7 người Việt tử nạn vì xuất khẩu lao động “chui” ở Trung Quốc:

Bi kịch giấc mơ xuất ngoại, đổi đời

Thứ Năm, 13/07/2017, 08:47
Họ, đều là những lao động chính, xuất thân từ các gia đình nghèo ở các vùng thôn quê, quanh năm quanh quẩn với đồng chiều cuống rạ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Nghe lời dụ dỗ ngọt ngon ra nước ngoài làm ăn, công việc nhàn nhã, thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng trong khi chi phí bỏ ra lại rất ít so với con đường xuất ngoại “chính hãng”, nhiều người đã chấp nhận đánh cược với số phận, vượt biên chui lủi chỉ mong sớm thoát nghèo.


Và rồi trong những chuyến đi lành ít dữ nhiều ấy, nhiều người đã vĩnh viễn không thể trở về...

Nỗi đau giấc mơ đổi đời thành đổi mạng sống

Những ngày vừa qua, tại các tỉnh miền Trung, từ Nghệ An đến Quảng Bình, dư luận đặc biệt quan tâm đến câu chuyện của những lao động chẳng may bị lật thuyền, bỏ mạng ngoài khơi xa, khi mang theo giấc mơ xuất ngoại để làm giàu, những mong đổi thay số phận.

Quê nghèo ngập chìm trong tang thương, những gia đình may mắn được đón hài cốt của con em mình trở về cũng như những bàn thờ “mộ gió”, được lập lên để bà con chòm xóm đến thắp hương, chứ người thân cũng không biết chắc có may mắn đón được thi thể con trở về nữa hay không. Đâu đâu, cũng nhuốm màu tang thương, đau đớn đến cùng cực khi mới ngày hôm kia, những người cha - người mẹ, những người vợ - người con còn lưu luyến, bịn rịn tiễn con - chồng - cha đi làm ăn ở xứ người, mang theo bao ước mơ về đổi thay kiếp nghèo đeo đẳng. Thì nay, đang đợi chờ trong vô vọng và mong manh, hoặc chỉ là thông tin nhầm lẫn, hoặc ước được đưa thi thể trở về nơi chôn nhau cắt rốn để yên nghỉ, sau tai nạn ở trùng khơi xứ người.

Phòng PA92 Công an Nghệ An trao trả ngoại tệ cho nạn nhân trong một vụ lừa XKLĐ “chui”.

Ngày 7-7, chúng tôi tìm đến nhà chị Trần Thị Trâm (trú tại xóm 10, xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, Nghệ An), là thân nhân của nạn nhân Lưu Xuân Hoàng (SN 1991), một trong số các lao động thiệt mạng trong chuyến tàu định mệnh ngày 31-3-2017 khi đang di chuyển trên vùng biển Trung Quốc. Bàn thờ của Hoàng đã được gia đình lập ngay sau khi đón nhận hung tin, nhưng thi thể vẫn đang nằm bên nước bạn.

Chị Trâm cho biết, chồng chị là anh Lưu Văn Báu đã sang Trung Quốc để làm xét nghiệm ADN nhận diện thi thể con trai. Trong nỗi đau khôn xiết, người mẹ đau đớn kể: Hoàng là con lớn trong gia đình, tháng 6-2016, sau khi tốt nghiệp cấp 3, cháu XKLĐ sang Đài Loan nhưng do công việc khó khăn nên được một thời gian ngắn thì bỏ về quê. Thời gian gần đây, Hoàng có úp mở với bố mẹ về việc sẽ tìm kiếm cơ hội xuất ngoại lần nữa, song không nói cụ thể là lúc nào sẽ đi.

“Trung tuần tháng 3-2017, cháu đi khỏi nhà, mấy hôm sau gọi điện về báo đang chuẩn bị lên tàu sang Đài Loan, sau đó thì không liên lạc được nữa. Đến cuối tháng 5-2017, một người cháu đang làm việc tại Đài Bắc gọi điện về cho biết, nghi Hoàng bị nạn trên biển cùng một số người khác. Vay mượn anh em bạn bè được 200 triệu làm lộ phí, chồng tôi đang sang Trung Quốc để nhận con, với hi vọng có phép màu kì diệu về sự nhầm lẫn nào đó”, chị Trâm nghẹn ngào. 

May mắn hơn gia đình chị Trâm ở Nghệ An, cùng tử nạn trên chuyến tàu định mệnh nhưng đến chiều ngày 6-7, thi thể anh Đào Sỹ Hùng (SN 1987, trú thôn 8, xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã được về mai táng tại quê nhà. Suốt cả tháng nay, kể từ khi nhận được tin dữ, căn nhà nhỏ của anh Hùng và vợ là chị Hồ Thị Tiếp (SN 1988) nằm sát QL1A chìm trong tang thương.

Chị Tiếp kiệt sức, gần như nằm một chỗ, bàn thờ người chồng trẻ chỉ do một tay đứa trẻ, là con chung của hai vợ chồng mới lên 6 tuổi chăm sóc hương khói. Ông Đào Hữu Thiên, bố đẻ của anh Hùng, kể: Là con cả trong gia đình có 3 anh em, cuộc sống khó khăn nên sau khi tốt nghiệp cấp 3, Hùng XKLĐ sang Trung Quốc. Tại đây, do vi phạm lao động nên bị trục xuất về nước trước thời hạn.

Trở về quê nhà, Hùng lấy vợ, sinh con nên cuộc sống tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế. Thông qua một người môi giới ở Bắc Giang, ngày 31-3 Hùng quyết định lên tàu cùng 20 người Việt khác, vượt biên trái phép sang Đài Loan.

“Từ sau cuộc điện thoại vào ngày 31-3, chồng tôi mất liên lạc hoàn toàn với gia đình. Gần đây, ngay sau khi nghe tin chiếc tàu gặp nạn, chúng tôi đã ra tận Lục Ngạn (Bắc Giang) gặp người đàn ông môi giới nhưng người này cũng không biết chuyện gì đang xảy ra. Chỉ đến khi tìm đến đại sứ quán nhờ giúp đỡ, mới biết anh Hùng cùng 20 người khác đã gặp nạn khi di chuyển bằng thuyền trái phép từ Trung Quốc sang Đài Loan. Sau khi làm các thủ tục nhận diện, gia đình đã đưa được thi thể của anh Hùng về quê nhà để mai táng”, chị Hồ Thị Tiếp tâm sự trong nước mắt.

Theo số liệu phóng viên cập nhật được, tính đến ngày 9-7, đã có 5 trong tổng số 7 thi thể xác định là của người Việt trong vụ chìm tàu, đã được nhận dạng và đưa về quê nhà mai táng. Hiện, còn một nạn nhân nghi là anh Nguyễn Phúc Toàn đang chờ kết quả ADN, và thi thể của anh Lưu Xuân Hoàng đang được gia đình hoàn tất thủ tục để đưa về nước trong thời gian sớm nhất.

Nỗi đau mang tên XKLĐ “chui”

Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước, trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong những năm gần đây, tại các tỉnh miền Trung, đặc biệt là Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, số lượng lao động ra nước ngoài làm việc tăng đột biến. Tuy nhiên, cũng tại các tỉnh này, tỉ lệ lao động vi phạm hợp đồng lao động có chiều hướng gia tăng, dẫn đến hệ lụy là gần đây, một số thị trường như Hàn Quốc, Đài Loan đã ra “tối hậu thư” cấm đưa lao động ở các tỉnh này đến làm việc.

Đặc biệt, theo báo cáo của các tỉnh, gần đây tình trạng lao động “chui” đi ra nước ngoài làm việc, trong đó tập trung chủ yếu ở Trung Quốc, Đài Loan và Angola đã gây ra rất nhiều hệ lụy. Các lao động đi theo con đường không chính thống này hầu hết đều là lao động chính trong các gia đình nghèo khó, bị rủ rê tham gia vào các đường dây do “cò” dẫn dắt với chi phí thấp, tính chất công việc lại không yêu cầu trình độ cao, phần lớn xuất cảnh bằng đường du lịch nên không có hợp đồng, không có bảo hiểm, khi xảy ra sự cố không được các cơ quan hữu quan lo trách nhiệm.

Thậm chí, nhiều thị trường lao động chưa được chính phủ hai nước ký hiệp định hợp tác về phái cử lao động nên khi gặp sự cố rủi ro, kể cả mất mạng sống, mọi gánh nặng đều đổ lên vai người thân trong gia đình từ quê nhà.

Điển hình, vào ngày 26-1-2016, chị Nguyễn Thị Hương (21 tuổi), trú tại xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An), là mẹ đơn thân nuôi con nhỏ 18 tháng tuổi, do cuộc sống quá túng quẫn đã theo chân người quen, vượt biên trái phép sang Trung Quốc tìm kiếm cơ hội đổi đời.

Đến ngày 31-1-2016, công an tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) phát hiện chị Hương bị nhóm côn đồ dùng dao đâm vào bụng gây thương tích tại thị trấn Am Phụ, Khu Kiều Đông, thành phố Triều Châu (tỉnh Quảng Đông), mặc dù đã được đưa đi cấp cứu kịp thời song nạn nhân đã tử vong tại bệnh viện vào ngày 2-2-2017. Sau khi nhận được hung tin, gia đình đã vay mượn khắp nơi để có đủ kinh phí 120 triệu đồng sang bên kia biên giới nhận thi thể con gái, và đến ngày 21-3-2017, tro cốt chị này mới được đưa về đến quê nhà để mai táng theo phong tục của địa phương.

Trước đó, vào khoảng 2 giờ sáng ngày 30-11, chị Hoàng Thị Văn (30 tuổi, trú tại thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cùng anh Nguyễn Văn Vinh (28 tuổi, trú thôn 7, xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đang ở trong phòng trọ trên đất Angola thì bị nhóm cướp khống chế, bắt trói cùng với một người bản địa khác để cướp tài sản.

Do không có tiền đưa cho chúng, cả 3 người này đã bị tưới xăng lên người rồi châm lửa đốt. Do bị thương nặng, nạn nhân người bản địa đã tử vong sau 3 ngày nhập viện, đến ngày 7-12 thì chị Hoàng Thị Văn trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện tỉnh Huambo (Angola).

Được biết, cả chị Văn lẫn anh Vinh đều sang Angola tìm kiếm cơ hội đổi đời theo diện “đi chui”, nên sau khi sự việc xảy ra, gia đình đã tốn hàng trăm triệu đồng để sang tận nơi làm thủ tục đưa thi thể con gái về quê nhà.

Theo số liệu của Sở Ngoại vụ Nghệ An, chỉ tính riêng trong năm 2016, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã phải can thiệp giúp đỡ và xử lý 17 vụ việc với 19 đối tượng là người Nghệ An bị bắt giữ tại nước ngoài, bị trục xuất do nhập cảnh trái phép hoặc gặp tai nạn rủi ro tại các nước. Phần lớn các lao động này đều tìm cách ra nước ngoài theo con đường không chính thống.

Trong thời gian vừa qua, lực lượng an ninh điều tra các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã tập trung đánh mạnh vào các ổ nhóm, đối tượng chuyên đứng ra tổ chức đưa người đi nước ngoài trái phép. Trong đó, chỉ tính riêng năm 2016, Công an Hà Tĩnh đã điều tra, phát hiện, ngăn chặn 7 ổ nhóm, 12 đối tượng tổ chức đưa 40 người trốn đi nước ngoài trái phép, đã khởi tố 4 vụ, bắt tạm giam 4 đối tượng.

Mới đây nhất, Phòng An ninh điều tra Công an Nghệ An đã làm rõ, bắt giữ 2 đối tượng Trần Thị Lệ (36 tuổi, trú tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu) và Nguyễn Thị Thủy (32 tuổi, trú tại xã Nghi Đức, TP Vinh) về hành vi tổ chức người khác trốn đi nước ngoài. Cơ quan ANĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố các bị can về tội danh trên để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Tháng 4-2017, đơn vị này cũng đã bắt giữ, khởi tố vụ án đối với đối tượng Hoàng Niêm (43 tuổi, trú tại xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc) về hành vi tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài. Đây là đường đây đưa người xuất cảnh trái phép sang Đức bằng con đường quá cảnh tại Liên bang Nga. Tuy nhiên, sau khi thu của 4 nạn nhân với số tiền hàng chục ngàn USD, Niêm chỉ đưa được sang Nga chứ không tiếp tục đến Đức như đã hứa nên bị các lao động trở về, đâm đơn tố cáo tới cơ quan chức năng.

Những con số, vụ việc thống kê được, theo cơ quan chức năng thì mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong vấn đề XKLĐ “chui” hiện nay. Thậm chí, mới đây Công an Nghệ An đã phát đi khuyến cáo, việc xuất khẩu, xuất cảnh lao động bất hợp pháp còn kéo theo hệ lụy là tình trạng kết hôn bất hợp pháp và sinh con với người nước ngoài gia tăng.

Thống kê mới nhất cho thấy, Nghệ An có hơn 3.000 lao động xuất cảnh bất hợp pháp đang làm việc tại Trung Quốc, kéo theo rất nhiều hệ lụy khó kiểm soát. Nguyên nhân của tình trạng lao động “chui” gia tăng, là điều kiện kinh tế khó khăn, tình trạng thiếu việc làm trong khi thị trường Trung Quốc có nhu cầu, thu nhập cao, chi phí đi lại không lớn, thủ tục đơn giản.

Vợ và con trai anh Đào Sỹ Hùng đau đớn đón nhận hung tin.

Đánh vào tâm lý đó của người dân, không ít “cò” đã tạo lập các đường dây đưa người đi lao động ở nước ngoài trái phép, gây ra những hệ lụy, hậu quả rất khó lường.

Liên quan đến sự việc 7 công dân Việt Nam thiệt mạng khi đang vượt biên từ Trung Quốc sang Đài Loan bằng thuyền đánh cá, ngày 7-7-2017, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phát đi thông báo chính thức.

Nội dung thông cáo cho biết: “Theo thông tin từ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc), thời gian qua, ngư dân Trung Quốc tại Sán Vĩ, Chủ Hải, thuộc tỉnh Quảng Đông đã vớt được thi thể của 9 người nghi là công dân Việt Nam bị thiệt mạng tại vùng biển khu vực này”.

Ngay sau khi nhận được những thông tin trên, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu đã phối hợp với các cơ quan chức năng Trung Quốc và trong nước xác minh, sau đó phối hợp cùng gia đình các nạn nhân đối chiếu mẫu ADN. Qua đó, đã xác định được 7 thi thể là người Việt Nam, trong đó có 3 nạn nhân quê ở tỉnh Nghệ An, 2 nạn nhân ở tỉnh Quảng Bình, 1 nạn nhân ở tỉnh Hải Dương và 1 người ở tỉnh Hà Tĩnh. Hiện, 2 thi thể vẫn chưa xác định được danh tính.

Theo thông tin chúng tôi có được thì vào cuối tháng 2-2017, một nhóm lao động gồm 21 người ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Nghệ An, Quảng Bình, Bắc Giang và Hải Phòng, được một người đàn ông có tên thường gọi là Minh “đen”, trú tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đứng ra môi giới, nhận của các lao động số tiền từ 40-50 triệu đồng để đưa đi XKLĐ “chui” tại Trung Quốc.

Sau khi sang Trung Quốc, nhóm người này bàn nhau mua một con tàu biển cũ để đi sang vùng lãnh thổ Đài Loan. Tuy nhiên, khi ra giữa eo biển ở Chu Hải, không may tàu gặp nạn và bị chìm khiến nhóm người này thiệt mạng.

Thiên Thành
.
.