3.000 cây cần sa và bi kịch của một gia đình

Thứ Ba, 22/04/2014, 15:30

Ngày 27/3/2014, Công an huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) đã tiến hành bắt giữ 2 đối tượng Nguyễn Quang Sơn và Phạm Ngọc Tuyến, trú tại thôn 11, xã Nam Bình về hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Lực lượng chức năng cũng thu gom và tạm giữ tang vật tại hiện trường là 348,8 kg cây cần sa tươi được trồng xen kẽ với cây cà phê tại 3 điểm rẫy. Điều đau lòng là, chỉ vì hám lợi, cả bố vợ và con rể trong một gia đình nông dân trên cao nguyên đã dắt nhau bước vào vòng lao lý…

1. Nhận được nguồn tin trinh sát của Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (PC47) Công an tỉnh Đắk Nông, thông báo về việc một số đối tượng trên địa bàn xã Nam Bình có hành vi trồng và mua bán trái phép cây cần sa, các điều tra viên của Đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Môi trường - Ma túy Công an huyện Đắk Song đã nhanh chóng vào cuộc.

Đây không phải là lần đầu tiên trên địa bàn Đắk Song xuất hiện việc trồng cây cần sa trái phép. Nhưng điều làm các điều tra viên "nóng mặt" là ở chỗ khác với đa phần các vụ việc trước đó đều xảy ra lén lút ở những nương rẫy hẻo lánh ít người lui tới, địa bàn xã Nam Bình chỉ cách thị trấn trung tâm Đức An có 8km.

Ngay trong chuyến xác minh đầu tiên, tổ công tác đã phát hiện tại rẫy của Nguyễn Quang Sơn và Phạm Ngọc Tuyến có trồng cây cần sa xen lẫn với cà phê, tiêu và cao su. Tiến hành tạm giữ đối tượng phạm tội quả tang và đấu tranh khai thác, 2 đối tượng đã thừa nhận hành vi trồng và buôn bán trái phép cây cần sa từ một năm nay.

Nguyễn Quang Sơn khai nhận, từ tháng 4/2013, Sơn cùng bố vợ là Phạm Ngọc Tuyến lên nhà Hoàng Văn Khoa (em vợ của Tuyến) tại thị xã Gia Nghĩa xin hạt giống cây cần sa về trồng. Xin được 80-90 hạt, 2 bố con đem về ươm thành cây con rồi đưa vào trồng xen kẽ trong rẫy cà phê.

Đến tháng 9/2013, mẻ cần sa đầu tiên được thu hoạch, 2 bố con hái hoa phơi khô, sau đó liên lạc với Khoa để tìm người tiêu thụ. 3-4 ngày sau, một người thanh niên không rõ lai lịch, cao khoảng 1m60 nói giọng Nam đến tận nhà Phạm Ngọc Tuyến để mua hàng. Bán được 5kg với giá 1 triệu đồng/kg khô, Sơn chia cho bố vợ 1 triệu đồng.

15 ngày sau, Khoa lại dẫn khách lên lấy "hàng". Lần này, sau khi bán 5kg bông cần sa khô với giá 5 triệu đồng, Sơn chia cho bố vợ 500.000đ, số còn lại Sơn giữ tiêu xài riêng. 20 ngày sau, vẫn là vị khách cũ quay lại, tiếp tục mua 5kg bông cần sa khô, và ông Tuyến lại được con rể chia cho 500.000đ.

Ngày 26/3/2014 (một ngày trước khi bị bắt), Sơn đã bán cho khách 10kg hoa cần sa khô. Lần này, khách chưa thanh toán tiền cho Sơn và Tuyến, hứa để lần sau xuống mua tiếp sẽ thanh toán đầy đủ.

Cả 4 lần mua bán trái phép cần sa đều diễn ra tại nhà của Phạm Ngọc Tuyến, đều có sự xuất hiện của cả 4 người: Nguyễn Quang Sơn, Phạm Ngọc Tuyến, Hoàng Văn Khoa và vị khách hàng giấu tên.

Kết luận giám định mẫu tại Phân viện Khoa học Hình sự đặt tại Đà Nẵng thông qua phương pháp phản ứng màu, sắc ký lớp mỏng, quang phổ tử ngoại, chỉ rõ: mẫu thân, lá, cành cây thực vật còn tươi và đã khô héo trong thành phần có chất hóa học Delta 9-THC, là cần sa.

Hiện nay, các điều tra viên đang tích cực làm rõ danh tính của vị khách bí ẩn từ dưới xuôi thường xuyên lên Đắk Song lấy "hàng" này.

2. Đại úy Lê Khả Vân, Phó trưởng Công an huyện Đắk Song, cho biết địa bàn huyện Đắk Song nói riêng và tỉnh Đắk Nông nói chung đã và đang có nguy cơ là nơi các đường dây trồng cần sa trái phép vươn vòi bạch tuộc tới.

Thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi, đặc biệt đối với sự phát triển của cây cần sa là yếu tố đầu tiên. Cây cần sa khi trồng ngoài trời đòi hỏi nhiệt độ lý tưởng vào ban ngày từ khoảng 24-30oC, với lượng nắng khoảng 12 tiếng/ngày. Đây cũng là dải nhiệt độ trung bình và lượng nắng đặc trưng của khu vực Đắk Song.

Khi trồng ngoài trời, chúng cũng không đòi hỏi đặc biệt về chất lượng đất như trồng trong nhà kính. Cao nguyên đất đỏ màu mỡ không chỉ thích hợp với tiêu, cà phê, cao su… mà còn rất hợp với cây cần sa.

Không những thế, địa bàn đồi núi trập trùng, vắng vẻ ít người qua lại với những dãy cà phê và tiêu bạt ngàn che khuất… cũng là phần "địa lợi" lý tưởng để những người trồng cần sa trái phép yên tâm đối phó với việc theo dõi, giám sát của cơ quan chức năng.

Khi đến thời điểm thu hoạch, lượng nắng lớn và kéo dài trong ngày, cộng thêm địa bàn vắng vẻ… cũng là điều kiện thuận lợi để các đối tượng phơi khô cần sa ngay trên rẫy mà không sợ bị mục nát do độ ẩm cao, không sợ bị phát hiện.

Cách đây 3 năm, vào ngày 29/7/2011, lực lượng Công an huyện Đắk Song phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng Đồn 763 đã triệt phá, thu giữ số lượng khổng lồ 2,3 tấn cần sa tươi được trồng trái phép tại thôn Thuận Hải và thôn Thuận Bắc, xã Thuận Hạnh.

Quá trình điều tra xác định số cây trên do 2 đối tượng từ Lâm Đồng (chưa xác định được thân nhân lai lịch) đến địa bàn xã, lợi dụng những người nông dân ở đây chưa biết về đặc điểm cây cần sa, đã tuyên truyền cần sa là cây thuốc nam (cây Ích Mẫu) rồi hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân trồng xen canh vào rẫy cà phê, bắp và khoai mỳ… để bán cho chúng với giá cao từ 400-500.000đ/kg cây khô.

3. Khó nhọc bước ra từ phòng tạm giam, Phạm Ngọc Tuyến tần ngần một lúc lâu mới cất lên lời. Người đàn ông đã 61 tuổi, mang trên mình bệnh dạ dày và thoái hóa đốt sống cổ, không ngờ chỉ một chút cả nể, chỉ một chút xiêu lòng trước đồng tiền… đã khiến cho cả 2 bố con bước vào vòng lao lý.

"Tôi cũng không biết là việc trồng và buôn bán cần sa lại nguy hiểm như thế này. Cũng là trong cái rủi có cái may, bị phát hiện sớm nên tội tình không nặng hơn. Tôi cũng đã khai báo thành khẩn để mong nhận được sự khoan hồng", ông Tuyến ngậm ngùi.

Lòng tham với cây cần sa đã khiến cho 2 bố con đưa nhau vào vòng lao lý, để lại 2 người phụ nữ và 2 đứa nhỏ lăn lộn ngoài đời.

Từ huyện Kim Sơn, Ninh Bình, ông Tuyến dắt díu vợ và 3 đứa con gái lặn lội vào Đắk Song từ năm 1998, trong tay chỉ có 12 triệu đồng tiền bán nhà.  Con gái của ông Tuyến lập gia đình với Nguyễn Quang Sơn đã được 7 năm, đã có 2 mặt con, và đang chờ đứa bé thứ 3 chào đời thì chuyện đáo tụng đình xảy ra.

Gốc gác mạn Tây Sơn, Bình Định, Nguyễn Quang Sơn lặn lội vào Đắk Song làm ăn từ năm 2006, để lại ở quê mẹ già đang sống một mình. Gặp vợ trong một xưởng gỗ ở Đắk Song, Sơn quyết định ở lại gắn bó lâu dài với nghề nông.

Ánh mắt sắc lẹm của Sơn, vốn ánh lên sự giảo hoạt khi quanh co thừa nhận tội trạng của mình, bỗng mềm xuống khi nói về mẹ. Sơn cho biết cũng đã có ý định khi kinh tế ổn định một chút, cuối năm Sơn sẽ đón mẹ đã 70 tuổi, vào sống cùng, nhưng…

Hai người đàn ông trụ cột của gia đình lí nhí nói lời chào, rồi dắt nhau đi về khu tạm giam. Bước chân của họ trĩu nặng, vì họ biết, bên ngoài kia, có 2 người phụ nữ, một đã lớn tuổi, một đang mang bầu… đang khắc khoải chờ đợi.

Hai người phụ nữ ấy từ nay phải gồng mình chăm sóc 2 đứa bé, trông coi 500 cọc tiêu đang lớn từng ngày… và đối diện với đằng đẵng những tháng ngày vất vả thăm nuôi chồng và cha mình trong tù.

4. Thượng úy Phan Đăng Phương, điều tra viên trực tiếp thụ lý vụ án, cho biết, qua thực tế đấu tranh với hành vi trồng cần sa trái phép trên địa bàn, có nhiều vấn đề còn đọng lại, khiến cho tệ nạn này chưa chắc đã được giải quyết triệt để, nếu không có những chế tài nghiêm khắc hơn.

Điểm B, Khoản 3, Điều 21, Nghị định 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội quy định: "Phạt tiền từ 2.000.000đ đến 5.000.000đ đối với hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa, cây cô ca hoặc các cây khác có chứa ma túy".

Quy định này mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, với mục đích là cảnh báo, giáo dục và răn đe để bà con từ bỏ hoạt động trồng cây chứa chất gây nghiện. Đồng thời, mở ra cơ hội đối với những người thiếu kiến thức pháp luật, hoặc vô tình, hoặc bị xúi bẩy thực hiện hành vi phạm pháp.

Chỉ khi nào đã bị xử lý hành chính mà còn tái trồng thì có thể bị xử lý hình sự với mức phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm tù giam theo Điều 192 Bộ luật Hình sự.

Nhưng thực tế cho thấy nhiều đối tượng đã lợi dụng chủ trương nhân đạo này để thực hiện hành vi phạm tội, nếu bị phát hiện sẽ đưa ra các lý do như: không biết đó là hành vi phạm pháp, trồng cần sa với mục đích phục vụ chăn nuôi, chữa bệnh cho gia cầm, gia súc v.v…

Việt Đông
.
.