Bên trong khu chợ thịt thú rừng bất hợp pháp lớn nhất châu Phi

Thứ Năm, 16/06/2016, 07:45
Trong một thùng nhựa màu xanh là cái đầu của con linh dương gazelle với đôi mắt còn mở trao tráo trong khi một phụ nữ đang chặt nhỏ thân mình của con vật để bày bán. Người Angola ăn thịt thú rừng hằng ngày và nước này là nơi tồn tại khu chợ thịt thú rừng Benfica lớn nhất châu Phi.

Hiện nay chính quyền Angola đang bắt đầu những nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán bất hợp pháp mặt hàng thực phẩm này đồng thời các nhà khoa học cũng đang theo dõi điều tra thị trường thịt thú rừng ở Angola.

Steve Boyes, nhà khoa học phụ trách Dự án Hoang dã Okavango (OWP) và lãnh đạo nhóm thám hiểm Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ (NGS) đặt trụ sở tại Washington, tiết lộ ông chỉ cần bỏ ra 6 USD để mua một con khỉ nhưng phải nộp phạt đến 60 USD khi chặt một đầu rắn.

Thói quen tiêu thụ thịt thú rừng ở Angola bắt nguồn từ những năm tháng đau khổ và đói kém do cuộc nội chiến kéo dài gần 25 năm giết chết khoảng 500.000 người và khiến cho 4 triệu người phải rời bỏ nhà cửa - tức một phần ba dân số Angola. Cuộc nội chiến đã tạo ra cuộc  khủng hoảng nhân đạo lớn ở châu Phi. Do đó, thói quen ăn thịt thú rừng của người châu Phi không dễ triệt bỏ.

Khu chợ thịt thú rừng Benfica ở Angola.

Trong suốt cuộc nội chiến kéo dài, các cộng đồng Angola không có sự lựa chọn nào ngoài việc ăn thịt thú rừng để sống và cũng từ đó mà một khu chợ lớn cung cấp loại thực phẩm này hình thành ở thủ đô Luanda của Angola để phục vụ nhu cầu người dân, thậm chí, người Angola còn ăn cả thịt voi.

Hiện nay, Angola đã trở thành trung tâm buôn lậu thịt thú rừng, với lợi nhuận hàng tỷ USD. Các băng nhóm buôn lậu hoạt động rầm rộ đến mức Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Interpol cảnh báo tầm vóc của nó vượt qua cả buôn lậu vũ khí. Do luật pháp Angola lỏng lẻo cho nên không dễ chấm dứt ngành kinh doanh béo bở này.

Mới đây nhất, Báo cáo về tội phạm môi trường - sáng kiến phối hợp giữa Chương trình môi trường LHQ (UNEP) và Interpol - cũng phát đi cảnh báo nghiêm trọng. Sự thất bại trong nỗ lực chống tội phạm đời sống hoang dã hiện nay có nghĩa là những mục tiêu bền vững có lẽ không đạt đến được. Đó là lý do buộc chính quyền Angola phải cố gắng hết sức để chống lại bọn săn bắt trộm động vật hoang dã, tuyển mộ thêm hàng trăm cựu binh sĩ để tái huấn luyện thành lực lượng gọi là “đặc nhiệm bảo vệ đời sống hoang dã” đồng thời mở rộng những chiến lược quảng bá bảo tồn môi trường tự nhiên.

Lực lượng Đặc nhiệm bảo vệ đời sống hoang dã Angola.

Abias Huongo, Giám đốc Viện Đa dạng sinh học và các khu vực bảo tồn quốc gia Angola (INBAC), nhận định: “Chúng ta có động cơ lớn để quản lý các khu bảo tồn, đồng thời tạo ra thêm những khu bảo tồn khác vì lợi ích của nhân dân chúng ta. Vì sự sống còn của chúng ta, các loài khác cần được sống còn”.

Theo đánh giá của LHQ, tội phạm môi trường tăng 26% trong 2 năm và hiện nay trụ giá ở mức 258 tỷ USD - chỉ đứng sau buôn lậu ma túy, hàng hóa và con người. Angola cũng là thị trường ngà voi lớn nhất châu Phi và là nơi buôn lậu mặt hàng quý này qua biên giới vào Cộng hòa Congo. Theo luật pháp Angola, tội phạm buôn lậu ngà voi phải chịu mức án 3 năm tù giam và tiền phạt nặng.

Mới đây, chính quyền Angola đe dọa đóng cửa khu chợ thịt thú rừng Benfica ở thủ đô Luanda trước cảnh báo từ Báo cáo tội phạm môi trường và Ngày Môi trường LHQ. Song đó là nhiệm vụ khó khăn cho chính quyền Angola. Dưới sức ép từ quốc tế, chính quyền Angola tiến hành những chiến dịch giáo dục và cung cấp việc làm cho những đối tượng từ bỏ hoạt động săn bắt trộm.

Ngà voi bị bắt giữ ở Angola.

Bộ phận phụ trách OWP đề nghị xây dựng một khu bảo tồn có diện tích 178.000 km2 để bảo vệ voi cũng như những loài hoang dã khác trước bọn tội phạm săn bắt trộm. Khu bảo tồn cũng hứa hẹn tạo ra những việc làm mới trong lĩnh vực du lịch sinh thái. Đây được coi là viễn cảnh đầy hấp dẫn cho Angola - đất nước đang cố gắng thoát khỏi lệ thuộc vào khai thác dầu mỏ.

Tuy nhiên, mọi dự án đều buộc số tiền tài trợ phải tăng lên “800 USD cho mỗi km2 khu đất bảo tồn một năm” - theo Paul Funston, Giám đốc Chương trình bảo vệ sư tử và báo cheetah của Tổ chức Cảo tồn đời sống hoang dã Panthera.

Di An (tổng hợp)
.
.