Bát nháo xe ôm công nghệ

Thứ Ba, 05/11/2019, 05:57
Có thể nói thời gian vừa qua sự ra đời, phát triển của các ứng dụng đặt xe qua điện thoại di động đã đem lại nhiều sự lựa chọn cho người dân và sự phát triển ồ ạt của ứng dụng Grab chứng tỏ những tiện lợi mà tài xế công nghệ đem lại.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ đó, đã xuất hiện tình trạng các đối tượng mua, mượn quần áo, mũ, giả làm tài xế Grab để đánh lừa khách hàng, thực hiện các hành vi trộm cắp tài sản. Lại có chuyện nhiều tài xế Grab “xịn” giở trò lừa khách nước ngoài, tham gia gây rối trật tự công cộng...

Nở rộ Grabbike “nhái”

Chị Phạm Thị Mỹ H. (sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân) kể lại với chúng tôi trường hợp chị bị “bắt chẹt” mà vẫn còn run lên vì giận dữ.  Một buổi tối cuối tuần, chị xuống xe khách tại bến Mỹ Đình, Hà Nội. Trước đó, để tiết kiệm thời gian, từ lúc chuẩn bị xuống chị đã vào ứng dụng Grab để đặt xe về quận Long Biên (Hà Nội).

Khi chị vừa bước ra khỏi cổng bến xe thì có một tài xế mặc đồng phục grab (giống trang phục của hãng xe công nghệ Grab) chạy đến. Khi đó người đang mệt, trời tối nên chị H. cũng không để ý đến biển số xe. Cứ thế nói địa chỉ đến và leo lên xe ngồi.

Bất ngờ xe di chuyển được khoảng 5 phút thì chị nhận được điện thoại từ một tài xế (chính là người chị H. đã đặt qua ứng dụng) hỏi xem chị đang ở đâu. Lúc này chị H. mới phát hiện đã lên nhầm xe, vội xin lỗi và hủy cuốc xe đã đặt. Tiếp đó, chị H. nói với lái xe là bị nhầm và bảo muốn xuống thì người này nói rằng “em cũng chỉ lấy như anh kia thôi”.

Một tài xế xe ôm “nhái” grab đang chèo kéo khách hàng.

Không ngờ, khi xuống xe, cái giá của tài xế đưa ra cao gấp 3 lần so với trong ứng dụng. Chị H. vừa phàn nàn giá đắt đỏ thì tài xế đó trợn mắt dọa “xin tý huyết” khiến chị vội vàng phải rút ví.

Phi Hùng, nhân viên một công ty về xây dựng thì kể lại. Cách đây mấy hôm anh đặt một cuốc Grabbike từ thị trấn Phùng (Đan Phượng, Hà Nội) đến bến xe Mỹ Đình thông qua ứng dụng hết 70 ngàn đồng nhưng đợi mãi mà không có xe nào nhận. Thấy một tài xế xe ôm mặc trang phục Grab đi ngang qua, Hùng liền đề nghị chở. Tài xế này “ok” ngay mà không cần thỏa thuận giá.

Đến nơi, anh Hùng mới giật mình khi nghe tài xế “hét” giá 300 ngàn đồng. Sau một hồi tranh luận, anh Hùng đành phải “nuốt cục tức” và trả cho anh xe ôm kia 250 ngàn đồng.

Chúng tôi thử dạo một vòng tại các khu vực bến xe lớn tại Hà Nội như bến xe Mỹ Đình, bến xe Giáp Bát... các khu vực trung chuyển, điểm chờ xe buýt... và luôn được khá nhiều xe ôm vây quanh. Đáng chú ý, thời gian gần đây thường có rất đông người mặc áo, đội mũ có chữ Grabbike có mặt ở khắp mọi nơi, ngóc ngách. Trong số này đa phần là những tài xế Grab thật đang đợi khách, song cũng đã xuất hiện những đối tượng lừa đảo trà trộn vào.

Họ thấy người dân tay xách nách mang từ trong bến xe xuất hiện là chạy đến, làm như là người đã được đặt trong ứng dụng và cứ thế... chạy. Sau đó khi khách hàng phát hiện đặt nhầm, muốn xuống xe thì sẽ được chào mời đi tiếp và hét một cái giá “cắt cổ”.

Góp phần cho nạn lừa đảo đội lốt xe ôm công nghệ còn có phần “nở rộ” bởi việc mua một bộ đồng phục xe Grabbike hiện khá là dễ dàng. Chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm quần áo, mũ Grab... trên mạng xã hội ngay lập tức cho ra hàng loạt kết quả như: Áo khoác Grab, mũ Grab... Giá bán sỉ (5 sản phẩm) có giá là 105.000 đồng/áo, 85.000 đồng/mũ.

Giá bán lẻ là 150-200 ngàn đồng/áo, 110 ngàn đồng/mũ. Hay “set full bộ Grab” có giá khoảng hơn 300 ngàn đồng. Đó là trên mạng, còn bên ngoài cũng phong phú không kém. Áo, mũ Grab... nhan nhản nơi các cánh tài xế đang hoạt động tại các bến xe.

Hai đối tượng giả tài xế grab trộm cắp tài sản bị bắt giữ.

Tại khu vực bến xe đường Nguyễn Hoàng (gần cổng vào bến xe khách Mỹ Đình), chúng tôi gặp một người đàn ông khoảng 40 tuổi, trên tay cầm chiếc áo khoác Grabbike màu xanh. Khi hỏi nhu cầu muốn mua áo, mũ của hãng này, người đàn ông nói ngay: “Muốn mua loại gì? Như thế nào”, rồi “hét” giá 250 đồng 1 áo khoác, 150 ngàn đồng/mũ.

Bên cạnh việc nhiều tài xế kiếm đồng phục Grabbike để lừa khách hàng thì vẫn có những tài xế “xịn” thường lợi dụng sự bất đồng ngôn ngữ để bắt chẹt khách du lịch nước ngoài. Việc này không những làm ảnh hưởng đến tài xế khác mà còn khiến hình ảnh TP Hà Nội trở nên xấu xí trong mắt khách du lịch.

Một chỉ huy Công an phường Hàng Đào (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhớ lại vụ việc mà đơn vị đã giải quyết có liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản khách nước ngoài của một tài xế Grabcar. Ngày 31-8-2019, 4 du khách người Nhật Bản sử dụng ứng dụng Grab đặt xe di chuyển từ phố Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy) về phố Hàng Đường (quận Hoàn Kiếm) với số tiền phải trả là 192 nghìn đồng.

Lợi dụng bất đồng ngôn ngữ cùng với việc du khách nước ngoài không nắm rõ giá trị lưu hành tiền tệ tại Việt Nam, tài xế taxi Grab đã dùng thủ đoạn gian dối đưa thông tin gói cước giả cho nhóm du khách Nhật Bản xem để chiếm đoạt số tiền 2 triệu đồng.

Sau khi phát hiện bị ép giá, ngày 2-9 nhóm du khách đến Công an phường Hàng Đào trình báo sự việc. Tiếp nhận thông tin vụ việc, Công an phường Hàng Đào tiến hành truy xét, làm rõ đối tượng tài xế Grab có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên là Vũ Ngọc Quang (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Công an phường Hàng Đào đã trao trả tài sản cho du khách Nhật Bản và lập hồ sơ xử lý Vũ Ngọc Quang theo quy định của pháp luật.

Đội lốt grabbike trộm cắp tài sản

Thời gian qua, Cơ quan công an khám phá một số vụ trộm cắp tài sản mà đối tượng khoác áo tài xế công nghệ. Điển hình như vụ Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) vừa triệt phá một ổ nhóm giả làm xe ôm công nghệ, lang thang trong đêm để trộm cắp tài sản. Nhiều tang vật trong các vụ trộm cắp trước đó mà đối tượng thực hiện cũng đã được cơ quan Công an thu giữ.

Theo tài liệu điều tra ban đầu, khoảng 4 giờ sáng ngày 24-8-2019, tổ công tác Công an quận Cầu Giấy trong quá trình tuần tra đêm đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn đã phát hiện một đối tượng mặc áo Grab đi xe máy, chở theo một người đàn ông có biểu hiện khả nghi. Hai đối tượng vừa đi vừa “tăm tia” các ngôi nhà ven đường.

Đối tượng Phạm Tuấn Linh.

Tiến hành kiểm tra hành chính, tổ công tác phát hiện đối tượng ngồi sau có nhiều biểu hiện bất minh. Đấu tranh khai thác tại chỗ, hai đối tượng thừa nhận vừa tiến hành một vụ trộm tại khu nhà trọ tại ngõ 5 Hoàng Quốc Việt (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy), lấy được nhiều điện thoại di động.

Danh tính của hai đối tượng sau đó được làm rõ là Nguyễn Khắc Hùng (SN 1984, trú tại tổ 24 Nghĩa Đô, Cầu Giấy) và Nguyễn Quốc Hưng (SN 1985, trú tại khu tập thể B3 Kim Liên, Đống Đa). Hùng có 1 tiền sự về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, còn Hưng có tới 4 tiền án, tiền sự về tội trộm cắp tài sản.

Các đối tượng khai nhận, cứ đêm xuống là lang thang các tuyến phố, khi phát hiện thấy nhà nào sơ hở, Hùng sẽ tìm cách đột nhập lấy tài sản, Hưng đóng vai lái xe Grab ở gần đó sẵn sàng chở Hùng tẩu thoát. Một trong những thủ đoạn của nhóm này là sử dụng gậy có chất dính ở đầu để “câu” điện thoại, túi xách qua cửa sổ.

Đối tượng Phạm Ngọc Hoàng.

Ngoài vụ trộm vừa nêu, hai đối tượng khai nhận còn gây ra 3 vụ khác tại đường Nghi Tàm (quận Tây Hồ), đường Nguyễn Đình Hoàn (Cầu Giấy) và ngõ 267 Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) lấy đi 1 máy tính xách tay, 5 điện thoại di động và đồng hồ điện tử khác, sau đó bán lấy tiền tiêu xài. Hiện hai đối tượng đã bị khởi tố, bắt giam về hành vi trộm cắp tài sản.

Trước đó, tháng 3-2019 Công an huyện Thanh Oai (Hà Nội) bắt một đối tượng đội lốt tài xế công nghệ ngang nhiên trộm cắp tài sản. Đó là Phạm Tuấn Linh (SN 1984, ở Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội). Khoảng 16 giờ ngày 9-3, trên đường Cienco 5 qua địa bàn thôn Thanh Lương, xã Bích Hòa (huyện Thanh Oai, Hà Nội) người dân phát hiện một thanh niên đi xe máy mặc áo, đội mũ bảo hiểm Grab màu xanh đã đập vỡ kính sau bên lái chiếc xe ô tô Lexus 570 đỗ bên đường, trộm cắp một chiếc túi da hàng hiệu trong xe và bỏ chạy.

Nhiều người vừa hô hoán vừa đuổi theo. Ít phút sau, đối tượng đã bị tóm. Chủ xe trình báo, đối tượng đã nẫng đi một túi da hàng hiệu có 20 triệu đồng tiền mặt và nhiều đồ trang sức giá trị lên tới vài trăm triệu đồng. Bản thân đối tượng Linh có 3 tiền án về tội trộm cắp tài sản và tàng trữ trái phép chất ma túy. Cơ quan công an đã khởi tố, điều tra Linh về hành vi trộm cắp tài sản.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Grab Việt Nam xác nhận có hiện tượng một số tài xế mượn danh của công ty bằng cách mặc áo, đội mũ có biểu tượng của công ty để vẫy khách. Công ty đã có một số biện pháp để ngăn chặn, đồng thời mỗi khi khách đặt xe thì ứng dụng sẽ gửi đến thông tin khuyến cáo khách hàng cần lên đúng xe có hình ảnh tài xế và biển kiểm soát như trong ứng dụng.

Ngày chạy grab, tối làm “quái xế”

Rạng sáng 21-8-2019, tổ công tác Công an quận Hoàn Kiếm tổ chức bám theo một nhóm “quái xế” tại khu vực đài phun nước (quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục) có hành vi gây rối trật tự công cộng. Tổ công tác đã phối hợp với Công an phường Hàng Bạc tiến hành đưa một số đối tượng về trụ sở công an điều tra làm rõ.

Qua sàng lọc, Cơ quan công an đã khởi tố bị can đối với Đặng Viết Tuấn (SN 2001, trú tại xóm 3 xã Phúc Đông, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) và Phạm Ngọc Hoàng (SN 1998, trú tại xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định). Phạm Ngọc Hoàng khai nhận là lái xe ôm công nghệ (Grabbike). Hằng ngày Hoàng đi chở khách và đêm 20, rạng sáng 21-8, sau khi chở cuốc xe cuối cùng về, Hoàng “lên phố” tìm các nhóm thanh niên tụ tập lạng lách đánh võng để cùng nhập đoàn.

Tuy không quen biết ai trong nhóm trên nhưng thấy đoàn xe đó chạy qua thì Hoàng thấy phấn khích nên một mình phóng xe đi cùng. Các đối tượng điều khiển xe máy với tốc độ từ 80-90km/h. Sau khi chạy 3 vòng quanh hồ Hoàn Kiếm về đến đài phun nước, Hoàng và một số đối tượng bị Công an quận Hoàn Kiếm yêu cầu về trụ sở công an làm việc.

M.Tiến - M.Trí
.
.