Hãi hùng thói quen ăn thực phẩm sống, tái

Thứ Bảy, 29/07/2023, 07:59

Thói quen ăn thịt bò tái, thịt trâu tái, gỏi cá chích, uống tiết cá… khiến nhiều người phải nhập viện. Nhiều người đi bệnh viện không tìm ra căn nguyên, tới khi nhìn thấy "vật thể lạ" dài tới 6m chui ra khỏi cơ thể mới hãi hùng biết mình bị nhiễm sán. Theo các bác sĩ Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương), sán dây bò, sán lá gan nhỏ có thể tồn tại trong cơ thể người 25 năm, chiều dài của sán dây bò trưởng thành lên tới 4 - 12m, mỗi đốt già khi rụng ra ngoài có khoảng 50.000 trứng sán bên trong.

Quen ăn phở bò tái - nhiễm sán dài 6m

Tới Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, chúng tôi gặp nhiều bệnh nhân đang điều trị sán tại đây. Thường xuyên ăn phở bò tái vì cho rằng sẽ ngọt và bổ hơn thịt bò chín, nữ bệnh nhân N.T.H (25 tuổi, Hà Nội) hốt hoảng một ngày phát hiện ở đồ lót của mình có vật thể lạ giống những đoạn dây trắng có hình xơ mít chuyển động, ngọ nguậy. Sợ hãi khi cô nhìn những vật thể lạ này bò ra từ hậu môn. Sau đó, cô xem xét kỹ thì thấy những đốt sán này có cả ở trong phân. Không dám chia sẻ với ai, cô gái lên mạng tìm hiểu và nghi ngờ mình đã bị nhiễm sán. Cô tới Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thăm khám.

Tại đây, các bác sĩ đã cho bệnh nhân xét nghiệm phân thì tìm thấy cả sán và trứng sán dây. Sau đó, cô được uống thuốc xổ và xổ ra con sán dài 6m. Được chẩn đoán nhiễm sán dây bò do thói quen ăn thịt bò tái, nữ bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc điều trị sán dây trưởng thành. Nữ bệnh nhân cho biết, ngoài ăn phở bò tái thường xuyên, thì cô cũng có thói quen ăn lẩu bò, nhiều khi thịt bò không được nhúng chín kỹ đã ăn.

Hãi hùng thói quen ăn thực phẩm sống, tái -0
Sán dây bò dài 6m lấy ra từ cơ thể nữ bệnh nhân H. 25 tuổi.

Trường hợp khác phải điều trị sán dây bò là nam bệnh nhân T.M.T (40 tuổi, Hải Phòng) gần đây xuất hiện triệu chứng đau bụng âm ỉ vùng quanh rốn kèm theo cảm giác khó chịu ở vùng hậu môn. Nam bệnh nhân cho biết, anh có thói quen hay ăn thịt tái vì có cảm giác thịt ngọt, ngon và bổ dưỡng hơn. Không riêng thịt bò mà thịt lợn khi luộc, anh T thích ăn khi thịt còn giữ lại màu hồng bên trong. Bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhân các xét nghiệm và hướng dẫn lấy mẫu bệnh phẩm đốt sán. Kết quả, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm sán dây trưởng thành.

Tại Khoa khám bệnh từng có nam bệnh nhân đến khám với triệu chứng ngứa vùng hậu môn, trước đó xuất hiện những đốt trắng ở quần. Anh này cho biết thường xuyên ăn bò bít tết 6 phần chín, các bác sĩ nghi ngờ nhiễm sán nên đã cho làm xét nghiệm. Kết quả nhiễm sán dây bò.

Ngoài ăn thịt bò, thịt trâu tái nhiễm sán dây bò, tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhiễm sán lá gan nhỏ do ăn gỏi cá, cá chưa nấu chín. Nhiều người có thói quen ăn gỏi cá, thậm chí một số người ăn trực tiếp cá vừa đánh bắt lên với rau sống, rau thơm. Có người đi du lịch ở phía Nam, ăn gỏi cá về một thời gian thì xuất hiện đau bụng kéo dài, mệt mỏi, chán ăn đi khám và đã bị nhiễm sán lá gan nhỏ.

Điều kiện sống cao, nhưng số người nhiễm sán lại gia tăng

Theo PGS.TS. Đỗ Trung Dũng - Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, thời gian gần đây, tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ - trực thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương tiếp nhận nhiều bệnh nhân tới khám các bệnh liên quan tới ký sinh trùng dù hiện nay, điều kiện sống, vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường đã được cải thiện hơn trước đây khá nhiều. Do nhu cầu của người dân khám các bệnh ký sinh trùng tăng cao, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ hoạt động cả thứ 7 phục vụ người dân.

Trưởng Khoa Ký sinh trùng cũng cho biết, có 2 loại sán dây thường gặp đó là sán dây lợn và sán dây bò. Bệnh nhân bị nhiễm sán dây bò thi thoảng sẽ thấy đốt sán bò ra ngoài qua đường hậu môn hoặc theo phân ra ngoài. Bệnh sán dây trưởng thành phân bố rải rác nhiều nơi trên toàn quốc, tỷ lệ nhiễm dao động từ 0,5-12%; trong đó, tỷ lệ nhiễm sán dây bò là chủ yếu chiếm 70-80%, sán dây lợn chiếm tỷ lệ thấp 10-20%. Sán dây thường dài từ 2 - 4m, có khi tới 8 - 10m. Trong số những người đến khám bệnh, có khoảng 20% - 30% bệnh nhân bị các bệnh giun sán như sán lá gan, sán dây lợn, sán dây bò. Sán dây trưởng thành ký sinh trong cơ thể người sẽ phát triển dần bằng cách nẩy chồi, sinh đốt mới từ cổ, tạo ra hàng nghìn đốt sán mới. "Những con sán này sống nhiều năm trong cơ thể người và có thể tồn tại lên tới 25 năm. Chiều dài của sán dây bò trưởng thành lên tới 4 - 12m. Mỗi đốt già khi rụng ra ngoài có khoảng 50.000 trứng sán bên trong", PGS Dũng cho biết.

PGS Dũng giải thích thêm: Đốt sán già chui ra khỏi hậu môn người, vỡ ra và giải phóng hàng trăm ngàn trứng sán ra môi trường. Trâu, bò ăn phải trứng sán từ môi trường, trứng sán vào ruột nở ra ấu trùng và ấu trùng xâm nhập vào hệ tuần hoàn để về tim. Ấu trùng theo máu đi đến các cơ vân để hình thành nang ấu trùng ở bắp cơ của trâu, bò và thường được gọi là "bò gạo". Khi mua thịt trâu, bò, người dân chú ý miếng thịt, nếu thấy trên cơ vân có nang ấu trùng thì không nên ăn.

Nguyên nhân khiến nhiều người nhiễm sán là do không bỏ được thói quen thích ăn thực phẩm tái, sống, chưa được nấu chín. Những người nhiễm sán dây bò là do thói quen ăn thịt bò có nhiễm nang sán chưa được nấu chín. Ăn lẩu bò hoặc phở bò, nước lẩu không đủ sôi, thịt chưa chín kỹ cũng sẽ là nguyên nhân dẫn tới sán vào cơ thể. Các món bò tái cuốn lá cải, bò tái chanh… đều không tiêu diệt được sán bởi nước chanh sẽ không giúp diệt ấu trùng sán bên trong thịt.

"Sán lá gan nhỏ có thể sống trong cơ thể người đến 25 năm, chúng sống trong gan, gây sỏi mật dẫn đến xơ gan, xơ hoá đường mật. Sán lá gan nhỏ sau nhiều năm tồn tại trong gan có thể gây ung thư đường mật dẫn đến tử vong", PGS Dũng nhấn mạnh.

Vì vậy, theo khuyến cáo của chuyên gia, ăn cá sống, cá chưa nấu chín, thịt trâu bò tái rất dễ mắc sán. Thường chỉ có 1 con sán trong một người, từ khi xâm nhập cần khoảng 3 tháng để phát triển thành con sán trưởng thành. Đây là bệnh rất dễ mắc phải do thói quen trong ăn uống, sinh hoạt. Người bệnh nhiễm sán sẽ có triệu chứng như rối loạn tiêu hóa, đau bụng âm ỉ, kéo dài, đường ruột thường xuyên có cảm giác khó chịu, bứt rứt, gầy sút. Để phòng bệnh người dân nên bỏ thói quen ăn đồ tái, sống, mà phải ăn chín, uống sôi và nên tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần.

Trần Hằng
.
.