Ai Cập: Liệu có xảy ra xung đột sắc tộc?
khoảng 0h30’ ngày 1/1/2011, giờ địa phương, một chiếc ôtô gài bom nhét đầy những mảnh kim loại nổ tung trước nhà thờ Al Kidissine thuộc thành phố cảng Alexandria, cách thủ đô Cairo khoảng 240km, nơi có nhiều tín đồ đang dự lễ chào năm mới. Bộ Y tế Ai Cập cho biết có ít nhất 21 người chết và 79 người bị thương trong vụ đánh bom, trong số bị thương có 4 cảnh sát đang làm nhiệm vụ canh giữ phía ngoài nhà thờ. Chưa có tổ chức nào nhận trách nhiệm sau vụ khủng bố.
Nhận định của Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak dựa trên tuyên bố của Bộ Nội vụ Ai Cập, vụ tấn công và phương pháp tấn công cho thấy vụ đánh bom có thể do các phần tử ngoại quốc lên kế hoạch và theo sát việc thực hiện. Bộ này cũng cho biết vụ tấn công đẫm máu trên có thể là đánh bom liều chết và thủ phạm đã thiệt mạng, chứ không phải là một vụ đánh bom hẹn giờ. Đây là vụ tấn công bạo lực đẫm máu nhất nhằm vào cộng đồng người Thiên Chúa giáo thiểu số ở Ai Cập trong vòng một thập kỷ qua.
Ngay sau vụ nổ, rất nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo đã giận dữ ném đá vào cảnh sát vì cho rằng họ không làm tốt công tác an ninh. Các tín đồ cũng tấn công một thánh đường Hồi giáo gần đó. Một xe cấp cứu và 3 xe cảnh sát đã bị đốt cháy, khiến cảnh sát phải dùng hơi cay để giải tán đám đông.
Sự phẫn nộ của những người Thiên Chúa giáo Ai Cập tiếp tục tăng. Đến lượt chính quyền phải hứng chịu cơn giận dữ của người dân. Ngày 2/1/2011, tang lễ các nạn nhân đã được cử hành trong tâm trạng xúc động và giận dữ của những người Thiên Chúa giáo. Người nhà các nạn nhân của vụ khủng bố thậm chí đã không chấp nhận lời chia buồn của Tổng thống Mubarak.
Có ít nhất 5.000 người tham dự tang lễ. 17 chiếc xe cứu thương đã chuyên chở thi hài các nạn nhân đến nghĩa trang Borg el Arab của người Thiên Chúa giáo, cách thành phố Alexandria 30km về phía tây, trong sự bảo vệ an ninh cực kỳ nghiêm ngặt. Làm như vậy, chính quyền Cairo muốn ngăn cản những người theo Thiên Chúa giáo tổ chức lễ tang tại nghĩa địa Chatbi nằm trong trung tâm thành phố có thể sẽ gây rối loạn thêm.
Sự phẫn nộ của cộng đồng những người Thiên Chúa giáo còn bắt nguồn từ việc họ phát hiện một thông điệp trên blog của những phần tử Hồi giáo cực đoan kêu gọi cho nổ tung các nhà thờ Thiên Chúa giáo ở Ai Cập vào những ngày lễ cuối năm. Thông điệp này còn chỉ rõ các địa chỉ nhà thờ ở Ai Cập, trong đó có nhà thờ Al Kidissine vừa mới bị tấn công. Blog này lý giải lời kêu gọi cho nổ tung các nhà thờ bởi vì họ nghi nhà thờ này đã bắt giữ 2 nữ tín đồ Thiên Chúa giáo muốn cải đạo sang Hồi giáo. Trước khi xảy ra vụ khủng bố hơn chục tiếng đồng hồ, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra trước cửa nhà thờ Hồi giáo ở trong thành phố Alexandria đòi trả tự do cho 2 phụ nữ kể trên, nếu không họ sẽ dùng vũ lực.
Giáo hoàng Benedict XVI đã lập tức kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới bảo vệ những người Thiên Chúa giáo sau vụ khủng bố. Giáo hoàng cũng nhấn mạnh đây sẽ là một nhiệm vụ khó khăn, cần có sự cam kết cụ thể của các nhà lãnh đạo trên thế giới. Tổng thư ký Liên đoàn Arập, Amr Moussa tuyên bố, vụ tấn công đẫm máu trên làm tổn hại đến an ninh và ổn định của Ai Cập.
Các tín đồ Thiên Chúa giáo phẫn nộ trước vụ khủng bố đêm 1/1/2011. |
Trong khi đó, người đứng đầu Tổ chức Hội nghị Hồi giáo, Ekmeleddin Ihsanoglu, kêu gọi người dân Ai Cập tránh các âm mưu xúi giục nổi loạn hoặc gây chia rẽ lẫn nhau. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng lên án mạnh mẽ "hành động dã man và vô đạo đức" của những kẻ thực hiện vụ tấn công trên.
Về phần mình, phát biểu trên truyền hình nhà nước, Tổng thống Ai Cập Mubarak đã lên án "hành động tội ác bỉ ổi" nhằm vào người dân Ai Cập nói chung, không phân biệt tôn giáo. Ông Mubarak hứa là sẽ đánh bại những âm mưu phá hoại nền an ninh của Ai Cập và kêu gọi nhân dân Ai Cập tránh không để xảy ra thêm xung đột giáo phái. Quan hệ giữa cộng đồng Thiên Chúa giáo, chiếm khoảng 10% dân số Ai Cập, với người Hồi giáo từ lâu vốn đã khá nóng bỏng.
Vụ đánh bom đêm giao thừa đã như đổ thêm dầu vào lửa và giới truyền thông Ai Cập hôm 2/1 đồng loạt đề cập nguy cơ nội chiến sắc tộc. Nhật báo Rose el-Youssef kêu gọi người Ai Cập đừng vô tình tiếp tay cho bọn khủng bố, còn tờ Al-Shorouk nhận định, điều nguy hiểm hơn cả vụ tấn công là những người anh em Thiên Chúa giáo vốn đang giận dữ lại bị cô lập hơn.
Căng thẳng tôn giáo tại Ai Cập leo thang trong bối cảnh bất ổn chính trị tại đây chưa lắng dịu. Cuộc bầu cử Quốc hội cuối tháng 11/2010 kết thúc với phần thắng thuộc về đảng Dân chủ quốc gia của Tổng thống Mubarak. Tuy nhiên, đảng đối lập lớn nhất Ai Cập (Huynh đệ Hồi giáo) cùng với đảng nhỏ hơn theo đường lối thế tục (Wafd) đã tẩy chay cuộc bầu cử sau khi có các cáo buộc gian lận trong bỏ phiếu. Trước bầu cử, nhiều vụ đụng độ đã xảy ra khiến ít nhất 21 người bị thương, hàng trăm người biểu tình đã bị cảnh sát bắt giữ