Ai sẽ thay thế thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi?
Tuy nhiên, Mỹ và các quốc gia đồng minh trong liên quân vẫn chưa đưa ra lời bình luận nào về việc Baghdadi đã bị tiêu diệt hay chưa. Nhưng nếu thông tin do phía Nga công bố là đúng thì ai sẽ là người thay thế “ông trùm” khủng bố này?
Theo kênh truyền hình al-Al Jazeera, có 2 nhận vật được xem là đủ khả năng để thay thế Baghdadi trong cương vị thủ lĩnh IS, đó là Iyad al-Obaidi và Ayad al-Jumaili. Cả hai đều là sĩ quan cao cấp dưới thời cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein, trong đó Ayad al-Jumaili luôn thừa nhận Iyad al-Obaidi là chỉ huy của mình kể cả khi họ đã gia nhập hàng ngũ IS.
Iyad al-Obaidi, 50 tuổi, từng là Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Iraq, chính thức trở thành một trong những nhân vật lãnh đạo IS tại thành phố Ixra, Iraq vào năm 2003, sau khi người Mỹ lật đổ Tổng thống Saddam Hussein, đưa người Shiite vốn chiếm đa số ở Iraq lên nắm quyền. Cũng trong năm này, cả Obaidi lẫn Jumaili đều cùng tham gia cuộc nổi dậy của người Sunny chống lại người Shiite và lính Mỹ.
Jumaili, 40 tuổi, là người đứng đầu cơ quan an ninh Amniya của IS ở Iraq và Syria. Dưới thời cố Tổng thống Saddam Hussein, ông ta chỉ huy cơ quan tình báo Iraq. Hồi tháng 4-2017, một số nguồn tin cho biết Jumaili đã bị giết trong một cuộc tấn công của không quân Iraq ở khu vực al-Qaim, gần biên giớI Syria nhưng điều đó vẫn chưa được khẳng định.
Năm 2016, những cuộc không kích do Mỹ và liên quân tiến hành đã giết chết Abu Ali al-Anbari, Abu Omar al-Shishani và Abu Mohammad al-Adnani, là những trợ lý hàng đầu của Abu Bakr al-Baghdadi. Từ đó, Iyad al-Obaidi và Ayad al-Jumaili ngoi lên vị trí này.
Trước việc Iyad al-Obaidi hoặc Ayad al-Jumaili sẽ trở thành thủ lĩnh IS nếu quả thật Baghdadi đã chết, nhiều chuyên gia phân tích đều cho rằng cả hai tên này, chưa tên nào nhận được danh xưng “caliph” - tiếng Arab có nghĩa là “quốc vương Hồi giáo” - do IS đặt ra.
Người đầu tiên của Nhà nước Hồi giáo cực đoan tự xưng “caliph” là Abu Bakr al-Baghdadi. Năm 2014, Baghdadi tuyên bố mình là “nhà lãnh đạo dân sự và tôn giáo Hồi giáo, là người kế nhiệm Tiên tri Mohammad”. Tuy nhiên, phần lớn các giáo sĩ, học giả Hồi giáo và tín đồ Hồi giáo trên toàn thế giới đã lên tiếng bác bỏ ý thức hệ cực đoan của “nhà nước” này.
Baghdadi trong lần xuất hiện hồi đầu tháng 5-2017. |
Fadhel Abu Ragheef, một chuyên gia về các vấn đề IS ở Iraq nói: “Họ không thuộc dòng truyền thừa của tiên tri Mohammed. Nhóm này không còn là “Ardh al-Tamkeen” - tiếng Arab có nghĩa là “đất để cai trị”. Không ai trong số họ có kiến thức sâu và kinh nghiệm hiểu biết về thần học Hồi giáo.
Do không có những yếu tố đó, Iyad al-Obaidi hoặc Ayad al-Jumaili nếu có lên thay thế Bghdadi chăng nữa, thì vẫn chỉ được coi là một “emir” (tiếng Arab có nghĩa là hoàng tử hoặc tiểu vương, nhưng với các tay súng IS, họ vẫn dùng từ thì “emir” để gọi thủ lĩnh của họ).
Để có thể trở thành thủ lĩnh của IS, cả Iyad al-Obaidi lẫn Ayad al-Jumaili đều phải được sự chấp thuận của một hội đồng (shoura) gồm 8 thành viên - là nhóm cố vấn cho “caliph”, gồm 6 người Iraq, 1 người Arab Saudi và 1 người Jordan. Tuy nhiên, 6 trong số 8 thành viên ấy hiện đang nằm trong tầm ngắm của quân đội Iraq cũng như của liên quân do Mỹ dẫn đầu. Vì vậy, rất có thể họ sẽ nêu ra ý kiến trong việc chọn người kế nghiệm Baghdadi thông qua những sứ giả chứ không trực tiếp tham gia hội họp.
Trước đó, “shoura” có 9 thành viên nhưng nhân vật thứ 9, người Bahrain, là một giáo sĩ hàng đầu của IS, tên là Turki al-Binali, đã bị tiêu diệt trong một cuộc không kích ở Syria ngày 31-5-2017. Theo nhận định của giới phân tích quốc tế, nếu Iyad al-Obaidi trở thành thủ lĩnh IS, ông ta sẽ phân tán lực lượng thành từng nhóm nhỏ, trong đó địa bàn Đông Nam Á, bao gồm một phần của các quốc gia Malaysia, Indonesia, Philippines sẽ được xây dựng để trở thành một “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng mới.
Nhưng nếu Ayad al-Jumaili trở thành thủ lĩnh IS, các cuộc tấn công khủng bố nhắm vào một số quốc gia trên thế giới sẽ gia tăng, cụ thể là những vụ khủng bố mới xảy ra ở Anh, Pháp, Đức vì trong số những cơ quan IS chuyển đến al-Mayadin, có cả bộ phận phụ trách tuyên truyền trực tuyến trên mạng Internet và trung tâm chỉ huy các vụ đánh bom tự sát, hoặc khủng bố dưới hình thức đâm chém, hoặc lao xe vào đám đông.
Chưa hết, Ayad al-Jumaili còn được các cơ quan tình báo Mỹ, Anh, Pháp, Đức cho rằng y hiện đang chủ trì một chương trình nghiên cứu cách đặt bom vào những cục pin sử dụng trong máy tính xách tay, mà các phương tiện kiểm tra an ninh ở các sân bay, bến cảng, nhà ga xe lửa không thể phát hiện được.
Cho đến nay, ngoại trừ lời tuyên bố của quân đội Nga, vẫn chưa có một thông tin độc lập nào khẳng định Baghdadi đã chết bởi lẽ ít nhất 3 lần liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu cũng từng cho rằng họ đã tiêu diệt được Baghdadi nhưng chỉ một thời gian sau, trên mạng Internet lại thấy xuất hiện những lời kêu gọi “thánh chiến” của y.
Trước đó, khi quân đội Iraq mở cuộc tổng phản công tái chiếm thành phố Mosul, các nguồn tin tình báo cho biết Baghdadi đã giao lại quyền chỉ huy mặt trận Mosul cho Iyad al-Obaidi rồi lùi sâu vào trong sa mạc nhưng không thể xác định vị trí chính xác của y.
Vẫn theo tin tình báo, rút kinh nghiệm sau cái chết của những thủ lĩnh IS, Baghdadi không bao giờ sử dụng điện thoại di động, mọi mệnh lệnh đều thông qua các liên lạc viên. Y thay đổi chỗ ở liên tục, có khi đến 3 lần trong 1 ngày. Phía Mỹ tin rằng Baghdadi ẩn náu trong những ngôi nhà của thường dân - những người ủng hộ hoặc có cảm tình vớI IS chứ y không ở chung doanh trại với chiến binh IS.
Thời đại huy hoàng nhất của Baghdadi là 2 năm trước đây, khi IS cai trị hàng triệu người trong một vùng lãnh thổ chạy dài từ miền bắc Syria, qua các thị trấn, làng mạc dọc theo thung lũng sông Tigris và Euphrates đến ngoại ô Baghdad, Iraq.
Nhưng hiện tại, phần lãnh thổ này đã bị thu hẹp đến 9/10. Hơn một nửa trong số 6.000 tay súng IS bảo vệ Mosul đã thiệt mạng. Lần cuối cùng Baghdadi xuất hiện là hồi đầu tháng 5-2017, hai tuần sau khi bắt đầu trận chiến Mosul. Trong bài phát biểu, Baghdadi kêu gọi các chiến binh IS tiêu diệt bọn ngoại giáo và làm cho “máu chảy như sông, thây chất thành núi”...