Bi kịch từ những sàn vàng chui

Thứ Ba, 14/10/2014, 05:35

Chỉ trong thời gian ngắn, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an liên tiếp triệt phá hai sàn vàng chui tại Hà Nội đã phản ánh một thực tế mặc dù đã bị cấm từ vài năm nay, nhưng sàn vàng chui vẫn hoạt động một cách rất rầm rộ và đã huy động được hàng trăm tỉ đồng từ các nhà đầu tư…

Từ "tép riu" tới "cá mập" đều chết vì sàn vàng

Bây giờ, dù đã hơn 5 năm rồi, nhưng nhắc tới khoản tiền hơn 1 tỉ đồng đã bị "hóa vàng" trên sàn vàng, anh Tuấn, ở  quận Long Biên, Hà Nội vẫn cứ ngẩn ngơ tiếc vì "nếu ngày ấy mình biết dừng lại thì ít nhất cũng có cái xe ôtô Honda Civic chở con đi học chứ chả phải vẫn lọc cọc con Dream rách thế này!".

Đầu năm 2009, dành dụm được mấy chục ngàn đôla với dự định mua ôtô. Nhưng rồi, một lần gặp mấy ông bạn, thấy họ nói về cách kiếm tiền bằng đánh vàng trên mạng hấp dẫn quá khi mà "một vốn bốn mươi lời", và họ chứng minh rằng mấy con Camry cáu cạnh đều là tiền kiếm từ sàn vàng, anh Tuấn cũng về gạ vợ rút ra 1.000 USD chơi thử. Để vợ đồng ý, anh đưa đi gặp mấy ông bạn để họ "nói cho biết". Sau một buổi nghe thuyết trình ở quán cà phê, cô vợ bùi tai đồng ý đưa chồng ngàn đô chơi thử.

Có lẽ như người ta vẫn bảo "cờ bạc đãi tay mới" nên ngay lần đầu tiên chơi, anh Tuấn đã lãi 10 triệu đồng. Liên tiếp những ngày sau đó, ngày nào cũng lãi, ngày ít thì năm, bảy triệu, ngày nhiều thì được cả chục triệu. Thời điểm ấy, cô vợ anh đang ở nhà nên ngoài việc chăm con, chị… ôm máy tính cả ngày để theo dõi giá vàng. Sau hai tháng tham gia sàn vàng, dù có lúc thua nhưng anh Tuấn đã lãi được 200 triệu. Thấy quá ngon ăn nên hai vợ chồng quyết định dồn hết cả tiền mua xe vào sàn vàng và đã nghĩ tới một ngày thay vì chỉ mua "con xe cỏ" Civic thì sẽ đủ tiền lên hẳn con BMW hoặc bèo nhất cũng phải Camry như mấy ông bạn.

Cũng giống như sàn chứng khoán, sau khi mở một tài khoản, nhà đầu tư theo dõi giá vàng và quyết định mua hoặc bán (đặt lệnh). Nhưng điểm hấp dẫn nhất tài khoản này ít hơn nhiều lần so với tổng giá trị được giao dịch  nên số lượng đặt lệnh mua hoặc bán có thể gấp 100 lần tiền ký quỹ. Việc tính toán đầu tư trên sàn vàng cũng đơn giản khi nhà đầu tư có thể mua, bán kiếm lời ngay khi giá vàng tăng hoặc giảm.

Trụ sở chính của Công ty Khải Thái tại tầng 18, tòa nhà CharmVit.

Nhắc lại chuyện cũ, anh Tuấn vẫn không giấu được sự tiếc rẻ: "Ông không thể tưởng tượng nổi khi đã vào thì nó ham thế nào đâu, vì có tháng vợ tôi ngồi nhà ôm con, đánh vàng trên mạng mà kiếm được 350 triệu đồng trong khi mình đi làm cả tháng mới được chục triệu tiền lương thì mới thấy nó hấp dẫn thế nào. Chỉ sau hơn nửa năm chơi vàng, từ 600 triệu ban đầu mà có lúc bọn tôi có gần 1,3 tỉ đồng".       

Nhưng, cùng với những cơn lên xuống thất thường của giá vàng và những "sự cố" như đứt mạng khi định chốt lời lúc giá vàng lên mà 1,3 tỉ đồng ấy cứ vơi dần. Cho tới khi vợ chồng quyết định rời sàn vàng thì cũng là lúc chẳng còn đồng nào.

Ngồi nói chuyện cũ, Tuấn thở dài bảo: "Tự nhiên ông đi nhắc lại nỗi đau của tôi. Sau này, ngồi ngẫm lại mới thấy mình chơi hoàn toàn theo bản năng nên mất là phải thôi. Lúc mình được cũng là do may mắn vì giá nó hỗn loạn, còn mình mất cũng là vì chơi bản năng, đấy là chưa kể bọn sàn nó chơi bẩn, nhiều lúc mình định chốt lãi thì nó lại cho nghẽn mạng. Bây giờ mỗi khi trời mưa đưa con đi học hay có việc phải về quê vẫn lọc cọc cái xe máy lại thấy tiếc, giá mà mình ăn non rút ra thì vẫn còn ôtô. Nhưng mà thôi, hầu hết chơi vàng trên sàn đều chết, mình chỉ là loại “tép riu”, cỡ “cá mập” như bầu Kiên còn chết hàng trăm tỉ vì đánh vàng trên sàn cơ mà".

Xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2007, sàn giao dịch vàng đầu tiên tại Việt Nam là Sàn Giao dịch vàng ACB, được hình thành vào tháng 5/2007 với tên gọi ban đầu là Trung tâm Giao dịch vàng Sài Gòn - trực thuộc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) gồm 9 thành viên. Các thành viên tham gia là các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng có quy mô vốn lớn, có kinh nghiệm hoạt động kinh doanh vàng.

Bộ sậu Công ty Khải Thái trong một sự kiện vừa tổ chức đầu tháng 9 vừa qua tại Hà Nội.

Ban đầu, Trung tâm Giao dịch Vàng ACB là nơi bán buôn giữa các thành viên. ACB đóng vai trò vừa là người tổ chức, vừa là thành viên trực tiếp tham gia giao dịch. Tuy nhiên khối lượng giao dịch thời gian đầu không lớn.

Tháng 12/2007, trên cơ sở hoạt động của sàn giao dịch vàng giữa các thành viên, ACB triển khai sản phẩm "Đầu tư vàng tại ACB" dành cho cá nhân và từ đây lượng giao dịch trên sàn đã gia tăng đột biến.

Trước sự hấp dẫn về lợi nhuận thu được từ việc tổ chức sàn giao dịch vàng nên sau đó nhiều ngân hàng thương mại khác và một số doanh nghiệp kinh doanh vàng đã thành lập các sàn giao dịch vàng.

Đầu năm 2010, trong một báo cáo về hoạt động kinh doanh sàn vàng ở trong nước, Ngân hàng Nhà nước đánh giá hoạt động kinh doanh sàn vàng hay còn gọi là kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước là loại hình kinh doanh chênh lệch giá (margin trading) mà ngay cả trên thế giới cũng đánh giá là loại hình kinh doanh tiềm ẩn rủi ro rất cao cho cả nhà đầu tư và cho chính các đơn vị kinh doanh sàn vàng.

Hoạt động kinh doanh sàn vàng không phải là hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Mà ngược lại, một khối lượng vốn lớn được rút ra từ hoạt động sản xuất kinh doanh để phục vụ cho các giao dịch kinh doanh vàng trên sàn vàng.

Không những thế, do các sàn giao dịch vàng tự đề ra quy chế giao dịch và các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân chưa nhận biết rõ các rủi ro có thể gặp phải khi kinh doanh vàng trên tài khoản, nên đã xảy ra những tranh chấp, khiếu kiện giữa nhà đầu tư và đơn vị tổ chức sàn. Việc thành lập và hoạt động của các sàn giao dịch vàng là chưa có cơ sở pháp lý; đồng thời hoạt động của các sàn vàng tiềm ẩn một số yếu tố có thể gây bất ổn kinh tế xã hội.

Một trong những người chơi vàng trên sàn thuộc hàng khủng nhất là bầu Kiên nhưng cũng "chết" với số tiền hàng trăm tỉ đồng.  

Sàn vàng chui đã huy động hàng trăm tỉ đồng

Cuối năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu không được tổ chức và thực hiện việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước dưới mọi hình thức. Mọi hoạt động liên quan đến kinh doanh sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước phải chấm dứt hoạt động trước ngày 30/3/2010.

Nghị định 24/2012 của Chính phủ đã quy định các hoạt động kinh doanh vàng khác, trừ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng, hoạt động mua bán vàng nguyên liệu trong nước của doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh thuộc hạng mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép.

Khám xét trụ sở Công ty Khải Thái.

Mặt khác, Thông tư 17/2010 năm 2010 của Ngân hàng Nhà nước quy định các tổ chức tín dụng đang kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài có trách nhiệm tất toán, đóng các tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài chậm nhất vào ngày 31/7/2010.

Tuy nhiên, theo nhận định của cơ quan chức năng, trên mạng Internet vẫn tồn tại khoảng 30-40 đơn vị kinh doanh vàng thông qua tài khoản. Từ đây, một lượng lớn tiền được huy động tham gia vào các kênh kinh doanh này mà không có sự quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước, gây mất ổn định thị trường vàng, thị trường tiền tệ và trốn lậu thuế.

Trước khi bắt giữ sàn vàng của Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Khải Thái (Công ty Khải Thái), cuối tháng 9/2014, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã bắt Vũ Đức Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư VGX cùng kế toán trưởng Nguyễn Thị Mỹ Hạnh về hành vi kinh doanh vàng trái phép. Dù không được phép kinh doanh vàng và những sản phẩm phát sinh từ vàng nhưng từ năm 2012 Công ty VGX vẫn mở sàn vàng.  Cơ quan điều tra xác định có khoảng 700 nhà đầu tư tham gia mở tài khoản tại sàn VGX với tổng số tiền giao dịch hơn 110 tỉ đồng.

Còn tại Công ty Khải Thái, trụ sở chính tại tầng 18, tòa nhà CharmVit (số 117 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, Q.Cầu Giấy) và hai chi nhánh tại tầng 11 tòa nhà Plaschem (Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên) và tầng 18 tòa nhà Lotte (đường Liễu Giai, quận Ba Đình) cũng không được cấp phép kinh doanh ngoại hối.

Công ty Khải Thái thành lập ngày 10/11/2011, vốn điều lệ 20 tỉ đồng. Đến ngày 22/8/2014 đã thay đổi đăng ký kinh doanh lần thứ 6 với cả tá ngành nghề.

Mặc dù trên giấy tờ, Giám đốc Công ty Khải Thái là Nguyễn Mạnh Linh, điều hành các chi nhánh cũng là người Việt Nam gồm: Đoàn Thị Luyến, Đinh Thị Hồng Vinh, Tăng Hải Nam và Trịnh Hòa Bình, nhưng người đứng sau điều hành toàn bộ hoạt động là Hsu Ming Jung (còn có tên tiếng Anh là SaGa) sinh ngày 26/4/1976, người Đài Loan - Trung Quốc.

Công ty Khải Thái có một đội ngũ chuyên gia ngồi tại Đài Loan - Trung Quốc để chơi vàng trên các sàn giao dịch Forex tại Quảng Đông và Hồng Công - Trung Quốc. Công ty liên tục tuyển nhân viên kinh doanh mới, sau khi đào tạo được một tuần sẽ cho in danh thiếp và hoạt động theo từng nhóm tìm kiếm khách hàng mà không hề có hợp đồng lao động. Trong một tuần này, nhân viên công ty sẽ được đào tạo cách thức lên mạng Internet tìm số điện thoại của những người mua bán nhà, ôtô, để mời chào; thậm chí đưa cả  kịch bản nói chuyện điện thoại cho nhân viên bao gồm mọi tình huống khi khách hàng từ chối.

Để quảng bá hoạt động, Công ty Khải Thái tận dụng mọi kênh để quảng cáo, kể cả Facebook. Với những quảng cáo kiểu như "Tiền không thể mua hạnh phúc, nhưng nó giúp cho sự đau khổ được dễ chịu hơn". Công ty này luôn quảng bá rằng nhà đầu tư ủy thác đầu tư vào Khải Thái được hưởng siêu lợi nhuận với "lãi suất hơn 3%/tháng, tương đương 36%/năm, cao gấp 6 lần lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng hiện nay, Công ty TNHH Tư vấn - Đầu tư Khải Thái khẳng định hai năm nay, nhà đầu tư gửi tiền ủy thác đầu tư tại Khải Thái chưa có chuyện thua lỗ".

Đầu tháng 9 vừa qua, Khải Thái còn tổ chức hội thảo lớn ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia để kêu gọi hàng trăm nhà đầu tư gửi tiền đầu tư vào nhiều dự án lớn, lợi nhuận cao. Vì vậy công ty đã huy động được khoảng 2.000 tài khoản ủy thác đầu tư với số tiền trên 200 tỉ đồng. Theo ước tính, mỗi tháng thu gom được khoảng 20 tỉ đồng. Số tiền trên hầu hết đều được chuyển ra nước ngoài. Giao dịch của công ty này lên đến hàng chục tỉ đồng trong vài tháng.

Tại thời điểm khám xét, Cơ quan điều tra thu được là hơn 70 tỉ đồng, trong đó hơn 50 tỉ đồng thu được tại nhà riêng của Hsu Ming Jung.

Hiện Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã ra lệnh bắt khẩn cấp các đối tượng: Hsu Ming Jung, Tổng giám đốc, người Đài Loan; Nguyễn Mạnh Linh, Đoàn Thị Luyến, Đinh Thị Hồng Vinh, Tăng Hải Nam, Trịnh Hòa Bình về hành vi kinh doanh trái phép.

Tuy nhiên, Cơ quan điều tra cũng đang xem xét điều tra về dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của công ty này. Bởi Công ty Khải Thái đã tư vấn, giới thiệu cho khách hàng về rất nhiều lĩnh vực, dự án đầu tư để khách hàng tin theo mà ủy thác vốn. Tuy nhiên, theo lời khai của đối tượng Hsu Ming Jung và kiểm tra trên thực tế, Công ty Khải Thái không hề đầu tư gì, chỉ kêu gọi rồi ôm vốn của các khách hàng

Nhóm PVTS
.
.