Akhundzada làm thủ lĩnh Taliban, máu sẽ tiếp tục chảy ở Afghanistan?
- Taliban công bố thủ lĩnh mới
- Thủ lĩnh bị Mỹ diệt, Taliban họp bầu lãnh đạo mới
- Trùm khủng bố Taliban Mullah Mansour bị thương trong vụ nổ súng
Đáp lại thông báo ấy, Hội đồng tôn giáo Taliban lập tức ra tuyên bố, khẳng định việc Akhundzada trở thành nhà lãnh đạo mới của Taliban sẽ là động lực tạo nên sự đoàn kết giữa Taliban ở Afghanistan, cũng như những chi nhánh khác ở Pakistan, Yemen, Somali, Arab Saudi..., đồng thời góp phần tích cực sửa chữa những sai lầm về đường lối hoạt động của Taliban trong quá khứ. Bên cạnh đó, Akhundzada cũng sẽ mang lại cho tất cả các Mujahedeen - chiến binh thánh chiến - một chiến thằng sau cùng.
Mawlawi Hibatullah Akhundzada – kẻ mang lại hòa bình?
Khác với Mansour, nhân vật có biệt danh là “người kế toán” vì khối tài sản kếch xù kiếm được bằng việc điều hành một đế chế buôn bán ma túy mà phạm vi hoạt động của nó bao trùm hầu hết các tỉnh miền nam Afghanistan.
Theo đánh giá của Cơ quan Bài trừ ma túy Mỹ (DEA), đây là nơi cung cấp số lượng lớn heroin cho gần một nửa con nghiện trên thế giới, đồng thời cũng là nguồn tài trợ cho các hoạt động khủng bố của Taliban ở Afghanistan, Pakistan, Yemen, Somali, Arab Saudi... trong suốt 15 năm qua, thì Mullah Haibatullah Akhundzada - người vừa được Hội đồng tôn giáo Taliban đưa lên cầm quyền sau khi Mansour bị giết bởi một cuộc oanh kích của máy bay không người lái Mỹ, có một lí lịch tương đối “sạch” hơn.
Tên đầy đủ của Mullah Haibatullah Akhundzada theo tiếng Pastun là Mawlawi Hibatullah Akhundzada. Sinh năm 1961 ở huyện Panjwayi, tỉnh Kandahar, Afghanistan, Akhundzada là một trong những nhà lãnh đạo của tổ chức Taliban theo khuynh hướng chính trị chính thống Hồi giáo và đồng thời ông ta cũng là một trong những người sáng lập ra Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan.
Được mô tả như một “học giả tôn giáo”, Akhundzada viết ra bộ luật Hồi giáo hà khắc “Fatawa”. Khi Taliban chiếm được thủ đô Kabul vào năm 1996, Akhundzada được bổ nhiệm làm Chánh án Tòa án Shariah của Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan. Bên cạnh đó, Akhundzada còn mở một “học viện Hồi giáo” ở thành phố Quetta, Pakistan, nơi nhiều chỉ huy hàng đầu của Taliban theo học.
Nổi tiếng là tàn bạo, cực đoan đối với những tội danh và hình phạt áp dụng cho phụ nữ Hồi giáo - chủ yếu là thiêu sống hoặc ném đá cho đến chết, Tòa án Hồi giáo dưới quyền Akhundzada không chỉ là nỗi kinh hoàng cho người dân Afghanistan, mà còn ngay cả với những chiến binh Mujahedeen trong hàng ngũ Taliban. Rahmatullah Nabil, cựu giám đốc một đơn vị tình báo tác chiến Afghanistan mô tả Akhundzada là “một gã đàn ông nhỏ mọn, chuyên sử dụng bạo lực để che giấu sự yếu đuối của mình”.
Mawlawi Hibatullah Akhundzada, thủ lĩnh mới của Taliban (ảnh trái); Mullah Akhtar Mansour, kẻ đã bị máy bay không người lái của Mỹ tiêu diệt. |
Sau khi Mansour chết, ngày 25-5-2016, Akhundzada được Hội đồng tôn giáo Taliban bổ nhiệm làm chỉ huy tối cao của Taliban còn hai nhân vật giữ vai trò cấp phó là Sirajuddin Haqqani và Mullah Mohammad Yaqoob, con trai của cựu lãnh đạo Taliban Mullah Omar. Trước đó, đã có những cuộc tranh luận gay gắt trong Hội đồng tôn giáo Taliban về việc nên chọn Mullah Mohammad Yaqoob hay Sirajuddin Haqqani làm chỉ huy tối cao.
Với Mullah Mohammad Yaqoob, việc ông ta là con trai của Mullah Omar là điều không cần bàn cãi nhưng người được các chiến binh Mujahedeen tôn phục lại là Haqqani, kẻ đứng đầu “mạng lưới Haqqani Al-Qaeda”, đã trực tiếp tổ chức một cuộc tấn công vào thủ đô Kabul ngày 15-4-2016, giết chết 64 người và làm bị thương hàng trăm người. Cuối cùng, để tránh nổ ra xung đột, Hội đồng tôn giáo Taliban thỏa thuận lựa chọn Hibatullah Akhundzada làm thủ lĩnh.
Cũng cần phải nói thêm về việc tiêu diệt Mansour. Sau một thời gian dài kiên trì theo dõi, các cơ quan tình báo Mỹ như CIA, tình báo Quốc phòng, tình báo Lục quân, tình báo Không quân đã xác định được tần số của chiếc điện thoại vệ tinh mà Mansour vẫn thường sử dụng. Bằng các thiết bị do thám tối tân, cơ quan tác chiến điện tử của quân đội Mỹ biết chiếc điện thoại này đang nằm đâu đó ở khu vực giữa biên giới Afghanistan và Pakistan.
Để có thể tiêu diệt Mansour kịp thời, 2 chiếc máy bay không người lái được lệnh thay phiên nhau hoạt động trên khu vực biên giới Afghanistan - Pakistan cả ngày lẫn đêm. Đến sáng 21-5, bộ phận theo dõi của cơ quan tác chiến điện tử phát hiện điện thoại của Mansour mở máy. Vệ tinh trinh sát xác định tần số của nó phát ra từ một chiếc xe hơi, di chuyển từ Afghanistan đến biên giới Pakistan.
Lập tức, hệ thống máy tính trên chiếc máy bay không người lái nhận lệnh tấn công. Bằng một quả tên lửa, nó thổi tung chiếc xe hơi thành nhiều mảnh. Trên xe, ngoài Mansour thì chỉ có một tài xế. Và mặc dù xác Mansour đã cháy thành than nhưng kết quả xét nghiệm AND do Chính phủ Pakistan thực hiện đã khẳng định Mansour thiệt mạng.
Hy vọng mong manh
Việc Mansour bị giết, Akhundzada trở thành người đứng đầu Taliban đã khiến một số nhà lãnh đạo trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Đức, Thụy Điển, Đan Mạch,... - là những nước đã gửi quân hoặc chuyên gia dân sự đến Afghanistan hy vọng rằng Taliban sẽ quay lại tiến trình đàm phán với Chính phủ Kabul trong bối cảnh Taliban đang gặp phải nhiều sự chia rẽ - nhất là dưới thời Mansour, việc buôn bán ma túy trở thành mục tiêu chính thay vì tiến hành “thánh chiến”.
Một số phe phái trong hàng ngũ Taliban tách ra, liên minh với Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hoặc cộng tác với nhóm khủng bố Al Nusa, hoặc chạy qua biên giới Pakistan, tổ chức lại lực lượng của riêng mình nhưng phần lớn các chiến binh Mujahedeen vẫn thề trung thành với Mansour vì dưới thời ông này, họ được hưởng rất nhiều quyền lợi từ việc buôn bán ma túy.
Vẫn theo Rahmatullah Nabil, cựu giám đốc một đơn vị tình báo tác chiến Afghanistan thì: “Taliban đã luôn tuyên bố rằng họ chiến đấu không phải vì quyền lực, mà là cho một nhà nước Hồi giáo tự do. Vì thế, cái chết của Mansour đã dẫn đến sự xói mòn lòng tin, khiến họ trở nên nghi ngờ lẫn nhau bởi lẽ từ trước đến nay, chưa bao giờ trong hàng ngũ Taliban, các tay súng Mujahedeen có sự thống nhất, quyền hạn và vị trí như họ đã có dưới Mullah Omar”.
Thi thể Mansour. |
Theo các chuyên gia tình báo, có vẻ như sự thành công và “tuổi thọ” của các thủ lĩnh Taliban phụ thuộc vào cơ quan an ninh Pakistan! Họ phải xử lý các mối quan hệ rất cẩn thận để tránh lập lại những sai lầm của Mansour vì mặc dù Chính phủ Pakistan lên tiếng phản đối cuộc tấn công tiêu diệt Mansour đã vi phạm chủ quyền quốc gia họ, nhưng nó lại không thể tiến hành nếu không có sự thông đồng của cơ quan an ninh Pakistan.
Ông Rahmini, một nhà phân tích quân sự ở Arab Saudi nói: “Nếu nhà chức trách Pakistan đã bí mật hỗ trợ người Mỹ trong việc giết Mansour thì điều này cho thấy Pakistan ủng hộ tiến trình đàm phán hòa bình ở Afghanistan bằng cách loại bỏ một rào cản”.
Tuy nhiên, ông Rahmini nói thêm: “Nhưng nếu các cuộc tấn công được Mỹ tiến hành đơn phương thì điều này sẽ gây ra một tác động tiêu cực đến tiến trình hòa bình, và sự leo thang các vụ khủng bố ở Afghanistan là điều dễ hiểu”.
Ngay sau khi Akhundzada trở thành chỉ huy tối cao của Taliban, trên tài khoản Twitter của mình, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã gửi đến Akhundzada một tối hậu thư. Ông Ashraf Ghani viết: “ Các nhóm Taliban nay đã có thêm một cơ hội để chấm dứt bạo lực và bắt đầu cuộc sống bình thường, hoặc họ sẽ phải đối mặt với số phận tương tự như lãnh đạo của họ”.
Đáp lại, tổ chức Taliban ở Afghanistan đã bác bỏ tối hậu thư của Tổng thống Ashraf Ghani, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục chiến đấu. Trong một đoạn băng ghi âm được các chỉ huy Taliban phổ biến trên mạng Internet, Akhundzada tuyên bố: “Taliban sẽ không bao giờ cúi đầu và không đồng ý hòa đàm”.
Để chứng minh lời nói của mình, Akhundzada ra lệnh cho các tay súng Mujahedeen ở miền nam Afghanistan, tại biên giới Pakistan - Afghanistan “nhanh chóng thực hiện những cuộc trả đũa mãnh liệt vào kẻ thù”.
Đáp lại lời kêu gọi của tân thủ lĩnh, một lực lượng lớn Taliban đã tung ra cuộc tấn công nhắm vào thủ phủ Pul-e-Khumri của tỉnh Baghlan sau khi đã chiếm được một số làng mạc và các chốt kiểm soát an ninh của quân chính phủ. Các cuộc giao tranh đã khiến xa lộ chính nối thủ đô Kabul với 8 tỉnh miền bắc Afghanistan và các nước láng giềng phải tạm ngưng hoạt động. Và mặc dù quân đội chính phủ đã đẩy lùi cuộc tấn công này, gây tổn thất nặng cho Taliban nhưng một phát ngôn viên của Taliban trong thông báo gửi cho các phóng viên báo chí, đã bác bỏ những tuyên bố chiến thắng của quân đội đồng thời tố cáo Chính phủ Afghanistan tìm cách che giấu những thất bại.
Tiếp theo, một vụ đánh bom tự sát bằng xe hơi gần một trung tâm huấn luyện cảnh sát ở miền nam Afghanistan đã giết chết 3 cảnh sát, gây thương tích cho 12 người khác, trong đó có một em bé. Gần đây nhất, đã có 10 người thiệt mạng và 4 người khác bị thương trong vụ đánh bom tự sát nhằm vào một chuyến xe buýt chở nhân viên tòa án tại thủ đô Kabul, Afghanistan.
Theo cảnh sát Afghanistan, địa điểm xảy ra vụ đánh bom Bagh-e-Dawood, phía tây ngoại ô thủ đô Kabul khi chiếc xe buýt chở các nhân viên tòa án phúc thẩm tới tỉnh Wardak lân cận. Ông Najib Danish, phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Afghanistan cho biết kẻ đánh bom đã kích khối thuốc nổ đeo trong người: “Có vẻ như Taliban tiến hành trả thù cho 6 tay súng của họ bị chính phủ tuyên án tử hình hồi đầu tháng”.
Thế nên, theo Anatol Levin, giáo sư Đại học Georgetown ở Qatar, nước Mỹ như đã hiểu rằng rằng trong giai đoạn này, các cuộc đàm phán hòa bình là vô nghĩa bởi lẽ Akhundzada là một nhân vật bảo thủ. Hơn thế nữa, cả hai người phó của ông ta - là Mullah Mohammad Yaqoob và Sirajuddin Haqqani đều là những kẻ chủ chiến. Việc tiến hành đàm phán hòa bình với chính quyền Kabul sẽ bị xem như yếu đuối - thậm chí là đầu hàng. Thay vào đó, người Mỹ khuyến khích Chính phủ Afghanistan nên nhanh chóng thực hiện chiến lược “chặt đầu Taliban”.
Tương tự như vậy, quân đội Mỹ dự đoán “sẽ không có bất kỳ một thay đổi đáng kể nào trên chiến trường trong giai đoạn ngắn hạn”. Tướng Charles Cleveland, phát ngôn viên của Mỹ và NATO tại Afghanistan cho rằng những vụ đánh bom tự sát cũng như cuộc giao tranh khốc liệt với Taliban đang chờ ở phía trước.