Bắt giữ tàu ngầm tự tạo “đẳng cấp” vận chuyển ma túy

Thứ Ba, 08/03/2016, 18:35
Hải quân Colombia mới đây đã bắt giữ một tàu ngầm cỡ lớn được thiết kế tinh vi, được cho là dùng để chở ma túy tới Mexico. BBC đưa tin, chiếc tàu ngầm dài 31m, được giấu trong một khu rừng rậm ở Timbiqui, tây nam Colombia.

Các quan chức hải quân Colombia cho biết, đây là tàu ngầm hiện đại nhất trong số các tàu loại này mà họ phát hiện từ trước tới nay. Tàu được trang bị động cơ 346 mã lực, có sức chứa 4 người, chở lượng hàng hóa lên đến 8 tấn và đi được một chặng đường dài tới 1.500km. Tàu cũng được trang bị bảng điện tử và 2 loại radio. Kính quan sát của nó là 2 chiếc camera, một chiếc cho ban ngày và một chiếc cho ban đêm, nhằm giám sát mặt nước khi lặn.

Mổ xẻ động cơ của chiếc tàu ngầm vận chuyển ma túy.

Tuy nhiên, do hệ thống thông khí kém, nên nhiệt độ bên trong chiếc tàu ngầm này có thể tăng cao. Tàu có khả năng cắt động cơ và lặn xuống sâu khoảng 10m, tránh tàu và máy bay tuần tra.

Theo Hernando Wills Velez - tư lệnh lực lượng hải quân Thái Bình Dương của Colombia, chiếc tàu được trang bị thiết bị định vị tinh vi, cho phép thủy thủ đoàn đi tới những nơi xa như Mexico. Ông cũng nhận định, nó là một trong những tàu ngầm tự tạo lớn nhất từ trước đến nay.

Hernando nói, tin tình báo và các nguồn cấp tin đã giúp họ tìm ra chiếc tàu. Các quan chức Colombia ước tính, chiếc tàu có giá hơn 2 triệu USD. Hiện khoảng 90% lượng cocaine tiêu thụ tại Mỹ có nguồn gốc từ Colombia. Giới chuyên gia ước tính, 70% ma túy rời bờ biển Thái Bình Dương của Colombia những năm gần đây được chở bằng tàu ngầm.

Nếu dùng tàu ngầm tự chế, bọn buôn lậu mất khoảng 2 tuần để chuyển ma túy từ vùng rừng núi Colombia tới điểm đổ “hàng” ở Trung Mỹ và Mexico. Cơ quan chức năng đã bắt giữ một “thuyền trưởng” được đường dây buôn bán ma túy thuê. Tên này đã thực hiện 3 chuyến đi tới Mexico trước khi bị bắt. Theo “thuyền trưởng” điều kiện sống trong tàu ngầm như ở trong địa ngục và thức ăn chỉ có bánh quy, đậu đóng hộp, sữa. Luôn có một tay được trang bị vũ khí hiện đại trên tàu để theo dõi thủy thủ cùng các lô hàng.

Văn Nguyễn - T.Linh (tổng hợp)
.
.