Afghanistan: Trẻ thơ vô tội phải hứng chịu hậu quả chiến tranh

Thứ Ba, 04/09/2018, 22:45
Bị tàn phá bởi những cuộc xung đột vũ trang, Afghanistan từ lâu nay đã trở thành một trong những quốc gia nguy hiểm nhất Trung Á với những “đặc sản” là khủng bố và ma túy. Để nuôi sống bản thân, phần lớn trẻ em bỏ học, đi bán đồ ăn trên đường phố, nhặt phế liệu v.v...

Một số trẻ vị thành niên còn trở thành nạn nhân của những kẻ khủng bố. Bởi chiến tranh mà những trẻ em Afghanistan vô tội phải hứng chịu hậu quả nặng nề  trong bối cảnh xung đột quân sự không ngừng diễn ra tại đất nước này.

Kiếm tiền còn hơn đi học

Ở đất nước trong vài thập kỉ qua bị tàn phá bởi những cuộc xung đột quân sự như Afghanistan, cuộc sống của hàng ngàn đứa trẻ đã bị hủy hoại theo. Chính vì bạo lực phổ biến ở Afghanistan, nhiều đứa trẻ đã chết, phần nhiều thì nghỉ học, thay vào đó chúng làm việc ngày đêm để nuôi sống gia đình, đánh liều với sức khỏe và sự an toàn của bản thân: vác những bao hàng nặng, buôn bán trên đường phố, làm nghề hàn, vận hành máy móc, thu nhặt phế liệu có hại, làm việc tại các nhà máy v.v…

Hiện nay, khó có thể tìm được ở Afghanistan các tổ chức về quyền của trẻ em. Văn phòng của họ bị phá hủy, nhiều nhà bảo vệ nhân quyền đã phải từ bỏ sứ mệnh vì cái chết của các cộng tác viên. Theo Tổ chức Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), hiện có khoảng 3,7 triệu trẻ - chiếm gần một nửa trẻ em ở độ tuổi từ 7 đến 17 tuổi không đi học. Gần 2,1 triệu trẻ em Afghanistan từ 6 đến 14 tuổi buộc phải đi làm để kiếm sống.

Phần nhiều trẻ em đã không dám đi học vì lo sợ các cuộc tấn công. Năm 2015, Chính phủ Afghanistan đã hứa hẹn sẽ bảo đảm an toàn cho các trường học, tuy nhiên hiện vẫn chỉ dừng ở lời hứa. Ngược lại, các cuộc tấn công vào các trường học và trường đại học đã tăng lên gần đây.

Một số sinh viên ở Kunduz đã chết ngay tại lễ nhận bằng tốt nghiệp vào tháng 3 năm nay. Một vài tuần sau, Taliban nhằm đe dọa các sinh viên và phụ huynh của họ, đã phá hủy hàng trăm cơ sở giáo dục ở Afghanistan.

Tỉ lệ biết chữ của người dân ở Afghanistan hiện chỉ là gần 38%. Do nhiều cha mẹ chưa từng đến trường trước đó, vì thế họ không muốn con mình học đọc và viết. Nhiều người chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt khi để con trai và con gái đi làm đem tiền về cho gia đình, mặc dù 90% người dân làm những công việc tạm thời được trả rất ít tiền.

Không hiếm người dân Afghanistan trở thành nạn nhân của những cuộc tấn công khủng bố thường diễn ra tại những địa điểm công cộng. Điển hình như ngày 11-6 vừa qua tại Kabul, một kẻ khủng bố đánh bom liều chết đã làm 13 người thiệt mạng. Tuy nhiên, ngay cả mối nguy hiểm này cũng không ngăn cản những đứa trẻ lao ra đường để tìm việc làm.

Vì phải làm việc trong lĩnh vực trồng và chế biến thuốc phiện, không ít trẻ em Afghanistan đã bị nghiện ma túy.

Trong vòng xoáy đói nghèo

Một trong số ít nguồn thu nhập hiện nay cho trẻ em Afghanistan là từ công việc trong các nhà máy gạch. Trẻ vị thành niên thường làm việc ngang với người lớn, từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều.

Ngoài ra, trẻ em còn được thuê để thu hoạch bông và trồng thuốc phiện. Việc sản xuất thuốc phiện tại Afghanistan giờ đã vượt qua mọi con số kỷ lục. Làm việc trong môi trường này khiến nhiều đứa trẻ bị nghiện ma túy. Ước tính có hơn 100.000 trẻ em Afghanistan bị nghiện khiến các trung tâm cai nghiện trở nên quá tải. Chưa kể khi trở về nhà, hầu hết trẻ vị thành niên lại bắt đầu tái nghiện.

"Ngay như trường hợp một cậu bé 9 tuổi bị đau răng nặng. Dì của cậu bé đã tư vấn một loại thuốc tốt hơn là thuốc phiện. Kết quả là bản thân cậu bé đã không nhận thấy mình bị nghiện ma túy nhanh đến thế" - một phóng sự của BBC Newscho biết.

Tại Afghanistan còn một hiện tượng phổ biến là “Bacha bazi” (nghĩa là “trò chơi của các cậu bé”) -  một loại biến thể mại dâm trẻ em, khi những bé trai được cho mặc quần áo phụ nữ và bị bán để mua vui tình dục cho những kẻ bệnh hoạn. Tại một đất nước loạn lạc như ở Afghanistan, không hiếm các vụ cưỡng hiếp trẻ vị thành niên. Điều này đặc biệt phổ biến trong giới chỉ huy phiến quân, những kẻ có đầy đủ quyền lực ở những vùng nông thôn, có thể dễ dàng khủng bố người dân địa phương.

Mặc dù Taliban đã tuyên bố ngừng chiến nhưng các cuộc xung đột vẫn diễn ra. Liên Hiệp Quốc đã phải công nhận Kabul là nơi nguy hiểm nhất Afghanistan với 94% người chết là nạn nhân của những kẻ đánh bom liều chết. Trong bản báo cáo của mình, Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG) đã dự đoán trong thời gian tới mục tiêu của những kẻ khủng bố sẽ là những thành phố lớn của Afghanistan.

Chính sách không khoan nhượng với người di cư được đưa ra bởi các nước EU khiến cho hàng chục ngàn người Afghanistan dự kiến sẽ được đưa trở lại quê hương. Những người tình nguyện trở về sẽ được nhận 700 euro cùng vé máy bay. Còn những người không tình nguyện vẫn bị ép buộc phải quay về mà không nhận được tiền.

Với các chính trị gia châu Âu thì điều này không quá khó hiểu: nhiệm vụ ưu tiên của họ là phải bảo đảm hạnh phúc cho chính công dân của mình, trong khi nỗi bất hạnh của người Afghanistan không phải trách nhiệm của họ.

Theo Foreign Policy, 72% trẻ em trở về nhà không đi học. Các chuyên gia đều có chung nhận định, vấn nạn lao động trẻ em tại Afghanistan vẫn sẽ phát triển trong tương lai gần. Kabul từng tuyên bố nhiều lần rằng họ thực sự muốn tập trung vào việc bảo vệ quyền lợi của trẻ vị thành niên, dù phải thừa nhận rằng trẻ em phải làm việc trên đường phố là kết quả của sự tan rã trong hệ thống kinh tế xã hội Afghanistan.

Tuy nhiên kế hoạch của chính quyền Afghanistan sẽ là bất khả thi một khi đất nước vẫn chìm trong loạn lạc. Điều này có nghĩa các thế hệ người dân Afghanistan trong tương lai gần vẫn sẽ chỉ quẩn quanh trong vòng xoáy của mù chữ và nghèo đói. Câu hỏi về tương lai cho trẻ em tại Afghanistan hiện vẫn chưa thể có được câu trả lời.

Hạnh Trang (tổng hợp)
.
.