Ai có thể đứng đằng sau vụ bắn rơi máy bay Su-25 của Nga ở Syria?

Thứ Tư, 07/02/2018, 14:35
Những kẻ khủng bố đã thừa nhận việc bắn hạ chiếc Su-25 của Nga ở Syria được thực hiện bằng tên lửa đất đối không, theo Bộ Quốc phòng Nga. Ai và tại sao có thể tổ chức cuộc tấn công này trong một khu vực giảm căng thẳng?

Cần xem xét kỹ lại những tình tiết của vụ việc để hiểu được tình hình và nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc máy bay của Nga bị bắn hạ.

Su-25 bị bắn hạ bởi tên lửa đất đối không

Theo đài Sputnik của Nga, ngày 3-2-2018, một loại tên lửa đất đối không đã bắn hạ chiếc máy bay tấn công mặt đất của Nga Sukhoi-25 (SU-25) khi nó bay qua khu vực giảm căng thẳng Idlib ở tây bắc Syria. Trước khi hi sinh, phi công có thời gian để thông báo cho cấp trên của mình rằng anh ta đã bay vào khu vực kiểm soát bởi những kẻ khủng bố Front-al-Nusra.

Vụ tấn công chống lại quân đội Nga đã được thừa nhận bởi các nhóm khủng bố Hayat Tahrir al-Sham (tiền thân là Front-Nosra al), cũng như các nhóm phiến quân Jaysh al-Nasr (Đội quân Chiến thắng), một thành viên của quân đội Syria tự do (FSA), thông qua việc công bố một đoạn video cho thấy một chiếc máy bay đang cháy.

Sau khi máy bay bị phá hủy, một câu hỏi đặt ra là: hệ thống tên lửa đất đối không từ đâu đến cho phép kẻ khủng bố bắn hạ máy bay?

Theo Bộ Quốc phòng Nga, đây có thể là một hệ thống phòng không di động. Quốc hội Nga đã yêu cầu điều tra xem liệu đó có phải là vũ khí của phương Tây hay không.

"Cần phải tìm hiểu vũ khí này đến từ đâu. Nếu đó là một tên lửa Stinger, làm thế nào nó lại lọt vào tay những kẻ khủng bố thuộc Front-Nosra al? Theo các báo cáo, Mỹ có thể đã giao vũ khí cho người Kurd ở Syria. Washington phải cung cấp một danh sách đầy đủ về vũ khí mà họ đã giao cho các nhóm vũ trang ở Syria. Điểm mấu chốt là liệu danh sách này có chứa các hệ thống tên lửa đất đối không", Igor Korotschenko, chuyên gia quân sự và tổng biên tập của tạp chí Quốc phòng Nga, nói với Sputnik hôm 3-2.

Hiện trường chiếc máy bay Su-25 của Nga bị bắn hạ tại Syria ngày 3-2-2018.

Vào cuối tháng 1-2018, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định rằng trong vài tháng nay, Washington đã vận chuyển hơn 5.000 xe tải chứa vũ khí cho lực lượng người Kurd ở Syria và đang có kế hoạch tạo ra một hành lang cho quân khủng bố ở miền bắc Syria. Những vũ khí đó bao gồm "tên lửa chống tăng Milan, TOW hoặc AT4", theo Mete Yarar, chuyên gia an ninh được phỏng vấn bởi Sputnik.

Trước tình hình này, tháng 1-2018, Thổ Nhĩ Kỳ đã đánh bom một sân bay do Mỹ sử dụng để cung cấp vũ khí cho người Kurd. Kể từ ngày 20-1, Ankara đã tiến hành một chiến dịch mang tên Nhành ô-liu tại quận Afrine, phía bắc Idlib.

Đằng sau tuyên bố của Lầu Năm Góc

Sau khi chiếc Su-25 của Nga bị bắn hạ ở Idlib hôm 3-2, Lầu Năm Góc đã nhanh chóng tuyên bố rằng họ không đưa vũ khí đất đối không cho "đối tác" ở Syria. Phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, Eric Pachon, nói rằng Hoa Kỳ và các đồng minh của họ, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), "đang chiến đấu chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)". Ông nói thêm rằng Hoa Kỳ đã không gửi vũ khí hoặc bất kỳ sự trợ giúp nào cho người Kurd ở Afrin.

Tuy nhiên, cần nhớ rằng vào tháng 5-2017, Tổng thống Donald Trump đã thông qua kế hoạch cung cấp vũ khí cho các chiến binh người Kurd để giúp họ lấy lại vùng đất Raqqa từ tay IS, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ phía Thổ Nhĩ Kỳ. Như thế có nghĩa rằng SDF không chỉ bao gồm các đơn vị bảo vệ người Kurd (YPG), mà còn là những người đi tiên phong chinh phục những vùng đất khác, cho dù đó là những vùng do quân khủng bố kiểm soát.

Đối với người Kurd ở Afrine, họ tin rằng những kẻ khủng bố ở Idlib được hỗ trợ bởi Ankara. "Mọi người đều hiểu ai ủng hộ những nhóm khủng bố này. Các nhóm ở Idlib bị bao vây và chỉ có thể nhận được sự trợ giúp từ Thổ Nhĩ Kỳ", phát ngôn viên của YPG Rezan Hedo tại Afrine nói với Sputnik sau khi bày tỏ lời chia buồn với người Nga sau cái chết của phi công lái chiếc Su-25.

Các cuộc tấn công vào quân đội Nga ở Syria và đặc biệt là các cuộc tấn công bằng vũ khí tinh vi đã diễn ra nhiều lần trong hai tháng vừa qua. Vào ngày 11-12-2017, Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh rút một số lực lượng Nga tham gia vào hoạt động chống khủng bố ở Syria về nước sau khi nhận thấy rằng những kẻ khủng bố đã gần như bị tiêu diệt ở nước này.

Những chiếc máy bay không người lái được sử dụng để tấn công các căn cứ quân sự của Nga tại Syria tháng 1-2018.

Ngày 31-12-2017, căn cứ không quân Hmeimim của Nga ở Syria là mục tiêu một cuộc tấn công bằng súng phóng lựu. Ngày 6-1-2018, những kẻ khủng bố lần đầu tiên sử dụng máy bay không người lái để tấn công căn cứ Hmeimim và căn cứ hậu cần của các tàu Nga ở Tartous. Cuộc tấn công đã bị đẩy lùi. 7 máy bay không người lái đã bị bắn hạ, trong khi 6 chiếc khác bị các đơn vị chiến tranh điện tử của Nga giành quyền kiểm soát.

Cuộc tấn công được tổ chức từ vùng Al-Mouazzara, phía tây nam của khu vực giảm căng thẳng Idlib đang đặt dưới sự kiểm soát của cái gọi là lực lượng vũ trang đối lập ôn hòa.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, các giải pháp kỹ thuật được bọn khủng bố sử dụng chỉ có thể đến từ một quốc gia có khả năng công nghệ cao.

Theo các chuyên gia quân sự Thổ Nhĩ Kỳ được Sputnik phỏng vấn, các máy bay không người lái được sử dụng tấn công vào Hymimim và Tartous rất giống với những chiếc trong quân đội Mỹ mà trước đó đã được tìm thấy trong lực lượng dân quân người Kurd.

Erdogan Karakus, trung tướng về hưu của Không lực Thổ Nhĩ Kỳ, cho hay: "Chính nước Mỹ sở hữu máy bay không người lái có khả năng thả bom và đầu đạn nổ thường được sử dụng bởi các máy bay quân sự". Theo Karakus, các máy bay không người lái sử dụng trong những vụ tấn công vào các căn cứ của Nga ở Syria cũng giống loại máy bay được trang bị cho quân đội Mỹ.

Vào cuối tháng 1-2018, quân đội Syria đã phát hiện ra thiết bị dùng cho chiến tranh vô tuyến điện tử do phương Tây chế tạo trong kho vũ khí của nhóm khủng bố Ahmed al-Abdo khi lực lượng này bị tiêu diệt gần thành phố al-Tanf. Theo Trung tâm Hòa giải các bên mâu thuẫn ở Syria, các chiến binh do Hoa Kỳ huấn luyện tại một trại lính được Lầu Năm Góc xây dựng vào năm 2016 ở Syria có các thiết bị làm nhiễu và truyền tải thông tin nguồn gốc châu Âu và một lượng lớn đạn dược và vũ khí.

Một cuộc điều tra cần phải được thiết lập để xác định bằng vũ khí nào chiếc Su-25 của Nga đã bị bắn hạ ở Syria ngày 3-2-2018.

Theo Igor Korotchenko, "Nga phải tuyên bố một cách cứng rắn với các nước phương Tây rằng mọi hình thức chuyển giao loại vũ khí này ở Syria, bất kể người nhận, sẽ hoàn toàn không được Nga chấp nhận".

Đan Kô (theo Sputnik)
.
.