Phòng chống tội phạm liên quan đến hoạt động ngân hàng, tín dụng:

Bài học trả giá tiền tỉ

Thứ Sáu, 07/11/2008, 10:15
Tín dụng là lĩnh vực kinh doanh chủ yếu của NH và luôn đối phó với nhiều rủi ro, trong đó nguyên nhân chính vẫn là do cán bộ NH chủ quan trong tác nghiệp, tạo lỗ hổng cho bọn tội phạm lợi dụng xâm hại. Thời gian qua, nhiều vụ án làm thiệt hại hàng trăm triệu đến hàng chục tỉ đồng cho ngành NH ở TP Đà Nẵng đã chứng minh điều đó.

Thời gian qua, trong lĩnh vực đấu tranh phòng ngừa tội phạm liên quan đến hoạt động ngân hàng (NH) và các tổ chức tín dụng nói riêng, lực lượng Công an đã điều tra khám phá, bắt giữ hàng loạt tên tội phạm nguy hiểm.

Tuy nhiên, theo sự phát triển của xã hội, tội phạm càng gia tăng phức tạp và tinh vi hơn, đòi hỏi mỗi cán bộ, nhân viên ngành NH phải làm việc có trách nhiệm và đề cao cảnh giác mới tránh được những rủi ro, thiệt hại do bọn tội phạm gây ra. Những vụ án xảy ra cho ngành NH ở TP Đà Nẵng là bài học kinh nghiệm quý báu...

Kiểm định tài sản thế chấp hời hợt

Tín dụng là lĩnh vực kinh doanh chủ yếu của NH và luôn đối phó với nhiều rủi ro, trong đó nguyên nhân chính vẫn là do cán bộ NH chủ quan trong tác nghiệp, tạo lỗ hổng cho bọn tội phạm lợi dụng xâm hại. Thời gian qua, nhiều vụ án làm thiệt hại hàng trăm triệu đến hàng chục tỉ đồng cho ngành NH ở TP Đà Nẵng đã chứng minh điều đó.

Đơn cử như Trần Thái Vũ (38 tuổi), trú tại 126B, Tống Phước Phổ, Đà Nẵng, tài sản chỉ có 2 chiếc xe tải đã cũ, song đứng ra thành lập Công ty TNHH Trần Vũ, sau đó thuê một số đối tượng làm giả Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và Quyền sử dụng đất ở, mang đến thế chấp cho 8 NH (chủ yếu tập trung các chi nhánh Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NHNN&â PTNT) ở TP Đà Nẵng và Quảng Nam, NH Thương mại Cổ phần Sài Gòn, NH Đầu tư và phát triển) và một cá nhân, chiếm đoạt số tiền 20,3 tỉ đồng dễ như... lấy đồ trong túi.

Khi sự vụ lừa đảo bị "bể", Vũ bỏ trốn khiến cho Cơ quan Điều tra - Công an TP Đà Nẵng phải tốn nhiều công sức lần theo dấu vết trong một thời gian dài mới bắt được gã. Điều đáng nói, Vũ vào "nhà hộp" đã hơn một năm qua, nhưng số tiền gã lừa đảo chiếm đoạt chỉ mới được thu hồi hơn 5 tỉ đồng, còn lại gần 15,3 tỉ đồng, các NH đã trót cho gã vay đành phải chịu mất trắng, vì tài sản của gã không còn gì ngoài cái "bổn mạng".

Hai năm trước, Phạm Minh Thái (55 tuổi), Việt kiều Mỹ, quê ở Hải Phòng, về nước thành lập Công ty TNHH Nông Việt, đặt trụ sở tại A4, đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh, TP HCM. Thái cũng tự "phong" mình làm Giám đốc, thuê ông Lý Xú Há xây dựng trại chăn nuôi bò sữa ở xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, trị giá công trình 1,994 tỉ đồng.

Nhưng khi công trình xây dựng xong, Thái chỉ trả cho ông Há 970 triệu đồng, còn lại quịt luôn. Đã thế, Thái còn móc nối với Phạm Công Tuấn, là Giám đốc Công ty TNHH Kiến tạo Đầu tư Xây dựng và Thương mại tổng hợp 2/9 Đà Nẵng, lập hồ sơ nâng khống số lượng đàn bò ở trang trại chăn nuôi thế chấp vay của Chi nhánh NH Công thương quận Liên Chiểu, chiếm đoạt 7,4 tỉ đồng, đến nay chưa thu hồi được.

Độc chiêu hơn, Huỳnh Văn Minh, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác chế biến cung ứng hải sản Thanh Khê, đã sử dụng 2 chiếc tàu cá hình thành từ vốn vay ưu đãi của Nhà nước trong chương trình đánh bắt thủy hải sản xa bờ làm tài sản thế chấp vay và chiếm đoạt 750 triệu đồng của Chi nhánh NHNN&PTNT quận Thanh Khê...

Có thể nói, sự quản lý lỏng lẻo của một số NH, tổ chức tín dụng; nhất là khâu kiểm tra, định giá tài sản thế chấp vay vốn (chưa kể đến hành vi tiêu cực của cán bộ NH trong kiểm tra, định giá tài sản thế chấp) đã tạo sơ hở cho bọn tội phạm hoạt động. Bên cạnh đó, chúng còn sử dụng nhiều thủ đoạn khác để lừa đảo NH.

Nổi cộm là việc lập hồ sơ dự án khống (chủ yếu là dự án đầu tư bất động sản) trình lên các cấp chính quyền địa phương xin phê duyệt và sau khi được phê duyệt, có quyết định giao đất chúng thế chấp vay vốn NH để ra tay chiếm đoạt.

Hoặc lợi dụng các quy định của Nhà nước về cho vay tín chấp phục vụ tiêu dùng, một số đối tượng làm giả hồ sơ xin vay như lập danh sách cán bộ công nhân viên khống rồi giả mạo chữ ký thủ trưởng đơn vị, trà trộn đưa văn thư đóng dấu hoặc đóng dấu giả đem tín chấp vay vốn NH lấy tiền rồi "tẩu mã".

Một trong số đối tượng được Trần Thái Vũ thuê làm giả giấy tờ nhà, đất để y thế chấp NH bị công an Đà Nẵng bắt tạm giam.

Cũng có không ít đối tượng giở trò, dùng tiền mở sổ tiết kiệm thật sau đó dùng kỹ thuật cao in sao thành nhiều bản để sử dụng rút tiền hoặc thế chấp sổ tiết kiệm giả đó cho tổ chức cá nhân khác để vay tiền NH và "ẵm trọn"...

Tội phạm qua thẻ ATM và chiêu lừa "ngoại nhập"

Vài năm trở lại đây nổi lên tình trạng tội phạm sử dụng công nghệ cao đánh cắp mật khẩu làm thẻ tín dụng giả, séc giả, làm thẻ ATM giả; đánh cắp mật khẩu tài khoản rồi đột nhập vào tài khoản khách hàng để chuyển tiền vào tài khoản cá nhân, thông qua dịch vụ thẻ ATM của ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tiền của các tổ chức và cá nhân... Bọn tội phạm còn lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, "mù" ngoại ngữ của không ít người để lấy tiền thông qua tài khoản thẻ ATM.

Thủ đoạn của chúng là dùng điện thoại di động gọi vào số máy của một người nào đó để mời tham gia mua một mặt hàng tiêu dùng do công ty của chúng đang khuyến mãi. Sau đó, chúng giả vờ báo tin cho họ biết đã trúng thưởng với số tiền lớn, muốn nhận được tiền này thì phải có trong tài khoản thẻ ATM hàng chục triệu đồng trở lên, rồi hướng dẫn cho họ thao tác trên máy ATM.

Do không biết ngoại ngữ, một số người đã nghe lời chuyển tiền vào thẻ cho bọn chúng ở một tài khoản ATM khác. Thế là, chúng rút tiền và hủy ngay số điện thoại, hay số tài khoản có liên quan. Khổ chủ chỉ còn biết làm đơn tố cáo gửi cho Cơ quan công an.

Xin được nêu ví dụ từ câu chuyện của ông Chu Xuân Dũng, trú ở quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Ông Dũng nhận được điện thoại từ số máy 0084800 gọi đến quảng bá sản phẩm của Công ty Campani (Hồng Công) thông báo có mở thưởng khuyến mãi. Hôm sau, có tin nhắn từ số máy 0976063984 báo cho ông Dũng biết mã số dự thưởng là AK5188.

Tiếp đó, cũng từ số máy điện thoại trên, thông báo ông Dũng trúng thưởng và hướng dẫn mở tài khoản thẻ ATM tại NHNN&PTNT, chi nhánh Đà Nẵng để công ty chuyển tiền thưởng vào với điều kiện trong tài khoản phải có ít nhất 20 triệu đồng. Ông Dũng đã "mắc bẫy" và số tiền chuyển vào tài khoản thẻ ATM rơi vào tay bọn lừa đảo.

Mới đây qua điều tra, Phòng Bảo vệ an ninh kinh tế (PA17) và Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP Đà Nẵng đã phối hợp với một số NH trên địa bàn bắt giữ một nhóm đối tượng ở TP HCM và Cần Thơ sử dụng chứng minh nhân dân của người khác mua lại ở các tiệm cầm đồ đem mở thẻ ATM, lừa đảo chiếm đoạt hàng tỉ đồng của nhiều cá nhân trong cả nước...

Bên cạnh đó, tình trạng người nước ngoài vào Việt Nam xin mở văn phòng đại diện thương mại không có chức năng kinh doanh tiền tệ, song lợi dụng việc quản lý lỏng lẻo nên đối tượng đã đưa chiêu bài huy động vốn dưới dạng ủy thác, đầu tư với lãi suất cao, hấp dẫn đánh vào lòng tham của một số người. Sau khi đã huy động được số tiền lớn chúng "ẵm gọn", trốn về nước.

Hiện tượng lừa đảo quốc tế dưới danh nghĩa công ty tài chính nước ngoài cũng đang nổi lên. Thủ đoạn lừa đảo là thông qua các giao dịch lừa đảo trên mạng, hoặc đối tượng trực tiếp đến các NH và các doanh nghiệp mời chào vay tiền với lãi suất ưu đãi.

Sau khi đối tác Việt Nam cung cấp thông tin cần thiết và đồng ý thực hiện các thủ tục pháp lý theo yêu cầu, đối tượng lừa đảo sẽ gửi séc du lịch giả cho người vay. Đối tác Việt Nam mang séc đến NH để đổi thành tiền mặt, trong trường hợp NH không phát hiện được séc giả thì đối tượng lừa đảo sẽ tìm cách thu lại phần lớn số tiền đó.

Trường hợp bị phát hiện là séc giả thì đối tượng lừa đảo sẽ nói với đối tác Việt Nam là họ đã xóa code (mã số) gốc để đảm bảo an ninh do đó séc không được chấp nhận cấp phép qua mạng Internet, đối tác Việt Nam cần chuyển ngay cho họ một số tiền để làm lại các thủ tục cho séc được chấp nhận.

Nếu đối tác Việt Nam không tìm hiểu kỹ mà thực hiện theo yêu cầu này thì sẽ bị mất khoản tiền gửi đi. Đây là thủ đoạn mới, hành vi được thực hiện thông qua việc đưa vào Việt Nam các séc du lịch giả, do đó sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống NH Việt Nam, đòi hỏi phải đề cao cảnh giác hơn nữa để tránh thiệt hại...

Biện pháp nào để ngăn chặn?

Trong giai đoạn hiện nay, hội nhập kinh tế quốc tế gắn liền với mở cửa thị trường và tự do hóa kinh tế là một xu thế tất yếu, đã mang lại nhiều yếu tố thuận lợi, song khó khăn, thách thức cũng không ít đối với nhiều lĩnh vực, nhất là đảm bảo an ninh tài chính ngân hàng - một lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.

Tội phạm liên quan đến hoạt động NH cũng diễn biến hết sức phức tạp, nhất là một số loại tội phạm như: làm tiền giả, lừa đảo và cố ý làm trái trong lĩnh vực ngân hàng, tội phạm trong hoạt động chứng khoán (lũng đoạn thị trường, rao tin đồn thất thiệt tác động tâm lý các nhà đầu tư để đẩy giá lên hoặc kéo giá xuống có lợi cho người tung tin...), tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực thẻ thanh toán, tội phạm cướp ngân hàng, rửa tiền...

Đáng lo ngại, giá trị thiệt hại do hành vi phạm tội tăng cao, trong khi đó tài sản thu hồi từ những khoản thất thoát chỉ được một phần rất nhỏ. Dẫn đến hậu quả là do một số NH thương mại chỉ chú trọng đến hoạt động kinh doanh đơn thuần, chưa thật sự quan tâm đến việc phối hợp với công an trong công tác phòng chống tội phạm và phòng ngừa rủi ro. Cũng có NH khi phát hiện tiền giả do sợ mất khách hàng nên không thông báo kịp thời cho công an dẫn đến hạn chế rất nhiều trong công tác đấu tranh với loại tội phạm này.

Lãnh đạo PA17 Công an TP Đà Nẵng, cho biết thêm: Việc cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm của một số NH cũng rơi vào tình trạng quá cứng nhắc về nguyên tắc, nặng về thủ tục hành chính...

Và khẳng định: Phòng ngừa rủi ro và đấu tranh chống tội phạm lĩnh vực NH không thể đơn phương Cơ quan công an mà còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là ngành NH. Vì vậy, ngành NH cần nhận thức một cách đầy đủ, sâu sắc về trách nhiệm của mình đối với công tác đảm bảo an ninh tài chính NH, xây dựng đội ngũ cán bộ vững vàng về kỹ thuật nghiệp vụ, am hiểu pháp luật.

Các tổ chức tín dụng cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và xây dựng hệ thống cơ chế, quy chế tổ chức hoạt động kinh doanh tuân thủ các quy định của pháp luật và phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, yêu cầu đổi mới trong hoạt động kinh doanh NH.

Đặc biệt, chú trọng nâng cao tính bảo mật, an toàn của hệ thống, xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn bảo mật trong công nghệ thông tin, đảm bảo an toàn kho quỹ, đầu tư nâng cấp hệ thống thiết bị an ninh, phòng chống cháy nổ  tại trụ sở NH và các điểm giao dịch. Đồng thời, ngành NH cũng phải liên tục tăng cường chất lượng công tác thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm để hạn chế rủi ro, đảm bảo hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả.

Khi phát hiện vụ việc liên quan đến tội phạm lĩnh vực NH phải kịp thời báo cho công an xác minh, điều tra, xử lý, mới ngăn chặn được thiệt hại. Đó cũng là một trong những bài học kinh nghiệm quý báu.

Mới đây, sáng ngày 20/9, PA17 Công an TP Đà Nẵng nhận được tin báo từ một chi nhánh NH thương mại, có một người nước ngoài mang quốc tịch Mozambique đến mở 2 tài khoản USD và VND, sau khi hoàn thành thủ tục thì tài khoản VND nhận ngay số tiền trên 4 tỉ đồng từ một tài khoản của người nước ngoài khác ở Vũng Tàu chuyển đến, đồng thời đối tượng này đề nghị được rút ngay bằng tiền mặt. PA17 Công an TP Đà Nẵng đã phối hợp với Văn phòng Interpol Việt Nam, Cục Bảo vệ an ninh kinh tế - Bộ Công an, Công an TP HCM, Công an Bà Rịa - Vũng Tàu... triển khai các biện pháp nghiệp vụ điều tra, đã bắt giữ 2 đối tượng người Nam Phi và làm rõ nguồn gốc số tiền 295.650 bảng Anh (tương đương nửa triệu USD) là do một tổ chức tội phạm quốc tế đã đánh cắp từ tài khoản tại một NH thương mại ở London (Anh) chuyển vào Việt Nam cho các đối tượng này nhận bằng tiền mặt VND.

Đây là loại tội phạm có tổ chức chuyên nghiệp trên thế giới, lừa đảo hoặc trộm cắp tiền trong tài khoản của cá nhân hoặc ngân hàng nào đó rồi chuyển lòng vòng đến Việt Nam, nếu hành vi này được thực hiện trót lọt, cảnh sát quốc tế sẽ rất khó tìm ra tung tích bọn chúng...

Long Vân
.
.