Albania, trung tâm cần sa của châu Âu

Thứ Ba, 09/05/2017, 11:04
Albania, một quốc gia ở miền đông nam châu Âu, được coi là nơi trồng cần sa ngoài trời bất hợp pháp lớn nhất châu Âu. Loại cây có nhiều giá trị y học này chính là mỏ vàng đối với những người nông dân khó khăn. Thậm chí, đối với số nước nghèo, đây còn là nền công nghiệp trị giá hàng tỷ USD.

Trong ngôi làng nhỏ nằm ở phía bắc thủ đô Tirana của Albania, ngôi nhà gạch đang xây dở mang vẻ ngoài hoang tàn cùng mùi hăng lan tỏa khắp nơi chính là địa điểm sản xuất cần sa. Bên trong, búp cần sa sấy khô trải dài hết nửa diện tích sàn nhà.

Chủ nhân nơi đây là một thanh niên chỉ khoảng độ 20, cho biết: "Hiện có khoảng 20kg cần sa ở đây". Anh ta chỉ là một trong số hàng nghìn người đang coi sản xuất cần sa là kế sinh nhai. Tại Albania, 1kg cần sa thành phẩm được bán với giá dao động từ hơn 100 đến 200 USD. Khi đến Italia, giá thị trường sẽ tăng đến khoảng 2.000 USD.

Tuy là bất hợp pháp nhưng việc trồng cần sa tại Albania diễn ra rầm rộ.

Hầu hết cần sa từ Albania sẽ được "xuất khẩu" đi khắp nơi, phía bắc qua Montenegro, phía nam qua Hy Lạp hoặc đi về hướng tây, băng qua Địa Trung Hải để đến Italia. Ngược lại, dù là một trung tâm đầu mối chuyên cung cấp cần sa nhưng thị trường trong nước lại không mấy đáng kể. Ước tính cho thấy nền công nghiệp bất hợp pháp này thu về đến 6 tỷ USD/ năm, đóng góp đến một nửa GDP của toàn Albania.

20kg cần sa được phơi tại nhà của người thanh niên này không phải là tất cả. Anh ta cho biết: "Tôi sản xuất được 350kg. Hầu như toàn bộ các gia đình trong làng này đều trồng chúng và chỉ riêng ngôi làng này đã cho ra hàng tấn cần sa".

Anh ta thuê 15 người để hái đồng thời thực hiện các công đoạn chế biến và có hẳn lính gác vũ trang để bảo vệ khu vườn cần sa. Mặc dù phụ trách quản lý cả khu vườn nhưng có lẽ anh ta cũng chỉ là một thành viên trong một mạng lưới lớn hơn. Đáng chú ý hơn, việc sản xuất cần sa tại làng diễn ra rầm rộ đến mức mọi người cũng đều biết song ngôi làng vẫn không bị cảnh sát xử lý.

Tại Albania, 1kg cần sa thành phẩm được bán với giá dao động từ hơn 100 đến 200 USD nhưng sang đến Italia giá sẽ đội lên đến 2.000USD/kg.

Anh ta cho hay: "Tôi chia cho cảnh sát 20%. Ai cũng phải làm thế. Nếu bạn không chi trả thì họ sẽ tống bạn vào tù". Như để giải thích cho công việc của mình, người thanh niên tâm sự: "Đây là lời nguyền mà chúng tôi phải chịu. Nơi đây không có nghề nghiệp hay công việc nào để làm. Cũng không có tiền để trồng những thứ khác. Tôi biết điều mình đang làm là không tốt nhưng tôi cũng không còn cách nào khác".

Quy mô hơn, trong căn nhà kho rộng lớn tại Rreshen, nằm sâu bên dưới những chân đồi là hàng hàng lớp lớp cần sa đang được phơi trên những kệ lưới. Trên sàn bê tông, cần sa thành phẩm được đổ thành từng đống cao đến tận thắt lưng và cả trong những chiếc bao tải được đặt bừa xung quanh.

Theo cảnh sát phụ trách thì đây là địa điểm sản xuất cần sa lớn nhất từng được phát hiện từ trước đến nay trong vùng này. Nếu tính theo giá chợ đen tại Italia thì hơn 4 tấn cần sa hiện đang có sẵn trong căn nhà này sẽ có giá khoảng hơn 6 triệu USD. Bộ trưởng Nội vụ Albania, Saimir Tahiri, cho biết: "Khi nhậm chức vào năm 2013, tôi đã bắt đầu lên kế hoạch hành động quy mô nhằm chống lại hoạt động trồng cần sa bất hợp pháp. Từ năm 2013 đến 2016, các số liệu cho thấy diện tích trồng cần sa của Albania đã giảm đi 30%. Điều này có nghĩa là chúng tôi đã đi đúng hướng".

Cảnh sát tiêu hủy các cây cần sa tại Kurvelesh miền nam Albania.

Có thể nói, 30% này chính là thành quả thu được từ chiến dịch lớn của cảnh sát vào năm 2014 nhằm vào Lazarat, một ngôi làng phía nam nổi tiếng từ lâu là “kinh đô cần sa” của cả châu Âu.

Chính phủ Albania công bố đã xóa sổ hơn 2 triệu cây cần sa trong năm 2016 và sau khi hết mùa thu hoạch, cảnh sát tập trung tịch thu cần sa thành phẩm trước khi chúng được vận chuyển qua khỏi biên giới. Bên cạnh đó, cuộc chiến chống lại những băng nhóm sản xuất cần sa Albania cũng nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền Italia.

Lực lượng Guardia di Finanza (cảnh sát tài chính) Italia chi trả cho hoạt động giám sát trên không nhằm phát hiện hoạt động trồng cây cần sa bất hợp pháp. Tuy nhiên, theo số liệu phía Italia thu được từ năm 2015-2016, đã có thêm 5 vùng trồng cần sa mới xuất hiện tại Albania. Theo đó, thông tin của Albania cho biết trong năm 2016 đã có nhiều nhóm dân cư lần đầu bước vào nghề sản xuất cần sa.

Bộ Nội vụ Albania thừa nhận nạn tham nhũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phát triển ồ ạt của vấn nạn cần sa tại nước này. Bộ trưởng Nội vụ Saimir Tahiri chia sẻ: "Tất nhiên là cảnh sát có tham nhũng. Bởi vì từ ngày đầu tiên tôi đảm nhiệm chức vụ này đến nay, đã có hơn 3.000 sĩ quan cảnh sát bị điều tra kỷ luật hoặc điều tra hình sự. Bao nhiêu đó cũng đã chiếm gần 20% tổng lực lượng". Nạn tham nhũng tại Albania đã dần ăn sâu vào mọi ngõ ngách của đời sống thường nhật.

Trong khi đó, ngành công nghiệp bất hợp pháp này trở nên hấp dẫn cũng vì mức thu nhập quá hậu hĩnh mà chúng mang lại - lên đến khoảng hơn 20 USD/ngày tại một số vùng. Một thanh niên từng làm công việc này tiết lộ: "Khi làm bồi bàn, tôi chỉ được trả một khoản tiền bằng 1/3 số mà tôi kiếm được từ cần sa". Anh ta sống trong khu ngoại ô Tirana, nơi rất khó để tìm một việc làm bình thường và sự xuất hiện của cần sa đã giải quyết tình trạng thiếu việc làm tại đây. Trong khu này, mỗi ngày đều có các đoàn xe đưa công nhân đi đến nơi làm việc từ tờ mờ sáng. Vào mùa trồng trọt, họ làm việc trên những khu vườn cần sa. Sau khi thu hoạch, họ lại quay sang thực hiện quá trình sơ chế và đóng gói để chuẩn bị vận chuyển hàng sang các nước lân cận.

Bác bỏ thông tin cáo buộc cho rằng chỉ những người trồng cần sa nhỏ lẻ bị bắt giữ trong khi những kẻ sừng sỏ đều thoát tội, Bộ trưởng Nội vụ Saimir Tahiri cho biết: "Chúng tôi không nhắm đến những cư dân trồng cần sa nhỏ lẻ để cố thoát nghèo. Chúng tôi nhắm đến những kẻ, mà theo phân tích của chúng tôi, là những “con cá to”. 

Gần 1.600 vụ án hình sự đang được giải quyết và chúng tôi đang tiến hành bắt giữ thêm 400 vụ. Điều đó cho thấy chúng tôi đang theo sát những ai đang cung cấp tài chính, tổ chức và thu lợi nhuận từ công việc này." Song song với những cố gắng của chính quyền Albania, sự ảnh hưởng của sản xuất cần sa lên những lớp người trẻ tại nước này cũng đang trở thành mối quan ngại to lớn không kém. 

Rất nhiều những chàng trai, cô gái ở độ tuổi đôi mươi và thậm chí trẻ em đang làm việc cho ngành công nghiệp đen tối này. Thậm chí, có rất nhiều người tuổi đời còn rất trẻ đang phải ngồi tù và có thể nói rất nhiều trong số đó chỉ là nạn nhân của cần sa. Họ tuyệt vọng và bất đắc dĩ phải tìm đến công việc sản xuất cần sa để kiếm tiền. Họ không có nhiều sự lựa chọn và bị cám dỗ bởi số thù lao có được khi dấn thân vào công việc này.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.