Bí mật bên trong DARPA - Cỗ máy gián điệp Afghanistan

Thứ Sáu, 07/10/2011, 10:20

Có tên mã là "Nexus 7", chương trình bao gồm mọi thứ từ radar gián điệp cho đến thu thập thông tin tình báo về tình trạng mất ổn định ở Afghanistan. Ban lãnh đạo DARPA (Cơ quan nghiên cứu và phát triển công nghệ cấp cao trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ) coi "Nexus 7" như là công cụ phân tich dữ liệu tình báo mang tính đột phá.

Nhưng những nỗ lực của DARPA vấp phải sự phê phán từ một số điệp viên hoạt động trên chiến tuyến, cho rằng “Nexus 7” chỉ là dự án tầm thường và chính quyền Mỹ đã hoang phí hàng chục triệu đôla vào công nghệ tình báo không kết liễu được Taliban.

Trong suốt một thập niên chiến tranh, lực lượng Mỹ thu thập được hàng tỉ tỉ byte thông tin về kẻ thù của mình ở Afghanistan. Chương trình “Nexus 7” có mục đích phân tích núi dữ liệu thông tin tình báo để hiểu sâu hơn nữa về những người được cho là bạn của Mỹ - đó là người dân Afghanistan, đồng thời nắm bắt được cách họ tương tác với chính quyền Kabul cũng như giữa họ với nhau.

Phe chống đối cho rằng DARPA đang ngốn ngấu ngân sách khổng lồ  của Lầu Năm Góc để tạo ra một dự án khoa học máy tính khó hiểu, sử dụng "phân tích đám mây" để nghiên cứu các "mạng xã hội".

Về phần mình, đội ngũ chuyên gia phát triển công nghệ của DARPA diễn đạt “Nexus 7” như là dự án cách mạng có ảnh hưởng sâu rộng, chọn lọc hàng trăm nguồn dữ liệu đang tồn tại từ rất nhiều cơ quan chính quyền để đúc kết thành dữ liệu thông tin tình báo tập trung về con người.

DARPA khoe khoang “Nexus 7” gắn bó mật thiết với những chiến dịch quân sự đặc biệt và những nhóm gián điệp bí mật nhất của nước Mỹ. Trên thực tế, điều đó có nghĩa là Nexus 7 chọn lọc cơ cấu gián điệp rộng lớn của Mỹ để phát hiện những cộng đồng tình báo nào ở Afghanistan đang vỡ từng mảng và cộng đồng nào đang ổn định; cũng như những ai trung thành với chính quyền Kabul còn những ai chịu ảnh hưởng của chiến binh Hồi giáo cực đoan.

Một nhóm nhỏ “Nexus 7” hiện đang hợp tác với tập thể sĩ quan tình báo quân đội ở Afghanistan, trong khi nhóm lớn hơn nhiều - với khả năng xử lý quy mô lớn - đang chịu trách nhiệm phân tích nguồn dữ liệu thông tin khổng lồ ở Virginia, nơi DARPA đặt trụ sở.

Người phát ngôn của DARPA Eric Mazzacone tuyên bố: "Dữ liệu nằm trong tay một số chuyên gia máy tính giỏi nhất (của DARPA) làm việc sát cánh với một nhóm sĩ quan tình báo để cung cấp thông tin hữu ích nhất theo cách mà có lẽ không một cơ quan nào thực hiện được"!

Thay vì sử dụng công cụ gián điệp từ trên trời và các báo cáo trên mặt đất để tìm kiếm một cây kim ẩn trong đống cỏ khô - tức một phần tử nổi loạn lẩn trong đám đông người, “Nexus 7” kiểm tra cấu trúc của toàn bộ đống cỏ khô hay cả khối người đông đúc để sàng lọc. Một nhân vật có quan hệ mật thiết với chương trình “Nexus 7” của DARPA giải thích: "Thay vì theo dõi một chiếc ôtô, tại sao không theo dõi mọi chiếc ôtô?".

Nhưng cho dù thành công hay thất bại, “Nexus 7” đang đặt vấn đề về vai trò của những chuyên gia phát triển công nghệ hàng đầu của Mỹ trong việc vạch ra phương hướng cho nỗ lực chiến tranh ở Afghanistan. Liệu chính quyền Mỹ có nên quan tâm đến chương trình gián điệp tập trung vào dân thường Afghanistan hay chỉ nhằm vào chiến binh Hồi giáo mà thôi? Liệu DARPA có nên tập trung vào những nỗ lực thời chiến hay vẫn cứ theo đuổi công cuộc nghiên cứu dài hạn của mình?

Tuy nhiên, “Nexus 7” được không ít nhân vật cao cấp đỡ đầu. Đầu tiên là Trung tá về hưu David Kirlcullen, người trở nên nổi tiếng sau khi được cất nhắc vào vị trí cố vấn hàng đầu cho tướng David Petraeus ở Iraq.

Cha đỡ đầu thứ hai của “Nexus 7” là Thiếu tướng Michael Flynn, nhân vật trước đây lãnh đạo tình báo Mỹ ở Afghanistan. Flynn phê phán cộng đồng tình báo Mỹ quá tập trung vào những số liệu thống kê truyền thống giống như việc đếm thi thể sau trận chiến, trong khi đó những vấn đề sơ đẳng về cơ cấu văn hóa và xã hội Afghanistan lại không được hỏi đến và cũng không được trả lời.

Nhưng Michael Flynn cũng đưa ra một lối thoát cho cộng đồng tình báo Mỹ trước vũng lầy ở Afghanistan (và cả Iraq). Quân đội Mỹ có trong cơ sở dữ liệu của họ một "số lượng lớn thông tin tình báo hết sức rộng lớn chưa được đánh giá", Flynn nhận xét. Nếu được xử lý đúng đắn, nguồn thông tin quý báu này có thể giúp thành lập "một bản đồ về tầm ảnh hưởng của sự ủng hộ (chính quyền) trong dân chúng và khả năng cách ly phiến quân".

Bất chấp mọi mối nghi ngại, chương trình gián điệp “Nexus 7” vẫn được phê chuẩn và có hiệu lực ngay tức khắc. Nhóm “Nexus 7” liền lên đường đến Afghanistan. Đây không phải lần đầu tiên DARPA tham gia vào chiến tranh. Năm 1961, DARPA (lúc đó còn gọi là ARPA, Cơ quan về các dự án nghiên cứu  cấp cao) nỗ lực nghiên cứu sản xuất nhiều thứ từ súng trường M-16 đến Agent Orange (chất độc da cam).

Nhiều tuần sau sự kiện ngày 11/9/2001, DARPA ra sức thiết kế nhiều dự án giúp đỡ cộng đồng tình báo Mỹ phân tích cơ sở dữ liệu về những mối đe dọa khủng bố. Nổi tiếng trong số đó là dự án gọi là "Thông tin cảnh báo chi tiết" hay TIA. Dự án được thiết kế nhằm mục đích tăng cường thu thập thông tin tình báo về càng nhiều người càng tốt - qua e-mail, thẻ tín dụng, thậm chí những hóa đơn hết sức bình thường - để phát hiện dấu hiệu đặc trưng của hành vi khủng bố. Do đó TIA được ví như dự án "Mắt thần".

Một nhóm ở Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) - cơ quan nghe lén tuyệt mật của chính quyền Mỹ - trao cho nhóm “Nexus 7” bộ hồ sơ gọi là "những bản tóm tắt tối thiểu" (số liệu về những cuộc gọi điện thoại) để đổi lấy dữ liệu về nhiều dự án tái kiến thiết của Afghanistan. "Bản tóm tắt" không tiết  lộ cho “Nexus 7” biết ai gọi điện cho ai hay nội dung của những cuộc điện đàm bởi vì DARPA không được phép sử dụng dữ liệu tình báo thô.

Khoảng 20 nhân viên từ một số công ty xử lý thông tin như Caerus Associates, Potomac Fusion và Data Tactics Corporation  v.v… làm việc trực tiếp trong trụ sở của DARPA. Về lý thuyết, những nhân viên hợp đồng này lập báo cáo gửi đến Randy Garrett, Giám đốc Dự án “Nexus 7”. Nhưng trên thực tế chính nữ giám đốc mới của DARPA Regina Dugan (người tiền nhiệm là Tony Tether) mới thật sự là người cầm cương

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.