Ai đã mua dầu và cung cấp vũ khí cho IS?

Chủ Nhật, 02/11/2014, 21:30

Khi nghiên cứu số vũ khí tịch thu được sau những trận đụng độ với IS tại miền Bắc Iraq và Syria, người ta nhận thấy có rất nhiều nguồn cung cấp. Các nhà điều tra của Tổ chức Kiểm soát vũ khí Conflic Armament Research (CAR) đã lập danh sách hơn 1.700 viên đạn tùy theo quốc gia và ngày sản xuất. Báo cáo cho thấy rằng, đa số những loại vũ khí nói trên đã bị IS lấy được từ quân đội và phe nổi dậy được nước ngoài hỗ trợ tại Syria và Iraq. 

Vũ khí xuất xứ từ đâu?

"Chúng tôi được biết rằng các lực lượng phòng vệ và an ninh nước ngoài thật sự đã không thể giữ gìn số vũ khí đó" - Giám đốc James Bevan của CAR nói với phóng viên tờ New York Times. Theo báo cáo, 2 nguồn cung cấp vũ khí chính tương ứng với số vũ khí lấy được của quân đội Syria vốn sở hữu một kho vũ khí khổng lồ do nước ngoài cung cấp, cũng như từ các kho của quân đội Iraq mà đa số là do Mỹ sản xuất. Hơn nữa, IS còn sử dụng một lượng lớn vũ khí hiệu Wolf của Nga và được Mỹ phân phối cho các nước đồng minh ở Trung Đông.

Một nhà điều tra còn cho biết, những chiến binh nổi dậy tại Syria dùng đèn hàn để xóa số đăng ký của nhiều loại vũ khí nước ngoài, như thế sẽ rất khó xác định được nguồn cung cấp và kiểm soát sự lưu chuyển.

Khói lửa ngút trời ở thị trấn Kobani.

Theo báo cáo, nhiều loại vũ khí nước ngoài tại Syria và Iraq không chỉ rơi vào tay IS. Một báo cáo mới đây của Cơ quan Nghiên cứu vũ trang xung đột đưa ra một thông tin nữa: dường như IS có súng phóng rocket chống tăng sản xuất tại Nam Tư và tịch thu từ phe nổi dậy Syria.

“Đường chảy lòng vòng” của dầu

Những cuộc tấn công của IS nhắm vào thành phố Kobani vẫn tiếp diễn. Các cuộc không kích của liên minh quốc tế không hề ngăn chặn được đà tiến của phiến quân Hồi giáo. Thực tế này đã chứng minh sức mạnh quân sự và tài chính của IS. IS kiếm tiền từ các giếng dầu mà chúng kiểm soát. Thế thì phe IS bán dầu cho ai? Đầu tháng 9 vừa qua, trang Mediapart đã đăng tải câu nói của Đại sứ EU Jana Hybaskova tại Iraq làm nổi sóng tại Brussels.

Trước các dân biểu của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội châu Âu, bà Jana đã khẳng định rằng "Chính các thành viên EU đã mua số dầu đó. Nhưng tôi không thể chia sẻ thông tin đó với quý vị. Đấy không phải là một thông tin công khai" - bà nói và từ chối cho biết thêm chi tiết.

Theo Giám đốc Pierre Terzian của Cơ quan Pétrostratégies, lời cáo buộc của bà Jana Hybaskova là cường điệu. "Lời tuyên bố đó có mục đích chính trị nhằm lôi cuốn sự chú ý, tạo cú sốc cho EU xem xét vấn đề IS". Ông Pierre Terzian nhấn mạnh rằng: "Các quốc gia hay công ty không đùa giỡn - và chẳng có lợi ích gì - để mua dầu của các nhóm vũ trang cực đoan như IS". Tuy nhiên, "Khi một công ty mua dầu, đúng ra người ta phải biết dầu từ đâu đến nhờ một chứng chỉ xuất xứ" - nhà nghiên cứu Maité de Boncourt giải thích.

"Việc lần theo dấu là có thể được" - Pierre Terzian cho biết và nói tiếp rằng, nhà máy lọc dầu có lợi khi biết được xuất xứ để tránh việc mua phải sản phẩm kém chất lượng. Nhưng người ta có thể ngụy tạo xuất xứ của dầu. Muốn thế có 2 giải pháp: hoặc pha trộn với 1 loại dầu "có nguồn gốc xác định" hoặc phá hủy chứng tích của xuất xứ, tức là làm giả chứng chỉ xuất xứ. Mà chứng chỉ này do các phòng thương mại địa phương cung cấp nên người ta có thể hiểu rằng việc làm giả giấy tờ là dễ dàng tại các quốc gia có nạn tha hóa.

Phương cách này được những mạng lưới buôn lậu sử dụng. "Trong các trường hợp cấm vận hoặc có xung đột, các mạng lưới ngầm sẽ hình thành. Chẳng hạn như sau khi Kuweit bị Iraq xâm chiếm và kế hoạch "dầu hỏa đổi lương thực" được đề ra. Kế hoạch này được giám sát bởi LHQ để viện trợ nhân đạo cho người dân Iraq sau khi đất nước bị trừng phạt về kinh tế.

Từ năm 1996 đến 2003, mỗi 6 tháng Iraq có thể bán 2 tỉ USD dầu với điều kiện cho người dân hưởng doanh thu. Thế nhưng chính quyền Saddam Hussein đã lập ra một mạng lưới tha hóa rộng khắp để thâm lạm. Dầu hỏa buôn lậu cũng được bán tại biên giới và mang về 11 tỉ USD cho chính quyền Iraq. Phe IS chỉ cần sử dụng lại những kênh phân phối ngầm cũ.

Hiện nay các mạng lưới ngầm nằm dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ (TNK). Điều này có thể giải thích bằng 2 cách. Trước hết vì tại TNK giá dầu cao hơn. Cũng chính quốc gia này là điểm đến đầu tiên của dầu hỏa từ IS. Lượng lớn dầu xuất ra khỏi Syria được bán tại TNK. Ngược lại, dầu hỏa của IS có thể được ngụy tạo là xuất xứ tại TNK" - Pierre Terzian cho biết. Chính nhờ sự luồn lách này mà dầu của IS có thể đi đến châu Âu qua cảng Ceyhan, cũng là nơi trung chuyển của dầu hỏa Vùng Vịnh. Có thể nhiều nước thành viên EU đã mua dầu từ TNK mà không hề biết số dầu đó từ đâu mà có.

Còn một yếu tố khác cho thấy dầu hỏa được mua bán tại khu vực này, đó là sự lỏng lẻo ở biên giới có thể do chính TNK khuyến khích với mục đích chính trị. "Khi buông lỏng biên giới, TNK đã khuyến khích sự hình thành IS với mục tiêu là làm suy yếu chính phủ Al-Assad" - Pierre Terzian phân tích.

Một thắc mắc khác liên quan đến Kurdistan là dầu hỏa ở đó được bán cho ai và bằng cách nào, và một trò ảo thuật đã diễn ra tại Địa Trung Hải. Chiếc tàu dầu United Emblem chuyển số dầu cho chiếc Altai ở ngoài khơi đảo Malte, rồi chiếc này cập cảng Israel. Nhưng người ta không biết có phải Israel là người mua không.

"Số dầu có thể được sang tay nhiều lần trước khi đến điểm cuối cùng" - Hãng Reuters cho biết. Sự chuyển đổi qua trung gian như thế khiến cho việc xác định xuất xứ trở nên phức tạp. Trong trường hợp dầu hỏa của IS cũng đi theo đường lối đó, khó mà biết được ai là người mua. Phải chăng bà Jana Hybaskova ám chỉ đến chiến lược mua bán đó khi bảo rằng một số thành viên EU đã mua dầu hỏa của IS?

Minh Luân (tổng hợp)
.
.