Bắt siêu trộm từ khóa iCloud
Chưa đầy 24 giờ sau khi bị hại trình báo, Cảnh sát công nghệ cao đã điều tra, bắt giữ được thủ phạm khi đối tượng đang tìm cách phá khóa iCloud thiết bị máy tính tang vật trong một vụ trộm...
Trước đó, đêm 25-1-2016, kẻ gian đột nhập vào cửa hàng bán điện thoại di động (ĐTDĐ) Lee Shop của anh Lê Thế Hùng, ở phố Khương Thượng, Đống Đa trộm cắp tài sản gồm 1 máy tính để bàn hiệu IMAC, 4 ĐTDĐ Iphone, 1 ĐTDĐ Nokia và 10,6 triệu đồng. Trong số tài sản bị mất trên, anh Hùng có cài đặt tài khoản iCloud (là tài khoản dùng riêng của Hãng Apple để quản lý thiết bị do hãng cung cấp) do anh Hùng trực tiếp đăng ký trên máy tính để bàn IMAC.
Cơ quan Công an kiểm tra bộ “đồ nghề” trộm cắp của Lưu Anh Tuấn. |
Ngay sau khi phát hiện vụ mất trộm, anh Hùng đã truy cập vào hệ thống quản lý tài khoản iCloud để khóa thiết bị IMAC, đồng thời để lại nội dung thông báo trên màn hình: “Máy có nhiều dữ liệu, chuộc lại xin gọi 096xxxxx”.
Cho đến ngày 16-2, có 1 đối tượng sử dụng số điện thoại 0122xxxxx liên lạc, nhắn tin vào số điện thoại của anh Hùng hỏi về nội dung liên quan đến tài khoản iCloud đã cài đặt trên máy IMAC. Tuy nhiên, khi anh Hùng liên lạc lại thì đối tượng đã tắt điện thoại. Anh Hùng đã trình báo Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) Công an Hà Nội.
Vào cuộc điều tra, Đội 3 Phòng PC50 đã nhanh chóng làm rõ người sử dụng điện thoại nhắn tin cho anh Hùng là Hoàng Văn Phúc, nhân viên cài đặt máy tính công ty X (có trụ sở tại phố Vũ Phạm Hàm, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Khi được mời làm việc, Phúc cho biết có một người đàn ông liên hệ với công ty X để thuê cài đặt lại 1 máy tính IMAC 27 inch.
Ngày 16-2, Phúc đã đến địa chỉ 16 ngách 55 ngõ 358 Bùi Xương Trạch cài đặt lại máy theo yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên khi thao tác, Phúc nhận được thông báo “Máy có nhiều dữ liệu, chuộc lại máy xin gọi....” nên Phúc nhắn tin vào máy anh Hùng để hỏi. Sau đó, Phúc nhận chiếc máy IMAC đưa về cửa hàng trên đường Láng để cài đặt lại phần mềm. Phúc đã tự nguyện giao nộp chiếc máy IMAC cho Cơ quan Công an để phục vụ quá trình điều tra.
Tại Cơ quan Công an, anh Lê Thế Hùng đã xác nhận chiếc máy tính để bàn nhãn hiệu IMAC trên chính là tài sản bị mất trộm ngày 25-1-2016 như anh đã trình báo.
Ngay trong ngày 17-2, Phòng PC50 đã phối hợp Công an phường Khương Đình, Đội CSHS Công an quận Thanh Xuân tiến hành kiểm tra hành chính địa chỉ số 16 ngách 55 ngõ 358 Bùi Xương Trạch, nơi anh Phúc tiếp nhận chiếc máy IMAC để cài đặt lại phần mềm. Chủ nhà là ông Nguyễn Văn Tuất cho biết, ông cho Vũ Thị Huế (SN 1973), ĐKHK tại phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa thuê ngôi nhà trên ở cùng con gái.
Đối tượng thu thập và tự chế rất nhiều dụng cụ để mở, phá các loại khóa. |
Tại thời điểm kiểm tra, Cơ quan Công an phát hiện Huế đang “phê” ma túy đá cùng người tình là Lưu Anh Tuấn (SN 1975), ĐKHK tại E3 Trung Liệt, Đống Đa. Cơ quan Công an đã thu giữ tại chỗ 1 bộ dụng cụ sử dụng ma túy đá, 1 gói nilon chứa tinh thể màu trắng được xác định là ma túy đá, 1 xe máy SH BKS 29Y5-191.79, 1 thùng carton bên trong có 1 BKS 29B1-339.71 (là BKS giả), 11 ổ khóa các loại, 1 camera màu bạc, 3 ổ cứng ghi dữ liệu ghi hình camera cùng rất nhiều “đồ nghề” dùng để phá khóa trộm cắp như máy mài, máy cắt, cưa sắt, bình khò gas mini... và hàng chục túi xách, ví, giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe, thẻ sinh viên mang tên nhiều người. Cơ quan Công an đã yêu cầu Huế, Tuấn về trụ sở để làm rõ.
Vũ Thị Huế khai nhận ly hôn chồng từ năm 1998, hiện đang sống cùng con gái SN 1993. Bản thân Huế làm nghề buôn bán quần áo, nghiện ma túy. Năm 2010, Huế từng bị xử 20 tháng tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Khoảng cuối năm 2015, Huế quen Lưu Anh Tuấn tại một cơ sở điều trị cai nghiện bằng Methadone tại quận Hà Đông khi cả hai tới đây điều trị cai hêrôin rồi cặp kè với nhau. Tuấn có 5 tiền án về các tội trộm cắp, cướp tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vợ Tuấn chết đầu năm 2015, hiện Tuấn đang nuôi một con nhỏ 3 tuổi. Khoảng 2 tháng trước, Tuấn mang con đến gửi Huế chăm sóc giúp và thi thoảng đến chơi thăm con.
Trong một lần đến thăm con, Tuấn gửi Huế chiếc xe máy SH màu đỏ cùng 1 thùng carton, nói là dụng cụ để làm ăn. Ngày 17-2, Tuấn mang ma túy “đá” đến và rủ Huế cùng sử dụng thì bị cơ quan công an kiểm tra, bắt giữ. Xác minh thông tin về chiếc xe máy SH màu đỏ BKS 29Y5-191.79 thu giữ tại nơi Huế thuê trọ, Cơ quan Công an xác định đây là tang vật trong vụ mất trộm xảy ra ngày 9-2-2016 trên địa bàn quận Thanh Xuân.
Nhiều giấy tờ tang vật trong các vụ trộm đang được tiếp tục làm rõ. |
Đấu tranh với Lưu Anh Tuấn, đối tượng khai nhận, khoảng 2 giờ ngày 25-1, Tuấn đột nhập cửa hàng điện thoại Lee Shop, bẻ camera cửa hàng rồi trộm cắp tài sản. Tuấn bán điện thoại Iphone6 lấy tiền tiêu xài, còn máy Imac đưa về nhà Huế thuê trọ, sau đó đến ngày 16-2 thuê công ty X cài đặt lại phần mềm.
Về chiếc xe máy SH màu đỏ, ngày 9-2, Tuấn phá khóa cổng trộm cắp của một gia đình trên phố Trần Điền, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Tuấn mang xe về nhà Huế gửi rồi mua một BKS giả với ý định sẽ thay BKS thật để sử dụng nhưng chưa kịp thực hiện thì bị bắt giữ.
Ngoài 2 vụ trộm cắp trên, qua đấu tranh, Tuấn còn khai nhận tháng 12-2015, hắn gây ra 2 vụ trộm xe máy khác gồm 1 xe Airblade tại ngõ 92 Bùi Xương Trạch và 1 xe Wave tại phố Nhân Chính. 2 chiếc xe này đã được Tuấn tiêu thụ ngay sau đó.
Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Thành, Đội phó Đội 3 Phòng PC50 Công an Hà Nội, qua lời khai và bộ đồ nghề gồm các dụng cụ để trộm cắp tài sản thu giữ của Lưu Anh Tuấn cho thấy đây là đối tượng trộm cắp chuyên nghiệp, thuộc hàng “siêu trộm”. Ngoài các loại máy cắt, máy hàn, cờ lê, các loại kìm, đèn pin, cưa sắt... mua sẵn trên thị trường, Tuấn còn tự chế rất nhiều vam phá khóa, chìa khóa “vạn năng” để hành nghề.
Không chỉ trộm đột nhập nhà dân, các cửa hàng, Tuấn còn thực hiện các phi vụ phá khóa trộm cắp xe máy dựng trên vỉa hè và trộm cắp móc túi ở những địa điểm công cộng. Đặc biệt, trong các vụ trộm đột nhập, để tránh sự phát hiện và điều tra của cơ quan công an, Tuấn đều đi tìm bẻ camera và tháo ổ cứng ghi dữ liệu ghi hình. Mỗi vụ trộm cắp thành công, Tuấn còn mang về các loại khóa, từ khóa cửa đến khóa càng, khóa đĩa xe máy... để nghiên cứu cách thức phá khóa. 11 chiếc khóa thu giữ trong bộ “đồ nghề” của Tuấn đều là các loại khóa đắt tiền, là khóa chống trộm, chống cắt, khóa từ... được bán phổ biến trên thị trường và được nhiều gia đình sử dụng.
Theo khai nhận của đối tượng Tuấn, hắn ta mua các loại khóa này về làm dụng cụ nghiên cứu các phương thức để mở, phá khóa nhanh nhất. Ngoài ra, còn một số con chip báo động lắp đặt bảo vệ cho xe máy, ô tô, cửa nhà... cũng được Tuấn “sưu tập” để thực hành trước khi gây án.
Đội 3 Phòng PC50 Công an Hà Nội đã bàn giao đối tượng Lưu Anh Tuấn cùng tang vật cho Công an quận Thanh Xuân để tiếp tục điều tra mở rộng.
Theo Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao, iCloud là dịch vụ điện toán đám mây của Apple dùng để đồng bộ hóa dữ liệu như danh bạ, tin nhắn, email... giữa các thiết bị iOS như iPhone, iPad, iPod touch, MacOS và máy tính cá nhân. Khóa iCloud là một tính năng được giới thiệu lần đầu vào năm 2013 cùng với iOS7. Bản chất của nó là khóa kích hoạt máy, được tích hợp sâu với iCloud cùng tính năng Find My iPhone. Thiết bị đã bị khóa iCloud thì dù khôi phục lại hay reset toàn bộ cũng không thể kích hoạt hay sử dụng được. Cũng đã có một số đối tượng hacker tìm cách phá khóa iCloud, song đòi hỏi thao tác phức tạp, không phải ai cũng áp dụng được. Chính vì vậy, Cảnh sát công nghệ cao khuyến cáo, nếu thiết bị như iPhone, iPpad... bạn định mua bị khóa iCloud thì nhiều khả năng, nó bị lấy trộm hoặc thất lạc khỏi chủ nhân thực sự. Tốt nhất là không nên mua vì sẽ gặp khó khăn khi mở thiết bị, chưa kể còn vướng vào nguy cơ rắc rối pháp lý nếu đó là đồ trộm cắp. Tương tự như vậy, đối với những người làm dịch vụ sửa chữa máy tính, các thiết bị công nghệ cao đã bị khóa mã, cần thận trọng nếu không sẽ trở thành kẻ tiếp tay cho tội phạm. Đối với người dân, ngoài các cách tự bảo vệ tài sản bằng các phương pháp công nghệ cao, khi xảy ra mất trộm, chủ tài sản nên trình báo Cơ quan Công an để phối hợp điều tra, bắt giữ thủ phạm. Bên cạnh đó, nhiều người dùng Việt Nam hiện nay cũng chưa ý thức được việc sử dụng và bảo vệ tài khoản iCloud, dẫn đến việc bị kẻ xấu lợi dụng tìm cách đánh cắp mật khẩu tài khoản, chiếm quyền điều khiển, khóa máy đòi tiền chuộc khổ chủ hoặc khai thác các tài liệu, văn bản, ảnh... lưu giữ trong thiết bị, tiềm ẩn các nguy cơ như trộm cắp tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, sử dụng email của nạn nhân để lừa đảo hoặc tung ảnh “nóng” lên mạng. Do đó, khi sử dụng các thiết bị công nghệ cao, người dùng cũng cần cẩn trọng, tìm hiểu cách sử dụng thiết bị và cách bảo mật. |