Ấn Độ: Những giáo chủ khiến luật pháp phải chùn tay

Thứ Tư, 06/09/2017, 13:47
So với tiên liệu về mức án chung thân thì phán quyết 20 năm tù dành cho giáo chủ Gurmeet Ram Rahim Singh, thủ lĩnh giáo phái Dera Sacha Sauda mà tòa án bang Haryana, miền bắc Ấn Độ đưa ra vào ngày 28-8 thì quả là quá nhẹ.

Có lẽ giới chức chính quyền và tòa án các bang Haryana, Punjab và cả New Dehli đã phải cân nhắc rất nhiều giữa vấn đề thực thi luật pháp và ngăn phong trào "đòi lại thanh danh" cho người có tên trong danh sách quyền lực nhất Ấn Độ không biến thành cuộc bạo loạn trầm trọng hơn nữa.

Từ lá thư nặc danh tố cáo giáo chủ Raham Singh...

Cáo buộc chống lại giáo chủ Raham Singh của giáo phái tâm linh Dera Sacha Sauda (DSS) bắt đầu từ năm 2002 sau khi một nữ tín đồ của giáo phái này gửi một lá thư (nặc danh) cho Thủ tướng Ấn Độ khi đó là Atal Bihari Vajpayee, trình bày sự việc cô bị giáo chủ cưỡng hiếp. Lá thư còn đề cập đến một số nữ tín đồ khác tại bang Haryana cũng là nạn nhân của ông ta. Mối nghi ngờ càng gia tăng khi xảy ra vụ nhà báo Ram Chander Chhatrapati điều tra giáo phái DSS và viết các bài báo về hoạt động bất hợp pháp giáo phái bị bắn chết cũng trong năm này.

Giáo chủ Raham Singh.

Cục Điều tra trung ương Ấn Độ (CBI) sau khi vào cuộc đã cáo buộc Raham Singh dính líu đến vụ giết nhà báo cùng hành vi tổ chức "thiến tập thể" đối với 400 tín đồ nam kể từ năm 2000. Giáo phái của ông ta còn bị cáo buộc tự tổ chức huấn luyện vũ trang bất hợp pháp. Đến ngày 6-9-2008, Raham Singh bị buộc tội theo Mục 376 (cưỡng hiếp) và Mục 506 (đe dọa) của Bộ luật Hình sự Ấn Độ cho dù ông ta luôn mạnh miệng chối phăng tất cả mọi tội lỗi.

DSS là một giáo phái tinh thần và phúc lợi xã hội phi lợi nhuận ra đời từ năm 1948, sở hữu khoảng 50 tu viện tại Ấn Độ và 60 triệu tín đồ trên toàn thế giới. Tổ chức này cũng có chi nhánh ở các quốc gia như Mỹ, Canada, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Australia và Anh. Hầu hết tín đồ của DSS là những người thuộc tầng lớp thấp trong xã hội Ấn Độ phục tùng tôn chỉ sống đạm bạc, chung thủy trong hôn nhân và sống chân thật.

Giáo phái tuyên bố không nhận tiền công đức mà tự chủ về tài chính vì họ sở hữu một vùng đất rộng lớn ở bang Haryana và các bang khác; điều hành siêu thị, trạm xăng, nhà máy sản xuất bánh kẹo, nhà hàng, sân bóng, hồ bơi v.v.. trụ sở giáo phái là một khu phức hợp rộng 404 ha, có đầy đủ khách sạn, rạp chiếu phim, sân vận động và trường học.

Raham Singh sinh ra ở làng Sri Gurusar Modia, thành phố Rajasthan năm1967. Bố của ông ta là một địa chủ giàu có.  Năm lên 7 tuổi, Singh được Shah Satnam Singh, lãnh đạo DSS thu nạp làm đệ tử. Ngày 23-9-1990, Raham Singh được chọn làm người kế nhiệm vị trí giáo chủ.

Thời của Raham Singh đem lại thêm nhiều danh tiếng và hào quang cho DSS khi được công luận không tiếc lời khen tặng trong công tác xã hội như giúp đỡ các nạn nhân của thảm họa sóng thần và động đất, hiến máu, hiến tạng hay hỗ trợ giáo dục cho người nghèo. Singh đã tổ chức các đợt vận động đo huyết áp, xét nghiệm tiểu đường và cholesterolol cho hàng triệu người dân Ấn.

Bạo loạn nổ ra ngay trước phiên tòa tuyên án giáo chủ Rahim Singh.

Trên trang web chính thức, DSS cho biết giáo phái đã đạt kỷ lục Guinness vì tổ chức trại hiến máu lớn nhất thế giới vào tháng 12-2003 khi có hơn 15.000 người tham gia. Trong danh sách 100 người Ấn Độ quyền lực nhất do Indian Express khảo sát và công bố vào năm 2015, Raham Singh đứng ở vị trí 96. Rất nhiều tín đồ của DSS và người hâm mộ Singh còn dựng nhiều trang web để ca ngợi Singh là "một vị thần", "nhà văn, nhà phát minh, nhà khoa học, triết gia, nhà hoạt động hòa bình" và là "lãnh đạo tối thượng của sự yêu thương loài người".

Mặt khác, giáo chủ Singh còn được biết đến nhiều với vai trò chính trị vì giáo phái của ông ta công khai ủng hộ các đảng phái chính trị. Singh ban đầu ủng hộ đảng Quốc đại Ấn Độ (INC), đảng lớn nhất và ảnh hưởng nhất trên chính trường. Đảng này đã cung cấp cho Raham Singh chế độ bảo vệ an ninh Z +, tức chế độ an ninh cao nhất ở Ấn Độ- được 36 người gồm đặc công có vũ trang và cảnh sát tháp tùng bảo vệ.

Con trai của Singh đã cưới con gái của lãnh đạo đảng này là Harminder Singh Jassi. DSS ủng hộ INC trong cuộc bầu cử bang Punjab năm 2007, giúp đảng kiểm soát vùng Malwa. Đến năm 2012, Jassi thất cử. Trước cuộc bầu cử bang Haryana năm 2014, đảng Bharatiya Janata (BJP) với người lãnh đạo là Narendra Modi (hiện là Thủ tướng Ấn Độ) đã giành nhiều lá phiếu của tín đồ DSS vì giáo chủ Raham Singh công khai ủng hộ BJP.

... đến phiên xử chấn động

Bất chấp phán quyết được đưa ra sau 15 năm điều tra, các tín đồ trung thành của giáo sĩ Raham Singh vẫn tin rằng, giáo chủ của họ hoàn toàn vô tội. Tại phiên xử diễn ra hôm 25-8, hơn 150.000 người ủng hộ Rahim Singh đã tuần hành tới thành phố Panchkula hô vang khẩu hiệu phản đối.

Cuộc tuần hành nhanh chóng bùng phát thành bạo lực khi hàng trăm ngàn tín đồ quá khích đồng loạt tiến hành nhiều vụ tấn công nhà ga, bến tàu, trạm xăng dầu, xe của giới truyền thông cùng nhiều cơ sở khác tại khắp các thị trấn ở hai bang Punjab và Haryana. Vụ bạo loạn đã khiến ít nhất 38 người thiệt mạng, hơn 200 người bị thương và khoảng 524 người bị bắt giam.

Cảnh sát phải dùng tới hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông gây ra những vụ bạo loạn. Phát ngôn viên của Chi cục Đường sắt bắc Ấn Độ ngày 26-8 cho biết, 340 tuyến tàu đã bị hủy như một biện pháp đề phòng. Chính quyền bang Punjab phải ban hành lệnh giới nghiêm ở ba thành phố lớn nhất, nhà chức trách tạm thời cấm sử dụng súng và cấm tụ tập. Trường học và nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa.

Xe của các đài truyền hình bị đập phá tại Panchkula, nơi đặt trụ sở giáo phái Dera Sacha Sauda.

Lực lượng cảnh sát ở thành phố Rohtak đã dựng hàng rào dây thép gai và yêu cầu người dân ở trong nhà để ngăn ngừa bạo loạn nổ ra ngay trước phiên tòa tuyên án giáo chủ  Rahim Singh. Chính quyền địa phương đồng thời tiến hành quản thúc các thủ lĩnh cấp cao khác của giáo phái do Singh lãnh đạo nhằm ngăn chặn việc có người kích động đám đông.

Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind ngày 25-8 đã lên án tình trạng bạo lực cũng như các hành động phá hoại tài sản công của những tín đồ ủng hộ Ram Rahim một cách quá khích. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 27-8 lên tiếng cảnh báo: "Bạo lực không được chấp nhận trong nước, dưới bất kỳ hình thức nào".

Tuy nhiên, đảng BJP của ông Modi sau đó đã bị công luận chỉ trích kịch liệt vì không ngăn được làn sóng biểu tình bạo lực cũng như đã cho phép giáo chủ Rahim Singh tới nhà tù bằng một chiếc máy bay sang trọng.

Từ ngày 25-8, chính quyền địa phương các bang Punjab và Haryana đã đóng dịch vụ truy cập Internet và nhắn tin dành cho người dân trước khi tòa án đưa ra phán quyết. Hệ quả của nó là khoảng 50 triệu người đã mất quyền truy cập Internet. Một số người chia sẻ những thông tin giả mạo, thổi phồng sự việc đã bị phạt tù. Hàng loạt trang web đen bị chặn và chính quyền đã bắt những thành viên của một nhóm trên mạng xã hội WhatsApp vì đăng những hình ảnh, thông tin kêu gọi phải nhanh chóng trả tự do cho giáo chủ Raham Singh.

Ngày 28-8, hãng tin Reuters dẫn lời ông Ram Niwas, quan chức pháp luật hàng đầu của bang Haryana tuyên bản án 20 năm tù dành cho giáo chủ Raham Singh. Đến hôm 29-8, dịch vụ Internet và nhắn tin ở các vùng Đông Bắc Ấn Độ mới được phục hồi.

Theo các chuyên gia phân tích, việc tòa án Ấn Độ kết tội giáo chủ Raham Singh sau cuộc điều tra kéo dài thể hiện quyết tâm của nhà cầm quyền trong việc duy trì pháp luật và các nguyên tắc pháp trị nhưng bản án cuối cùng lại cho thấy vẫn có sự nương tay vì mục đích vãn hồi an ninh cho xã hội. Vụ bạo loạn khiến 38 người thiệt mạng và gần 200 người bị thương vừa qua là minh chứng cho thấy quyền lực và sức ảnh hưởng của các giáo sĩ ở Ấn Độ.

Phần lớn trong 1,3 tỷ dân của Ấn Độ là tín đồ đạo Hindu, thờ phụng trên 3.000 vị thần và có hàng chục nghìn giáo đường, thuộc nhiều giáo phái được dẫn dắt bởi các giáo chủ. Những vị giáo chủ này được cho là biểu tượng cho trí tuệ thông thái, hiện thân của thánh thần và thường được ca tụng là các vị "thánh sống".

Với khả năng hùng biện cao siêu khi thuyết giảng, hoạt ngôn khi tiếp xúc với tín đồ, những giáo chủ này tự thân toát ra sức mạnh quyền lực khi tự phô bày siêu năng lực mà mình sở hữu và từ đó phong cho mình quyền phá vỡ những nguyên tắc cấm kỵ trong đạo đức truyền thống.

Chẳng hạn như giáo chủ Rampal, người sáng lập giáo phái Satlok Ashram ở bang Haryana, tuyên bố mình là hiện thân của Kabir, một nhà thơ thần bí được phong thánh vào thế kỷ XV. Rampal có khả năng dùng siêu năng lực để chữa lành vết thương và bệnh tật cho các tín đồ bằng cách ngâm mình trong sữa rồi dùng sữa đó để làm ra loại bánh nướng phân phát cho họ.

Năm 2006, Rampal chỉ trích một số phần trong cuốn sách Satyarth Prakash (Ánh sáng Sự thật) của giáo phái Arya Samaj là "phi thực tế và chống xã hội". Hành động này dẫn đến những cuộc xung đột bạo lực giữa các tín đồ thuộc hai giáo phái, khiến một tín đồ Arya Samaj thiệt mạng. Sau vụ việc này, giáo sĩ Rampal bị cáo buộc giết người và bị bắt giữ. Sau khi bị tam giam vài tháng, giáo chủ được cho phép đóng tiền tại ngoại vào năm 2008.

Tháng 11-2014, tòa án ra lệnh bắt giữ Rampal sau khi ông này nhiều lần khước từ lệnh trình diện tại tòa. Hàng nghìn tín đồ đã ngăn cảnh sát bắt giữ giáo chủ của mình. Cuộc đối đầu giằng co giữa cảnh sát và hàng nghìn tín đồ của Rampal cắm chốt bên trong một tu viện rộng lớn ở thành phố Barwala, bang Haryana, kéo dài hơn hai tuần. Các tín đồ đã sử dụng bom xăng, súng, gậy gộc để chống trả cảnh sát và binh sĩ quân đội. Xung đột khiến 6 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương.

Giáo sĩ Asram Bapu, 76 tuổi với bộ râu trắng như cước thường xuyên rao giảng về trinh tiết và nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ. Tuy nhiên, Asram Bapu bị bắt vào năm 2013 khi một nữ tín đồ vị thành niên cáo buộc ông cưỡng hiếp cô trong một thiền thất của giáo phái. Một nữ tín đồ khác cũng đưa ra cáo buộc tương tự. Asram Bapu cuối cùng bị kết án tù vì hành vi hiếp dâm và đe dọa người khác.

Narayan Sai, con trai Asram Bapu, cũng đang ngồi tù vì tội hiếp dâm. Tuy nhiên, Asram Bapu vẫn tiếp tục được các tín đồ sùng kính. Hàng nghìn người ủng hộ vẫn kéo đến tòa án mỗi lần giáo sĩ này xuất hiện trong các phiên xét xử.

Sathya Sai Baba là một lãnh tụ tinh thần, nhà từ thiện tự nhận mình là "đầu thai" của Shirdi Sai Baba, một lãnh tụ tinh thần Ấn Độ sống vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, người được xem như một vị thánh và là hiện thân cho thần Shiva. Sathya Sai Baba sáng lập giáo phái Sathya Sai có hàng triệu tín đồ và tu viện ở hơn 126 quốc gia.

Tại Ấn Độ, tín đồ của Sai Baba bao gồm các nhà chính trị cấp cao, ngôi sao điện ảnh, vận động viên hàng đầu thế giới và cả những nhà tư bản công nghiệp. Sathya Sai Baba được đồn đại là có khả năng thực hiện phép màu nhờ vầng hào quang trên mái tóc xoăn rối như bờm sư tử, làm hiện ra vibhuti, một loại tro thiêng mà các tín đồ theo ông ta chuyên dùng để áp vào trán và cả những món trang sức quý giá như kim cương hay đồng hồ Rolex!

Những người chỉ trích gọi Sathya Sai Baba là lang băm, cho rằng những trò biểu diễn phép màu ông ta thực hiện là bịp bợm. Một số bài báo còn cáo buộc ông ta lạm dụng tình dục các tín đồ.

Trong một chương trình trên kênh truyền hình BBC phát sóng năm 2004, có ít nhất hai nữ tín đồ người Mỹ tố cáo Sathya Sai Baba sờ vào vùng kín của họ và "khoe" bộ phận sinh dục trước mặt họ, nhưng Sai Baba giải thích rằng, đấy là một phần trong nghi thức chữa bệnh (!) Sathya Sai Baba đương nhiên thẳng thừng bác bỏ mọi cáo buộc và chưa bao giờ đối mặt với bất cứ tội danh nào trước khi qua đời vào năm 2011.

Hiếu Thảo (tổng hợp)
.
.