Bi kịch từ bạo lực gia đình
Ngày trở về nước, tận mắt chứng kiến cuộc sống của người bác ruột, thường xuyên bị người chồng nghiện rượu hành hạ cả về thể xác và tinh thần, cậu thanh niên ngoài hai mươi tuổi chỉ nghĩ rằng phải bảo vệ bác và người chị họ khỏi nguy hiểm.
Hành động nóng nảy, đầy cảm tính và thiếu hiểu biết về pháp luật đã đẩy cậu ta vào vòng lao lý. Phía sau vụ trọng án thương tâm còn là những bài học day dứt về bạo lực gia đình, về trách nhiệm của các bậc sinh thành với những đứa con đã dứt ruột sinh ra.
Đối tượng Bùi Hữu Thông tại Cơ quan điều tra. |
1. Đã bao lần, tôi tự đặt câu hỏi, trong khi không ít người phụ nữ vẫn đấu tranh vì sự bình đẳng giới và quan niệm phụ nữ phải biết yêu chính mình đang hằng ngày, hằng giờ được cổ súy trên các trang mạng xã hội; trên nhiều chuyên mục tư vấn tình cảm của nhiều tờ báo mạng thì vì sao vẫn còn nhiều người đàn bà cam chịu, nhẫn nhịn ở bên người chồng nghiện ngập, thường xuyên say xỉn...
Câu chuyện sẻ chia của Bùi Hữu Thông, đối tượng vừa bị Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Hải Dương khởi tố, bắt tạm giam về hành vi giết người, phần nào giúp tôi có được câu trả lời, dẫu chưa đủ đầy.
Trong nếp nghĩ của hầu hết phụ nữ Việt, khi đã có gia đình, họ đều toàn tâm toàn ý cho chồng, cho con. Không ít người vẫn cho rằng dẫu là cái cột mục thì có một người đàn ông trong nhà vẫn hơn...
Với người phụ nữ nông thôn thì tư tưởng đó càng nặng nề, nhiều ông bố, bà mẹ không chấp nhận cái tiếng con gái bỏ chồng. Mẹ đẻ Thông cũng không nằm ngoài cái vòng luẩn quẩn đó. Sau 6 năm chịu đựng người chồng vũ phu, đam mê cờ bạc, đỏ đen, chị mới mạnh dạn bước ra khỏi cuộc hôn nhân ngập tràn nước mắt. Một thời gian dài, mẹ Thông đã không thể vượt qua rào cản dư luận, định kiến xã hội ở làng quê phần vì sợ mang tai tiếng và phần khác cũng hi vọng người chồng tu tâm, đổi tính để con trai có một mái ấm gia đình đầy đủ, có bố và có mẹ.
Người phụ nữ đó chẳng thể ngờ rằng những cuộc cãi vã của họ trong quá khứ đã để lại những tổn thương tâm lý với Thông đến tận bây giờ... Ở bên nước Nga xa xôi, khi hay tin cậu con trai phạm tội giết người và nguyên nhân dẫn đến hành động vi phạm pháp luật của Thông, căn bệnh của chị càng trở nặng...
Cũng như bao người phụ nữ nơi quê nhà, ở vào cái tuổi đẹp nhất của người con gái, mẹ Thông lên xe hoa về nhà chồng. Ông ngoại Thông là người nghiêm khắc nên với con, ông lúc nào cũng tỏ ra cứng nhắc. Người đàn ông ấy quan niệm con gái, xuất giá tòng phu, lấy chồng phải theo gia đạo bên chồng... Cũng vì thế, bao năm mẹ Thông phải sống cam chịu.
Ký ức tuổi thơ của Bùi Hữu Thông là những trận đòn roi vô cớ của người cha thường xuyên trút xuống đầu mẹ; là những trận cãi vã xảy ra như cơm bữa bởi nỗi lo cơm áo gạo tiền và nước mắt của người mẹ chưa bao giờ ngừng rơi. Thông cũng chứng kiến mẹ khóc thầm một mình, chẳng dám về nhà bố mẹ đẻ vì sợ họ phiền lòng. Những biến cố của gia đình khiến cậu bé Thông khi đó có suy nghĩ già dặn hơn các bạn bè cùng trang lứa. Những lúc ấy, Thông chỉ biết ôm mẹ ngồi khóc...
Đối tượng Bùi Hữu Thông. |
Nhiều năm đã trôi qua nhưng Thông vẫn không quên được cái ngày mẹ khăn gói bỏ vào miền Nam. Lúc ấy, mẹ Thông đi mà như chạy, bà ôm Thông vào lòng mà khóc. Thông đứng như vậy cho đến khi bóng mẹ khuất sau cánh cổng cậu mới bừng tỉnh, chạy theo rồi khản tiếng gọi mẹ mà không thấy. Những lúc nhớ mẹ, thằng bé 6 tuổi chỉ biết khóc thầm. Theo những canh bạc đỏ đen, bố Thông bỏ nhà đi biền biệt, để đứa con trai thơ dại bữa đói, bữa no.
2. Thương đứa cháu côi cút, ông bà ngoại đón Thông về nhà chăm sóc, khi ấy cậu bé mới chập chững vào lớp 1 trường làng. Trong những ngày tháng ấy, dù chỉ cách nhà bố mẹ vợ vài bước chân nhưng bố đẻ Thông cũng chẳng mấy khi đoái hoài đến cậu con trai dứt ruột sinh ra. Những ngày tháng ảm đạm đó, tình yêu thương của ông bà ngoại và người bác ruột là Nguyễn Thị Loan như ngọn lửa đã sưởi ấm trái tim non nớt của cậu bé Thông.
Song dù ông bà và bác có cố gắng bao nhiêu cũng chẳng thể bù đắp được tình cảm của người mẹ... Rồi điều gì phải đến cũng đến. Sau khi bản án ly hôn có hiệu lực, Thông khăn gói vào Đồng Nai ở cùng mẹ. Thời gian đầu, hai mẹ con tá túc tại nhà người anh trai của mẹ, cuộc sống kinh tế dù còn vô cùng khó khăn nhưng đó có lẽ là quãng thời gian hạnh phúc nhất của cuộc đời Thông vì có mẹ ở bên.
Năm 2004, có người đàn ông thông cảm, muốn được cùng mẹ Thông chia ngọt, sẻ bùi những năm tháng còn lại của đời người. Năm 2004 Thông có thêm một người em gái. Cha dượng là người hiểu biết đã dành nhiều tình cảm và sự quan tâm đối với Thông, song những tổn thương về tình cảm vẫn khiến Thông chẳng thể hòa đồng. Cậu ta sống khép kín, ít chia sẻ tình cảm với mẹ và những người sống xung quanh. Một năm sau đó, mẹ và người cha dượng sang Nga làm ăn, Thông vì thế lại quay về ở với ông bà ngoại.
Thời gian sinh sống ở quê nhà, Thông không ít lần chứng kiến cảnh người bác rể là Phạm Đức Đức (SN 1968, quê quán ở xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng) sau những trận rượu say ngất, chân nam đá chân chiêu quay về nhà nhiếc móc, đánh đập vợ con. Chứng kiến cảnh tượng đó, Thông không khỏi chạnh lòng. Bao năm qua, bác Loan luôn dành cho Thông một sự quan tâm đặc biệt. Thông luôn coi bác như một người mẹ thứ hai của mình...
Hiện trường vụ án. |
Năm Thông đang học lớp 7 thì được mẹ đón sang Nga. Song do kiến thức đã bị hổng nhiều năm do phải thường xuyên thay đổi địa điểm sinh sống nên chỉ một thời gian, cậu ta đã bỏ học. Thông sau đó theo mẹ đẻ và bố dượng bán quần áo tại một cửa hàng. Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, cậu ta cũng bướng bỉnh. Có khi mẹ bảo đi làm, Thông lại ở nhà vùi đầu vào các trò chơi điện tử.
Ở nơi đất khách quê người, Thông vẫn luôn khao khát được trở về quê hương. Vì thế, cứ 2 năm một lần, mẹ Thông lại cho con về nước thăm ông bà và gia đình, lần về nước này là để tìm người bạn gái...
Khoảng thời gian này, vợ chồng người bác ruột Nguyễn Thị Loan đang sống li thân. Bác Loan cùng con gái và cháu ruột về nhà ông bà ngoại của Thông ở nên Thông có điều kiện tiếp xúc với bác nhiều hơn. Khi biết việc ông Đức thường xuyên uống rượu say về đánh, chửi bới bác Loan, Thông rất bực tức. Cậu ta nghĩ đến việc sẽ cướp đi mạng sống của người bác rể chỉ với một lý do đơn giản là giải thoát cho bác gái và người chị họ.
Khoảng 19h30 ngày 2-8, trong lúc ngồi chờ cơm, bác Loan có chia sẻ với Thông về việc thời gian tới bác và con gái phải về nhà ở vì ông ngoại sắp về nhà. Nghe bác ruột nói vậy, Thông thực sự lo lắng về việc ông Đức hay uống rượu say rồi đánh mắng mọi người nên nảy sinh ý định giết người bác rể.
Nghĩ là làm, Thông đeo chiếc ba lô sau lưng rồi cầm 1 chiếc gậy bóng chày mang từ nước ngoài về rồi dắt chiếc xe đạp ra khỏi nhà. Khi đến nhà ông Đức, Thông thấy cổng vẫn cài then bên trong nhưng không khóa nên mở cổng đi vào nhà.
Qua vách ngăn giữa phòng khách và phòng ngủ, Thông nhìn thấy ông Đức đang nằm trên giường... Khi Thông vừa vào đến nơi, chuẩn bị hành động thì bác Loan đi về nhà rồi vào phòng ngủ chỗ ông Đức đang nằm. Thông nghe thấy ông Đức và bác Loan có vài câu cãi cọ nhau về việc ông Đức hay uống rượu say, sau đó bác Loan đi ra ngoài còn Thông vẫn ngồi ở ghế gỗ dài. Sau khi bác Loan rời khỏi nhà được khoảng 1 phút thì Thông vào phòng ngủ của bác rể rồi dùng gậy bóng chày vụt vào gáy, khiến ông Đức bị choáng và ngã xuống đất.
Dường như chưa thỏa mãn cơn tức giận, cậu ta tiếp tục dùng gậy vụt nhiều lần nữa cho đến khi nạn nhân nằm im thì mới bỏ đi. Sau khi gây án, Thông về nhà kể lại sự việc với bác Loan rồi đến Cơ quan công an đầu thú.
3. Hơn nửa tháng sau cái chết của người chồng, chị Nguyễn Thị Loan và những người thân trong gia đình vẫn bàng hoàng trước sự việc xảy ra. Giận chồng bao nhiêu, chị lại thương đứa cháu vụng dại bấy nhiêu... Bao năm chăm sóc đứa cháu thơ dại, chị cũng coi Thông như con đẻ của mình. Cuộc đời chị đầy những tủi nhục và nước mắt khi có người chồng nát rượu. Nhưng vì danh dự của gia đình, vì các con, chị đã cam chịu... vì không muốn người cha già đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm thêm một lần muộn phiền bởi con.
Ông Son còn mang nặng tư tưởng cũ, ông không muốn các con bỏ vợ, bỏ chồng. Vì thế, khi biết bố sắp về nhà, chị có tâm sự với người cháu ruột về câu chuyện của mình. Chị không ngờ rằng người cháu ruột lại có hành động nông nổi để rồi phải trả một cái giá đắt...
Và khi biết đến nguyên nhân của việc Thông phạm tội, chị và những người thân trong gia đình càng thêm đau xót. Bạo lực gia đình cùng những trận đòn roi trước đây của người cha đã khiến Thông bị tổn thương nặng nề. Nhiều đêm không ngủ, chị Loan cay đắng nghĩ đến thân phận của mình và người em gái. Con chị mất cha còn em gái thì mất con.
Ở trong trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương những ngày này, Thông cũng sống trong tâm trạng vô cùng day dứt. Cậu ta bật khóc nói với tôi: “Bao lần mẹ hỏi có thương mẹ không, cháu đều trả lời không, dù trong lòng thì lại nghĩ khác. Nếu được gặp mẹ, cháu chỉ muốn xin lỗi và nói rằng cháu rất yêu mẹ. Cháu biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Cháu chỉ muốn bác và các anh chị của cháu không gặp nguy hiểm”.
Đây chỉ là một trong các vụ án liên quan đến bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn cả nước trong thời gian qua. Những con người vốn là máu mủ ruột thịt bỗng chốc rơi vào cảnh nồi da, nấu thịt... tất cả cũng chỉ vì những suy nghĩ còn hạn chế và sự nóng giận tức thời. Để phòng ngừa những vụ án mạng xuất phát từ bạo lực gia đình nên chăng phải bắt đầu từ cơ sở, tránh tư tưởng đèn nhà ai, nhà nấy rạng.
Tại các khu dân cư, trong các làng xã, các ban, ngành, đoàn thể đặc biệt là hội phụ nữ phải thường xuyên nắm bắt thông tin, từ đó chủ động phát hiện các mâu thuẫn từ sớm. Sau đó, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể có các biện pháp hòa giải thích hợp. Về phía các bậc sinh thành thì không nên để con chứng kiến những cảnh bạo lực... Bởi hơn ai hết, bố mẹ chính là tấm gương cho những đứa con của mình.
Rời Trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương, tôi bị ám ảnh bởi những lời tâm sự của Bùi Hữu Thông. Bạo lực gia đình là nguồn cơn của những bi kịch hết sức đau lòng...