Những chiến sĩ blouse trắng xuyên Tết phục vụ nhân dân

Thứ Tư, 31/01/2024, 08:14

Trong suốt những năm qua, đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện 30/4 (Bộ Công an) đã không quản ngại khó khăn để điều trị, chăm sóc bệnh nhân là CBCS và người dân vào những ngày Tết. Khi những cành mai vàng khoe sắc, mọi người đang đoàn viên cùng gia đình, người thân thì những chiến sĩ áo blouse trắng vẫn luôn túc trực, thức đêm dõi theo tình hình sức khỏe của từng bệnh nhân.

Đón Tết cùng bệnh nhân

Hẹn mãi chúng tôi mới được gặp gỡ, trò chuyện với Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Thanh Dũng, Phó Trưởng Khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện 30/4. Càng cận Tết thì lưu lượng bệnh nhân đến thăm khám sức khỏe càng đông khiến anh cùng đồng đội không chút ngơi nghỉ.

Sau gần cả giờ, bác sĩ Dũng và ekip mới xong ca phẫu thuật cho bệnh nhân. Thiếu tá Dũng chia sẻ: “Trước, trong và sau Tết Nguyên đán, chúng tôi khi nào cũng bận, phải luôn thường trực…”.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Dũng kể: “Một lần, vào buổi chiều tối Mùng 3 Tết, gia đình có việc ở huyện Giồng Trôm (Bến Tre), tôi báo cáo lãnh đạo nghỉ tranh thủ. Khi tôi đang điều khiển xe chuẩn bị vào cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương thì nhận được tin báo từ đồng nghiệp về ông T.V.T. (SN 1963, ngụ TP Hồ Chí Minh) bị xuất huyết tiêu hóa diễn biến nặng, nếu không phẫu thuật, điều trị kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng. Lập tức, tôi yêu cầu đồng nghiệp vừa động viên tinh thần cho bệnh nhân, người thân của họ, vừa chuẩn bị bố trí kíp phẫu thuật”.

Những chiến sĩ blouse trắng xuyên Tết phục vụ nhân dân -0
Bác sĩ Dương Thị Thu Hằng cùng đồng đội ân cần thăm hỏi, tặng quà mẹ con nữ sản phụ vào dịp Tết.

Sau đó, anh Dũng vội vã quay đầu xe chạy thẳng vào bệnh viện để cấp cứu cho ông T. Tại khoa, anh cùng đồng đội nhanh chóng hội chẩn, trong đó đặc biệt chú ý đến các bệnh nền của ông T. như xơ gan, xuất huyết nhiều lần. Một ê kíp phẫu thuật gấp gồm 7 người, trong đó có 3 bác sĩ cùng mổ. Ca phẫu thuật thành công, bệnh nhân phục hồi sức khỏe. Được sự chăm sóc tận tình của các y, bác sĩ bệnh viện, ông T. cùng người thân đã xúc động viết thư cảm ơn CBCS không quản ngại khó khăn, kịp thời cứu chữa cho ông.

Đại úy Đoàn Thị Nhàn, Điều dưỡng trưởng Khoa Ngoại tổng quát tâm sự: “Tôi cùng đồng đội thường xuyên đón Tết cùng bệnh nhân ở bệnh viện. Nhớ nhất là khoảnh khắc giao thừa, nhớ người thân cũng chỉ gọi điện thoại trò chuyện với chồng con. Là thầy thuốc, cũng là một CBCS, tôi luôn tự nhủ cố gắng đảm bảo công tác chuyên môn, chăm sóc điều trị bệnh tốt cho các bệnh nhân, vừa đảm bảo việc nhà”.

Chị nhớ có lần vào Mùng 2 Tết, anh H. bị tai nạn giao thông được người thân đưa đến bệnh viện cấp cứu. Chị đang ăn dở tô mì gói, tức tốc cùng đồng đội lấy bình ô xy, cồn sát khuẩn… lau rửa vết thương, sơ cứu cho bệnh nhân. Qua chẩn đoán của bác sĩ, bệnh nhân bị gẫy chân nhưng may không tổn thương, ảnh hưởng phần não bộ, chị Nhàn mới thở phào.

“Chúng tôi luôn tự nhủ với nhau xem bệnh nhân như người nhà. Ngày xuân ở bệnh viện, sợ thân nhân người bệnh nặng buồn và lo lắng, chúng tôi ngoài việc cứu chữa còn phải dành thời gian động viên, chia sẻ với họ. Cũng không quên liên tục cập nhật các thông tin tích cực về tình hình sức khỏe của bệnh nhân để họ an tâm”, chị Nhàn kể thêm.

Cứu sống bệnh nhân  nhiễm COVID-19 nặng có  ý định tự tử

Ông K. (SN 1957, ngụ TP Hồ Chí Minh) nhiễm COVID 19. Trong dịp Tết Nguyên đán 2022, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 dần ổn định, đơn vị dã chiến ở huyện Nhà Bè được rút về đặt tại lầu 3, Bệnh viện 30/4. Thiếu tá, bác sĩ Danh Xuân Nhiên, Trưởng Khoa Lao- Bệnh phổi và Bệnh da liễu cùng đồng đội trực tiếp điều trị, chăm sóc sức khỏe cho ông K. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện bệnh nhân đang mang nhiều bệnh nền mãn tính lâu năm, dự liệu việc chăm sóc điều trị rất khó khăn.

Khi đó ông K. có biểu hiện tâm lý chán nản, lại đang bị viêm phổi nặng phải thở bình oxy mức độ nặng. Ông K. nghĩ cuộc sống của mình đã chấm hết, có ý định tự tử. Đáng buồn là người nhà bệnh nhân chẳng quan tâm mấy đến tình hình sức khỏe của ông K. Qua camera ở bệnh viện, bác sĩ Nhiên phát hiện bệnh nhân tự rút dây thở của máy HFNC. Bác sĩ tức tốc bỏ ngay bữa ăn tối cùng đồng đội xuống phòng điều trị ngay cho bệnh nhân. Những ngày Tết sau đó, các y, bác sĩ thường xuyên ngồi bên cạnh động viên tâm lý cho ông K. rằng, bệnh có thể điều trị được. Được sự khuyên nhủ, động viên ân tình của các y, bác sĩ, cả bệnh nhân lẫn gia đình đã tích cực phối hợp điều trị. Sức khỏe của ông K. dần ổn định rồi khỏe hẳn. Gia đình bệnh nhân vui mừng đã đến cảm ơn nghĩa tình của các y, bác sĩ…

Đại úy Nguyễn Thị Hồng, Điều dưỡng trưởng Khoa Lao Bệnh phổi và Bệnh da liễu cho biết: “Tôi đã quen với việc đón giao thừa cùng bệnh nhân. Người bệnh khi phải vào bệnh viện những ngày Tết đều là bệnh nặng. Khi mới vào, bệnh nhân hầu hết đều sợ sệt, nhất là khi lúc gắn máy thở oxy. Ám ảnh nhất là những đôi mắt đờ đẫn đầy buồn lo. Do vậy, chúng tôi phải tạm gác lại niềm hạnh phúc sum vầy cùng người thân đón Tết để chăm sóc điều trị cho họ. Phần lớn ngày Tết, chồng và con về quê, còn tôi ở lại TP Hồ Chí Minh. Khi nhớ chồng con thì gọi video để hỏi han tình hình vui xuân, đón Tết cùng cha mẹ ở quê…”.

Còn Thiếu tá, Bác sĩ Trần Duy Mạnh, Trưởng Khoa Hồi sức và cấp cứu cho hay: Khoa hiện có 36 nhân viên y tế là bác sĩ, điều dưỡng và hộ lý, sẵn sàng trực cấp cứu cho bệnh nhân 24/24 giờ; bảo đảm xử lý kịp thời các trường hợp cần cấp cứu và hồi sức. Khoa đã lên kế hoạch, phân công lịch trực Tết cụ thể. Ngoài ra, dù không ở trong ca trực nhưng các bác sĩ và điều dưỡng trong khoa cũng luôn sẵn sàng để có thể vào bệnh viện hỗ trợ cấp cứu bất cứ lúc nào.

Đại tá, Bác sĩ Dương Thị Thu Hằng, Giám đốc Bệnh viện 30-4 cho biết: Những năm qua, Bệnh viện đã xây dựng lịch và đảm bảo cơ số trực trong dịp Tết Nguyên đán để phục vụ tốt công tác chăm sóc, điều trị sức khỏe cho các bệnh nhân, đặc biệt tai nạn, ngộ độc trong dịp tết; tăng cường các biện pháp để phát hiện sớm, xử lý ngay các trường hợp bệnh nặng. Bệnh viện luôn chuẩn bị sẵn các loại hóa chất, thuốc, vật tư y tế, bố trí sẵn giường bệnh, nhân lực đảm bảo tốt công tác điều trị, khám, chữa bệnh. Đại tá, Bác sĩ Dương Thị Thu Hằng chia sẻ thêm: “Tâm lý chung của tất cả mọi người ai cũng muốn về sum họp, đoàn viên bên gia đình ngày Tết, nhưng chúng tôi xác định đã bước vào ngành y thì cứu chữa người bệnh là trên hết. Ngày đêm hay lễ Tết cũng vậy. Chỉ mong, ngày Tết người dân đi xe cẩn thận và hạn chế tối đa các tai nạn liên quan đến ẩu đả; hạn chế uống rượu, bia. Bởi thực tế, có trường hợp chúng tôi vừa phải căng mình cấp cứu, vừa phải can thiệp, giải thích cho người quá khích, rất vất vả…”.

Nguyễn Đức Mừng
.
.