Al-Qaeda phiên bản 2.0 đang trỗi dậy

Thứ Ba, 10/07/2018, 14:30
Sau khi Mỹ tuyên bố tiêu diệt thủ lĩnh của Al-Qaeda, trùm khủng bố Osama bin Laden, tưởng rằng Al-Qaeda sẽ tan rã, nhưng không phải như vậy. Tổ chức này đang ngày một trỗi dậy và tỏ ra nguy hiểm hơn.

Al-Qaeda "phiên bản" 2.0 đang gây ra mối đe dọa lớn đối với phương Tây, đặc biệt từ các “chân rết” của tổ chức này ở các vùng chiến địa nóng bỏng ở Syria, Yemen, Afghanistan...

Al-Qaeda chưa biến mất

Các vụ tấn công của Al-Qaeda nhằm vào dân thường hay lực lượng an ninh ở Afghanistan, Syria, Yemen, Iraq hay thậm chí cả ở Mỹ, đặc biệt gần đây là cuộc tấn công của hơn 1.000 chiến binh Al-Qaeda vào vị trí của Sư đoàn Panzer số 9 của quân đội Syria đã cho thấy sức sống dai dẳng của Al-Qaeda. Đây cũng là cảnh báo về mối họa lớn đối với thế giới.

Trong khi thế giới bị ám ảnh bởi sự tàn bạo của IS thì Al-Qaeda đã và đang chơi một ván bài dài hơi. Đó là kiên nhẫn chờ thời cơ, tái tập hợp lực lượng một cách hiệu quả. Al-Qaeda ngày nay hồi sinh trên vũ đài thánh chiến toàn cầu. Như nhận định của nhật báo Daily Beast, Al-Qaeda vẫn còn nắm quyền kiểm soát tất cả phe phái nổi dậy lớn trên toàn cầu (ngoại trừ IS đã tách ra năm 2014).

Thời gian qua, tổ chức khủng bố này đã âm thầm tái xây dựng lực lượng và hiện có khoảng 40.000 tay súng. Nhà phân tích người Mỹ Bruce Hoffman, thành viên cấp cao của Trung tâm Đấu tranh chống khủng bố thuộc Học viện Quân sự Mỹ, nhận định: “Gần 7 năm sau khi thủ lĩnh của Al-Qaeda là Osama bin Laden bị tiêu diệt, Al-Qaeda đang lớn mạnh và hiện diện ở nhiều nước hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử tồn tại của tổ chức này”.

"Truyền nhân" của Osama bin Laden, Ayman al-Zawahiri, nhân vật số 2 của Al-Qaeda đã xúc tiến việc tái cơ cấu tổ chức khủng bố này, tạo ra mối đe dọa chưa từng thấy đối với phương Tây và các nhà cầm quyền Hồi giáo vốn phản đối Al-Qaeda. Trong một tài liệu phân tích gửi Hội đồng Đối ngoại (Mỹ), chuyên gia Hoffman nêu rõ: “Từ Bắc - Tây Phi đến Đông Nam Á, Al-Qaeda là một phong trào toàn cầu với khoảng hơn 20 "chân rết" ở các nước”.

Theo tính toán của Hoffman, Al-Qaeda đã sống sót và tồn tại sau chiến dịch chống khủng bố quyết liệt nhất mà phương Tây tiến hành. Hiện có khoảng 3.000 tay súng ở Indonesia; xấp xỉ 1.000 thành viên ở Nam Á... Riêng khu vực Trung Á, Tây Á, Nam Á... nơi có số lượng lớn người Hồi giáo trung thành với tư tưởng thánh chiến của Al-Qaeda chưa được đề cập trong báo cáo.

Các tay súng Al-Qaeda. Ảnh: Security Affairs.

Giấu mình... để lớn

Các tay súng thuộc Al-Qaeda được quản lý chặt chẽ, thực hiện những mệnh lệnh của cái gọi là Bộ chỉ huy trung ương của Zawahiri, vốn được tên này điều hành từ nơi ẩn náu ở bên trong lãnh thổ Pakistan. Những tiến bộ về các công cụ truyền thông kỹ thuật số đã giúp các thủ lĩnh của Al-Qaeda và các chỉ huy duy trì liên lạc với nhau qua hệ thống mật mã được đảm bảo an toàn.

Nhờ có kỹ thuật truyền thông, các thủ lĩnh tuy phân tán tại nhiều quốc gia như Syria, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Libya và Yemen... như luôn nghe theo mệnh lệnh từ các thủ lĩnh, chỉ huy hàng đầu của tổ chức này ở Afghanistan và Pakistan. Giám đốc Chương trình An ninh quốc gia của Viện Chính sách chiến lược Australia Isaac Kfir cho rằng các kênh liên lạc an toàn này giúp Al-Qaeda kết nối các "chân rết" ở địa phương trong một chiến dịch toàn cầu của chúng.

Rút kinh nghiệm từ sự thất bại của IS, để Al-Qaeda lớn mạnh, kế hoạch của Zawahiri dựa trên các bước đi chiến lược như: tăng cường tiếp cận thông qua các "chân rết" theo hướng phi tập trung hóa; tránh các hoạt động gây thương vong lớn, đặc biệt là những vụ việc có thể khiến nhiều dân thường là người Hồi giáo thiệt mạng và làm số lượng lớn người Hồi giáo xa lánh; đẩy tội cho IS nhằm thu hút tất cả các “cú đánh” của liên quân quốc tế nhằm vào IS trong lúc Al-Qaeda kín đáo tái lập sức mạnh quân sự... Tóm lại là ôn hòa, giấu mình và được nhiều người Hồi giáo có thể chấp nhận được hơn là IS.

Khôn ngoan hơn, Zawahiri đưa ra quyết định quan trọng là tránh tấn công Mỹ và phương Tây trong thời điểm hiện nay, ít nhất là giảm thiểu những hành động có thể đe dọa sự phát triển của Al-Qaeda mới, đồng thời để Al-Qaeda có thêm thời gian và không gian để thiết lập một cách chắc chắn tổ chức kiểu mới này.

Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá: “Trong một chừng mực nào đó, Al-Qaeda đã rút ra bài học từ những sai lầm của chúng và thay đổi chiến lược. Những điều chỉnh về chiến lược cho phù hợp với tình hình hiện này của nhóm này khiến cho chúng trở nên nguy hiểm hơn và có tiềm năng thành công hơn... Cuộc chiến chống một Al-Qaeda mới sẽ khó khăn hơn việc chống những nhóm thánh chiến đang tồn tại hiện nay. Việc đánh bại một Al-Qaeda mới sẽ khó khăn hơn là đánh bại IS”.

Al-Qaeda phiên bản 2.0 thực sự là mối đe dọa lớn đối với thế giới, đặc biệt là phương Tây. Charles Lister - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan thuộc Viện Trung Đông, người có nhiều năm nghiên cứu về những phần tử thánh chiến, cho rằng Al-Qaeda là tổ chức cực kỳ nguy hiểm, sẽ gây ra mối đe dọa khủng bố rất lớn đối với các lợi ích của Mỹ ở Trung Đông và xa hơn nữa.

Liên Hiệp Quốc cũng cảnh báo Al-Qaeda vẫn "lớn mạnh đáng kể", đặt ra mối đe dọa ở một số khu vực còn nguy hiểm hơn cả IS. Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cảnh báo IS và Al-Qaeda, có thể sẽ sáp nhập thành một mạng lưới mới. Và nếu như vậy, các nhóm khủng bố này có thể tiếp cận với công nghệ vũ khí hóa học. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng khẳng định IS và Al-Qaeda vẫn là mối đe dọa, vì vậy cần có những hình thức hợp tác quốc tế mới để đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố.

Thế giới vẫn còn nhiều việc phải làm để loại bỏ hoàn toàn thành phần khủng bố đặc biệt nguy hiểm Al-Qaeda khi chúng ngày càng nguy hiểm, tổ chức chặt chẽ và chuyên nghiệp hơn.

Huyền Hoa
.
.