Họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân: Một tình yêu thiết tha với đồ họa, một tấm lòng ăm ắp với trẻ thơ

Thứ Hai, 20/09/2021, 09:55

Họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân rời xa cõi tạm ở tuổi 87 trong một ngày thu Hà Nội. Cả cuộc đời gắn bó với nghệ thuật, ông đã ghi dấu ấn trong rất nhiều các sáng tác đồ họa từ tranh khắc gỗ, lythography, trình bày và minh họa sách, báo, tranh cổ động, bìa tem tới phim hoạt hình... và cả khối lượng ký họa đồ sộ về đề tài chiến tranh cách mạng. Sự ra đi của ông đã để lại niềm tiếc thương sâu sắc trong lòng người thân, bạn bè, đồng nghiệp và cả công chúng yêu nghệ thuật.

Duyên nghiệp với đồ họa

Họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân sinh năm 1934 ở làng Tó, xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì (Hà Nội). Ngay từ khi còn thơ bé Ngô Mạnh Lân đã rất thích vẽ. Cũng vì thích mà ông dám bỏ hết tiền ăn quà ra mua mực màu để vẽ bất cứ thứ gì mình thích, kể cả vẽ lại tờ giấy bạc. Thế nhưng, phải đợi mãi đến năm 1950, khi bước sang tuổi 16, chàng thanh niên làng Tó ấy mới bắt đầu đi học Khóa Kháng chiến của trường mỹ thuật (khóa đào tạo chính quy đầu tiên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam) do danh họa Tô Ngọc Vân phụ trách.

Họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân: Một tình yêu thiết tha với đồ họa, một tấm lòng ăm ắp với trẻ thơ -0
Chân dung họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân.

Còn nhớ lần gặp ông tại nhà riêng cách đây hơn 7 năm vào dịp ông trình làng triển lãm cá nhân thứ 3 mang tên “Tranh đồ họa Ngô Mạnh Lân”, lão nghệ sĩ đã chia sẻ với người viết bài về hành trình gắn bó với đồ họa của mình. Họa sĩ Ngô Mạnh Lân bảo rằng, đồ họa là mối duyên nghiệp của cuộc đời ông.

Năm 1952, khi đang theo chương trình năm thứ 3 của trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam ông đã có bức tranh đồ họa đầu tiên mang tên “Sản xuất và tiết kiệm” (in litho) và tranh “Đi dân công”, “Đóng thuế nông” (khắc gỗ) thực hiện theo chương trình sách giáo khoa của trường. Lúc ấy khái niệm tranh đồ họa với Ngô Mạnh Lân còn khá xa lạ, chỉ biết làm bài tập theo kỹ thuật “thạch ấn” và “mộc khắc” do trường đề ra. Sau này, khi được cử đi học Trường đại học Điện ảnh Liên Xô - VGIK (1956), được phân công học phim hoạt hình - chuyên ngành đồ họa, ông mới dần dà hiểu “đồ họa” là thế nào.

“Phải nói, trước khi học ở Liên Xô tôi không thích học phim hoạt hình, nhưng quá trình học khiến tôi dần quen và thấy “dễ chịu” hơn với môn học này. Giáo sư – NSND Ivan Ivanov Vano dạy môn học này đã hướng cho học trò của mình phát triển lối tư duy hình tượng, óc hư cấu và tính hài hước trong sáng tạo nhân vật và động tác. Ông đã truyền nghề, khơi gợi niềm say mê với phim hoạt hình, nhờ đó tôi có lưng vốn để lập nghiệp. Ngay trong thời gian học tôi có dịp làm minh họa cho truyện “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài (năm 1959) do NXB Thanh niên cận vệ đội Liên Xô in và được đánh giá tốt” – họa sĩ Ngô Mạnh Lân bộc bạch.

Trở về Tổ quốc sau 7 năm miệt mài đèn sách ở xứ sở Bạch Dương, Ngô Mạnh Lân được cử về Xưởng phim hoạt họa và búp bê Việt Nam với nhiệm vụ đạo diễn và họa sĩ phim. Ngoài làm phim, ông còn được các nhà xuất bản, các trường nghệ thuật mời tham gia cộng tác.

Họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân: Một tình yêu thiết tha với đồ họa, một tấm lòng ăm ắp với trẻ thơ -0
NSND Ngô Mạnh Lân (hàng đầu, thứ 2 từ phải qua) cùng phu nhân - NSND Ngọc Lan - và các thành viên trong gia đình.

 Mỗi lần lật giở những trang báo, những bìa sách cũ đã xuất bản, họa sĩ Ngô Mạnh Lân lại như được trở lại với ký ức những năm 60 – 70 của thế kỷ trước. Ông nhớ những đêm dài ngồi cặm cụi trên chiếc bàn con dưới ánh đèn  điện tù mù, có lúc tắt ngấm, phải nhờ đến cây đèn dầu để “cày” cho xong, kịp mai “trả bài”; nhớ những đêm hè nóng bức mồ hôi chảy ướt áo vẫn phải gò lưng trên những hình phác thảo, nắn nót kẻ từng con chữ tên sách hoặc cải biên kiểu chữ tít cho hợp với nội dung… Rồi nhớ cả những khi trời mưa bão, nhà dột, nước mưa hắt vào bàn, vào hình vẽ… phải lấy nilon căng sát mái cho khỏi ướt. Không chỉ trình bày và minh họa cho các báo Thiếu niên Tiền phong, Nhi đồng, Phụ nữ Việt Nam, Văn nghệ rồi tạp chí Văn nghệ thiếu nhi của Trung ương đoàn… họa sĩ Ngô Mạnh Lân còn trình bày và minh họa sách cho rất nhiều ấn phẩm của NXB Văn học, NXB Tác phẩm mới, NXB Kim Đồng, NXB Hà Nội, NXB Phụ nữ, NXB Văn hóa…

Nhà văn Lê Phương Liên chia sẻ, thời điểm bà làm biên tập viên Ban tranh truyện của NXB Kim Đồng bà có nhiều dịp được làm việc, trò chuyện cùng họa sĩ Ngô Mạnh Lân. “Họa sĩ Ngô Mạnh Lân là một trong những họa sĩ nổi tiếng cùng với các họa sĩ Nguyễn Bích, Tạ Thúc Bình, Mai Long… là những người vẽ bìa, minh họa cho những cuốn sách của NXB Kim Đồng tạo nên một dòng hội họa cho trẻ em đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Làm việc với họa sĩ Ngô Mạnh Lân có thể thấy rõ ông là một họa sĩ tài ba. Những bức vẽ minh họa của ông cho thiếu nhi luôn thể hiện sự sinh động, vui tươi và hóm hỉnh đồng thời cho thấy một tâm hồn đôn hậu, luôn tâm huyết và khát khao bồi đắp giá trị văn hóa tinh thần cho trẻ thơ” – nhà văn Lê Phương Liên chia sẻ.

Cây đại thụ của hoạt hình Việt Nam

NSND Ngô Mạnh Lân được ví như cây đại thụ của hoạt hình Việt Nam. Gắn bó với hoạt hình ngay từ thời kỳ đầu của Xưởng hoạt họa và búp bê Việt Nam, trải qua biết bao thăng trầm, ông đã có những đóng góp không nhỏ trong bước trưởng thành của hoạt hình Việt Nam. Nhà báo Trung Sơn trong bài viết “Người đi bước đầu trong ngành phim hoạt hình Việt Nam” đăng trên báo Nhân dân năm 1993 có nhắc tới một kỷ niệm với họa sĩ Ngô Mạnh Lân. Tác giả viết: “Vào năm 1970, họa sĩ Ngô Mạnh Lân tìm tôi ở báo Văn nghệ. Anh đưa tôi một bài viết về phim hoạt họa. Trong đời làm báo, tôi ít khi nhận được một bản thảo viết tay sạch, đẹp, gần như không có dập xóa. Đọc xong tôi hỏi:

- Sao lại là hoạt hình, hả anh? Ta vẫn gọi là hoạt họa cơ mà…

Anh nhỏ nhẹ giải thích:

- Ta có phim hoạt họa, phim cắt giấy, phim búp bê. Các nước có tên gọi riêng cho từng thể loại. Ta gọi chung là hoạt họa sợ chưa đúng. Vì vậy tôi nghĩ nên gọi là hoạt hình.

Sự cẩn trọng có trách nhiệm trong từng chi tiết, đường nét, màu sắc và trong cả câu chữ của anh là vậy. Từ hoạt hình được anh “sáng tạo” ra từ đấy và nó sống mãi.

 Chuyện tuy nhỏ nhưng tôi nhớ vì nếu không có sự yêu thương trân trọng với nghề, tôi nghĩ có thể ít ai nghĩ tới sự thay đổi cho đúng hơn, tốt hơn dù với một từ nhỏ”.

Nhắc lại chuyện xưa cũng là để minh chứng cho sự “đau đáu” với hoạt hình của NSND Ngô Mạnh Lân. Bao năm gắn bó với hoạt hình là bấy nhiêu năm ông dồn tâm sức cho từng thước phim, từng hoạt cảnh, từng chuyển động...

Họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân: Một tình yêu thiết tha với đồ họa, một tấm lòng ăm ắp với trẻ thơ -0
Một số trình bày và minh họa sách của họa sĩ Ngô Mạnh Lân.

Để phim hoạt hình “Mèo con” (phỏng theo truyện ngắn “Cái tết của mèo con” của nhà văn Nguyễn Đình Thi) ra mắt khán giả, ông và đoàn làm phim làm việc ròng rã suốt 5 tháng vừa vẽ vừa quay bấm từng cảnh bằng chiếc máy quay 16 ly rồi in tráng thủ công, rồi còn phải vác máy đi bộ 5 -6 km ra trung tâm huyện nhờ điện chiếu để duyệt phim. Để có “Chuyện ông Gióng” trình làng công chúng, ông cùng tổ làm phim đã “thai nghén” suốt 6 năm trời, lặn lội về tận làng Phù Đổng, đến từng di tích, ghi chép từng câu chuyện đã ngấm sâu vào đời sống của người dân nơi đây để có những tư liệu chân thực, sống động nhất…

Cũng vì “đau đáu” với hoạt hình mà NSND Ngô Mạnh Lân luôn bền bỉ, tìm tòi sáng tạo để có những bộ phim hoạt hình hấp dẫn các em nhỏ. Những bộ phim hoạt hình của đạo diễn Ngô Mạnh Lân cho thấy sự đa dạng về thể loại, tạo nên một phong cách Ngô Mạnh Lân với nhiều nét riêng biệt. Ở đó có sự độc đáo của bản sắc dân tộc Việt Nam trong những truyền thuyết và cổ tích, có chất khoa trương thâm thúy trong những phim hoạt hình mang tính phê phán – triết lý dành cho người lớn, có nét tươi vui hóm hỉnh trong những phim đồng thoại. Và điểm chung nhất trong các bộ phim của ông đó chính là sự bài bản, mực thước về nghề nghiệp và sáng tạo về ngôn ngữ hoạt hình.

Giờ thì ông đã về thế giới bên kia, nhưng những thước phim, những bức vẽ của ông thì vẫn luôn còn mãi. Và tôi khi viết những dòng cuối bài này lại nhớ tới lời ông chia sẻ năm xưa: “Với những sáng tác cho thiếu nhi tôi luôn tâm niệm một điều: phải làm sao để kéo dài tuổi thơ của các em, nuôi dưỡng trí tưởng tượng của các em và mở ra những chân trời mới để trí tưởng tượng của các em được thỏa sức bay cao, bay xa…”. Phải vậy mà mọi người thường gọi ông là họa sĩ của trẻ thơ!

Trong sự nghiệp làm phim của mình, NSND, đạo diễn, họa sĩ Ngô Mạnh Lân đã cho ra đời 17 phim hoạt hình các thể loại, giành nhiều giải thưởng cao quý của điện ảnh như: 3 giải Bông sen vàng (phim: “Mèo con”, “Con sáo biết nói”, “Chuyện ông Gióng”); 4 giải Bông sen bạc (phim: “Những chiếc áo ấm”, “Rừng hoa”, “Bước ngoặt”, “Trê cóc”). Ông cũng là đạo diễn hoạt hình Việt Nam duy nhất có phim đoạt giải Bồ nông bạc (phim “Mèo con”); giải Bồ câu vàng (phim “Chuyện ông Gióng”) tại các liên hoan phim quốc tế; Ông từng giữ cương vị Giám đốc Hãng phim hoạt hình Việt Nam, đồng thời tham gia nghiên cứu và giảng dạy về hoạt hình.

Ngoài công việc, NSND, đạo diễn, họa sĩ Ngô Mạnh Lân còn là Ủy viên Hội đồng đồ họa Hội Mỹ thuật Việt Nam (1994 -1999), Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành đồ họa Hội Mỹ thuật Việt Nam (1999-2009). Ông đã có 4 cuộc triển lãm cá nhân: Triển lãm sáng tác đồ họa Ngô Mạnh Lân (năm 1971), Triển lãm tranh Ngô Mạnh Lân (năm 2006), Triển lãm tranh đồ họa Ngô Mạnh Lân (năm 2014). Triển lãm tranh ký họa Nét thời gian (năm 2019). Ngoài ra, ông còn xuất bản một số cuốn sách về nghệ thuật hoạt hình như: “Phim hoạt họa Việt Nam” (viết chung với Trần Ngọc Thanh), “Hoạt hình – nghệ thuật thứ tám”, “Dưới mái trường mỹ thuật thời kháng chiến”, “Ngô Mạnh Lân chặng đường mỹ thuật 50 năm”, “Ngô Mạnh Lân – chặng đường phim hoạt hình”, “Phim hoạt hình – những nốt thăng trầm”.

NSND Ngô Mạnh Lân trở thành tiến sĩ nghệ thuật học năm 1984 và được phong Phó giáo sư năm 1991. Ông đã vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1998) và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (lĩnh vực Điện ảnh, năm 2007).

Đặng Thủy
.
.