Bí ẩn vụ án “Quý cô cồn cát”

Chủ Nhật, 21/03/2021, 13:27
Vụ án mạng xảy ra trên bãi biển Race Point Dunes, bang Massachusetts của nước Mỹ, mùa Hè năm 1974 cho đến nay vẫn là một câu hỏi không có lời giải. Người ta vẫn chưa thể biết “Quý cô cồn cát" (Lady of the Dunes) là ai và cái chết của cô có uẩn khúc gì. Rất nhiều giả thuyết đã được nhắc đến và cũng không ít câu chuyện được lan truyền. Tuy nhiên, dư luận có lẽ vẫn chờ một đáp án thuyết phục nhất.


Thi thể bí ẩn

Ngày 26-6-1974, khi đang dạo chơi trên cồn cát tại bãi biển Race Point Dunes cùng chú chó, cô bé 12 tuổi Leslie Metcalfe đã bắt gặp một cảnh tượng kinh hoàng: một xác chết khỏa thân ngay trên cồn cát. Cô bé nhanh chóng báo Cảnh sát và lực lượng chức năng sớm có mặt tại hiện trường để tiến hành khám nghiệm, với kết luận rằng nạn nhân là nữ giới, chết trong tình trạng khỏa thân và đã bị tấn công tình dục trước khi bị sát hại.

Trong quá trình điều tra, Cảnh sát cho biết hung thủ đã dàn dựng hiện trường vụ án nhằm che giấu danh tính của nạn nhân. Phần đầu bên trái của thi thể bị tổn thương nghiêm trọng và được các bác sỹ pháp y cho là vết thương khiến nạn nhân tử vong.

Nạn nhân có cơ thể khá săn chắc và khỏe mạnh, tuy nhiên, phần tay bị mất khiến Cảnh sát không thể kiểm tra dấu vân tay. Phần cổ có vết thương lớn trong khi răng bị nhổ hoàn toàn. Cuộc điều tra đặc biệt khó khăn với sự dàn dựng tinh vi của hung thủ.

Tại hiện trường không có hung khí hay bằng chứng nào chứng tỏ có sự giằng co giữa hung thủ và nạn nhân. Khám nghiệm pháp y cũng không tìm thấy nồng độ cồn trong thi thể hay bất kỳ chất nào khả nghi.

Gương mặt được phục dựng bằng kỹ thuật của “quý cô cồn cát”.

“Quý cô cồn cát” được đặt nằm ngay ngắn trên chiếc khăn tắm trải trên bãi cát, với phần đầu gối lên quần jeans cùng một chiếc khăn màu xanh xếp gọn gàng. Các nhà điều tra không loại trừ giả thuyết hung thủ là người quen và đã tấn công nạn nhân trong lúc ngủ. Một giả thuyết khác là nạn nhân đã bị sát hại ở nơi khác và được mang tới đây.

Từng là một bãi biển đẹp, thơ mộng và yên bình, là điểm đến thu hút nhiều khách du lịch, vụ án tại Race Point Dunes nhanh chóng xáo trộn cuộc sống của người dân địa phương và thu hút báo giới. Một cuộc truy tìm quy mô lớn đã diễn ra để tìm kiếm danh tính của xác chết.

Trong nhiều tuần và tháng sau vụ khám phá kinh hoàng, 30 thám tử và Cảnh sát đã rà soát khu vực xung quanh hiện trường vụ giết người mà không tìm thấy bất kỳ manh mối nào. Dựa vào lời khai của những người đang tìm người thân mất tích và những người có thể là nhân chứng, Cảnh sát chỉ có thể đưa ra một mô tả mơ hồ.

Các nhà điều tra ước tính nạn nhân là phụ nữ, khoảng 25 đến 35 tuổi, đã chết ít nhất 10 ngày hoặc lâu nhất là 3 tuần trước đó. Người phụ nữ bí ẩn cao khoảng 1m70, nặng chừng 65kg, có mái tóc vàng đỏ buộc đuôi ngựa và móng chân sơn màu hồng. Bên cạnh những đặc điểm cơ bản về thể chất, không có gì khác để giúp các nhà điều tra tìm thêm manh mối.

Các nhà điều tra đã kiểm tra nhận dạng của nạn nhân với thông tin về hàng ngàn người mất tích trên cả nước song không thu về kết quả gì. Họ đã tìm thấy chủ nhân của mọi chiếc xe đạp và phương tiện bị bỏ hoang trong khu vực, cũng như mọi phương tiện đi qua khu vực cồn cát trong vài tuần trước khi thi thể được tìm thấy, nhưng mọi chuyện vẫn bế tắc.

Ngày 19-10-1974, nạn nhân chưa xác định danh tính này đã được chôn cất tại Nghĩa trang Thánh Peter ở Provincetown với tấm bia khắc dòng chữ: “Người không xác định danh tính trên cồn cát ngày 26 tháng 7 năm 1974”.

Trong nhiều tháng và nhiều năm tiếp theo, Cảnh sát đã tìm ra một số nghi phạm, song không ai trong số họ bị buộc tội hoặc có thể dẫn đến các cuộc điều tra sâu hơn. Cảnh sát đặc biệt bối rối khi không có gia đình hoặc bạn bè nào đến tìm nạn nhân.

Hình ảnh phục dựng gương mặt của “Quý cô cồn cát”.

"Quý cô cồn cát" là ai?

Điều đáng buồn là sau lần khai quật thi thể đầu tiên vào năm 1980 mà giới chức không thể thu về thêm manh mối nào, người ta đành đưa vụ án “Quý cô cồn cát” vào danh sách những vụ án giết người máu lạnh đầy bí ẩn.

Giữa những năm 1980, Cảnh sát đưa ra giả thuyết cho rằng thi thể trên cồn cát Race Point Dunes có thể là Rory Gene Kesinger, một nữ tù nhân từng có tiền án trộm cướp và buôn ma túy. Rory Gene Kesinger có diện mạo, chiều cao và độ tuổi khá khớp với nạn nhân. Rory ra tù năm 1973 và biến mất ở Boston vào năm 1974. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra DNA của Rory và "Quý cô cồn cát" không trùng khớp.

Một phụ nữ đến từ Maryland từng liên lạc với Cảnh sát địa phương vì nghi ngờ nạn nhân là chị gái của mình, người mới chuyển đến Boston và biến mất không lâu sau đó. Song Cảnh sát không tìm thấy những mối liên kết cần thiết chứng minh nghi vấn này.

Hình ảnh diễn viên quần chúng trong bộ phim “Hàm Cá mập” gây xôn xao dư luận một thời.

Francis Ewalt và Vicke Lamberton, hai phụ nữ mất tích vào khoảng tháng 6-1974 ở Massachusetts cũng được loại trừ. Nhiều nữ giới mất tích gần thời điểm xảy ra vụ án đều được Cảnh sát bác bỏ. Khi việc truy tìm danh tính nạn nhân rơi vào bế tắc, Cảnh sát đã chuyển hướng sang việc tìm kiếm hung thủ để giải bài toán khó này.

Đầu thập niên 1980, giới chức đặt nghi vấn về Whitey Bulger khi nhân vật này từng được cho là đi cùng với một phụ nữ có ngoại hình giống "Quý cô cồn cát" vào thời điểm án mạng xảy ra. Bulger cũng nổi danh là tên tội phạm có thói quen nhổ răng nạn nhân sau khi sát hại. Tuy nhiên, do thiếu chứng cứ chứng minh Bulger có liên quan, Cảnh sát đành bỏ cuộc.

Có thông tin cũng nhắc đến một kẻ giết người khác là Tony Costa, song Costa đã chết vào giữa tháng 5-1974, một tháng trước khi xảy ra vụ án.

Năm 2000, tên sát nhân Hadden Clark thú nhận rằng hắn đã giết "Quý cô cồn cát". Hắn gửi hai bức vẽ, một bức vẽ người phụ nữ không mặc y phục và trong tư thế nằm, cùng một bức tranh khác phác họa sơ đồ nơi tìm ra thi thể nạn nhân. Clark tuyên bố đã giết rất nhiều người và chôn xác họ ở sân vườn nhà ông bà.

Cảnh sát sau đó đã khám xét những nơi mà Clark nhắc đến nhưng không tìm thấy bất cứ xác chết nào mà chỉ tìm thấy đồ trang sức thuộc về các nạn nhân mà hắn từng giết hại. Cảnh sát sau đó xác nhận Hadden Clark bị bệnh hoang tưởng và không có bằng chứng nào cho thấy hắn là hung thủ.

Mọi việc đi vào ngõ cụt và người ta đã dần quên mất “Quý cô cồn cát”.

Ngôi mộ của “Quý cô cồn cát”.

Lật lại vụ án

Tháng 8-2015, con trai của tiểu thuyết gia kinh dị nổi tiếng Stephen King là Joe Hill đã khơi dậy câu chuyện về “Quý cô cồn cát” khi suy đoán rằng nạn nhân này là một diễn viên phụ từng xuất hiện trong tác phẩm “Hàm Cá mập” sản xuất năm 1975.

Theo Joe Hill, trong đoạn phim ở phút 54:02 một người phụ nữ mặc quần jean, áo phông trắng và đội khăn rằn màu xanh đã xuất hiện ở khung hình với ngoại hình tương đồng với hình ảnh phục dựng của cảnh sát về “Quý cô cồn cát”. Giả thuyết này đã nhận sự đồng tình của nhiều người. Những người ủng hộ cho rằng trường quay phim gần vườn nho Martha, cách nơi tìm thấy thi thể không xa và thời gian quay phim cũng gần với thời điểm xảy ra vụ án.

Joe Hill viết trên blog cá nhân rằng hồn ma của “Quý cô cồn cát” đã ám ảnh đoàn làm phim Hàm Cá mập và rất nhiều khán giả đã tò mò tìm hiểu về diễn viên quần chúng này. Tuy nhiên, không ai tìm thấy dấu vết gì khả nghi. Người phụ trách tuyển chọn diễn viên đã qua đời vào năm 2009, trong khi không có hồ sơ lưu giữ thông tin những ai đã tham gia các vai diễn quần chúng.

Trung sĩ đã nghỉ hưu Warren Tobias, người đã theo đuổi danh tính của “Quý cô cồn cát” suốt 20 năm, tỏ ra nghi ngờ về giả thuyết của đoàn làm phim và cho rằng “hàng nghìn phụ nữ đã ăn mặc như vậy trong những năm 1970”. Theo cảnh sát, lập luận của Joe Hill là không có căn cứ và xa rời thực tế, thậm chí có thể một chiêu trò để thu hút công chúng quan tâm đến bộ phim hơn.

Thi thể nạn nhân đã được khai quật nhiều lần để nghiên cứu, xác định danh tính nhưng không thu được kết quả. Các nhà điều tra pháp y sử dụng công cụ công nghệ cao để phân tích các vụ án giết người nghiêm trọng và hy vọng sẽ giải quyết được những bí ẩn cũng như danh tính của “Quý cô cồn cát” theo cách này.

Khuôn mặt của “Quý cô cồn cát” đã được tái tạo nhiều lần. Bản tái tạo đầu tiên là một mô hình đất sét trong khi các bản phác thảo khác về khuôn mặt của người phụ nữ bí ẩn được thực hiện trong những năm sau đó khi công nghệ tiên tiến hơn. Năm 2006, các bức vẽ phục dựng tương ứng với tuổi tác của người phụ nữ đã được thực hiện.

Năm ngoái, cảnh sát đã làm việc với các nhà phân tích pháp y từ Trung tâm Quốc gia về Trẻ em và người mất tích, cũng như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Smithsonian để xem xét trường hợp của “Quý cô cồn cát”. Các nhà điều tra đã dùng máy chụp cắt lớp để xây dựng hình ảnh gần nhất với khuôn mặt nạn nhân. Trước đó, giới chức cho biết sẽ lật lại vụ án bằng cách sử dụng các kỹ thuật mới kết hợp phân tích DNA cùng các cây phả hệ. Phương pháp này đã rất thông dụng trong việc xác định danh tính một kẻ giết người khét tiếng ở California sau nhiều thập kỷ phạm tội.

Công nghệ mới có thể mang lại câu trả lời. Nhưng đến nay, đã gần 50 năm trôi qua và thân thế thật sự của “Quý cô cồn cát” vẫn là một bí ẩn và là một câu chuyện buồn. Thời gian trôi qua khiến lời giải cho vụ án có lẽ ngày càng khó khăn hơn và hy vọng tìm ra danh tính thực sự của nạn nhân xấu số ngày càng mờ nhạt.

Tuy nhiên, vụ án vẫn chưa khép lại và Sở Cảnh sát Provincetown vẫn tiếp nhận mọi thông tin liên quan có thể dẫn tới manh mối cho vụ án và khẳng định mọi cái tên khả nghi đều sẽ bị điều tra.

Thái Hân (Tổng hợp)
.
.