Afghanistan: Lại thêm nữ Cảnh sát trưởng bị sát hại
Các nữ cảnh sát và chính khách, kể cả một nữ văn sĩ đang trở thành mục tiêu tấn công của Taliban và các lực lượng tội phạm ở Afghanistan càng khiến cho tình hình an ninh tại nước này thêm rối trong khi liên quân Mỹ - nato đang rút bớt dần.
Vụ tấn công mới nhất xảy ra vào ngày 15/9. Nữ Cảnh sát trưởng tỉnh Helmand, hay còn được gọi là Trung úy Negar, bị bắn vào cổ khi đang đi bộ đến gần trụ sở cảnh sát tỉnh.
Truyền thông quốc tế cho biết, Trung úy Negar ngay lập tức được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng đã qua đời vào ngày hôm sau. Cho đến nay, vẫn chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm vụ sát hại này. Nhân chứng tại hiện trường cho biết thủ phạm bắn Trung úy Negar là một tay súng đi xe gắn máy.
Năm nay 38 tuổi, Trung úy Negar là nữ Cảnh sát trưởng thứ hai bị bắn chết tại Afghanistan trong 2 tháng qua. Người tiền nhiệm của Negar là Trung úy Islam Bibi, 37 tuổi, đã bị bắn chết khi đang đi bộ gần nhà ở trung tâm thủ phủ Lashkar Gah của tỉnh Helmand. Thủ phạm cũng là một tay súng bí ẩn đi xe gắn máy. Bibi và Negar là những nữ cảnh sát tiêu biểu trong lực lượng cảnh sát nữ của Afghanistan gồm 1.600 người, chiếm một phần rất nhỏ trong lực lượng cảnh sát nói chung.
Helmand được biết đến là tỉnh bảo thủ nhất ở Afghanistan. Tại tỉnh này, và Afghanistan nói chung, lực lượng cảnh sát phải đối mặt với cuộc chiến chống hai thế lực mạnh nhất là Taliban và bọn buôn lậu ma túy. Một nửa số vụ tấn công trong vòng 2 năm trở lại đây tại Helmand là do những kẻ buôn bán ma túy gây ra.
Riêng các nữ cảnh sát, cuộc chiến càng khắc nghiệt hơn. Ngoài những kẻ buôn bán ma túy, họ còn thường xuyên đối mặt với thành kiến, chống đối gay gắt, không chỉ từ phía lực lượng Taliban hà khắc mà còn ngay chính trong gia đình mình. Cụ thể, trước khi bị sát hại, Trung úy Bibi từng thổ lộ với báo chí rằng bà bị chính cha, anh trai, em trai và em gái mình chống đối. Thậm chí, người em trai đã 3 lần định dùng súng giết bà, nhưng cả 3 lần cảnh sát đều ngăn lại được.
Giới quan sát lo ngại rằng, việc thiếu vắng một lực lượng đủ mạnh để đảm bảo an ninh sau khi liên quân Mỹ - NATO rút đi là vấn đề nghiêm trọng nhất của Afghanistan hiện nay. Các thế lực bảo thủ trong hàng ngũ chính quyền và ngay trong lực lượng an ninh sẽ là một mối đe dọa lớn đối với phụ nữ khi họ tham gia vào bộ máy công quyền. Trong khi đó, lực lượng Taliban dường như đang làm chủ tình hình tại các tỉnh xung quanh Kabul và đang có những hành động chống lại bất cứ ai xâm phạm các giá trị, giáo điều mà lực lượng này đang cố bảo vệ.
Thể hiện rõ nhất là vụ sát hại nữ văn sĩ người gốc Ấn Độ có tên Hindu là Sushmita Banerjee, tên Afghanistan là Sahib Kamala, sau khi bà này xuất bản một quyển hồi ký nhan đề "Cuộc sống dưới ách cai trị của Taliban". Vụ sát hại xảy ra vào đầu tháng 9 vừa qua đã gây dư luận xôn xao bởi tính chất dã man của nó: các tay súng Taliban bắt Sushmita Banerjee đưa đến một ngôi trường Hồi giáo ở làng Sarrai Kala, ngoại ô thủ phủ Sharana của tỉnh Paktika và hành quyết với 25 phát đạn vào người vì tội xúc phạm Taliban.
Và không chỉ có thế. Đã từng có nhiều nữ chính khách trở thành mục tiêu tấn công của Taliban. Điển hình như hồi tháng 8/2013, một nữ thượng nghị sĩ bị các tay súng Taliban phục kích cũng tại tỉnh Helmand làm bà này bị thương nặng. Năm 2008, nữ Cảnh sát trưởng tỉnh Kandahar, Trung tá Malalai Kakar đã bị Taliban phục kích bắn chết. Và đầu tháng 9/2013, một nữ thượng nghị sĩ khác bị Taliban bắt cóc nhiều tháng trước vừa được trả tự do sau khi lực lượng này đạt được thỏa thuận với chính phủ Kabul.
Những vụ bạo lực chống lại phụ nữ phục vụ trong các cơ quan công quyền đang đặt ra vấn đề lớn là Afghanistan có thể quay trở lại thời kỳ cai trị hà khắc của Taliban cách đây hơn 10 năm một khi liên quân Mỹ - NATO rút đi hoàn toàn và các cuộc đàm phán, thỏa thuận giữa chính quyền Kabul với lực lượng này đạt kết quả dẫn đến việc Taliban được pháp tham gia chính quyền