Nghỉ lễ nhưng không quên phòng dịch COVID -19

Thứ Bảy, 29/04/2023, 07:44

Dịch COVID-19 tiếp tục gia tăng trong những ngày vừa qua, tăng ca thở oxy, thở máy và đã ghi nhận 2 ca tử vong sau 4 tháng không có ca nào, trong đó có trường hợp chưa tiêm vaccine dù có bệnh nền. Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và Giỗ Tổ Hùng Vương kéo dài 5 ngày với nhiều hoạt động du lịch, văn hoá, tăng sự đi lại và tập trung đông người, là nguy cơ lây lan nhanh COVID-19.

Tăng bệnh nhân nhập viện

Từ tháng 4 đến nay, bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện đã gia tăng, trong đó nhiều ca nặng phải chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Nếu như thời điểm tháng 1/2023, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chỉ tiếp nhận và điều trị 20 ca, thì tháng 3 tăng lên 45 ca và từ đầu tháng 4 đến nay đã tăng lên. Trong tuần đầu tiên tháng 4 là 47 ca, tuần 2 tăng lên 85 ca, tuần 3 tăng lên 146 ca, trong đó có 21 ca có dấu hiệu chuyển nặng. Các bệnh nhân nặng hầu hết là người trên 70 tuổi, đa phần có bệnh nền kèm theo như tiểu đường, huyết áp, lao, HIV, viêm gan, xơ gan…

Nghỉ lễ nhưng không quên phòng dịch COVID -19 -0
Người dân cần chú ý phòng dịch COVID-19 trong dịp nghỉ lễ, đeo khẩu trang khi đến  nơi công cộng. Ảnh: Y Kiện

Đặc biệt, có 1 bệnh nhân trẻ, chuyển từ Bệnh viện Phổi Hà Nội sang trong tình trạng nguy kịch, thở máy, sốc nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu nặng, suy đa phủ tạng. Đó là bệnh nhân nam, 47 tuổi, ở Phú Xuyên, Hà Nội, 2 tháng trước đã điều trị viêm phổi, tràn dịch màng phổi tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Sau khi mắc COVID-19, bệnh nhân chuyển biến nặng nhanh, được đưa vào Bệnh viện Phổi Hà Nội điều trị. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các bác sĩ đã can thiệp cấp cứu, truyền chế phẩm máu và dùng thuốc điều trị hồi sức tối đa, tuy nhiên, sau 19h nhập viện, bệnh nhân đã không qua khỏi. Đây là ca COVID--19 tử vong đầu tiên trong năm 2023.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã thành lập đường dây nóng tư vấn, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới để phân tầng, chuyển bệnh nhân phù hợp, tránh quá tải cho tuyến trên. Tương tự, để ứng phó trước việc gia tăng ca mắc COVID_19, các bệnh viện của Hà Nội đã tăng cường giường bệnh, kích hoạt điều trị COVID-19 và sẵn sàng đáp ứng với mọi tình huống khi dịch bùng phát. Theo TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, thời gian qua, bệnh nhân COVID-19 nhập viện có tăng, nhưng bệnh nhân nặng không tăng, chủ yếu là người mắc các bệnh nền. Từ ngày 1/4 đến nay, mỗi ngày, bệnh viện điều trị từ 5 đến 10 ca COVID-19, trong đó trên 90% bệnh nhân là thể nhẹ.

"Bệnh viện luôn sẵn sàng chuẩn bị cơ số giường nhất định cho điều trị bệnh nhân COVID-19 và thuốc, trang thiết bị như: Thuốc giãn cơ, chống đông, máy thở, lọc máu, đáp ứng đủ nếu xảy ra tình trạng nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 nhập viện. Bệnh viện bố trí phòng khám, xét nghiệm sàng lọc và điều trị riêng cho bệnh nhân dương tính tại Khoa Truyền nhiễm. Bệnh viện đã sẵn sàng cho tình huống nếu dịch bùng phát", TS Thường nói.

Phòng bệnh nên thường xuyên, liên tục

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong những ngày vừa qua, nhiều người dân Hà Nội đã chủ động đi tiêm vaccine phòng COVID-19. Người dân liên hệ ra trạm y tế phường, xã để tiêm phòng.

Theo BS Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội, TP vừa phân bổ 17.000 liều vaccine phòng COVID-19 tới 30 quận, huyện, đáp ứng đủ nhu cầu tiêm vaccine của người dân trong dịp này. Nhiều người đã tiêm vaccine mũi 3 nay tiêm mũi bổ sung, nhắc lại (mũi 4), đặc biệt người có bệnh nền chưa tiêm mũi 4 lo lắng đã đi tiêm phòng. "Để phòng, chống dịch hiệu quả, đề nghị ai chưa tiêm đủ mũi cơ bản thì phải tiêm đủ mũi 1,2; ai chưa tiêm mũi bổ sung 3,4 thì tiêm tại trạm y tế, xã phường. Với người mắc COVID-19 nếu triệu chứng nhẹ thì cách ly theo dõi ở nhà, chỉ trường hợp nằm trong nhóm nguy cơ cao và có sự chuyển nặng mới tới bệnh viện", BS Tuấn nói.

Nghỉ lễ nhưng không quên phòng dịch COVID -19 -0
Người dân cần thực hiện Thông điệp 2K của Bộ Y tế để phòng dịch COVID-19.

Theo nhận định của GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành về công tác phòng, chống dịch dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và Giỗ Tổ Hùng Vương, ca mắc có chiều hướng gia tăng trở lại và đã ghi nhận 2 ca tử vong sau gần 4 tháng, trong đó có trường hợp có bệnh nền nhưng không tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 nào. Ông Lân cũng cho biết, các biến thể phụ của Omicron xuất hiện tại TP Hồ Chí Minh đều là những biến thể phụ đã có mặt trên nhiều quốc gia trên thế giới và được Tổ chức Y tế thế giới xếp vào nhóm các biến thể đáng quan tâm cần theo dõi. Hiện, chưa có bằng chứng rõ ràng là biến thể phụ này làm tăng mức độ nặng của bệnh. Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và các chuyên gia truyền nhiễm vẫn nhấn mạnh đến hiệu quả của vaccine trong phòng bệnh COVID-19 và đề nghị các địa phương tiếp tục tuyên truyền, đẩy mạnh tiến độ tiêm cho đối tượng có nguy cơ cao để bảo vệ nhóm người này trước sự gia tăng số ca mắc.

Theo đại diện Cục Y tế dự phòng, trước diễn biến dịch COVID-19 gần đây, các địa phương cần tăng cường giám sát trong bối cảnh kỳ nghỉ lễ kéo dài, nhu cầu đi lại của người dân giữa các địa phương tăng cao, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, dự báo dịch sẽ gia tăng sau kỳ nghỉ lễ. Người dân, học sinh, sinh viên trở lại làm việc, học tập sau kỳ nghỉ lễ thì công tác phòng, chống dịch phải được các địa phương chú trọng và tăng cường kiểm soát hơn.

Bộ Y tế cũng lưu ý, sau kỳ nghỉ lễ, các trường học bước vào kỳ thi, đặc biệt là thi chuyển cấp và thi tốt nghiệp THPT và đại học, vì vậy, ngành y tế các địa phương tiếp tục tăng cường phối hợp với ngành giáo dục đảm bảo an toàn cho học sinh, cũng như phòng, chống dịch trong nhà trường. Các Viện Pastuer, Viện Vệ sinh dịch tễ khu vực phải phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố đã được phân công để tăng cường giám sát, đánh giá thêm các ca nhập viện, ca nặng. Từ đó, có dữ liệu tuyên truyền cho người dân về phòng, chống dịch, tiêm vaccine.

Để phòng, chống dịch hiệu quả, đặc biệt không để bùng phát dịch sau kỳ nghỉ lễ, các chuyên gia đều khuyến cáo người dân chủ động phòng dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và nên làm thường xuyên, liên tục.

Theo nhận định của PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh: "Chắc chắn số ca nhiễm sẽ gia tăng sau kỳ nghỉ lễ dài ngày 30/4-1/5. Tuy nhiên, không đáng quan ngại, bởi đa phần người dân đã có miễn dịch nhờ tiêm vaccine hoặc đã từng mắc. Bên cạnh đó, người dân hiện giờ cũng cảnh giác, không tụ tập ở nơi kín hoặc quá đông người. Tuy nhiên, cần lưu tâm người dân nghiêm túc tuân thủ các biện pháp theo thông điệp 2K (khẩu trang - khử khuẩn)".

Trước đó, Bộ Y tế đã có tờ trình gửi Thủ tướng. Theo Bộ Y tế, trong đó đề cập việc Tổ chức Y tế thế giới vẫn đánh giá dịch COVID_19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng nên cần theo dõi chặt chẽ diễn biến, sự biến đổi, xuất hiện các chủng virus, các biến thể mới trong tương lai. Đặc biệt, ngăn chặn nguy cơ với nhóm người có bệnh nền, người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch… Bộ Y tế kiến nghị Thủ tướng xem xét, phê duyệt công điện để tăng cường phòng, chống dịch, không để dịch bệnh bùng phát trở lại. Theo đó, đề xuất Thủ tướng có chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và các văn bản đã chỉ đạo trước đây.

Trần Hằng
.
.