Bi kịch của tên trộm “người mèo”

Thứ Tư, 06/05/2015, 08:35
Từng có thời gian vào chùa tu tâm dưỡng tính, sám hối theo giáo lý nhà Phật, nhưng khi quay trở lại cuộc sống ngoài đời, Nguyễn Văn Luân vẫn chưa thoát khỏi những cám dỗ “tham, sân, si”. Những dự định tốt đẹp tan vỡ khi Luân trót sa vào vòng xoáy của cờ bạc và trở thành tên trộm “người mèo” chuyên leo ban công đột nhập nhà dân…

Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy, TP Hà Nội cho biết vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Luân (SN 1989) ở Gia Lương, Gia Lộc, Hải Dương về hành vi trộm cắp tài sản. Luân được mệnh danh là "người mèo" khi gây ra một loạt vụ trộm đột nhập nhà dân bằng thủ đoạn leo trèo ban công trong bóng đêm không gây ra một tiếng động…

Vụ đột nhập cuối cùng trước khi "người mèo" bị bắt vào tối 9/4 vừa qua. Khoảng 22 giờ, Nguyễn Văn Luân đi bộ từ Khương Đình (Thanh Xuân) đến khu Trung Hòa (Cầu Giấy). Lang thang đến 3 giờ sáng, là khoảng thời gian chủ nhà say giấc nhất, phát hiện cửa sổ nhà số 53 Trung Kính không có song sắt, "người mèo" nhẹ nhàng leo lên ban công tầng trên, trèo qua cửa sổ vào nhà rồi xuống tầng một lấy điều khiển mở cửa cuốn.

Lục lọi tầng một được 10 triệu đồng, Luân tiếp tục lên tầng hai, lục soát thêm được 2 triệu đồng. Tên trộm cẩn thận mang xuống tầng một, lọc toàn bộ số tiền trộm được thành từng loại mệnh giá. Tiền lẻ anh ta để trong balô có sẵn, còn 10 triệu đồng tiền mệnh giá lớn được Luân cất vào túi quần cho chắc ăn. Nghe ngóng không thấy chủ nhà có dấu hiệu thức giấc, Luân tiếp tục lên tầng ba khua khoắng.

Nguyễn Văn Luân tại cơ quan Công an.

Thấy trong phòng có 2 người đàn ông đang ngủ say, bên cạnh có đồng hồ đeo tay, 2 chiếc laptop, trong đó có 1 chiếc đang sạc pin trên ghế, Luân lấy 1 chiếc máy tính và đồng hồ để trên sàn nhà. Qua tầng hai, anh ta vào nhà kho lấy thêm được một chiếc máy ảnh. Mang tất số tài sản trên xuống tầng một xếp vào balô, tiếc rẻ chiếc laptop đang sạc pin, Luân lại quay lên tầng ba nơi 2 người đàn ông đang ngủ. Nhưng khi Luân vừa rút dây sạc máy tính, tiếng kêu "tút tút" báo hiệu khi sạc chưa đầy pin khiến 2 người đàn ông tỉnh giấc. Tên trộm vội vàng bỏ chạy xuống tầng một, không kịp mang theo số tài sản đã cho vào balô.

Trái với sự tinh ranh của những tên trộm đột nhập, Nguyễn Văn Luân tỏ ra khá thật thà, thành khẩn. Anh ta nói rằng trước đây từng có thời gian ở trong chùa nên anh ta hiểu, bất cứ việc làm gì của mình ngày hôm nay sẽ là "hoa báo, quả báo" của ngày mai. Việc anh ta bị bắt mới chỉ là "hoa báo", còn "quả báo" mới khủng khiếp và chắc chắn anh ta cũng không thể thoát. Ít nhất thì cũng đã nhìn thấy sự quả báo khi chính những người thân của anh ta đang phải gánh chịu sự đau khổ bởi  hành vi trộm cắp do Luân gây ra.

Nguồn cơn trở thành tên trộm "người mèo", được Nguyễn Văn Luân lý giải bằng một câu chuyện dài. Giữa năm 2014, Luân được gia đình chạy vạy cho đi lao động 6 tháng tại Nhật Bản theo chương trình tu nghiệp sinh. Công việc chính là làm nông dân tại một trang trại vùng miền núi heo hút. Tuy thu nhập cao hơn gấp nhiều lần ở Việt Nam nhưng công việc khá vất vả, phải thức khuya dậy sớm, kỷ luật giờ giấc chặt chẽ. Ý thức được món nợ gia đình vay mượn lo cho anh ta đi nên Luân làm việc khá chăm chỉ. Sau 6 tháng làm việc, ngoài tiền trả nợ, Luân tích lũy được một khoản khoảng 70 triệu đồng.

Luân kể ngày về nước, anh ta không dám mua gì cho bản thân, dù là nhỏ nhất. Nhưng Luân dám bỏ ra gần chục triệu đồng trong tiền mồ hôi nước mắt của mình để mua cho cô em gái cùng cha khác mẹ một chiếc iPad và tặng bố một bộ dụng cụ cạo râu xịn.

Nhắc đến người cha, hình như Luân rơm rớm nước mắt. Anh ta nói rằng mặc dù không được ở cùng bố, nhưng Luân rất thương bố bởi ông ấy bị bệnh thần kinh, ngoài những lúc tỉnh táo đi làm phụ vữa thì hầu như không biết gì. Mà đã là người không biết gì thì cũng không nên trách cứ. Cha như vậy nên mặc dù mối quan hệ với người mẹ kế cũng không tốt đẹp, nhưng Luân nói anh ta rất biết ơn người phụ nữ đã có công chăm sóc cho cha mình. Chiếc iPad mà anh ta mua cho cô em gái cũng đủ thấy tình cảm của Luân đối với mối quan hệ mà người ta vẫn nói cửa miệng rằng "mấy đời bánh đúc có xương…".

Vượt qua được những điều tiếng thế gian ấy, theo Luân là bởi thời gian hơn một năm ở trong chùa tu tâm, đã giúp anh ta ngộ ra nhiều điều. Mấy năm trước, Luân theo mọi người đi làm công quả cho một ngôi chùa đang xây dựng ở Quảng Ninh. Anh ta kể rằng ngẫm cuộc đời mình chỉ là bể khổ. Chưa đầy 2 tuổi thì mẹ mất. Bố đi lấy vợ khác. Luân ở với bà nội và sự đùm bọc của họ hàng.

Cuộc sống thiếu thốn tình cảm khiến Luân nhiều lúc rơi vào trạng thái trầm cảm. Thế nên khi bước chân vào cửa chùa, anh ta có cảm giác như được giải thoát khỏi cuộc sống trần tục, khổ ải. Hàng ngày được sư trụ trì dạy bảo, giáo lý, Luân có ý định sẽ theo con đường tu hành. Nhưng dường như không có duyên với nhà Phật, trong thời gian Luân tập tu thì ở nhà có chuyện. Giữa bà nội và bố của Luân xảy ra mâu thuẫn. Luân nói không biết nguyên nhân gì nhưng tự nhiên bố Luân đổi tính đổi nết, hay cáu bẳn, chửi bới khiến bà nội phiền lòng, nhờ người gọi Luân về. Khi Luân về, người cha dịu tính dần. Luân bảo vì gia đình nên anh ta không trở lại chùa nữa.

Bi kịch của tên trộm "người mèo" Nguyễn Văn Luân bắt đầu từ khi anh ta về nước. Với 70 triệu tích cóp được, Luân biếu bà nội, biếu bố đẻ một chút để thể hiện tấm lòng hiếu thảo. Số tiền còn lại, anh ta dự định làm vốn kinh doanh. Thế nhưng, mơ ước tốt đẹp ấy đã bị chính Luân chôn vùi vào cờ bạc. Khi tỉnh ra, biết mình rơi vào bẫy của bọn cờ bạc bịp thì đã quá muộn.

Mấy chục triệu vốn liếng đi tong. Tay trắng đã đành, Luân rơi vào vòng luẩn quẩn của tín dụng đen liên kết với nhóm cờ bạc. Những người bạn tỏ ra tốt bụng, cho Luân vay tiền chơi cờ bạc, giờ lộ nguyên hình là những kẻ cho vay lãi cắt cổ. Món nợ mấy chục triệu với lãi suất 10.000 đồng/1 triệu/ 1 ngày khiến anh ta trở nên bấn loạn. Không xoay được tiền trả sớm đồng nghĩa với số tiền vay sẽ ngày càng lớn. Mà đã vay tiền của tín dụng đen thì khắc nghiệt lắm. Lúc trước còn là bạn nhưng giờ chỉ còn quan hệ giữa con nợ và chủ nợ. Mà nhà thì nghèo, đến cái xe máy còn không có mà đi thì lấy đâu ra tiền để trả nợ.

Nguyễn Văn Luân trình bày rằng, anh ta cũng muốn đi làm để có tiền trả nợ. Nhưng làm gì bây giờ. Làm công nhân trong các khu công nghiệp thì lương chỉ vài triệu một tháng, nuôi thân còn trầy trật. Quê cũng không có nghề nào khác ngoài làm ruộng. Quẫn bách, bị thúc ép bởi món nợ không thể không trả, Luân nghĩ đến việc ra thành phố.

Thời gian sau khi học hết cấp 3, anh ta từng theo các nhóm thợ xây ở làng đi làm các công trình xây dựng ngoài Hà Nội nên Luân khá thạo đường, Leo trèo đối với anh ta quá đơn giản, bởi theo lý giải của Luân thì công việc xây dựng buộc anh ta phải leo giàn giáo hàng ngày. Leo lên ban công thì có gì là khó. Vậy là hàng ngày, anh ta đi xe buýt từ quê ra Hà Nội, lang thang trong các khu dân cư tìm những nhà có sơ hở dễ đột nhập từ ban công. Khi màn đêm buông xuống, "người mèo" nhẹ nhàng leo lên ban công, đột nhập qua cửa sổ không có chấn song hoặc cửa ra vào. Không ít chủ nhà chủ quan, có thói quen mở cửa sổ, cửa thông ban công cho thoáng mát khi đi ngủ.

Việc đầu tiên của Luân sau khi đột nhập là xuống tầng một tìm chìa khóa mở sẵn cửa ra vào, đề phòng bị gia chủ phát hiện sẽ có đường thoát thân an toàn nhất. Sau đó là lục soát, lấy tiền và các vật dụng gọn nhẹ, có giá trị như máy tính xách tay, máy ảnh, điện thoại… Sau khi gây án, Luân mang đồ trộm cắp được về quê tiêu thụ và ở vài hôm, nghe ngóng động tĩnh, rồi mới lên Hà Nội gây án tiếp.

Lần theo dấu vết của tên trộm "người mèo", ngày 22/4, Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Cầu Giấy đã bắt giữ được Nguyễn Văn Luân khi đang lẩn trốn tại quê. Khi bị bắt, Luân chẳng có gì ngoài một bộ quần áo. Những ngày đầu chưa có người thăm nuôi, anh em trong tổ án chưa rõ thủ phạm - Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Cầu Giấy góp mấy bộ quần áo của mình cho Luân sử dụng. Xúc động bởi sự đối xử chân tình của cán bộ nên Luân khai báo rất thành khẩn.

Anh ta khai nhận trong thời gian cuối tháng 3, đầu tháng 4/2014, Luân đã gây ra 5 vụ trộm đột nhập nhà dân bằng thủ đoạn leo ban công, tại địa bàn các quận Thanh Xuân, Đống Đa, Cầu Giấy, lấy trộm tiền và tài sản trị giá khoảng 30 triệu đồng. Luân nhớ chính xác từng địa điểm gây án. Khi dẫn Luân tới nơi gây án, nhiều gia đình ngỡ ngàng vì sau khi bị mất trộm, họ không trình báo Cơ quan Công an.

Nguyễn Văn Luân thú nhận, những ngày bị bắt trong nhà tạm giam Công an quận Cầu Giấy, anh ta sám hối nhiều lắm. Số tiền trộm cắp được vừa đủ để anh ta trả hết nợ. Nhưng đêm đêm, anh ta không ngủ được khi nghĩ đến sự quả báo sớm muộn sẽ xảy ra. Anh ta tự an ủi rằng, sau này có điều kiện sẽ làm nhiều việc thiện, cho đi để bù lại cái mà anh ta đã lấy của người khác. Như thế mới bớt được nghiệp chướng. Nhưng giờ thì anh ta thấy suy nghĩ đó hoàn toàn sai lầm.

Cứ tưởng như thế sẽ bớt được nghiệp chướng nhưng lại mang thêm nghiệp vào thân. Chịu tội trước pháp luật đã đành, điều mà anh ta ân hận nhất là đã gây ra nỗi đau cho người thân. Bà nội năm nay đã 83 tuổi. Luân hẳn là chỗ dựa duy nhất của bà lúc xế bóng. "Sang tuần gia đình sẽ tổ chức ăn hỏi cho em gái. Em không về được rồi", tên trộm thở dài, đôi mắt đỏ hoe. Phải chi hắn ngộ ra sự quả báo này sớm hơn?!

H.Vũ
.
.