Bắt tiếp 13 tên tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo

Thứ Năm, 26/08/2010, 15:45
Trước đây, Chuyên đề ANTG đã có bài viết về một nhóm tội phạm người Đài Loan, Trung Quốc vào Việt Nam, thuê mướn nhà cửa rồi tiến hành lắp đặt các thiết bị công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tính đến ngày 6/7/2010, đã có 116 tên bị Cơ quan An ninh Việt Nam bắt giữ cùng toàn bộ tang vật. Mới đây, ngày 13/8, lại có thêm 13 tên trong nhóm này sa lưới.

Gần 23h ngày 13/8/2010, Công an tỉnh Cần Thơ với sự chi viện của các bộ phận nghiệp vụ thuộc Tổng cục An ninh 1, Bộ Công an, đã tiến hành kiểm tra hành chính căn nhà số C13, khu dân cư Nông thổ sản, phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ.

Trước khi tiến hành kiểm tra, các cơ quan chức năng đã xác minh rất kỹ lưỡng. Nhà số C13  là một căn nhà dạng biệt thự, nằm ở vị trí tương đối biệt lập, do Chen Wei Wen, sinh ngày 22/7/1972, người Đài Loan, thuê mướn.

Trước đó, khi Cơ quan An ninh Việt Nam triệt phá các tụ điểm của nhóm tội phạm sử dụng kỹ thuật cao để lừa đảo, đặt tại quận 7, quận 8, TP HCM, bắt giữ 116 tên thì một số tên còn lại dạt về Cần Thơ. Sau khi thuê nhà, cuối tháng 7, chúng bắt đầu tiến hành lắp đặt máy móc thiết bị và đến đầu tháng 8, tất cả những thiết bị này đều ở trong tình trạng sẵn sàng để sử dụng. Tất cả đồ ăn, thức uống và các vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày, chúng đều đặt từ nơi khác mang đến. Bên cạnh đó, chúng hạn chế ra ngoài, tránh tiếp xúc với hàng xóm láng giềng nên đã tạo ra sự nghi ngờ trong nhân dân. Từ sự nghi ngờ này, người dân chung quanh nhà C13 đã kịp thời trình báo cho cơ quan chức năng.

Tiến hành kiểm tra hành chính, các bộ phận chức năng đã gặp phải sự chống trả quyết liệt của bọn tội phạm. Chúng khóa kín cửa, dùng bình xịt hơi cay phun vào lực lượng kiểm tra đồng thời tẩu tán tang vật bằng cách giấu máy móc  lên trần nhà, xóa dữ liệu trong ổ cứng máy tính, hủy sổ sách, tài liệu trong bồn cầu vệ sinh.

Thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm sử dụng công nghệ cao - cả nhóm đã bị bắt và 13 tên này, có thể tóm gọn trong công thức đứng chân ở lãnh thổ nước này để thực hiện hành vi lừa đảo đối với công dân sống trong lãnh thổ nước khác:

Một là, chúng dùng các dịch vụ web server có chức năng tạo cuộc gọi và tự động gửi tin nhắn thoại đến những đối tượng mà chúng định lừa thông qua đường truyền băng thông rộng của nhà cung cấp dịch vụ ISP ở Hồng Công là Hollywood Plaza.

Hai là, giả lập ra các cơ quan như công an, viện kiểm sát, ngân hàng, bưu điện..., của những thành phố nơi người mà chúng định lừa đang sinh sống.

Ba là, tạo ra một nền âm thanh giả để người bị chúng lừa tin rằng mình đang nói chuyện với cơ quan công an, viện kiểm sát, bưu điện hoặc ngân hàng.

Sau đó, kết thúc của kịch bản là chúng đề nghị họ chuyển tiền vào tài khoản của bọn chúng để đảm bảo không bị mất mát. Với thủ đoạn ấy, đã có hàng nghìn người ở Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Công là nạn nhân, với số tiền thiệt hại lên đến hàng chục triệu USD.

Trong 13 đối tượng vừa bị bắt, có 11 nam, 2 nữ. 5 tên trong số đó đã từng có tiền án lừa đảo án lừa đảo, 1 có lệnh truy nã của Cảnh sát Đài Loan và 1 có lệnh truy nã của Công an Trung Quốc.

Theo lời khai của chúng, nếu những hoạt động lừa đảo tiến hành trót lọt ở địa bàn Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Công, chúng sẽ tiến hành lừa đảo người  dân Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Công đang làm ăn hoặc đi du lịch tại Việt Nam rồi tiếp theo, lừa ngay chính những doanh nhân, những người thuộc tầng lớp trung lưu, giàu có người Việt, sống ở Việt Nam.

Nhà C13, nơi bọn tội phạm thuê mướn để hoạt động.

Vẫn theo lời khai của bọn chúng, hình thức lừa đảo bằng kỹ thuật cao chỉ tốn rất ít chi phí mua sắm máy móc thiết bị, nhưng lợi nhuận thu được sẽ là những khoản tiền khổng lồ.

Đây là lần đầu tiên loại hình tội phạm này xuất hiện tại Việt Nam, và cũng là lần đầu tiên Cơ quan An ninh Việt Nam triệt phá, bắt giữ số đối tượng mà tổng cộng là 132 tên, góp phần tạo ra môi trường lành mạnh, trong sạch và an toàn cho các nhà đầu tư, du khách, không để cho chúng biến Việt Nam thành nơi hoạt động cho tội phạm quốc tế.

Cũng không thể không nhắc đến sự hợp tác tích cực của các cơ quan công an, cảnh sát Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về nhân thân, tiền án tiền sự, quy luật hoạt động của bọn tội phạm với Cơ quan An ninh Việt Nam.

Từ kết quả này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thường trực Ban Bí thư  - đồng chí Trương Tấn Sang đã có thư khen ngợi chiến công xuất sắc của Bộ Công an. Bên cạnh đó, một số  công ty, xí nghiệp, doanh nhân nước ngoài đang đầu tư làm ăn tại TP HCM cũng đã gửi tặng cán bộ, chiến sĩ  trực tiếp tham gia việc bóc gỡ, triệt hạ nhóm tội phạm vừa nói, nhiều phẩm vật.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh, Tổng cục phó Tổng cục An ninh 1 - Bộ Công an thì sắp tới đây, tất cả những món quà tặng này sẽ được Lực lượng Công an chuyển đến những gia đình còn gặp nhiều khó khăn ở những vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ.

Qua vụ triệt phá thêm 1 tụ điểm của bọn tội phạm sử dụng công nghệ cao tại Cần Thơ, có thể thấy rằng bọn tội phạm mặc dù đã bị phát hiện, bắt giữ nhưng  chúng vẫn tìm mọi cách để tiếp tục hoạt động với nhiều thủ đoạn thâm hiểm  hơn, manh động hơn. Nhưng với tinh thần chủ động tiến công của Lực lượng Công an, cộng với sự đề cao cảnh giác của quần chúng nhân dân, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành có liên quan, thì bọn tội phạm dù có tinh vi đến đâu, vẫn chẳng thể nào thoát khỏi lưới pháp luật

Vũ Cao
.
.