Bạo lực chống giới nữ chính khách tại Bolivia
Hai năm sau vụ sát hại ủy viên Hội đồng thành phố Juana Quispe dẫn đến sự ra đời của một luật mới ngăn cấm sử dụng bạo lực chống giới nữ chính khách ở Bolivia, song các nhà hoạt động cho rằng làn sóng bạo lực vẫn tồn tại ở đất nước này.
Bà Juana Quispe bị hung thủ siết cổ đến chết và ném xác gần con sông Orkojahuira trong khu vực thành phố La Paz. Cái chết thương tâm của bà Juana Quispe vào ngày 13/3/2012 - một trong hàng loạt vụ tấn công bạo lực nhằm vào các lãnh đạo nữ trên khắp đất nước Bolivia - đã làm bùng phát những cuộc biểu tình phản đối trên cả nước.
Hai năm đã trôi qua nhưng không có ai bị buộc tội giết hại bà Juana Quispe - người dũng cảm giúp đỡ các đồng nghiệp nữ làm đơn kiện các vụ quấy rối - trong khi đó giới nữ chính khách ở Bolivia vẫn tiếp tục lên tiếng về những vụ tấn công và quấy rối cũng như đe dọa chống lại họ, và các nhà hoạt động tuyên bố những hành vi này đang đe dọa nền dân chủ của nước này.
Vụ xâm hại Juana Quispe không là duy nhất ở Bolivia. Chỉ 3 tháng sau vụ này, bà Daguimar Rivera Ortiz - Ủy viên Hội đồng thành phố Guyaramerin, người can đảm vạch trần những vụ tham nhũng trong bộ máy chính quyền Bolivia - cũng bị bắn chết!
Theo Hội Các nữ ủy viên Hội đồng thành phố Bolivia, từ năm 2005 đến 2012 đã có đến 4.000 đơn kiện về những hành vi bạo lực và quấy rối được lập từ các nữ chính khách Bolivia. Bất chấp tính chất đột phá của luật mới - quy định hành vi quấy rối là một tội chịu hình phạt 5 năm tù giam; còn hành vi tấn công tâm lý, tình dục hay thể xác bị phạt đến 8 năm tù - các nhà hoạt động tuyên bố vấn đề vẫn không được xử lý một cách thích đáng.
Theo điều tra của Tổ chức từ thiện Christian Aid, số những vụ quấy rối hay tấn công bạo lực nhằm vào giới nữ chính khách ở Bolivia đã tăng vọt từ 10 - 25%/ tháng kể từ khi luật mới được thông qua vào tháng 5/2012. Các nhà hoạt động cho rằng số liệu của Christian Aid chứng tỏ sự thiếu rõ ràng trong các quy định của luật mới.
Cecilia Cordova, Giám đốc chương trình của Christian Aid, giải thích: "Chính quyền cần phải quyết định rõ ràng những ai sẽ chịu trách nhiệm giải quyết những vụ án.
Bà Petronila Aliaga, Ủy viên Hội đồng thành phố Colquencha cho biết: "Mỗi khi đi đến một cuộc họp, tôi thường xuyên bị phía chính khách nam ép buộc phải từ chức. Ban đầu tôi im lặng, sau đó tôi không đi họp nữa. Sau đó, họ tìm đến nhà tôi 3 lần để tiếp tục buộc tôi từ chức. Họ đã làm cho gia đình tôi rất hoảng loạn và sợ hãi". Trong 2 năm qua, bà Aliaga luôn phải căng thẳng đối mặt với những hành vi quấy rối, dọa dẫm thậm chí bị đe dọa bắt cóc và thiêu chết!
Nữ giới biểu tình phản đối bạo lực với phụ nữ. |
Theo điều tra của Hội đồng thành phố Bolivia, hành vi quấy rối và bạo lực ép buộc nữ chính khách từ chức chiếm tỉ lệ 41%, còn hành vi cố gắng giới hạn hay ngăn chặn thể hiện năng lực làm việc của họ chiếm 30%. Các nhà hoạt động cho biết, các lý do đằng sau loại hành vi như thế hết sức phức tạp. Trách nhiệm nội trợ, chăm sóc con cái và làm nông (ở các vùng nông thôn) có thể làm phức tạp thêm cho vai trò của phụ nữ ngoài xã hội, đồng thời làm giảm ý chí chiến đấu chống lại các rào cản xã hội đối với phụ nữ. Vấn đề là có mối liên kết chặt chẽ từ lâu đời với bạo lực trong gia đình ở Bolivia.
Theo nghiên cứu năm 2103 của Tổ chức Y tế Pan Mỹ (PAHO), bạo lực trong gia đình ở Bolivia chiếm tỉ lệ cao nhất ở khu vực Nam Mỹ. Pio Luguez Albertini ở Hội Các nữ ủy viên Hội đồng La Paz, phân tích: "Phụ nữ phải chịu đựng nhiều sức ép từ phía gia đình và người thân, từ các tổ chức xã hội và cộng đồng, cũng như từ các đồng nghiệp nam. Ở Bolivia vẫn tồn tại sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ".
Giới chức Hội đồng thành phố Bolivia khẳng định, bất chấp ý chí chiến đấu đến cùng của Petronila Aliaga và các nữ chính khách khác - hành vi dọa dẫm từ các nam chính khách hiện nay đang "ngăn cản phụ nữ tham gia chính trường" và phá hoại ngầm nền dân chủ của Bolivia. Trong môi trường thù địch như thế, chỉ có 9% các nữ lãnh đạo đứng vững ở vị trí của mình đến lần thứ 2. Bà Ada Gutierrez, Ủy viên Hội đồng thành phố Villazon, chỉ là một trong vài nữ chính khách được tái đắc cử.
Tuy nhiên, chính quyền Bolivia hiện nay đã có những bước tiến đáng kể trong việc phá bỏ quan điểm phân biệt đối xử với phụ nữ ở nước này. Sau luật về hành vi bạo lực chính trị, một luật khác được thông qua năm 2013 trong đó quy định 15 loại bạo lực đặc biệt chống phụ nữ và các mức án phạt cũng được tăng nặng thêm, như trong một số trường hợp có thể bị ngồi tù từ 4 - 30 năm!
Các luật mới của Bolivia liên tục ra đời nhằm đem lại sự bình đẳng giữa nam và nữ trên chính trường. Nhưng, các tổ chức phụ nữ nhấn mạnh các luật mới chỉ khiến phụ nữ chịu thêm nhiều thách thức. Mercedes Vargas thuộc Tổ chức quyền người bản địa Fundacio Machaqa, tán đồng: "Các nữ chính khách vẫn tiếp tục chịu đựng. Bây giờ chúng ta có luật bảo vệ nhưng nó không hiệu quả".
Theo các nhà hoạt động, vấn đề là chính quyền thiếu sự quan tâm bảo vệ những phụ nữ lập đơn kiện cũng như luôn có thái độ trì hoãn trong xét xử. Bà Jesse Lopez, chuyên gia pháp lý của Hội đồng thành phố Bolivia, phân tích: "Cấu trúc gia trưởng rất mạnh trong xã hội Bolivia. Cho dù phụ nữ có quyền tham gia chính trường song không dễ phá bỏ cơ cấu xã hội thiên về nam giới ở quốc gia này"