Hàng loạt trang thiết bị do Công ty AIC cung cấp “trùm mền”

Thứ Hai, 11/03/2024, 06:54

Năm 2014, Sở Y tế Đắk Lắk ký hợp đồng với Công ty CP Tiến Bộ quốc tế (Công ty AIC) mua thiết bị thực hiện dự án trạm xử lý nước thải, rác thải thuộc dự án Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Theo hợp đồng ký kết, Công ty AIC cung ứng cho Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên một thiết bị hấp rác thải y tế trị giá hơn 8 tỷ đồng của hãng Matachana (Tây Ban Nha), có công suất 45kg đến 75kg/giờ. Đơn vị giám sát dự án là Công ty TNHH Tư vấn xây dựng 4, đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty TNHH MTV Tư vấn thiết kế và đầu tư xây dựng - Bộ Quốc phòng. Tháng 10/2015, dựa trên cơ sở tham mưu của Sở Tài chính, UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý thay đổi thiết bị của hãng Matachana bằng thiết bị khác có cấu hình tương đương. Lý do được đưa ra là nhà máy ở Tây Ban Nha không còn sản xuất thiết bị này nữa. Đến tháng 8/2018, ông Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế (thời điểm đó, nay đã bị xử lý hình sự) cùng các đơn vị liên quan tiến hành nghiệm thu, bàn giao công trình đưa vào sử dụng.

hang_loat_2-1710114947768.jpg
Dư án trạm xử lý nước thải, rác thải thuộc dự án Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên bị đắp chiếu trong nhiều năm qua.

Theo đánh giá của Sở Y tế và các cơ quan chức năng liên quan tỉnh Đắk Lắk thời điểm đó cho rằng: “Công trình hoàn thành đạt tiến độ, đáp ứng được yêu cầu chất lượng; tuân thủ các yêu cầu của hồ sơ thiết kế, các tiêu chuẩn, quy phạm hiện hành, đủ điều kiện để nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng. Thời gian bảo hành công trình được tính từ ngày Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên chính thức đi vào hoạt động (năm 2019-PV)”.

Tuy nhiên, từ lúc nghiệm thu, bàn giao đến nay, thiết bị xử lý rác thải y tế này chưa một lần được đưa vào sử dụng. Nguyên nhân được xác định là thiết bị xử lý rác thải y tế do Công ty AIC cung cấp có công suất nhỏ, lại chỉ có một chức năng duy nhất là hấp, không có chỗ tập kết rác. Địa điểm xây dựng lại nằm gần khu kiểm soát nhiễm khuẩn, không có hướng dẫn sử dụng… nên không đáp ứng yêu cầu xử lý rác thải y tế ở bệnh viện. Trong khi đó, nhu cầu thiết bị ở Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên là phải có các công đoạn hấp tiệt trùng, sau đó đưa vào máy nghiền, ép thành từng bánh… phải đảm bảo đủ điều kiện để thải ra môi trường nên công trình này đành phải “đắp chiếu” từ đó đến nay.

Một công trình khác cũng lâm vào tình cảnh “đắp chiếu” tương tự là dự án hệ thống xử lý nước thải và rác thải tại Trung tâm giáo dục lao động, xã hội tỉnh Đắk Lắk (năm 2017 đã đổi thành Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh Đắk Lắk).

Theo đó, năm 2013, UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý đầu tư dự án với tổng mức đầu tư gần 10 tỷ đồng, trong đó, hệ thống đốt rác thải y tế có tổng mức đầu tư gần 2 tỷ đồng (riêng thiết bị máy là 1,6 tỷ đồng). Còn lại là hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đơn vị trúng thầu là Công ty AIC. Đại diện chủ đầu tư là ông Đỗ Văn Phong, Giám đốc Trung tâm giáo dục lao động, xã hội tỉnh Đắk Lắk (đã nghỉ hưu từ năm 2016-PV). Năm 2014, công trình chính thức được bàn giao đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đã gần 10 năm nay, lò đốt rác thải y tế này chưa một lần được đưa vào sử dụng, do không phù hợp với nhu cầu của cơ sở.

Theo ghi nhận, thiết bị xử lý rác thải y tế nêu trên được xây dựng trong căn nhà rộng chưa đến 10m2. Lãnh đạo Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh Đắk Lắk cho hay, căn nhà này có giá trị đầu tư khoảng 400 triệu đồng. Bên trong căn nhà có một lò đốt rác thải hiệu Chuwarsta (Nhật Bản). Nhiều thiết bị do lâu ngày không sử dụng, cũng như không được bảo quản đã có dấu hiệu gỉ sét, xuống cấp nghiêm trọng.

Lý giải nguyên nhân vì sao chọn thiết bị đốt rác bị “đắp chiếu” suốt thời gian dài không sử dụng, lãnh đạo Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh Đắk Lắk cho rằng, khi lập dự án, đơn vị đã “ngộ nhận”, tưởng rằng đây là hệ thống đốt rác nói chung. Nhưng khi đi vào sử dụng thực tế thì mới biết, đây là đốt rác thải y tế...

Đây chỉ là 2 trong tổng số 59 trang thiết bị được UBND tỉnh Đắk Lắk mua từ Công ty AIC để cung ứng cho nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh với tổng trị giá hàng trăm tỷ đồng. Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Đắk Lắk, qua thanh tra, kiểm tra 44/59 thiết bị của dự án do Công ty AIC cung cấp, chỉ có 6/44 thiết bị đúng nhãn mác, 22/44 thiết bị không đúng nhãn mác, 12/44 thiết bị không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, 1 thiết bị chưa được lắp đặt và phụ tùng kèm theo cho một trạm thiếu đồng bộ. Và phần lớn những trang thiết bị này đều không phát huy hiệu quả hoặc bị “đắp chiếu” không sử dụng đến. gây lãng phí tiền Nhà nước.

Theo một lãnh đạo Thanh tra tỉnh Đắk Lắk, trước những sai phạm liên qua đến các gói thầu do Công ty AIC cung cấp, hiện đơn vị đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho Công an tỉnh để chỉ đạo cơ quan chức năng xác minh, điều tra làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định.

Văn Thành
.
.