Bạo lực gia đình: Đừng im lặng để… chết!

Thứ Sáu, 08/04/2016, 19:20
Cơn mưa phùn nặng hạt khiến cho những con đường dẫn đến TAND huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) lầy lội, bẩn thỉu. Nhưng điều đó cũng chẳng thể ngăn được hàng trăm người dân ở xã Lương Phong (Hiệp Hòa) có mặt để dự phiên xét xử bị cáo Chu Quang Đạo, kẻ đã dùng dao làm đứt cả gân tay lẫn gân chân người vợ nhiều năm đầu gối tay ấp.

Một thực tế rằng nhiều năm trở lại đây, nạn bạo hành phụ nữ - nhất là phụ nữ nông thôn vẫn không có chiều hướng giảm.

Người chồng vô nhân tính

Đến phiên tòa từ khá sớm, chị Dương Thị H. (35 tuổi, trú tại thôn Chớp, xã Lương Phong - vợ bị cáo Đạo) nhanh chóng tìm đến chiếc ghế của người bị hại.

Đã 8 tháng trôi qua, nhưng những vết sẹo trên khuôn mặt nhỏ nhắn, xương xẩu của người phụ nữ này vẫn hằn đỏ, chằng chịt. Đây chính là lời tố cáo đanh thép nhất về hành vi tàn bạo, hung ác của người chồng - người cha của hai đứa con chị - Chu Quang Đạo. Và tưởng rằng khi đã ngồi ở đây, chị H. sẽ được "yên thân". Chẳng ngờ chị lại trở thành tâm điểm của những lời nói đầy miệt thị, không có một chút tính người của Đạo và gia đình bị cáo.

Giống như thời điểm cách đây 8 tháng, mặc dù được các cán bộ hỗ trợ tư pháp dẫn giải đến phiên tòa với tư cách là bị cáo nhưng Đạo vẫn tỏ ra hống hách, bất cần đời. 50 tuổi, mái tóc bạc trắng, thân hình khẳng khiu gầy rộc, nếu không xem qua hồ sơ thì tôi dám chắc nhiều người nghĩ, Đạo phải 70 tuổi. Cáo trạng của VKSND huyện Hiệp Hòa đã thể hiện hắn là một người chồng vô nhân tính.

Chị H. thời điểm bị chồng bạo hành.

Năm 2007, Đạo và chị H. tổ chức hôn lễ. Năm 2013, chị H. bị suy tim nặng phải đi chữa trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Để có tiền lo cho vợ, Đạo đã phải vay hơn 100 triệu đồng từ họ hàng, anh em.

Nhờ sự cố gắng của bản thân cũng như sự giúp đỡ của gia đình, người thân, sau một thời gian chữa trị, chị H. được xuất viện. Chị H. không thể ngờ được rằng đây lại chính là khởi nguồn cho những mâu thuẫn của đôi vợ chồng này. Cuộc sống gia đình không còn những tiếng cười đùa quen thuộc nữa mà thay vào đó là những lời chì chiết, miệt thị lẫn nhau. Đạo một mực cho rằng chị H. đi làm có tiền nhưng không đưa cho chồng. Còn chị H. rất bức xúc vì Đạo là người đam mê bài bạc.

Cuộc sống vợ chồng của gia đình chị H. luôn ở trong cảnh "cơm chẳng lành canh chẳng ngọt". Với suy nghĩ không thể sống mãi cuộc sống như địa ngục nữa, đầu năm 2015, chị H. làm đơn gửi TAND huyện Hiệp Hòa xin ly hôn. Nhận được đơn của chị H., TAND huyện đã tiếp nhận đơn, song song đó, chính quyền địa phương cũng làm công tác hòa giải để hàn gắn cuộc sống vợ chồng của gia đình họ. Nhưng mọi nỗ lực của họ đều như "dã tràng xe cát".

Sáng 31-7-2015, sau khi được tòa mời hai người lên hòa giải, Đạo có chở con gái lớn là cháu Chu Thanh H. về nhà mẹ đẻ của chị H. để thắp hương lên bàn thờ tổ tiên bên ngoại. Sau đó, Đạo tiếp tục chở cháu H. về nhà mình. Một lúc sau, chị H. quay về nhà mẹ đẻ thì phát hiện mình mất một số đồ dùng nên có viết đơn lên Công an xã Lương Phong tố cáo Đạo là người ăn cắp. Nhận được tin báo, ngày 3-8-2015, Công an xã Lương Phong đã mời Đạo lên làm việc theo yêu cầu của Công an xã.

Thấy Đạo ở đó, chị H. đã gọi điện cho người nhà mình đến để đưa về. Tuy nhiên, do lo sợ chị H. gọi người nhà đến đánh mình, sau khi ra khỏi ủy ban xã về nhà, Đạo có cầm theo một con dao (loại chọc tiết lợn) và tiếp tục lên xã Lương Phong làm việc theo yêu cầu của Công an xã. Quá trình làm việc tại đây, Đạo phủ nhận lời tố cáo của chị H. Sau khi kết thúc buổi làm việc, cả hai cùng đi về. Trong quá trình này, giữa Đạo và chị H. tiếp tục xảy ra mâu thuẫn.

Đến đoạn tiếp giáp thôn Đông và thôn Chùa, Đạo đi vượt lên chặn xe của vợ rồi bất ngờ rút dao đâm vào mặt chị H. Chị chỉ biết đưa tay lên chống đỡ một cách yếu ớt. Cơn say máu của hắn tạm dừng khi chị H. đã bị đứt hai gân tay. Trước khi bỏ đi, Đạo còn chém một nhát vào cổ chân trái của chị H..

Ngày 11-8-2015 Đạo đến Công an huyện Hiệp Hòa đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi. Giám định tại Viện Pháp y quốc gia cho kết luận chị H. bị tổn thương sức khỏe 34%.

Trở lại phiên tòa, dù đang phải đứng trước vành móng ngựa, Đạo vẫn luôn miệng chửi chị H. Đạo còn tỏ ra bất chấp, dửng dưng coi thường hội đồng xét xử (HĐXX). Khi vị thư ký tòa thông báo xong quyền, nghĩa vụ của những người có mặt trong phiên tòa, vị này có hỏi: "Mọi người đã nghe rõ nội quy phiên tòa chưa?" Đạo thủng thẳng trả lời: "Điếc".

Rồi sau đó hắn rít lên: "H. ơi. Mày định giết tao đấy à. Mày còn tình người nữa không? Khi mày ốm sắp chết, tao lăn lộn vì mày, vì con, thậm chí còn bán cả máu để lấy tiền chữa trị cho mày. Thế mà khi mày khỏi bệnh, mày lại đòi bỏ tao. Giờ mày lại còn muốn tao đi tù nữa à. Tao sẽ không chết được đâu. Mày chờ đấy…".

Đạo cũng lớn tiếng yêu cầu: "Đề nghị HĐXX cho thay đổi luật sư của H. Tôi không chấp nhận ông ta". Chỉ đến khi, vị thẩm phán giải thích thì Đạo mới im lặng nhưng thi thoảng vẫn hướng những ánh mắt sắc lạnh, gằm gằm nhìn vị luật sư của bị hại cũng như về phía chị H. Những người thân bị cáo Đạo đến dự phiên tòa cũng dùng những lời lẽ hết sức thiếu kiềm chế hướng về chị - người phụ nữ nhỏ thó, rúm ró trên chiếc ghế của phòng xử án.

Được biết, Đạo chỉ học hết lớp 7 rồi nghỉ học để lo việc đồng áng phụ giúp gia đình. Đủ tuổi, Đạo nhập ngũ. Năm 1993 vừa mới xuất ngũ được một thời gian, Đạo dính vào vòng lao lý. Sau gần 10 năm cải tạo, Đạo được trả tự do. Về quê một thời gian, Đạo đã kết hôn với một người phụ nữ cùng huyện và có với chị này hai người con chung. Nhưng cái tính ngang tàng, hung bạo lại khiến cho Đạo vi phạm pháp luật và đó cũng là dấu chấm hết cho cuộc sống vợ chồng với người vợ đầu.

Thụ án thêm gần chục năm tù nữa, trở về thôn Chớp (Lương Phong, Hiệp Hòa) Đạo không còn gia đình, không có bất cứ một nghề nghiệp gì để trang trải cho cuộc sống. Đúng lúc bí bách và thiếu thốn nhất thì Đạo đã gặp H. - một thôn nữ "quá lứa" có nghề thổi kèn đám ma và có hai người con với chị này.

Do Đạo yêu cầu cần luật sư để bảo vệ cho quyền lợi của mình, sau thời gian hội ý, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa theo yêu cầu của Chu Quang Đạo.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Phó GĐ Trung tâm Csaga.

Đừng sợ "vạch áo cho người xem lưng"

Vụ án trên chỉ là một điển hình của nạn bạo hành phụ nữ nông thôn. Trên thực tế có rất nhiều nạn nhân của bạo hành không dám lên tiếng, và thậm chí đã lên tiếng song lại không nhận được nhiều sự giúp đỡ từ cộng đồng. Cách đây ít năm bắt nguồn từ việc bị bạo hành, một phụ nữ trú tại xã Cao Viên (Thanh Oai, Hà Nội) đã không kiềm chế nổi và gây ra một vụ án xôn xao dư luận.

Chị Đỗ Thị Minh vốn là một phụ nữ nông dân chăm chỉ, chịu khó. Chồng chị là anh Hòa không có việc làm, thu nhập bấp bênh, mọi việc lớn bé trong nhà đều đổ dồn lên vai người vợ. Ngoài việc đồng áng, chị Minh phải chạy chợ buôn bán và là trụ cột chính trong gia đình. Anh chồng không những không động viên vợ mà mỗi lần uống rượu say lại trút lên vợ những cú đấm, đạp, mắng chửi. Những ẩn ức tích tụ, chị đã vùng lên…

Đến tận khi đứng trước vành móng ngựa, Đỗ Thị Minh vẫn không tin mình đã giết chồng. Trước tòa, chị lắp bắp: "Bị cáo hoảng loạn quá, không biết lúc đó mình làm gì nữa".

Những người chứng kiến phiên tòa ai cũng đều thương cảm cho số phận của người phụ nữ bất hạnh. Trước tòa, chị Minh kể rằng có những lần chị bị chồng đuổi ra sân giữa đêm lạnh buốt mà chỉ độc có manh áo mỏng. Rồi chỉ một vài xích mích nhỏ, Hòa cũng lôi vợ ra để chì chiết, đánh đập.

 Nhiều lần trong bữa cơm, Hòa không tiếc lời mắng chửi vợ trước mặt con dâu với những ngôn từ tục tĩu. Sợ chồng say rồi làm liều, chị thu hết dao và đồ sắc nhọn trong bếp cất đi… Thậm chí, trước khi án mạng xảy ra 1 tháng, chị Minh bị chồng đuổi ra khỏi nhà 10 ngày liền. Trốn sang nhà hàng xóm được 6 hôm chị lủi thủi về xin chồng vào nhà.

"Ngày đi làm vất vả, tối về chỉ mong có chỗ ngủ còn không yên. Chồng không thông cảm, lại còn chửi bới, mắng nhiếc. Tôi không ăn nổi cơm, đành trải chiếu ra nền nhà ngủ"- chị kể.

"Đầu giờ chiều, tôi sang nhà hàng xóm chơi thì thấy chồng chửi bới, đập phá đồ đạc. Chạy về, thấy ông ấy cầm búa đinh, lôi quần áo của tôi ra sân châm lửa đốt. Thấy tôi ngồi ở hè nhà, ông ấy xông đến, tay đánh, chân đá, miệng không ngớt chửi "tao cho mày chết, tao không cần mày nữa". Tôi càng kêu khóc thì càng làm cho chồng hung dữ hơn". Giọt nước tràn ly, chị chạy xuống bếp vớ cái kéo cắt ớt, đâm nhiều nhát vào người chồng cho đến khi ông ngã gục.

Theo kết quả nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ tại Việt Nam do Tổng cục Thống kê và WHO thực hiện cho thấy có tới 32% phụ nữ đã từng kết hôn phải hứng chịu bạo lực thể xác trong đời sống gia đình. Đồng thời trên hơn nửa phụ nữ Việt Nam đã phải hứng chịu bạo lực tinh thần trong đời. Cứ 10 cặp vợ chồng thì có một cặp từng trải qua các hình thức bạo lực nghiêm trọng nhất. Phụ nữ thường là đối tượng của bạo lực.

Trên thực tế, đã có rất nhiều bà vợ bị những trận đòn thừa sống thiếu chết mà vẫn âm thầm chịu đựng nỗi đau thể xác và tinh thần. Phụ nữ nông thôn không dám nói ra chuyện mình bị bạo hành, bởi họ sợ mọi người chê cười, sợ họ hàng dè bỉu, con cái xấu hổ với bạn bè, làng xóm, sợ bị mang tiếng "vạch áo cho người xem lưng" và "xấu chàng hổ ai"…

Một thẩm phán thuộc TAND TP Hà Nội cho chúng tôi biết, hiện nay rất nhiều phụ nữ ở nông thôn sau khi ly hôn rời khỏi nhà chồng phải chịu nhiều thiệt thòi. Họ kết hôn được bố mẹ cho mảnh đất làm nhà ở mà không làm thủ tục sang tên cho hai vợ chồng, vì vậy khi ly hôn, bố mẹ chồng lấy lại đất. Lúc ra tòa, người vợ không có giấy tờ căn cứ pháp lý nên họ phải ra đi tay trắng. Có lẽ cũng vì thế mà nhiều người không dám ly hôn, đành phải cam chịu bị chồng bạo hành".

Trong phiên tòa, Chu Quang Đạo vẫn liên tục quay xuống mạt sát vợ.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (Csaga) phân tích, trong vụ án của Chu Quang Đạo, có một điểm đáng chú ý là chị H. và nhiều chị em từng bị bạo lực gia đình đã khá chủ quan. Các chị thiếu kiến thức về bạo lực gia đình cũng như kỹ năng an toàn để ứng phó với những trường hợp "nguy cơ cao" bị bạo hành.

Bà Thủy phân tích: "Trên thực tế những phụ nữ đang trong giai đoạn chờ ly hôn, phụ nữ sau khi kể lại chuyện bị bạo hành cho gia đình người thân biết, khi đang trong quá trình hòa giải thuộc diện "nguy cơ cao" bị bạo lực nhiều nhất. Chính vì thế họ rất cần những kỹ năng kiến thức ứng phó với bạo lực. Ví dụ khi bạo lực xảy ra đừng đứng yên cho chồng đánh. Khi bị bạo hành ở trong nhà, trong bếp thì không đứng ở góc "chết" mà luôn ở khu vực gần cửa để có thể thoát thân. Khi bị bạo lực cần kêu cứu, kêu to lên, đừng chết vì sự xấu hổ. Những vật dụng trong gia đình đòn gánh, dao, chổi, điếu cày… nên cất vào những chỗ an toàn, để chồng có nổi cơn nóng thì cũng không sử dụng được.

Trao đổi với chúng tôi Luật sư Trương Anh Tú, đoàn luật sư Hà Nội khẳng định, để chấm dứt những hành vi bạo lực gia đình người bị bạo hành hoàn toàn có quyền yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của mình và con (ví dụ: bạn có thể cùng con mình rời khỏi nhà chồng để tránh bị xâm phạm). Các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ bạn được quy định tại Điều 18 Luật này như sau:

1. Người phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 23 và khoản 4 Điều 29 của Luật này.

2. Cơ quan công an, ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về bạo lực gia đình có trách nhiệm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý; giữ bí mật về nhân thân và trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ người phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình.

H.Linh - M.Tiến
.
.