2 tỷ USD bốc hơi chỉ từ một thông báo bí ẩn của sàn giao dịch tiền ảo
- Ấn Độ đề xuất cấm tiền ảo, sàn giao dịch vẫn đông như thường
- Cần chế tài đủ mạnh để “dập tắt” các thủ đoạn lừa đảo tiền ảo
- Tiền ảo không phải là một loại chứng khoán
Vụ đột kích lúc rạng sáng
Faruk Fatih Ozer đang bị cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ truy lùng với tội danh "gian lận bằng cách sử dụng hệ thống thông tin, ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng như một công cụ và thành lập một tổ chức tội phạm". Giới chức an ninh Thổ Nhĩ Kỳ hôm 23-4 đã công bố một bức ảnh cho thấy Faruk Fatih Ozer đi qua cửa kiểm soát an ninh tại sân bay quốc tế Istanbul để đến một địa điểm không được tiết lộ.
Camera giám sát cho thấy CEO của Thodex đã qua cửa kiểm soát an ninh tại sân bay Istanbul. |
Sau đó, một nguồn tin an ninh khác xác nhận rằng, người đàn ông 27 tuổi đã ở Albania từ hôm 20-4. Văn phòng công tố tại Istanbul cho biết, họ đang điều tra sàn giao dịch tiền điện tử Thodex sau khi có khiếu nại từ những người dùng về việc không thể truy cập tài sản của họ. Cảnh sát chống tội phạm mạng đang lấy lời khai từ các nhân viên và người khiếu nại.
“Chủ sở hữu Thodex Faruk Fatih Ozer đã ngừng kích hoạt các tài khoản mạng xã hội của mình và được cho là đã trốn khỏi Thổ Nhĩ Kỳ để đến Tirana, Albania”, Đài Truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ Haberturk đưa tin. Ngày 23-4, Interpol cũng tiếp nhận yêu cầu của chính quyền Ankara và ra lệnh truy nã đỏ đối với Faruk Fatih Ozer. Tin từ hãng BBC cho hay, Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tiến hành các thủ tục pháp lý để thực hiện việc bắt giữ và dẫn độ Faruk Fatih Ozer khỏi thủ đô Tirana của Albania. Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu cũng đã nói chuyện qua điện thoại với người đồng cấp Albania về vụ việc này.
Faruk Fatih Ozer - CEO của Thodex được cho là đã bỏ trốn tới Albania. |
Trong một diễn biến có liên quan, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành các cuộc đột kích lúc rạng sáng tại 8 thành phố, bao gồm cả trung tâm chính của Thổ Nhĩ Kỳ là Istanbul và bắt giữ 62 người có liên quan với sàn giao dịch Thodex hoặc Faruk Fatih Ozer. Theo hãng thông tấn Anadolu, tại trụ sở chính của Thodex ở Istanbul, cảnh sát đã thu giữ nhiều máy tính và các tài liệu kỹ thuật số quan trọng. 16 người khác có liên quan cũng bị cảnh sát tạm giữ nhưng cơ quan điều tra từ chối cung cấp thông tin thêm. Bên cạnh đó, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ còn áp dụng biện pháp đóng băng tạm thời đối với các tài khoản ngân hàng của Faruk Fatih Ozer cũng như của Thodex. Tham gia đội cảnh sát đột kích văn phòng của Thodex còn có bộ phận của lực lượng an ninh mạng.
Sàn Thodex đóng cửa hôm 21-4 với một tuyên bố bí ẩn. |
Luật sư Oguz Evren Kilic, đại diện cho các nhà đầu tư vào Thodex trả lời báo giới rằng, cuộc điều tra về sàn giao dịch tiền ảo này đang được mở rộng. "Hàng trăm nghìn người dùng không thể truy cập vào ví kỹ thuật số của họ. Tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trừ khi Thodex thực hiện một bước cụ thể nào”, ông Oguz Evren Kilic nói qua điện thoại với phóng viên hãng AFP. Đồng thời, luật sư này cũng cho biết khách hàng của ông đã nộp đơn khiếu nại tại văn phòng công tố ở Istanbul và các thành phố khác.
2 tỷ USD bốc hơi
Trước những cáo buộc nói trên, Faruk Fatih Ozer không xuất hiện nhưng đã cho đăng một dòng thông báo trên tài khoản Twitter chính thức của Thodex hôm 22-4 rằng mình vô tội và những cáo buộc được đưa ra là vô căn cứ. Giải thích cho sự vắng mặt của mình, Faruk Faith Ozer cho biết đang ở nước ngoài để gặp gỡ các nhà đầu tư và sẽ trở về nước "trong vài ngày tới, sẵn sàng hợp tác với các cơ quan tư pháp cho đến khi sự thật được đưa ra".
Thị trường giao dịch tiền ảo ở Thổ Nhĩ Kỳ tiềm ẩn nhiều rủi ro. |
Gửi một văn bản tới Đài Truyền hình Haberturk, Faruk Fatih Ozer giải thích rằng quyền truy cập vào sàn giao dịch tiền đện tử tạm thời bị đóng để cho phép Thodex điều tra một cuộc tấn công mạng. Tuy nhiên, tuyên bố này đã bị các nhà đầu tư gọi là nguỵ biện. Cụ thể, hôm 21-4, Thodex bỗng dưng thông báo với người dùng rằng họ sẽ tạm dừng hoạt động trong 6 giờ để bảo trì và giải quyết một khoản đầu tư bên ngoài không xác định. Thời gian bảo trì này sau đó bị kéo dài lên 4-5 ngày. Các báo cáo truyền thông cho biết sàn giao dịch đã đóng cửa trong khi nắm giữ ít nhất 2 tỷ USD từ 391.000 nhà đầu tư.
Thodex là một trong những sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ, với khối lượng giao dịch hằng ngày lên đến gần 1,2 tỷ USD (tính trong ngày 16-4). Tháng trước, Thodex đã khởi xướng một chiến dịch tăng cường thành viên bằng cách cung cấp hàng triệu Dogecoin miễn phí cho những người đăng ký mới. Trang web của sàn cho biết 4 triệu đồng tiền ảo đã được phân phối, mặc dù nhiều người lên mạng xã hội để phàn nàn rằng họ không bao giờ nhận được chúng.
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ Khám xét các văn phòng và sàn giao dịch chính của Thodex. |
"Đây là vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ. Chưa rõ vụ việc này sẽ đi đến đâu. Có hàng ngàn đơn khiếu nại tội phạm được trình lên ở khắp Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi sẽ sớm lập một vụ kiện với tòa án người tiêu dùng. Hai quy trình - khiếu nại tội phạm và lập vụ kiện - sẽ được thực hiện song song", luật sư Oguz Evren Kilic nói và cho biết ông đã được nhiều nhà đầu tư liên hệ nhằm hỗ trợ làm thủ tục khiếu nại tội phạm ở Ankara.
Một số tờ báo khác của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, số lượng đơn khiếu nại đối với Thodex đã tăng hơn 1.160% (tính đến ngày 20-4). Trang web khiếu nại của khách hàng Thổ Nhĩ Kỳ Sikayetvar còn cho hay, một nhà đầu tư đã tìm đến cầu cứu: "Tôi đã thất nghiệp một năm. Tôi tin tưởng Thodex và đầu tư tất cả những gì tôi có... Tôi không thể ăn ngủ được. Tôi đang cầu xin các bạn, hãy giúp đỡ”. Một người khác nói: "Tại sao CEO của Thodex lại im lặng? Tại sao họ lại biến mọi người thành nạn nhân. Họ đang chế giễu chúng tôi sao?".
Nguy cơ sụp đổ thị trường tiền ảo
Vụ việc ở Thodex diễn ra đúng vào lúc Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ ban hành lệnh cấm dùng tiền điện tử để giao dịch (dự kiến bắt đầu từ 30-4), đồng thời Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cũng cảnh báo các "mô hình kim tự tháp" đang nổi lên trong thị trường tiền điện tử gần đây.
Trước đó, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo rằng tiền điện tử tiềm ẩn những rủi ro đáng kể, khi ví điện tử có thể bị đánh cắp hoặc sử dụng bất hợp pháp mà không có sự cho phép của chủ sở hữu. Hãng thông tấn Anadolu phân tích: “Thodex là một phần trong sự bùng nổ của xu hướng đầu tư đồng tiền kỹ thuật số. Hoạt động đầu tư này đã thu hút được số lượng đông đảo người Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh người dân nỗ lực bảo toàn khoản tiền tiết kiệm trước tình trạng lạm phát tràn lan và đồng nội tệ thiếu ổn định.
Sàn Thodex đóng cửa đúng lúc Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ ban hành lệnh cấm dùng tiền điện tử giao dịch. |
Tỷ lệ lạm phát tại Thổ Nhĩ Kỳ đang ở mức 16,2% (số liệu thống kê hồi tháng 3), cao gấp hơn 3 lần so với mục tiêu 5% của Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, đồng lira đã thấp hơn 10% so với đồng USD trong năm 2021 - là mức giảm liên tiếp trong 9 năm... Những diễn biến này đã tạo ra những làn sóng trên thị trường tiền điện tử toàn cầu và tình trạng thiếu giám sát khiến người dùng ở Thổ Nhĩ Kỳ dễ bị lừa đảo hơn so với các quốc gia - nơi các giao dịch kỹ thuật số được báo cáo cho các cơ quan chức năng và bị đánh thuế”.
Trao đổi với hãng tin Bloomberg, ông Cemil Ertem, Cố vấn kinh tế cấp cao của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thừa nhận rằng, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nên hành động càng sớm càng tốt. "Các mô hình lừa đảo kim tự tháp xuất hiện ngày càng nhiều. Chắc chắn là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ triển khai quy chế giám sát vừa phù hợp với tình hình kinh tế trong nước nhưng cũng phù hợp với các diễn biến toàn cầu", ông Cemil Ertem nói.
Được biết, sau vụ sàn Thodex, giới đầu tư tiền ảo tại Thổ Nhĩ Kỳ lại hứng chịu đòn giáng nặng nề khi sàn giao dịch tiền ảo lớn tên là Vebitcoin sụp đổ và Tổng Giám đốc của sàn này Ilker Bas cùng 3 nhân viên khác bị bắt giữ hôm 24-4. CoinGecko.com, trang chuyên theo dõi dữ liệu về giá cả, khối lượng và giá trị thị trường trên thị trường tiền ảo cho biết, Vebitcoin là sàn giao dịch tiền ảo lớn thứ 4 của Thổ Nhĩ Kỳ với giá trị giao dịch hằng ngày gần 60 triệu USD; hơn 50% giá trị giao dịch này là Bitcoin.