Lợi ích của bệnh án điện tử, vì sao triển khai còn chậm?

Thứ Ba, 10/01/2023, 07:34

Theo thống kê, đến nay mới có 20% bệnh viện hạng I triển khai bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy. Ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh là mục tiêu mà ngành y tế hướng đến, rút ngắn thời gian chờ đợi cho bệnh nhân, đặc biệt đang triển khai khám, chữa bệnh bằng CCCD thay thế thẻ BHYT. Cả nước có khoảng 13.000 cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có 135 bệnh viện hạng I, nhưng đến nay mới có khoảng 37 bệnh viện triển khai.

Nhiều nơi chưa triển khai

Đến Bệnh viện Tim Hà Nội vào ngày 6/1, chúng tôi ghi nhận sự quá tải tại khu vực đăng ký chờ khám bệnh. Khoảng 10h sáng, số khám đã lên tới hơn 300, tại khu vực chờ lấy máu xét nghiệm, bệnh nhân đông nghẹt; các cửa nộp viện phí, thanh toán viện phí BHYT xếp hàng dài.

Anh Bùi Minh Hải, khám chữa bệnh BHYT ở đây cho biết: “Mỗi lần tôi đi khám đều mất một ngày, đa số sáng khám, chiều lấy kết quả vì quá đông. Nếu triển khai bệnh án điện tử thì sẽ rút ngắn được thời gian chờ đợi và làm các thủ tục của người bệnh”.

Tương tự, tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chị Phạm Thị Hồng (Đống Đa) đi khám thai ở tuần 16 cho biết: “Cách đây 5 năm, khi sinh đứa con thứ nhất, mỗi lần xuống đây khám tôi phải đem theo tất cả các phiếu siêu âm cũ, sổ khám bệnh, kết quả xét nghiệm… Nếu như triển khai bệnh án điện tử mà kịp lần sinh này thì tôi không phải đem theo giấy tờ, rất tiện lợi”.

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là 1 trong 7 bệnh viện hạng I nằm trong kế hoạch triển khai bệnh án điện tử giai đoạn 2019-2020 của Sở Y tế Hà Nội theo lộ trình triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy của Bộ Y tế.

Lợi ích của bệnh án điện tử, vì sao triển khai còn chậm? -0
Cần đẩy nhanh triển khai bệnh án điện tử ở các bệnh viện hạng I để mang lại tiện ích cho người bệnh và bệnh viện.

Theo GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, hơn 2 năm qua, bệnh viện đã đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, vật tư cần thiết, chỉnh sửa phần mềm để tích hợp các hệ thống như: Hệ thống quản lý bệnh viện; hệ thống quản lý thông tin phòng xét nghiệm; hệ thống lưu trữ và thu nhận hình ảnh…để triển khai bệnh án điện tử trong khám chữa bệnh. Hiện nay, việc triển khai bệnh án điện tử được sử dụng thống nhất, liên kết với các khoa, phòng trong bệnh viện, bệnh nhân được quản lý bằng mã số. Thông tin các lần khám chữa bệnh của bệnh nhân đều được số hoá, lưu trữ một cách khoa học. Việc áp dụng bệnh án điện tử giúp mọi dữ liệu dễ dàng liên thông, nhất là giúp bác sĩ hội chẩn tức thì mọi nơi, mọi lúc, tiết kiệm diện tích, không gian lưu giữ hồ sơ. Đặc biệt, người bệnh không cần phải lưu trữ tất cả các loại giấy tờ khi đi khám chữa bệnh.

Theo thống kê, Phú Thọ là địa phương dẫn đầu có nhiều bệnh viện triển khai bệnh án điện tử nhất. Trong chuyến công tác tại Bệnh viện Trung ương Huế vừa qua, khi chúng tôi đề cập tới việc triển khai bệnh án điện tử, lãnh đạo bệnh viện cho biết, bệnh viện đã được triển khai bệnh án điện tử thuận lợi, rút ngắn thời gian chờ đợi cho người bệnh, giúp bác sĩ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tốt hơn. Lợi ích của bệnh án điện tử là giảm thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và dịch vụ khám, chữa bệnh.

Tiện ích thì đã rõ, nhưng theo PGS.TS Trần Quý Tường, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), Chủ tịch Hội Tin học y tế Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Nhưng đến nay, mới chỉ có 37/135 bệnh viện hạng I triển khai, đạt 20%, trong đó hầu hết là các bệnh viện địa phương và tư nhân, bệnh viện tuyến Trung ương còn rất ít. Ông Tường cũng nhấn mạnh: “Theo thông tư 46, yêu cầu đặt ra, hết năm 2023 triển khai bệnh án điện tử ở tất cả các bệnh viện tuyến Trung ương là không khả thi”.

Sớm tháo gỡ những điểm nghẽn

Tiện lợi và ưu việt, tuy nhiên triển khai bệnh án điện tử hiện vẫn còn chậm, vì sao lại có hiện tượng này? Theo ông Tường, đến thời điểm này, nhiều giám đốc bệnh viện vẫn chưa hiểu hết bệnh án điện tử là gì, có thay thế được bệnh án giấy hay không, thậm chí còn chưa biết tới Thông tư 46 của Bộ Y tế. Chính vì điều này mà nhiều bệnh viện còn chậm triển khai.

Theo Thông tư 46 yêu cầu, năm 2023 phải triển khai xong bệnh án điện tử ở tất cả các bệnh viện hạng I, mặc dù khó thực hiện được trong năm nay, nhưng không thể chần chừ với những bước đi chậm chạp, mà phải đẩy nhanh quá trình thực hiện. Để làm được điều này, theo Chủ tịch Hội Tin học y tế Việt Nam, cần phải giải quyết được 3 vấn đề. Thứ nhất, lãnh đạo các cơ sở y tế phải quan tâm sâu sát đến số hoá, chuyển đổi số y tế. Hai là cần có cơ chế chính sách, đặc biệt là cơ chế tài chính cho chuyển đổi số. Thứ ba cần có phần mềm bệnh án điện tử hoàn thiện, tuy các công ty Việt Nam đã triển khai được các phần mềm này, nhưng nhiều cơ sở y tế còn lúng túng sử dụng phần mềm nào trên thị trường.

Bên cạnh đó, để triển khai được bệnh án điện tử, cần phải có chữ ký số. Ông Tường cũng nhấn mạnh, nếu bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, bỏ được bệnh án giấy thì coi như chuyển đổi số thành công đến 70%; 30% còn lại đến từ việc ứng dụng thêm các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ cao…

Trong thời gian tới, để triển khai bệnh án điện tử tại tất cả các cơ sở y tế, ông Tường kiến nghị Bộ Y tế cần khẩn trương hoàn thiện cơ chế chính sách, đặc biệt xây dựng cơ chế tài chính cho ứng dụng công nghệ thông tin, định giá công nghệ thông tin trong giá thành dịch vụ y tế, xác định giá phần mềm lưu trữ và chuyển tải hình ảnh để đẩy mạnh phần mềm PACS trong bệnh viện. Bộ Y tế cần cơ chế khen và xử phạt các bệnh viện không triển khai chuyển đổi số. Nếu thời gian tới khi có Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, những điểm nghẽn trong chuyển đổi số sẽ được tháo gỡ.

Trần Hằng
.
.