Bí mật trong vụ "trộm cắp hàng ngàn lít dầu jet A-1 từ sân bay"

Thứ Hai, 09/02/2015, 06:25
Quá trình điều tra sơ bộ cho thấy, thiệt hại mà đường dây trộm cắp chuyên nghiệp dầu jet A-1 gây ra cho Hãng Hàng không Jetstar Pacific Airlines có khả năng lớn hơn nhiều so với những ước tính ban đầu. Theo nguồn tin riêng của PV Chuyên đề ANTG, đường dây trộm cắp này không phải mới phát sinh 2 năm nay, mà có thể đã hoạt động từ năm 2008, với số lượng dầu bị trộm cắp trung bình lên tới 600-700 lít mỗi ngày…

1. Địa bàn trọng điểm sân bay Tân Sơn Nhất luôn được đặt trong tầm ngắm của các trinh sát C45B. Trong công tác khoanh vùng các địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, sân bay Tân Sơn Nhất và các khu vực lân cận luôn nổi lên như một điểm nóng, với những địa điểm nhạy cảm như Nhà ga quốc tế, Nhà ga quốc nội, hàng ngàn lượt xe taxi và xe ôm vận hành mỗi ngày… Nhiều băng nhóm giang hồ Nam-Bắc luôn chực thò bàn tay vào địa bàn “màu mỡ” này.

Qua nắm tình hình địa bàn, các trinh sát thấy nổi cộm lên tình trạng trộm cắp xăng dầu cung cấp cho các hãng hàng không, diễn biến rất phức tạp. Nhiều đường dây lớn nhỏ, đan xen chằng chịt, nhúng tay vào việc trộm cắp, vận chuyển, tiêu thụ “nguồn hàng” tuy giá trị đột xuất không lớn, nhưng ổn định và luôn hút hàng, có bao nhiêu được tiêu thụ bấy nhiêu, lại dễ phi tang.

Điều đáng lưu ý là, tình trạng trộm cắp xăng dầu xung quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất không phải là điều xa lạ đối với công luận. Lợi dụng công tác quản lý lỏng lẻo, những lỗ hổng về kiểm soát an ninh nội bộ, hoạt động trộm cắp xăng dầu của các công ty vận tải độc quyền cho các hãng hàng không… diễn ra công khai nhiều năm nay.

Không khó để có thể chứng kiến những hình ảnh xe chở xăng dầu đang chạy bỗng tấp vào lề đường, lái xe hoặc người chờ sẵn nhanh chóng bốc xuống 1-2 can dầu jet A-1, loại nhiên liệu chuyên dụng dành cho máy bay. Cũng không khó để xác định nhiều đầu nậu hoạt động xung quanh địa bàn chỉ chuyên làm nhiệm vụ tập kết và tiêu thụ loại dầu đặc chủng này.

Sau khi rời khỏi xe bồn trong những can 30 lít, dầu jet A-1 sẽ được tập kết  đưa về những lò pha chế, trộn với dầu DO rồi cung cấp chủ yếu cho các xe tải hạng nặng sử dụng nhiên liệu diesel. Các tài xế xe tải rất “ưa” loại xăng dầu trộm cắp này, vì giá thành rẻ. Đa phần là lái thuê cho các công ty vận tải, họ không quan tâm đến việc loại nhiên liệu đặc chủng này tỏa nhiệt rất cao, hại máy móc.

2. Trong nhiều đường dây trộm cắp xăng dầu hàng không mà các trinh sát C45B điểm mặt, nổi cộm lên một đường dây hoạt động trong thời gian dài, với số lượng trộm cắp lớn, kín đáo và tinh vi, liên quan đến các nhân viên lái xe của Phòng Kỹ thuật Công ty Cổ phần Hàng không Jetstar Pacific Airlines.

Kho tạm, nơi các đối tượng tập kết dầu lấy trộm, từ thùng phi 200 lít chuyển sang can 30 lít, cất giấu rồi đưa đi tiêu thụ vào buổi trưa hằng ngày.

Trong một thời gian dài biến động về nhân sự và tình hình hoạt động kinh doanh, công tác kiểm soát an ninh nội bộ của hãng hàng không cổ phần này đã bộc lộ những lơi lỏng trong chu trình vận hành. Tận dụng lơi lỏng này, một số nhân viên ở đây đã hình thành nên một đường dây trộm cắp dầu chuyên dụng jet A-1 chuyên nghiệp.

Không công khai như các đường dây trộm “vặt” khác, toàn bộ quá trình phạm tội của đường dây này đều “âm thầm” diễn ra trong khu vực kho A75, nơi được mệnh danh là “tổng kho” tập kết xăng dầu chuyên phục vụ cho các hãng hàng không hoạt động trong sân bay Tân Sơn Nhất. Hàng ngày, những chuyến xe tải nhẹ chở hàng chục can dầu jet A-1 trộm cắp chạy thẳng xuống những bãi xăng dầu “ma” mọc lên trên địa bàn quận 7.

Nắm tình hình là một chuyện, nhưng trinh sát thực địa lại là một chuyện hoàn toàn khác. Được quản lý và đảm bảo an ninh bởi một đơn vị quân đội, địa bàn kho A75 không hề dễ dàng cho công tác trinh sát. Đặc thù của khu vực kho này là nằm ngay sát khu vực đỗ máy bay, đồng thời lại là nơi tập trung nhiều kho xăng dầu, nên được bảo vệ nghiêm ngặt. Bất kỳ ai ra vào đều phải trình giấy tờ cho cảnh vệ tại trạm gác.

Sau nhiều ngày nắm tình hình, bằng các biện pháp hóa trang nghiệp vụ, mũi trinh sát kỳ cựu của C45B, do một đội trưởng và đội phó nhiều kinh nghiệm trực tiếp dẫn đội, đã xâm nhập thành công địa bàn, trinh sát và theo dõi toàn bộ hoạt động phạm pháp của đường dây trộm cắp. Tất cả tài liệu chi tiết về quy luật hoạt động, các đối tượng tham gia, sơ đồ vận hành… của đường dây này đã có mặt trên bàn làm việc của lãnh đạo Cục C45.

Dầu trộm được sẽ được vận chuyển trên xe bảo dưỡng ngoại trường, đưa về nơi cất giấu tại kho tạm.

3. Quá trình trinh sát cho thấy, cứ đến ca trực, 3 nhân viên lái xe của Phòng Kỹ thuật Công ty Cổ phần Hàng không Jetstar Pacific Airlines sẽ điều khiển xe ôtô chở đội thợ máy ra máy bay đang đỗ ở sân đậu.

Sau khi đội thợ kiểm tra và tiến hành xả dầu (theo quy trình thì thợ bảo trì sẽ hút dầu từ máy bay ra, đưa về Phòng Kỹ thuật để kiểm tra lắng cặn), kiểm tra và thực hiện các công việc khác, các đối tượng trên đã dùng xô được chuẩn bị sẵn hứng dầu từ máy bay và đổ vào thùng phi 200 lít đặt trên xe kỹ thuật.

Lấy xong dầu, các đối tượng sẽ lái xe về Phòng Kỹ thuật, lợi dụng lúc sáng sớm tiến hành sang dầu từ thùng phi 200 lít sang các can nhựa 30 lít, rồi đem cất giấu vào thùng gỗ, dùng khóa số khóa lại. Đến gần trưa, lợi dụng lúc mọi người đi ăn, 3 đối tượng câu kết với các đối tượng hành nghề sửa chữa lốp xe đến bán dầu.

Thông thường, mỗi can dầu 30 lít được bán với giá 350.000đ - 550.000đ, tùy thuộc vào giá dầu tăng hay giảm. Trung bình trong mỗi ca làm việc, các đối tượng trên bán được khoảng 8.000.000đ tiền dầu trộm cắp. Lấy được dầu, các đối tượng vận chuyển sẽ đưa lên xe tải nhẹ, chạy thẳng sang các bãi xăng dầu “ma” để bán cho các đầu nậu.

4. Trực tiếp theo chân các trinh sát C45B tiếp cận hiện trường, chúng tôi mới thấy được độ khó khăn của công tác trinh sát. Đặc thù của bên trong khu A75 là các kho xăng dầu lẫn kho hàng nằm san sát nhau. Người đi lại trong khu vực chủ yếu là nhân viên trong các công ty, người lạ xuất hiện, chạy xe máy lòng vòng nhìn ngó rất dễ bị để ý.

Bên cạnh đó, khu vực Trung tâm kỹ thuật của Hãng Hàng không Jetstar Pacific lại nằm rất gần sân đỗ máy bay. Từ đây, các nhân viên kỹ thuật của hãng này chạy xe bán tải, đi qua cổng an ninh là tiếp cận máy bay. Cái thuận lợi cho kỹ thuật viên lại là cái khó khăn cho các trinh sát. Bất cứ người lạ nào lảng vảng xuất hiện ở đây đều rơi vào tầm quan sát của an ninh bảo vệ đường băng.

Vị đội trưởng trinh sát kỳ cựu của C45B bật cười khi kể lại những lúc mình bị an ninh sân bay đuổi như đuổi tà, khi anh cố gắng tiếp cận lấy hình ảnh các nhân viên kỹ thuật của Jetstar Pacific lấy trộm dầu. Không chỉ bị đuổi một lần, dưới nhiều hình thức hóa trang khác nhau, vị đội trưởng trinh sát này ăn chửi, bị đuổi, phải bỏ chạy rất nhiều lần, mới hoàn thành được nhiệm vụ.

Bãi xe bên trong khu A75, nơi các đối tượng tập kết dầu lên xe tải nhẹ rồi vận chuyển tiêu thụ tại quận 7.

Không chỉ khó khăn khi trinh sát hành vi trộm cắp diễn ra tại khu vực gần đường băng, việc tiếp cận bãi xe nơi các đối tượng là nhân viên kỹ thuật của Hãng Jetstar Pacific bán dầu cho các đối tượng làm lốp xe trong bãi xe khu A75, cũng không đơn giản.

Khu vực bãi xe này là một đơn vị độc lập, chỉ có một lán dành cho nhân viên bảo vệ trông coi. Sâu bên trong là một khu nhà cấp 4, nằm khuất sát bên kho xăng dầu, là nơi các đối tượng “xuống hàng” từ xe kỹ thuật, chuyển lên xe tải nhẹ. Những gương mặt lạ xuất hiện trong khu vực này đều nhận được ánh mắt đề phòng của lực lượng bảo vệ.

5. Khi tài liệu trinh sát đã đầy đủ, lãnh đạo Cục C45 quyết định phá án. Đích thân Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng C45 bay vào TP HCM, trực tiếp chỉ đạo Ban Chuyên án.

8 giờ sáng ngày 28/1/2015, 20 cảnh sát đặc nhiệm của K20B và 15 cán bộ chiến sĩ của C45B, chia làm 3 mũi xuất kích. Một tổ bám sát địa bàn sân bay, một tổ đeo bám các xe chở dầu, một tổ giám sát các bãi xăng dầu “ma” trên địa bàn quận 7. Đúng 13 giờ 10 phút, các trinh sát ập vào địa điểm bãi xăng dầu tại phường Phú Mỹ, quận 7, bắt giữ các đối tượng đang bán dầu jet A-1 trộm cắp được tại sân bay.

Ban Chuyên án đã tiến hành bắt quả tang Huỳnh Đức Dũng (44 tuổi, trú tại quận 3) và Trần Văn Sửu (42 tuổi, trú quận 7, TP HCM), tạm giữ 2 xe ô tô tải, 36 can nhựa loại 30 lít dung dịch lỏng có dấu hiệu ban đầu là dầu D.O và dầu Jet A-1 chuyên dùng cho máy bay, 1 téc chứa khoảng 4.000 lít dầu…

Trần Văn Sửu thừa nhận đã mở kho xăng dầu “ma”, không đăng ký với cơ quan chức năng, chuyên thu mua các loại xăng dầu khác nhau. Đối tượng Huỳnh Đức Dũng khai nhận thường xuyên bán dầu cho Sửu, nguồn hàng là từ khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Tiếp tục tiến hành khám xét khẩn cấp bãi đỗ xe do Công ty Cổ phần An Hiền quản lý, liên doanh với Tổng Công ty Xây dựng Công trình Hàng không (thuộc địa bàn phường 2, quận Tân Bình), Ban Chuyên án đã phát hiện 4 ôtô tải, trên đó có 49 can dung tích 30 lít chứa đầy chất lỏng.

Ba đối tượng Ngụy Như Thành (49 tuổi, trú tại quận Gò Vấp), Đỗ Văn Hưng (32 tuổi, trú tại quận Tân Bình) và Lê Văn Hùng (34 tuổi, trú tại quận Gò Vấp), đều ở TP HCM là nhân viên lái xe – Phòng Kỹ thuật Công ty Cổ phần Hàng không Jetstar Pacific Airlines… đã được đưa về Cơ quan điều tra để làm rõ hành vi phạm tội…

Việt Đông
.
.