Hầm tránh bom hạt nhân biến thành... trang trại trồng cần sa trái phép

Thứ Ba, 26/09/2017, 11:48
Ngày 22-7-2017, cảnh sát hạt Wiltshire đã ập vào một trại trồng cần sa quy mô lớn nguyên là một hầm trú ẩn hạt nhân gần thị trấn Chilmark.

Ước tính từ cuối thập niên 1950, khi bắt đầu Chiến tranh Lạnh và hai khối Đông-Tây đua nhau trang bị vũ khí hạt nhân cho đến khi Liên Xô tan rã năm 1991, chính quyền Anh đã cho xây 1.500 hầm trú ẩn đề phòng bị tấn công "từ phía Đông"- tức Liên Xô và các đồng minh trong Khối Varsava.

Thời ấy, theo lệnh của Thủ tướng Winston Churchill, cứ cách một khu dân cư chừng 12-20m là người ta phải có một hầm chống bom hoặc hố cá nhân có nắp sắt để trú ẩn khi có bom đạn.

Nhà chức trách mang hàng ngàn cây cần sa được trồng trong căn hầm tránh bom hạt nhân đi tiêu hủy. Ảnh: The Guardian.

Tường các hầm chống bom nguyên tử được đổ bêtông, phủ ba lớp nhựa đường để ngăn nước thấm vào. Cửa hầm dày được trang bị khóa ngăn bụi để phòng chất phóng xạ tràn vào. Tại London, các ga điện ngầm và hệ thống đường hầm xe lửa một thời được cải tạo thành hầm chống bom tấn.

Nhìn chung, quy định của chính quyền là trong vòng 10 dặm phải có một căn hầm, mỗi căn hầm cần bốn nhân viên lo việc xử lý thông tin, hậu cần. Những quân nhân đã giải ngũ, về hưu hay những sinh viên vừa tốt nghiệp chưa tìm được việc làm thường xung phong làm nhiệm vụ quản lý các căn hầm đó, theo nguyên tắc tự nguyện, tựa như công tác của dân quân tự vệ. Cộng đồng cư dân trong khu vực có các căn hầm cũng sẽ tự nguyện đóng góp xây dựng một quỹ lương nho nhỏ trả công cho những quản trị viên này.

Sau Chiến tranh Lạnh, nhiều hầm trú bom hạt nhân được chuyển cho quân đội hoặc đổi mục tiêu cho các hoạt động khác. Theo Quỹ quản lý di sản Anh, một số vùng tại Anh tổ chức tour tham quan những căn hầm và có thu tiền du khách. Thật ra, nhiều căn hầm vẫn kiên cố và chỉ cần một chút cải tiến về kỹ thuật thì các hầm di sản của Chiến tranh Lạnh có thể tái sử dụng nếu cần.

Trong khi chờ đến ngày được đón tiếp những cư dân thật sự thì vài căn hầm còn bị chiếm dụng và biến thành… vườn ngầm trồng cần sa lậu!

Ngày 22-7-2017, cảnh sát  hạt Wiltshire đã ập vào  một trại trồng cần sa quy mô lớn nguyên là một hầm trú ẩn hạt nhân gần thị trấn Chilmark. Căn hầm tránh bom hạt nhân này được xây dựng vào những năm 1980 để bảo vệ người dân ở khu vực xung quanh khi xảy ra thảm họa hạt nhân. Mặc dù không còn thuộc quyền sở hữu của Bộ quốc phòng Anh nhưng căn hầm này vẫn rất kiên cố và theo cảnh sát, "gần như không thể xâm nhập được". Vì căn hầm quá kiên cố nên khi nhận được thông tin tình báo, cảnh sát phải phục chờ những "chủ trang trại" trong một thời gian dài, khi họ ra khỏi căn hầm mới bắt giữ và khám xét được. Bên trong căn hầm, cảnh sát phát hiện đến 4.500 cây cần sa.

Thanh tra Simon Pope, thuộc đơn vị cảnh sát hạt Wiltshire cho biết: "Không nghi ngờ gì, đây là vườn cần sa lớn nhất chúng tôi từng phát hiện được, với gần như toàn bộ 20 căn phòng trong căn hầm được cải tạo thành dây chuyền sản xuất cần sa quy mô lớn". Ba người đàn ông "chuyên canh cần sa" bị cáo buộc tội danh sản xuất thuốc gây nghiện loại B, tội danh rửa tiền và ăn cắp điện - bộ ba này đã ăn cắp lượng điện tương đương khoảng 650.000 bảng Anh để phục vụ hoạt động trồng cần sa của mình.

Ngày 11-8 vừa qua, 3 người đàn ông biến hầm tránh bom hạt nhân thành vườn cần sa trái phép đã bị tuyên án: Martin Fillery (47 tuổi) nhận bản án 8 năm tù giam, Ross Winter (30 tuổi) và Plamen Nguyen (27 tuổi)- mỗi người nhận bản án 5 năm tù giam. 

Q.H. (theo The Guardian)
.
.