Bi kịch voi Myanmar bị tận diệt để lấy da

Thứ Năm, 12/04/2018, 13:32
Theo các số liệu thống kê của chính phủ Myanmar: 59 con voi bị chết trong năm 2017, phần lớn đều bị săn trộm. Cũng rất có khả năng là nạn săn trộm da voi đã vượt khỏi biên giới Myanmar để lan sang Thái Lan hay Campuchia.

Trong vòng 3 năm qua, nghiên cứu sinh thuộc Viện sinh thái bảo tồn Smithsonian (SCBI) đã làm việc cật lực với một nhóm các nhà nghiên cứu nhằm theo dõi dấu vết voi ở Myanmar bằng cách sử dụng vòng định vị GPS.

Qua tìm hiểu sự chia sẻ nhận thức của loài voi với con người, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ tìm ra những cách giúp loài da dày (Pachyderm) và con người cùng tồn tại. Nhưng lại xuất hiện một vấn nạn khiến các nhà nghiên cứu hết sức đau lòng.

Voi được đeo vòng định vị GPS là một phần của nghiên cứu xung đột người - voi ở Myanmar.

Sau khi gắn vòng định vị GPS lên 19 con voi thì nhiều con trong số này bắt đầu "biến mất" trên bản đồ theo dõi. Khi điều tra các tín hiệu di chuyển của đàn voi bị ngừng, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra một sự thật rùng rợn: những xác chết voi thối rữa nằm rải rác trong rừng già, bộ da của những con voi biến mất.

Nhà nghiên cứu McEvoy chua xót phát biểu: "Khi các nhà nghiên cứu tìm ra những xác chết này thì chúng đã bị "pha thịt" rất chuyên nghiệp, bộ da voi được lột khỏi thân, đôi khi chân voi và mắt voi cũng được lấy đi. Người Myanmar tỏ ra rất bực bội khi họ nhìn thấy những cảnh tượng này, nhất là khi họ có tình cảm thân thiết với loài voi".

Chỉ trong vòng 1 năm đeo vòng định vị GPS, 7 con voi đã bị kẻ nào đó sát hại dã man. Khi các nhà nghiên cứu tiếp cận dân tình sở tại để tìm hiểu thực hư, họ đã nhận lại một câu trả lời "sởn gai ốc": Những con voi được săn lậu để lấy da.

Không có gì bí mật khi con người đã từ lâu lao vào cuộc săn lùng voi để lấy ngà làm suy kiệt số lượng voi Châu Phi. Số lượng các đàn voi thảo nguyên đã suy giảm 30% chỉ trong vòng 7 năm qua, và số lượng voi rừng tụt xuống 62% từ năm 2002 đến 2013.

Hơn nữa, một cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy rằng 90% ngà voi trên thị trường đến từ voi chết đã giảm hơn trong vòng 3 năm qua, chứng minh một điều rằng nạn săn lậu đang liên đới với khủng hoảng voi Châu Phi. Nhưng thứ mà các nhà nghiên cứu phát hiện ở Myanmar lại không phải là ngà voi. Phần lớn các xác voi đều là voi không có ngà. Động cơ ở đây là gì?

Ở châu Á, nơi khoảng 5 vạn con voi hoang dã sống rải rác tại 13 quốc gia, thách thức lớn nhất đối với sự tồn vong của loài voi là mất môi trường sống. Dân số loài người bao quanh các thửa rừng ngày càng phình ra, lấn vào lãnh địa loài voi và ép loài da dày ngày càng lùi sâu hơn vào các không gian sống chật hẹp.

Nhà nghiên cứu John McEvoy nhấn mạnh: "Thiếu thức ăn, lũ voi sẽ tấn công mùa màng. Việc lũ voi quần thảo các nương lúa có thể hủy diệt sinh kế của nhiều người. Thỉnh thoảng chúng "đột kích" vào nhà cửa của dân tình nếu họ có trữ thức ăn". Sự xung đột giữa nguồn thức ăn giữa voi và con người là căn nguyên khiến con người bị giày chết và voi cũng bị thương tổn.

Để khắc phục vấn đề xung đột voi-người, nhóm nghiên cứu Smithsonian đã tìm cách bắt và gắn thẻ voi ở các vùng nơi thường xuyên diễn ra những cuộc chạm mặt như các nương lúa, đồn điền mía hay đồn điền cây dầu cọ. Kế đó, họ theo dõi các chuyển động của mỗi con voi theo giờ, tạo ra những tấm bản đồ hoạt động của chúng vào cả ban ngày và ban đêm.

Nhà nghiên cứu McVoy cho biết: "Trong vài năm qua (kể từ khi chúng tôi bắt đầu nghiên cứu vào năm 2014) chúng tôi đã nhìn thấy voi sụt giảm số lượng trên bản đồ. Và chúng tôi nhận thức được khủng hoảng đang lớn dần". Trong vòng không đầy 2 năm, ít nhất 19 cá thể voi đã bị sát hại chỉ trong một khu vực rộng 13,5 dặm vuông. Các nhà bảo tồn chính phủ Myanmar và một chương trình cộng đồng gọi là "Hòa bình cho Người-voi" đã tiến hành thu thập thông tin từ các đội tuần tra trên khắp miền Nam và miền Trung Myanmar, và khám phá ra một câu chuyện phiền toái: xác voi chết, da bị lột sạch.

SCBI không phải là tổ chức duy nhất bóc trần bằng chứng thương mại hấp dẫn từ việc buôn bán da voi. Năm 2016, tổ chức bảo tồn Gia đình voi (Elephant Family, Anh) đã  tìm thấy những dấu hiệu gây phiền toái trong một cuộc điều tra voi sống ở Myanmar và Thái Lan. "Một trong các điều tra viên của chúng tôi cung cấp sản phẩm, cho thấy bức ảnh một con voi bị lột da, và đó là lần đầu tiên chúng tôi mới biết da voi là một thứ hàng hóa", dẫn lời bà Belinda Stewart-Cox, giám đốc điều hành bảo tồn của tổ chức Gia đình voi.

Tổ chức gia đình Voi gần đây đã báo cáo rằng họ phát hiện da voi bị bán với mức giá 29 USD cho mỗi cân Anh tại Mong La (biên giới Myanmar với Trung Quốc), và trên 900 cân Anh da voi bị tịch thu tại Lương Hà (châu tự thị dân tộc Thái, Cảnh Pha Đức Hoành, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc).

Da của loài da dày là một trong số những sản phẩm động vật thường được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc. Da voi khô được tán thành bột và hòa với nước được cho là có thể trị lành các chứng nhiễm trùng và nấm trên da cũng như các bệnh đường ruột. Bà Belinda Stewart-Cox phát biểu: "Ngoài làm thuốc, da voi còn được gia công thành hạt để làm ra các vòng tay hay dây chuyền, người đeo nói rằng nó rất tốt cho làn da của họ".

Nhiều nguồn tin địa phương báo với ông John McEvoy và các đồng nghiệp rằng thịt thăn voi và bộ phận sinh dục của nó cũng được sử dụng để mua bán. Những người Myanmar làm việc với tổ chức của ông McEvoy báo cáo rằng bọn săn trộm voi được tổ chức bài bản và có ngân sách hoạt động, thịt voi và da voi sau khi săn được sẽ vượt biên giới Myanmar sang Trung Quốc, nơi đang có sự tăng trưởng hoạt động buôn bán ngà voi và các bộ phận cơ thể voi.

Theo các số liệu thống kê của chính phủ Myanmar: 59 con voi bị chết trong năm 2017, phần lớn đều bị săn trộm. Cũng rất có khả năng là nạn săn trộm da voi đã vượt khỏi biên giới Myanmar để lan sang Thái Lan hay Campuchia. Nhà nghiên cứu Peter Leimgruber cảnh báo, nếu vấn nạn này cứ xảy ra mà không bị phát hiện thì nó biến thành thảm họa môi trường.

Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)
.
.