Hà Nội phát hiện thêm 1 tuýp virus gây bệnh sốt xuất huyết

Thứ Ba, 21/11/2023, 17:24

Qua giám sát dịch tễ, Hà Nội phát hiện thêm 1 tuýp gây bệnh sốt xuất huyết là D3. Số ca mắc sốt xuất huyết tại Thủ đô trong tuần qua đã giảm so với cuối tháng 10, đầu tháng 11.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, ngoài 2 tuýp virus Dengue lưu hành chủ yếu ở Thủ đô là D1 và D2, kết quả giám sát mới đây cho thấy, Hà Nội ghi nhận thêm tuýp D3 gây bệnh sốt xuất huyết.

Dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội năm nay tăng cao hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Nếu như cuối tháng 10 và đầu tháng 11, Thủ đô ghi nhận trên 2.600 ca mắc sốt xuất huyết/tuần, thì theo báo cáo của CDC, trong tuần qua (từ ngày 10 đến 17/11), Hà Nội ghi nhận 2.476 trường hợp mắc sốt xuất huyết.

Ngoài ra, trong tuần qua Thủ đô ghi nhận 69 ổ dịch tại 18 quận, huyện, thị xã, giảm 10 ổ dịch so với tuần trước đó. 

Hà Nội phát hiện thêm 1 tuýp gây bệnh sốt xuất huyết -0
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đang khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết nặng.

Đáng lưu ý, ngoài 2 tuýp virus Dengue lưu hành chủ yếu là D1 và D2, kết quả giám sát mới đây cho thấy, Hà Nội ghi nhận thêm tuýp D3 gây bệnh sốt xuất huyết.

Theo CDC Hà Nội, kết quả giám sát tuýp virus Dengue lưu hành năm 2023 có 14 mẫu dương tính với D1, 17 mẫu dương tính D2, 1 mẫu dương tính D3.

Theo các chuyên gia dịch tễ, ở nước ta, hiện có 4 tuýp virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết được ký hiệu là D1, D2, D3 và D4. Do đó, một người có thể mắc đến 4 lần sốt xuất huyết trong đời và lần hai thường nặng hơn lần đầu.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong sốt xuất huyết, không sợ xuất huyết (tiểu cầu thấp), mà chỉ sợ cô đặc máu (Hematocrit (Hct) cao). Nhiều bệnh nhân bị sốt Dengue gọi điện cho bác sĩ cầu cứu nhập viện vì lo sợ tiểu cầu tụt thấp, hoặc đề nghị cho truyền tiểu cầu.

Tuy nhiên, trong công thức máu, chỉ số Hct mới quan trọng để phản ánh mức độ cô đặc máu. Nếu Hct tăng thì có nguy cơ thoát huyết tương, cô đặc máu có thể dẫn đến sốc giảm thể tích.

PGS Cường cho biết, nếu qua ngày thứ 5-6 mà không có cô đặc máu, không chảy máu, thể trạng tỉnh táo thì dù tiểu cầu thấp thế nào cũng không cần phải truyền tiểu cầu, nên cho bệnh nhân xuất viện, theo dõi tại nhà, tránh quá tải bệnh viện. 

PGS Cường cũng cho biết thêm, nhiều bệnh nhân bị sốt xuất huyết Dengue từ ngày thứ 5-6 trở đi xuất hiện hiện tượng ngứa 2 lòng bàn tay, bàn chân, thậm chí ngứa râm ran khắp người, 2 bàn tay, bàn chân đỏ ửng...Tình trạng ngứa nhiều khiến người bệnh mất ăn, ngủ mất, càng gãi càng ngứa tới mức không chịu nổi…

"Đây là điều rất bình thường và khá phổ biến của bệnh sốt xuất huyết. Khi xuất hiện hiện tượng này có nghĩa là người bệnh đã ở giai đoạn hồi phục và sắp khỏi bệnh. Vì vậy, chỉ cần uống thuốc kháng histamin như Aerius 5mg ngày 1 viên, sau 2-3 ngày là sẽ khỏi bệnh", PGS Cường cho biết.

Trần Hằng
.
.