Những sai lầm khi chăm sóc trẻ nhiễm COVID-19

Chủ Nhật, 20/03/2022, 08:41

Tại TP Hồ Chí Minh, từ khi trẻ em đến trường học trực tiếp đến nay, số trẻ mắc COVID-19 tăng cao, nhưng hầu hết bị ở mức nhẹ nên được phụ huynh tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nhiều trường hợp phụ huynh lo lắng quá nên đã sử dụng các loại thuốc của “bác sĩ mạng” và từ “truyền miệng” dẫn đến một số trường hợp gặp nguy hiểm đến tính mạng.

Nhiều bệnh nhi béo phì nguy kịch

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh cho biết, vừa qua bệnh viện điều trị “kép” một trường hợp trẻ nam 10 tuổi mắc COVID-19 nặng, sau đó mắc hội chứng viêm đa hệ thống.

Bệnh nhi H.M.Tr (10 tuổi, nam, ngụ ở quận Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh), cân nặng 42kg, nhập viện trong tình trạng khó thở tím tái. Trẻ bình thường ở lứa tuổi này chỉ cân nặng 28-32kg.

Từ ngày thứ 1 đến thư 8 trẻ sốt, ho, sổ mũi, đau nhức mình, nhức đầu, mệt; test nhanh trẻ dương tính với virus SARS-CoV-2, được điều trị cách ly tại nhà. Ngày thứ 9 và 10 trẻ ho nhiều, thở mệt nên nhập đưa vào Bệnh viện Nhi đồng thành phố. Tại đây, trẻ được chẩn đoán bị COVID-19 nặng  nguy kịch và được điều trị hỗ trợ hô hấp thở áp lực dương liên tục. Nhưng tình trạng hô hấp diễn tiến xấu hơn, trẻ thở mệt co kéo, SpO2 lúc đầu lên được 93-94% nhưng sau đó giảm xuống 85-87%. Xét nghiệm PCR với virus SARS-CoV-2 dương tính với chỉ số CT 16.

Sau 2 tuần tích cực điều trị trẻ đã cải thiện dần hết sốt, cai được oxy, tự thở, tỉnh táo, ăn uống khá, xét nghiệm PCR với vi rút SARS-CoV-2 lần 3 sau 2 tuần nhập viện cho kết quả âm tính. Tuy nhiên, ngày hôm sau trẻ đột ngột sốt cao 39,5 độ C trở lại, sau đó xuất hiện đỏ mắt, đỏ da ở mặt bụng tứ chi, nên được hội chẩn. Xét nghiệm máu cho thấy có biểu hiện phản ứng viêm tăng cao. Các bác sĩ chẩn đoán trẻ mắc hội chứng viêm đa hệ thống liên quan đến COVID-19. Sau thêm hơn 1 tuần điều trị, tình trạng trẻ cải thiện dần, hết sốt, da mắt hết đỏ, tỉnh táo và được xuất viện điều trị tiếp lộ trình kháng viên, chống đông và tái khám theo hẹn.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cho biết, đây là trường hợp hiếm gặp trẻ mắc hội chứng viêm đa hệ thống ngay sau khi phục hồi bệnh COVID-19 cấp nặng trong khi đa số trẻ mắc hội chứng viêm đa hệ thống thường xảy ra ở trẻ mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc biểu hiện nhẹ thoáng qua mà phụ huynh không để ý biết được.

Trước đó, ngày 22/2, bệnh viện cũng tiếp nhận bệnh nhi P.T.Ph (11 tuổi, nam, ngụ quận Bình Tân), cân nặng 52kg, dư cân (bình thường ở lứa tuổi này cân nặng 32-24kg), trong tình trạng sốt cao đau bụng, tay chân lạnh.

Trẻ bệnh đã 7 ngày, từ ngày thứ 1-5, trẻ sốt cao 39-40 độ C liên tục, đáp ứng kém với thuốc hạ sốt. Từ ngày thứ 6-7, trẻ còn sốt cao, than đau bụng quanh rốn, ói 4-5 lần ra thức ăn, tiêu phân vàng lỏng 3-4 lần/ngày, nổi hồng ban ở tay, chân bụng, đỏ mắt, tay chân lạnh. Nhập Bệnh viện Nhi đồng thành phố. Trẻ vẫn lừ đừ, sốt cao 39,5 độ C, xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính với virus SARS-CoV-2 và xét nghiệm định lượng kháng thể kháng SARS-CoV-2 681 BAU/ml, chứng tỏ trẻ bị nhiễm SARS-CoV-2 trước đó, vì trẻ chưa tiêm ngừa vaccine COVID-19.

Trẻ sẽ không có kháng thể này trong máu nếu trẻ không bị nhiễm SARS-CoV-2 hay tiêm ngừa vaccine COVID-19 trước đó. Hội chẩn với các bác sĩ chuyên khoa nhiễm chẩn đoán trẻ bị hội chứng viêm đa hệ thồng liên quan COVID-19 thể có sốc nên tích cực điều trị. Sau  gần 1 tuần điều trị, tình trạng trẻ cải thiện dần, hết sốt, hết đau bụng, mạch huyết áp ổn định, không cần thở oxy.

Còn trường hợp bệnh nhi Tr. M. Đ (12 tuổi, nam, ngụ ở quận Bình Tân) dư cân béo phì cân nặng 67kg (bình thường ở lứa tuổi này khoảng 34-36kg). Ngoài dương tính với virus SARS-COV2, các bác sĩ còn phát hiện trẻ bị sốc sốt xuất huyết Dengue. Đây là trường hợp hiếm gặp trẻ vừa đồng nhiễm COVID-19 vừa mắc sốt xuất huyết, gây nhiều khó khăn cho các bác sĩ điều trị, vì sốc sốt xuất huyết không có chỉ định sử dụng thuốc chống đông, chống viêm bởi có thể gây nguy cơ xuất huyết nhiều hơn.

1.jpg -0
Bệnh nhi 11 tuổi béo phì ở quận Bình Tân bị hội chứng viêm đa hệ thống nặng liên quan đến COVID-19 biến chứng sốc, suy hô hấp nặng.

Phụ huynh không chủ quan khi con bị bệnh

Từ ngày 1/10/2021- 22/2/2022, Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 92 trường hợp hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em; trong đó có 11,9% trẻ biểu hiện nặng với sốc, suy hô hấp, suy đa cơ quan.

Qua tìm hiểu, được biết không ít phụ huynh đã lên các nhóm điều trị F0 trên mạng để hỏi và xin đơn thuốc điều trị. Một số phụ huynh còn cho con uống kháng sinh nhưng không theo chỉ định của bác sĩ.

Các bác sĩ lưu ý, phụ huynh khi thấy con em mình sốt cao trên 2 ngày, nổi hồng ban da, đỏ mắt, đau bụng, tiêu chảy, ói,… hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để được bác sĩ thăm khám, xét nghiệm định bệnh chính xác, điều trị thích hợp. Vì ngoài hội chứng viêm đa hệ thống trẻ có thể mắc sởi, rubella, sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, nhiễm trùng huyết, viêm ruột thừa.

“Phần lớn các trẻ (77,2%) trong nghiên cứu của chúng tôi khi khai thác tiền sử phụ huynh đều không biết trẻ mắc mắc COVID-19 trước đó. Trẻ không có biểu hiện triệu chứng hoặc có triệu chứng sốt nhẹ, ho ít thoáng qua nên phụ huynh không để ý tới. Vì vậy, phụ huynh đưa trẻ tiêm chủng vaccine COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế và hướng dẫn con em thực hành tuân thủ 5K”, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, số trẻ mắc COVID-19 tăng trong thời gian học sinh đi học trực tiếp trở lại, tuần từ ngày 7-13/2 ghi nhận có 449 trẻ; tuần 14-21/2 có 6.799 trẻ; tuần 22-28/2 có 18.522 trẻ và tuần 1-7/3 có 34.202 trẻ mắc COVID-19. Tại các bệnh viện của thành phố đang điều trị 5.326 bệnh nhân, trong đó có 384 trẻ em dưới 16 tuổi, 97 bệnh nhân nặng đang thở máy, 2 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Nguyễn Cảnh
.
.