NSND Ngô Mạnh Lân với nghệ thuật đồ họa - mối duyên nghiệp

Thứ Tư, 22/09/2021, 07:29

Họa sĩ, Đạo diễn, NSND Ngô Mạnh Lân đã vĩnh viễn rời cõi tạm về cùng mây trắng. Trọn đời cống hiến cho nghệ thuật hoạt hình, đạt nhiều thành tựu xuất sắc trong nước và quốc tế, được sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước, tình cảm yêu mến của rất nhiều thế hệ khán giả nhỏ tuổi, ông còn được gọi là Họa sĩ của tuổi thơ. Nhưng không nhiều người biết, bên cạnh những bộ phim hoạt hình mang tính kinh điển, ông còn để lại một gia tài đồ sộ là hội họa và đồ họa, đặc biệt là nghệ thuật đồ họa.

Ông là học viên nhỏ tuổi nhất tại khóa học đầu tiên của Trường Mỹ thuật Việt Nam ở chiến khu Việt Bắc do danh họa Tô Ngọc Vân phụ trách, lịch sử mỹ thuật Việt Nam thường gọi là Khóa Kháng chiến (1950). Đây là khóa học có nhiều học viên tài năng nổi tiếng ghi danh vào lịch sử Mỹ thuật Việt Nam: Trần Lưu Hậu, Trọng Kiệm, Mai Long, Vi Ngọc Linh, Lưu Công Nhân, Lê Huy Hòa, Lê Lam…Tốt nghiệp, ông và các bạn học theo chân thầy Tô Ngọc Vân lên đường kháng chiến, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và có nhiều bức ký họa dọc đường kháng chiến in dấu lịch sử dân tộc. Hòa bình lập lại, năm 1955, ông được cử đi học Thiết kế Mỹ thuật hoạt hình tại Học viện Điện ảnh Quốc gia toàn Liên bang (VGIK) tại Liên Xô cũ. Tốt nghiệp loại xuất sắc năm 1962, ông trở về nước làm việc tại Xưởng phim Hoạt họa búp bê Việt Nam, nay là Công ty Cổ phần Hãng phim hoạt hình Việt Nam.

NSND Ngô Mạnh Lân với nghệ thuật đồ họa - mối duyên nghiệp -0
NSND Ngô Mạnh Lân.

Những bức tranh sơn dầu của chàng sinh viên Ngô Mạnh Lân trong những ngày đầu học tập trên đất nước Liên Xô cho thấy một cách học, cách vẽ có nền tảng cơ bản vững chắc, một tâm hồn nhạy cảm khi thẩm thấu cảnh đẹp thiên nhiên. Hội họa từ Khóa Mỹ thuật kháng chiến đã dẫn dắt ông tới Nghệ thuật làm phim hoạt hình. Và Nghệ thuật hoạt hình, vốn được coi như một chuyên ngành của đồ họa đã cùng ông sáng tạo trong lĩnh vực đồ họa, một công việc mà ông đã nhận làm như một “nghề tay trái” để có tiền “hỗ trợ một phần, cùng với sự tần tảo của bà xã” giúp gia đình trang trải cuộc sống, nuôi đàn con trứng gà trứng vịt từ những năm tháng Mỹ thực hiện cuộc chiến tranh leo thang, ném bom hủy diệt miền Bắc (những năm 60-70 của thế kỷ XX).

Gia tài đồ họa của ông để lại vô cùng phong phú và đa dạng từ chất liệu tới đề tài,  từ tranh khắc gỗ, các bản in li-tô, tranh cổ động, các bộ tem, trình bày bìa sách, báo; minh họa, vẽ truyện tranh... Sự nghiệp đó ghi dấu trong mấy thể loại chính: Trình bày và minh họa BÁO; trình bày và minh họa SÁCH; tranh cổ động và đồ họa ứng dụng; vẽ tranh truyện; thiết kế đồ họa hoạt hình.

Ông có nhiều gắn bó với Báo Thiếu niên tiền phong, những bìa báo trong những ngày Tết Thiếu nhi, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, Ngày Khai trường, đặc biệt bìa báo Thiếu niên tiền phong số 18 (901) ra ngày 2-5-1975 với tiêu đề “Nhớ ơn Bác Hồ, mừng Sài Gòn giải phóng, em gắng học hành” cho thấy ý nghĩa và giá trị trong mỗi việc làm của ông dành cho độc giả nhỏ tuổi.

NSND Ngô Mạnh Lân với nghệ thuật đồ họa - mối duyên nghiệp -0
Một bức tranh trong bộ “Thánh Gióng” (tranh giấy điệp, bột màu, mực nho) do NSND Ngô Mạnh Lân vẽ năm 1970.

Nhiều tác phẩm văn học lớn của đất nước đã được ông trình bày bìa một cách công phu: “Thơ Hồ Chí Minh” (1970),“Thơ Việt Nam 1945-1975” (1975); tập thơ “Đầu súng trăng treo” (1972) của nhà thơ Chính Hữu; tập thơ “Trong gió lửa” (1971) của nhà thơ Hoàng Trung Thông; sách phê bình-tiểu luận “Suy nghĩ và Bình luận” của nhà thơ Chế Lan Viên; tập thơ “Hương thầm” (1973) của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn; tập thơ “Trái tim nỗi nhớ” (1974) của Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và Ý Nhi; tiểu thuyết “Một chuyện chép ở bệnh viện” (1977) của nhà văn Bùi Đức Ái, … Mỗi một bìa sách ông đều cặm cụi làm nhiều mẫu để tác giả và nhà xuất bản có lựa chọn phù hợp.

Không chỉ trình bày bìa, những minh họa ông thực hiện dù nhỏ nhưng không hề vội vã. Những người đọc sách của ông hầu hết là trẻ nhỏ. Niềm vui ông mang lại cho nhiều thế hệ bạn đọc qua minh họa những quả khế, quả na, quả bưởi trong tập thơ “Bạn trong vườn” (1967) của nhà thơ Phạm Hổ là không hề nhỏ. Năm 1967, chắc chắn mỗi cuốn sách có vẽ hình minh họa là cả một tài sản của mỗi em nhỏ. Ông đã để lại những ký ức đẹp đẽ, trong lành qua mỗi hình minh họa cho tuổi thơ của nhiều thế hệ độc giả.

Điều lạ lùng, cho dù làm vì “rau cháo qua ngày” như ông thường nói vui, nhưng ngắm lại, thấy Tình yêu ông đặt để trong mỗi sản phẩm/tác phẩm đồ họa là vô cùng trìu mến, và được làm/ sáng tạo với một thái độ cẩn trọng, nghiêm túc tới từng chi tiết nhỏ. Bài học đó, thế hệ hậu sinh đều có thể cảm nhận được rõ nét khi xem những di sản mà ông để lại.

NSND Ngô Mạnh Lân với nghệ thuật đồ họa - mối duyên nghiệp -0
Bìa cuốn Đồ họa Ngô Mạnh Lân.

Lịch sử tranh cổ động Việt Nam ghi dấu ba bức tranh đồ họa của ông là “Sản xuất và Tiết kiệm” (in li-tô), “Đi dân công”, “Đóng thuế nông” (khắc gỗ) được thực hiện năm 1952 theo chương trình học năm thứ 3 của Khóa Mỹ thuật kháng chiến. Bộ ba tác phẩm đã được chọn in trong sách “60 năm tranh cổ động Việt Nam 1945-2005” do Cục Văn hóa - Thông tin cơ sở, Bộ Văn hóa - Thể thao xuất bản năm 2005. Điều thú vị là bộ tranh không đề tên tác giả.

Nghệ thuật đồ họa của ông như hành trình ký ức một thời gian khó của đất nước, của những tác phẩm tưởng như chỉ đề cao tính tuyên truyền, phổ cập, cách diễn đạt gần gũi, thân thiết, không phô trương hình thức nhưng lại mang những giá trị nghệ thuật đích thực của một giai đoạn lịch sử dân tộc, đề cao trách nhiệm công dân và lòng yêu nước, đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị.

Nhưng ghi dấu ấn đặc biệt nhất trong di sản đồ họa của ông chính là những bộ tranh truyện, song hành cùng với những bộ phim hoạt hình của ông. Ông đã có ba lần vẽ tranh truyện từ tác phẩm văn học “Dế mèn phiêu lưu ký” nổi tiếng của nhà văn Tô Hoài.

Năm 1959, chàng sinh viên 25 tuổi Ngô Mạnh Lân đang theo học bộ môn Thiết kế Mỹ thuật hoạt hình tại Học viện Điện ảnh Quốc gia toàn Liên bang (VGIK) đã minh họa tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký” do Nhà xuất bản Cận vệ thanh niên (Liên Xô) giới thiệu qua bản dịch của Marian Tkachev. Cuốn sách được in với số lượng kỷ lục 165.000 bản. Những minh họa cực đẹp, đậm chất văn hóa truyền thống Việt Nam đã sớm cho thấy tài năng của ông. Bộ tranh đã được in vào Kỷ yếu của Khoa Nghệ thuật, bộ môn Hoạt hình và Đồ họa máy tính, được giới thiệu như một trong những kết quả học tập, sáng tạo nghệ thuật tiêu biểu nhất của Khoa trong suốt mấy chục năm qua. Khoảng 12 nghìn rúp tiền nhuận bút ông nhận được quả là một món quà xa xỉ so với học bổng 50 rúp một tháng dành cho lưu học sinh lúc bấy giờ; ông đã dành tặng các bạn cùng học lúc bấy giờ là Họa sĩ Lê Thanh Đức 1.000 rúp, Họa sĩ Trần Lưu Hậu 700 rúp để may bộ quần áo mới.

Lần thứ hai ông vẽ “Dế mèn phiêu lưu ký” là năm 1972 cho Nhà xuất bản Hà Nội. Làm sách thiếu nhi trong bom đạn Mỹ đánh phá Thủ đô, màu sắc tối giản gần như đen trắng. Vậy mà ông vẫn chăm chút từng bố cục, từng chi tiết, mỗi bức minh họa đều thấy được không gian đặc sắc, sinh động trên chặng đường phiêu lưu của Dế Mèn, Dế Trũi. Với những bạn đọc yêu mến tác phẩm của nhà văn Tô Hoài, chắc sẽ thấy những hình ảnh minh họa sao mà gần gũi với thế giới tưởng tượng của trẻ thơ, đầy hóm hỉnh và sinh động. Hình dung ông ngồi dưới ánh đèn dầu, mồ hôi chảy ướt áo, rồi lo che chắn khi trời mưa nhà dột mới thấy hết tình yêu, sự hết lòng của ông đối với công việc.

Lần thứ ba ông vẽ “Dế mèn phiêu lưu ký” vào năm 1989 cho Nhà xuất bản Kim Đồng. Đất nước bắt đầu Đổi Mới, cuốn sách cũng được in nhiều màu sắc hơn. Cách vẽ của ông thay đổi linh hoạt, có thể nói tính “hành động”, “hấp dẫn” được đẩy cao, phù hợp với cuộc sống đang sôi động thay đổi từng ngày.

NSND Ngô Mạnh Lân với nghệ thuật đồ họa - mối duyên nghiệp -0
Logo Hội Điện ảnh Việt Nam do NSND Ngô Mạnh Lân vẽ, được sử dụng từ năm 1970 đến nay.

Ngoài 3 lần in sách chính thức, ông còn một số phác thảo minh họa “Dế mèn phiêu lưu ký” từ năm 1965. Những bức minh họa này cho thấy dường như ông đang thể nghiệm một phong cách nghệ thuật mới, đẹp vô cùng cả lời và hình. Bức “Cả đêm Mèn và Trũi lênh đênh trên dòng nước …” thơ mộng và khoáng đạt làm sao. Bố cục hiện đại, một chiếc lá sen trôi trên dòng nước xanh lấp loáng ánh trăng bạc, trăng vàng cho thấy sự kỳ thú của một chuyến phiêu lưu, hình ảnh minh họa đã chắp cánh cho sự tưởng tượng không giới hạn của cả một trời tuổi thơ.

Với Thiết kế đồ họa hoạt hình, bộ tranh “Thánh Gióng” (1970) đã thể hiện tài năng xuất sắc một cách toàn diện của NSND Ngô Mạnh Lân. Mỗi bức tranh minh họa đều đưa người xem về với lịch sử, văn hóa truyền thống Việt Nam, những giấc mơ Thánh Gióng bên bà, bên mẹ. Màu sắc của bộ tranh kế thừa những sắc màu dân gian Việt Nam thật nhuần nhụy nhưng cũng rất phong phú. Bộ tranh đồng thời như một cuốn sách giáo khoa về trang phục Việt truyền thống. Ông thật kỹ, thật tài khi tỉ mỉ vẽ từng tấm áo tứ thân đổi vai, nút thắt “con do” duyên dáng của dải thắt lưng, nhiều cách búi tóc, chít khăn của các nhân vật. Còn nữa khi ngắm những chõng tre, nôi mây, quạt nan, bảy nong cơm ba nong cà sao thật gần gũi, thân thương. Những hình vẽ công phu đó cho thấy ông rất coi trọng nghiên cứu lịch sử, phong tục tập quán dân tộc khi thực hiện một bộ tranh về Thánh Gióng, một trong “Tứ bất tử” thế giới tâm linh của người Việt. Cậu bé Gióng đã vươn vai, cúi đầu “Lạy Mẹ, con đi đánh giặc! Giặc tan con lại về với Mẹ …”. Cũng thật hào hùng khi ông vẽ ngựa sắt phun lửa thiêu đốt giặc Ân xâm lược bờ cõi, cây gậy sắt và búi tre thần thánh được vẽ dũng mãnh, nhịp điệu theo từng bước ngựa thần. Và một khung cảnh thật tĩnh lặng, thanh bình với mây, núi, đầm sen bát ngát trải dài khi “Trên đỉnh Sóc Sơn, Gióng chào từ biệt quê hương rồi đón mây bay về Trời!”.

Người Họa sĩ già đã dồn biết bao tình yêu đời, yêu người, yêu nghề vào mỗi tác phẩm của mình. Nếu biết ông đã mất cả cha, mẹ, bà nội, cô ruột chỉ trong vòng 6 tháng từ năm 1949 đến năm 1950, người em ruột cũng đã mất trước đó nhiều năm; 16 tuổi một mình lập thân lập nghiệp để thấm thía hơn từng chữ, từng lời, mỗi chi tiết, mỗi bức vẽ của ông để lại.

Người viết có một kỷ niệm nhỏ với ông khi mời ông làm Giảng viên thỉnh giảng của Khoa Thiết kế Mỹ thuật, chuyên ngành Thiết kế Mỹ thuật hoạt hình của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Thực ra ông đã tham gia giảng dạy rất nhiều khóa rồi, nhưng quy định mới lúc đó đòi hỏi phải có Hồ sơ minh chứng đầy đủ về học hàm Phó Giáo sư, học vị Tiến sĩ, cả bằng Đại học, và Chứng nhận danh hiệu NSND, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật … Ông lưu trữ rất kỹ và cẩn thận đầy đủ tất cả những giấy tờ cá nhân. Ông giao cho tôi mang đi công chứng với chút lo lắng, và tôi còn phải kê ghế để lấy Chứng nhận danh hiệu NSND, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật mà ông đang treo trang trọng trên tường. Thật sự lúc đó tôi cảm thấy rất xấu hổ vì làm phiền hà ông quá, nhưng quy định biết làm sao. Tôi nhớ mãi ông vẫn rất hiền, rất trìu mến khi thấy tôi loay hoay: “Con gái ơi, tao nể bố mày quá, chứ đứa khác là tao đuổi thẳng, giấy với chả tờ…”.

Sự nghiệp của ông cần có sự nghiên cứu, đánh giá toàn diện và sâu sắc hơn nữa. Ông đã sống một cuộc đời rất khiêm nhường, nhưng trọn vẹn với hạnh phúc gia đình, với nhiều ân tình để lại cho người thân, đồng nghiệp, nhiều thế hệ học trò và tuổi thơ của rất nhiều khán giả đã xem những bộ phim hoạt hình, người đọc những bộ tranh truyện ông đã sáng tạo nên.

Nguyễn Thị Thu Hà
.
.