch để phòng bệnh.

Trước đó, Hà Nội đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản là một bé trai 5 tuổi ở huyện Phúc Thọ.

Như vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, Thủ đô đã có 2 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản (giảm 50% so với cùng kỳ năm 2022).

Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong lên đến 30% cùng với di chứng vĩnh viễn như: Rối loạn tâm thần, liệt, rối loạn ngôn ngữ, co giật, động kinh, nằm liệt giường… ở một nửa số người sống sót.

TS.BS Nguyễn Văn Lâm – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, triệu chứng đầu tiên của bệnh thường bao gồm: sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn. Ngoài ra, có thể có các biểu hiện của nhiễm virus nói chung như mệt mỏi, ớn lạnh.

Những trường hợp bệnh nặng có thể có các biểu hiện: co giật, giảm khả năng nhận thức (trẻ thay đổi tính nết, la hét, kích động hoặc sững sờ, không nhận ra bố mẹ, nói nhảm, hôn mê); rối loạn vận động như liệt tay, chân hoặc nửa người, co cứng, xoắn vặn.

Theo bác sĩ, cách phòng tránh bệnh viêm não Nhật Bản hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng bệnh. Vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản hiện nay đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước. Tiêm mũi 1 khi trẻ đủ 12 tháng; mũi 2 tiêm 1-2 tuần sau mũi 1; mũi 3 tiêm 1 năm sau mũi 2. Sau đó nhắc lại 3 – 5 năm một lần đến khi trẻ đủ 15 tuổi.

Trần Hằng
.
.