Bắt cóc tống tiền và ma túy nuôi dưỡng chiến binh Hồi giáo ở Mali

Thứ Tư, 30/01/2013, 10:30

Những cuộc "trao đổi", thường là trong bí mật, giữa các chính quyền phương Tây và chiến binh Hồi giáo là trung tâm của mạng lưới bắt cóc tống tiền trị giá hàng triệu USD ở vùng phía bắc khô hạn của Tây Phi. Nhưng các chính quyền phương Tây luôn bác bỏ mọi cáo buộc về việc trả tiền chuộc người cho chiến binh. Cùng với bắt cóc tống tiền, các chiến binh Hồi giáo ở Mali - một nhà nước đã mất kiểm soát trong khu vực phía bắc lớn hơn diện tích nước Pháp - còn bắt tay với bọn tội phạm để buôn lậu mọi thứ từ thuốc lá cho đến súng ống, người và ma túy.

Tiền bạc dồi dào, các tay súng liên quan đến Al-Qaeda đang tuyển mộ hàng trăm người dân địa phương, bao gồm cả trẻ em và một số ít các chiến binh nước ngoài. Trong số các liên minh, nhóm Al-Qaeda Bắc Phi (AQIM) liên kết chặt chẽ với nhóm Hồi giáo Tuareg của Mali (MUJWA) hoạt động mạnh ở Mali.

Hàng triệu USD tiền chuộc mạng

Chiến binh Hồi giáo cho biết bọn chúng kiếm được nhiều tiền nhờ mạng lưới tội phạm, bao gồm cả những khoản tiền chuộc mạng từ các chính quyền phương Tây. Oumar Ould Hamaha, đại diện của MUJWA, tiết lộ: "Chính các quốc gia phương Tây tài trợ cho  khủng bố và thánh chiến (jihad) thông qua tiền chuộc". MUJWA được thành lập bởi Hamada Ould Mohamed Kheirou, biệt danh Abu Ghoum-Ghoum, người Mauritania, và thành lũy của nhóm là ở Gao.

Về các nhóm Hồi giáo khác nhau, Oumar Hamaha cho biết: "Chúng tôi hoạt động riêng lẻ song chiến đấu cho cùng một mục đích, cho Hồi giáo". Đối với giới chức khu vực và phương Tây, Mali hiện nay là thiên đường cho những phần tử cực đoan và tội phạm có tổ chức. Với những đường băng máy bay rộng lớn ở Gao, Timbuktu, Kidal và Tessalit nằm dưới sự kiểm soát của chiến binh Hồi giáo, khu vực miền Bắc Mali đang đe dọa trở thành vùng đất lý tưởng cho bọn buôn lậu và khủng bố.

Bắt cóc đòi tiền chuộc ở Sahara có gốc rễ từ tháng 2/2003, khi một nhóm 32 du khách người châu Âu bị Nhóm Thuyết giáo và Chiến đấu Salafist (GSPC) bắt cóc ở Algeria. Một số con tin được lực lượng an ninh Algeria giải cứu, nhưng số còn lại chỉ được thả ra sau khi bọn khủng bố nhận được số tiền chuộc 5 triệu USD từ ít nhất một chính quyền ở châu Âu.

Theo Stephen Ellis, chuyên gia về tội phạm có tổ chức và giáo sư Trung tâm Nghiên cứu châu Phi ở Leiden, Hà Lan, người luôn theo dõi GSPC trong thập niên qua. "Đó là tiền lệ", Ellis giải thích. Về sau, GSPC tuyên bố trung thành với Al-Qaeda, đổi tên gọi thành AQIM và bắt đầu chuyển sang hoạt động buôn lậu và bắt cóc tống tiền. Vào những năm sau đó, hơn 20 người phương Tây khác bị bắt cóc ở dải Sahel - Sahara.

Các tay súng của MUJWA đang canh gác gần sân bay ở Gao.

Theo tài liệu rò rỉ về hai năm 2008 và 2009 từ Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Bamako của Mali, AQIM ra giá 100.000 USD để chuộc mạng cho những người phương Tây, nếu là người Mỹ thì số tiền chuộc sẽ cao hơn nhiều. Chiến binh Hồi giáo biết Washington sẽ không trả tiền chuộc, nhưng các nước khác ở phương Tây thì có.

Giới chức an ninh khu vực và phương Tây nhận định hoạt động bắt cóc tống tiền mang về cho AQIM hàng chục triệu USD. Trong báo cáo năm 2010, chính quyền Thụy Sĩ xác nhận vào năm trước đó nước này đã trả 5,5 triệu franc Thụy Sĩ (khoảng 5,9 triệu USD) để đổi lấy tự do cho hai con tin bị giam giữ ở Mali.

Một quan chức cao cấp ở Tây Phi biết rõ về những cuộc thương lượng con tin tiết lộ với Reuters: "Không có con tin nào được thả nếu không có tiền chuộc. Phương Tây do đó đã tài trợ cho AQIM thông qua tiền chuộc". Tiền giúp cho AQIM mua thực phẩm, xăng dầu, vũ khí và tình cảm của người dân tại những vùng hẻo lánh ở miền Bắc Mali.

Hiện nay, AQIM đòi 90 triệu euro (117 triệu USD) chuộc mạng cho 4 công nhân người Pháp bị bắt cóc tại khu mỏ uranium ở Niger vào năm 2010. Tháng 8/2012, nhóm MUJWA ở thành phố Gao của Mali nhận được số tiền lớn để trả tự do cho 1 người Italia và 2 người Tây Ban Nha. 

Buôn lậu ma túy

Cũng như bắt cóc đòi tiền chuộc, tiền kiếm được từ buôn lậu ma túy cũng góp phần nuôi dưỡng quân phiến loạn và khủng bố ở Mali. Sahara nay trở thành trung tâm trung chuyển không chỉ cần sa mà cả một số lớn côcain Mỹ Latinh và hêrôin Afghanistan đến châu Âu. Đối với những người thông thạo vùng sa mạc - như là Mohamed, thanh niên người Arập lai Tuareg gốc gác ở Timbuktu - buôn lậu là hoạt động rất béo bở.

Các tân binh của AQIM đang được huấn luyện sử dụng vũ khí.

Từ bỏ công việc bán xăng dầu ở miền Bắc Mali, Mohamed chuyển sang vận chuyển ma túy để kiếm nhiều tiền hơn - một chuyến chở côcain đến địa điểm quy định được trả công đến 3.000 USD! Do đó, chỉ sau vài chuyến hàng trót lọt, Mohamed đã tậu được chiếc ôtô cho riêng mình. Mohamed làm việc cho cả bọn buôn lậu ma túy và các nhóm phiến quân.

Những tòa nhà mới xây, những chiếc ôtô đắt tiền và mọi tiện nghi phô trương khác ở Bắc Mali đều có được từ ma túy. Ở Gao, thành phố lớn nhất ở miền Bắc Mali, những căn biệt thự tráng lệ theo kiến trúc Địa Trung Hải được bao bọc bởi những bức tường cao sơn trắng và những cánh cổng trang trí hoa mỹ nổi bật giữa cảnh nghèo nàn thê thảm.

Bay Essayouti, Tổng thư ký chi nhánh Tổ chức nhân quyền HRL Mali ở Timbuktu, cho biết những người tham gia vận chuyển ma túy nhiều tiền đến mức các ngân hàng phải làm việc cả ngày nghỉ chỉ để phục vụ họ. Bà Hilary Renner, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, nói về vai trò của AQIM trong mạng lưới buôn lậu ma túy: "Bọn chúng không kiểm soát ma túy mà chỉ cung cấp sự bảo vệ và cấp phép cho bọn buôn lậu vận chuyển hàng qua các khu vực mà chúng kiểm soát".

Bọn tội phạm buôn lậu bị bắt giữ ở Mauritania vào năm 2011 cho chính quyền biết có một đoàn xe chở cần sa phải trả 50.000 USD mới được phép băng qua khu vực do AQIM kiểm soát. Giới ngoại giao ở Bamako và người dân ở Gao cho biết mối quan hệ giữa bọn tội phạm buôn lậu ma túy và chiến binh Hồi giáo rất thân thiết ở thành phố này. Họ còn kể ra tên của một số doanh nhân và chính khách địa phương tham gia buôn ma túy và thậm chí đang cộng tác với MUJWA. Nhưng, Ould Hamaha tuyên bố MUJWA không có quan hệ gì với bọn buôn lậu ma túy

Thục Miên (tổng hợp)
.
.