Afghanistan sẽ ra sao khi không còn quân Mỹ?
Cuộc chiến dai dẳng
Sau vụ tấn công tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới New York, Mỹ ngày 11-9-2001, Chính phủ Mỹ đã đưa quân vào Afghanistan với mục đích tiêu diệt al Qaeda và một tổ chức khác là Taliban, đã cho al-Qaeda nương náu rồi sau này là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Ở thời điểm cao nhất, lực lượng lính Mỹ hiện diện tại Afghanistan lên đến 47.000 người cùng 7.000 binh sĩ của một số quốc gia thuộc Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Cuộc chiến dai dẳng chống al-Qaeda, Taliban và IS kéo dài suốt 20 năm đã khiến 2.442 lính Mỹ, 6 nhân viên dân sự làm việc cho Bộ Quốc phòng Mỹ, 1.144 quân đồng minh cùng hơn 80.000 quân nhân, cảnh sát của cả Afghanistan lẫn Pakistan thiệt mạng, chưa kể 136 nhà báo, 594 thành viên của các tổ chức nhân đạo và 71.000 thường dân chết vì bị Taliban giết.
Tổng chi phí cho cuộc chiến này lên đến 2.260 tỉ USD (theo số liệu về “Chi phí chiến tranh - Costs of war report” của Viện Watson). Về phía Taliban, al-Qaeda, IS, số người chết là gần 90.000 người.
Đầu năm 2020, sau nhiều vòng đàm phán, chính quyền Tổng thống Donald Trump đạt được thỏa thuận với Taliban. Theo thỏa thuận, Mỹ cam kết rút hết 2.500 quân còn lại khỏi Afghanistan trước ngày 1-5-2021.
Tuy nhiên, khi ông Joe Biden lên làm tổng thống, ông cho rằng thời điểm đó là không khả thi. Cuối cùng, ông Biden quyết định lính Mỹ sẽ bắt đầu rút khỏi Afghanistan trước 1-5 và hoàn tất trước 11-9.
Sự vui mừng của lính Mỹ khi biết sẽ về nước trước ngày 11-9. |
Việc Mỹ và NATO rút quân làm dấy lên nhiều lo ngại, cả với những quốc gia là đồng minh của Mỹ lẫn người dân Afghanistan. Sau 20 năm, Afghanistan đã đạt được nhiều tiến bộ trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, báo chí, nữ quyền...
Cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường sá, cầu cống, điện, nước cũng phát triển. Tuy nhiên, những tiến bộ ấy phần lớn chỉ có ở các thành phố còn những vùng nông thôn thì chưa mấy khả quan.
Lấy thí dụ như điều kiện sống của phụ nữ Afghanistan, tỉ lệ biết đọc biết viết của phái nữ là 37% so với thời Taliban là 6%. Hiện có 250 phụ nữ tham gia Tòa án Tối cao. Hơn 30% ghế trong Quốc hội Afghanistan được dành cho nữ giới nhằm bảo đảm họ có quyền tham gia vào đời sống chính trị. Nó khác hẳn giai đoạn Taliban cai trị đất nước (1996-2001).
Khi đó trẻ em gái không được đi học sau 8 tuổi, phụ nữ buộc phải mặc áo choàng dài và che mặt (burqua) ngay cả lúc ở nhà. Họ không được phép ra khỏi nhà nếu không có một người đàn ông trong gia đình đi cùng, cũng như không được phép để bác sĩ nam giới khám bệnh nếu bên cạnh họ không có mặt bà nội hoặc bà ngoại.
Những nhà đấu tranh cho nền dân chủ và xã hội dân sự ở Afghanistan đặt câu hỏi: “Nếu Taliban tái hội nhập đời sống chính trị và họ lại muốn áp đặt mô hình xã hội bằng luật Hồi giáo khắc nghiệt (Sharia) thì liệu rằng những tiến bộ vừa nêu có tồn tại nữa hay không?”.
Trong suốt 20 năm kể từ khi người Mỹ hiện diện ở Afghanistan, đã có khoảng 150.000 lượt người Afghanistan làm việc trực tiếp hoặc gián tiếp với quân đội hoặc các tổ chức dân sự Mỹ cùng các nước đồng minh với Mỹ.
Trước khi quyết định rút hết binh sĩ khỏi quốc gia này, năm 2009, Quốc hội Mỹ đề ra chương trình Thị thực nhập cư đặc biệt (SIV), cho phép một phần nhỏ trong số những người Afghanistan nêu trên được định cư ở Mỹ nhưng quá trình này diễn ra rất chậm.
Tính đến cuối năm 2019, mới chỉ có hơn 18.000 đơn trong số này được chấp thuận và hiện vẫn còn hàng chục nghìn đơn đăng ký SIV khác đang chờ được xử lý.
Taliban ngày càng xuất hiện công khai tại nhiều khu vực ở Afghanistan. |
Những lo ngại khi không còn lính Mỹ
Về mặt địa chính trị, Afghanistan là một trong những quốc gia trẻ nhất thế giới. Hơn một nửa số dân còn sống đều sinh ra trong thời kỳ quốc tế can thiệp vào đất nước này sau vụ khủng bố 11-9.
Nhiều người đã trưởng thành nhờ vào nền giáo dục tiên tiến theo mô hình phương Tây mà trong đó, không ít người đang nổi lên với tư cách là những nhà lãnh đạo tương lai của Chính phủ Afghanistan, khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự, chưa kể một số người khác đạt được kỹ năng nghề nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khi làm việc cho các tổ chức quốc tế ở Afghanistan.
Tuy nhiên, phần lớn họ đều băn khoăn về việc khi lính Mỹ rút hết, các giải pháp chính trị giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban rơi vào bế tắc thì rất có thể xung đột bạo lực sẽ tái diễn khiến đất nước một lần nữa rơi vào hỗn loạn.
Sự băn khoăn ấy không phải là không có cơ sở bởi lẽ từ khi đạt được thỏa thuận với Mỹ về việc rút quân, hầu như không có vụ tấn công nào của Taliban nhắm vào lính Mỹ mà hầu hết đều nhắm vào người Afghanistan.
Một đánh giá gần đây do Trung tâm chống khủng bố thuộc Trường võ bị West Point, Mỹ, công bố cho thấy sự hiện diện của các lực lượng Mỹ ở Afghanistan đã giúp giảm bớt tổn thất về nhân mạng của quân đội Afghanistan.
Nếu không có sự yểm trợ bằng máy bay Mỹ và các quốc gia đồng minh cũng như sự hỗ trợ về hậu cần và kỹ thuật, quân đội Afghanistan sẽ không đủ khả năng để bảo vệ nhiều vùng lãnh thổ, chưa kể 2,7 triệu người Afghanistan hiện nay vẫn còn phải tỵ nạn ở Iran và Pakistan.
Trong phiên điều trần tại Ủy ban tình báo Thượng viện, ông Bill Burns, giám đốc CIA đưa ra cảnh báo nếu Mỹ rút quân khỏi Afghanistan thì khả năng tiếp nhận thông tin tình báo của CIA sẽ giảm đi.
Theo ông Burns, cả al-Qaeda lẫn IS đều khó có khả năng tấn công trực tiếp vào nước Mỹ nhưng “rõ ràng sự có mặt của Mỹ ở Afghanistan đã giúp ích rất nhiều cho quá trình ngăn chặn khủng bố. Sự ra đi của quân đội Mỹ ở Afghanistan sẽ khiến chúng tôi phải đối mặt với nhiều rủi ro…”.
Cũng cùng chung quan điểm, trong một tuyên bố tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell gọi kế hoạch này là “liều lĩnh và là một sai lầm nghiêm trọng. Đó là sự rút lui khi kẻ thù chưa bị tiêu diệt”.
Một số quan chức khác cảnh báo rằng việc người Mỹ rút lui sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ Kabul đồng thời gây nguy hiểm cho những lợi ích đạt được trong hai thập kỷ qua về y tế, giáo dục và quyền phụ nữ. Ngay cả những người trong đảng Dân chủ cầm quyền cũng nhận thấy việc rút quân là vô nghĩa.
Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen thuộc bang New Hampshire, đảng viên Dân chủ cao cấp trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ nói bà thất vọng về quyết định của Tổng thống Biden: “Nước Mỹ đã hy sinh quá nhiều để mang lại sự ổn định cho Afghanistan. Việc rút quân làm xói mòn cam kết của chúng tôi với người dân Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ”.
Nét trầm tư của những người lính Afghanistan trước viễn cảnh không còn quân đội Mỹ trên đất nước này. |
Tương lai nào đang chờ Afghanistan?
Với người dân Afghanistan, việc rút hết quân Mỹ gợi lại giai đoạn nghiệt ngã dưới thời Taliban. Số đông tin rằng chính phủ và các lực lượng vũ trang Afghanistan sẽ không tồn tại nếu thiếu sự hỗ trợ của Mỹ.
Nhiều nhà hoạch định chính sách, quan chức an ninh và giới ngoại giao Mỹ cũng đồng tình với quan điểm u ám này. Tuy nhiên, chưa chắc Taliban sẽ tràn vào Kabul ngay lập tức khi không còn lính Mỹ như họ đã làm vào tháng 9-1996 nhằm tái lập Tiểu vương quốc Hồi giáo.
Đã có quá nhiều thay đổi ở thủ đô Kabul và các đô thị lớn nên Taliban dường như cũng nhận ra rằng họ sẽ phải cần đến sự công nhận của quốc tế để có thể chiếm được đa số ghế trong trường hợp một chính phủ liên hiệp ra đời.
Thế nhưng đó chỉ là dự đoán bởi lẽ những cam kết của Taliban về các cuộc đàm phán với bất kỳ thực thể nào ngoài người Mỹ vẫn luôn mơ hồ và hiện tại, nó lại càng thêm rõ ràng hơn: Người phát ngôn của Taliban cho biết họ sẽ không tham dự một hội nghị dự kiến bắt đầu ở Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 24-4 nếu có sự hiện diện của quân đội nước ngoài.
Về phần mình, chính quyền Kabul nhận thức được rằng Taliban luôn xem họ như con rối của người Mỹ. Đã nhiều lần, Kabul lên tiếng về ý định thực sự của Taliban là giành chính quyền bằng vũ lực một khi người Mỹ rời đi.
Khi ấy, sự tồn vong của Kabul hoàn toàn phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động của các lực lượng vũ trang Afghanistan nhưng nó là một bức tranh khá ảm đạm. Những ngày gần đây, khi sự yểm trợ của Mỹ và đồng minh bắt đầu giảm bớt, binh sĩ và cảnh sát Afghanistan đã rút bỏ hàng chục trạm kiểm soát an ninh trong khi nhiều trạm khác bị Taliban lấn chiếm.
Ở những vùng có căn cứ của Taliban, các tay súng “thánh chiến” hầu như đã xuất hiện công khai giữa ban ngày, điều mà họ chưa hề làm khi còn không quân Mỹ. Lợi dụng thời gian giữa các cuộc đàm phán lúc ông Trump là Tổng thống Mỹ, Taliban đã thiết lập nhiều căn cứ và tiền đồn khắp đất nước.
Niềm hy vọng duy nhất của ông Ashraf Ghani, Tổng thống Afghanistan là có thể duy trì sức chiến đấu của 20.000 đến 30.000 quân đặc biệt tinh nhuệ với điều kiện Chính phủ Mỹ tiếp tục tài trợ cho quân đội Afghanistan mỗi năm 4 tỉ USD. Còn nếu khoản tiền đó bị cắt bởi Quốc hội Mỹ không muốn kéo dài cuộc chiến “của người khác”, chính phủ của ông Ghani sẽ gặp rắc rối.
Lisa Curtis, Giám đốc cấp cao của Nhà Trắng về Nam và Trung Á dưới thời Tổng thống Trump nói quyết định rút lui có khả năng dẫn đến thảm họa: “Mọi người đều muốn tin rằng Taliban đã thay đổi, nhưng đó là suy nghĩ viển vông”.
David Sedney, một quan chức hàng đầu của Lầu Năm Góc dưới thời Tổng thống Obama, hiện đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế gọi quyết định rút quân là “ngu ngốc về mặt chiến lược, là thảm họa nhân đạo và đáng trách về mặt đạo đức”.
20 năm qua, đất nước Afghanistan đã có nhiều thay đổi. Những ngày này, đường phố Kabul không thiếu tiếng cười nói của các cô gái với đồng phục áo khoác đen và khăn trùm đầu trắng trên đường đến trường, hoặc những loại áo choàng nhiều màu sắc đến nơi làm việc. Các quán cà phê, tiệm ăn, trung tâm mua sắm luôn nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm.
Trên các xa lộ, các con đường liên tỉnh nối các thành phố và các vùng nông thôn, sự xuất hiện của các loại xe hơi tư nhân ngày càng nhiều nhưng đâu đó trong thâm tâm người dân Afghanistan, tất cả có thể sẽ biến mất nếu Taliban quay lại.
Và mặc dù Liên Hợp Quốc đã cam kết sẽ vẫn tiếp tục duy trì sứ mệnh và nhân đạo ở quốc gia này sau khi lính Mỹ rút hết nhưng với con số hiện nay của lực lượng Liên Hợp Quốc là khoảng 4.000 người, trong đó 70% là người Afghanistan thì chẳng có gì bảo đảm rằng những người này sẽ không phải là mục tiêu của Taliban khi mà những vụ tấn công bạo lực gần đây cho thấy lính Mỹ không còn là đối tượng cần phải tiêu diệt…