Biến tướng của dịch vụ trò chuyện với nữ sinh

Thứ Ba, 18/04/2017, 20:15
Vào một đêm mưa gió lạnh lẽo ở Tokyo, một nhóm nữ sinh trong độ tuổi 16 mặc váy ngắn vẫn có mặt trên đường phố để phát những tờ bướm quảng cáo “dịch vụ làm bầu bạn” với những người đàn ông lớn tuổi hơn đang ngồi chờ trong những quán cà phê ấm áp. Những cuộc gặp gỡ bất ngờ có tính phí này được gọi là “joshi-kosei osanpo” (hay vắn tắt là “JK”) - loại hình văn hóa phổ biến ở Nhật Bản.

Honoka, 18 tuổi, cho biết phần đông đàn ông đến với JK ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ 30 đến 50. Những cô gái trẻ, đều mặc đồng phục nữ sinh trung học, kiếm được khoảng 8 USD/giờ và nhiệm vụ của họ là trò chuyện, phục vụ thức ăn và thức uống cho những người đàn ông bỏ tiền ra để tìm vui trong chốc lát, nhưng trên thực tế có những người đàn ông muốn “đi xa hơn cuộc trò chuyện thông thường”.

Một nữ sinh đứng trên đường phố Tokyo chờ khách hàng.

Hành nghề phải là “nai tơ” hoặc... giả nai

Phóng viên Simon Ostrovsky của hãng thông tấn Mỹ Vice News nhận nhiệm vụ lên đường đến quận Akihabara náo nhiệt của Tokyo để thu thập tư liệu cho một bộ phim tài liệu tựa đề “Schoolgirls for Sale in Japan” (tạm dịch: Những nữ sinh bị rao bán ở Nhật Bản). Anh nhanh chóng khám phá một thực tế là những nữ sinh ở Akihabara sẵn sàng đáp ứng nhiều loại hình dịch vụ cho khách đàn ông, từ bói toán, mát-xa và dạo bộ.

Trong khi một số quán cà phê - giống như quán mà Eli, 16 tuổi và Honoka phục vụ - cấm tiệt những vụ “hẹn hò” với khách nam ở bên ngoài thì vẫn có những nơi khác phát triển loại hình văn hóa giao tiếp “JK” một cách dễ dãi hơn nhiều. Người ta đã tìm thấy những nơi có nữ sinh trung học phục vụ mát-xa cho khách nam giới và có những doanh nghiệp bán đồng phục học sinh hay thậm chí đồ lót “đã sử dụng”.

Một phụ nữ Nhật Bản giấu tên từng được tuyển dụng cho công việc “hẹn hò trả tiền” với những người đàn ông lớn tuổi trước khi trở thành gái mại dâm ở tuổi thiếu niên đã cố lấy hết can đảm để tiết lộ sự thật tối tăm đằng sau dịch vụ kiếm tiền tưởng như vô hại của nữ sinh của nước này.

Người phụ nữ giấu tên này kể: chị bắt đầu tham gia những cuộc hẹn hò JK từ lúc 16 tuổi do người mẹ mắc bệnh tâm thần và gia đình rơi vào cảnh khốn khó. “Khi đứng phát những tờ bướm quảng cáo dịch vụ ở Akihabara, tôi có thể quên hết mọi chuyện trong cuộc sống thường nhật của mình”.

Hình ảnh những nữ sinh JK dán trên một bức tường ở Tokyo.

Người phụ nữ thừa nhận công việc JK của chị nhanh chóng mở rộng và sau đó chị trở thành gái mại dâm chuyên nghiệp khi chưa tròn 18 tuổi. Chị không bao giờ mặc những loại quần áo thời trang bởi lẽ khách nam giới chỉ thích những nữ sinh mặc đồng phục có gương mặt “non tơ”. Do đó, chị phải luôn khoác trên người bộ đồng phục học sinh của mình để đến những nơi “hẹn hò”. Simon Ostrovsky cho biết mặc dù tòa nhà trụ sở cảnh sát nhiều tầng chỉ cách quận Akihabara một khối nhà song những cơ sở phục vụ dịch vụ JK vẫn diễn ra một cách công khai.

“Mọi người đều biết nhưng chẳng một ai có hành động gì. Dễ hiểu là mạng lưới tội phạm cũng lợi dụng loại hình kinh doanh hẹn hò kiểu này”, ông nói. Trong thời gian làm việc ở quận Akihabara, đội của Simon bị những nữ sinh đang lượn lờ phát tờ rơi trên đường phố ngăn cản không cho quay phim. Thậm chí còn xuất hiện một số thiếu niên bặm trợn có vẻ như là ma cô đe dọa.

Loại hình dịch vụ JK xuất hiện từ thập niên 1990 và dần nở rộ như hiện nay. Trong bộ phim tài liệu, Simon Ostrovsky tìm đến một cơ sở JK nhỏ, được mời ngồi trò chuyện với một cô gái còn ở tuổi thiếu niên và coi bói với giá 3.000 yên (khoảng 30 USD). Khi nhóm thực hiện bộ phim tài liệu “Schoolgirls for Sale in Japan” cho Vice News sử dụng, camera được giấu kín để quay phim một người đàn ông tham gia cuộc “hẹn hò tính phí” và Simon nhận thấy người này cố “tấn công” cô gái còn ở tuổi thiếu niên. Rất nhiều nữ sinh trung học tham gia loại hình “hẹn hò tính phí” với những người đàn ông đủ mọi độ tuổi từ 40 đến 50.

Những nữ sinh phát tờ rơi quảng cáo JK trên đường phố Tokyo về đêm.

Bất chấp mặt trái của loài hình “văn hóa nữ sinh”, chính quyền Nhật Bản có vẻ như chấp nhận cho nó tiếp diễn. Tuy nhiên, Simon lưu ý rằng, Nhật Bản là quốc gia phát triển và là thành viên Liên Hiệp Quốc có thỏa thuận chống tội phạm buôn người.

Những cô gái trẻ tham gia dịch vụ JK để kiếm tiền, miễn cưỡng bán thân xác một cách lén lút hơn là tìm kiếm sự giúp đỡ từ gia đình và bạn bè. Yumeno Nito, nhà hoạt động bảo vệ những cô gái JK, thường xuyên đi rảo trên các đường phố Tokyo về đêm để tìm kiếm những cô gái JK cần được giúp đỡ. Kết quả là Nito cứu vớt được cuộc sống của khoảng 100 cô gái và mỗi tuần có đến hàng chục cô gái khác gọi điện đến bà nhờ giúp đỡ.

Khi còn ở tuổi thiếu niên, Yumeno Nito bị vài người đàn ông cố dụ dỗ vào mạng lưới nữ sinh bán dâm. Nito kể trong bộ phim tài liệu: “May mắn là tôi không rơi vào nghề mại dâm. Nhưng nhiều người bạn của tôi bị tổn thương đến mức cuối cùng phải tìm đến cái chết hay sa ngã. Điều khốn nạn là những cô gái như thế lại bị xã hội chỉ trích vì bán thân xác mình. Phần đông những cô gái này bị cô lập từ trong gia đình hay nhà trường trước khi đưa chân vào môi trường JK”.

Camera bí mật của nhóm Vice News quay phim một người đàn ông trò chuyện với nữ sinh trong một quán cà phê.

Mạng lưới tội phạm mại dâm tinh vi

Trong báo cáo mới nhất về nạn buôn người, Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo “những mạng lưới tội phạm mại dâm tinh vi, có tổ chức chọn mục tiêu là phụ nữ và những cô gái gái trẻ yếu đuối của Nhật Bản”.

Báo cáo nhấn mạnh “Enjo Kosai”, hay “ dịch vụ hẹn hò trả tiền vẫn tiếp tục tạo thuận lợi cho môi trường khai thác tình dục trẻ em nở rộ ở Nhật Bản”. Mãi đến tháng 6-2014, chính quyền Nhật Bản mới chính thức có luật ngăn cấm sự sở hữu hình ảnh khiêu dâm trẻ em. Tuy nhiên, các nhà hoạt động chỉ trích luật chỉ hạn chế đối với loại phim hoạt hình (anime) và sách truyện tranh (manga). Trong khi đó, cả một nền công nghiệp đằng sau anime và manga vẫn tiếp tục tồn tại.

Hiroshi Chiba - giám đốc nhà sản xuất manga Chiba Tetsuya Production - muốn loại hình văn hóa manga và anime tiếp tục tồn tại mặc dù thừa nhận ông và các đồng nghiệp đều cảm thấy chúng “đáng ghê tởm”!

Trong một hiệu sách manga tầm cỡ ở Tokyo, phóng viên hãng tin CNN quan sát thấy nội dung của những cuốn sách đều thể hiện hình ảnh nhân vật nữ mặc đồng phục nữ sinh trung học, mang kẹp tóc trên đầu và đều bộc lộ vẻ ngây thơ trong những cảnh quan hệ tình dục đôi khi hung bạo với nhân vật nam!

Những nữ sinh trang điểm chuẩn bị tiếp khách nam đến với loại hình JK.

Theo Sách Trắng năm 2014 của Cơ quan Cảnh sát quốc gia nhật Bản (NPA), con số nạn nhân trẻ em bị xâm hại tình dục tăng vọt lên 20% vào giữa hai năm 2011 và 2012. Số liệu NPA cũng tiết lộ vào năm 2013, hơn 6.400 trẻ em trở thành nạn nhân của tội phạm tình dục - trong đó bao gồm 1.644 vụ khai thác hình ảnh khiêu dâm trẻ em và 709 vụ trẻ em bị đẩy vào môi trường gái mại dâm. Có đến 85% số vụ khai thác hình ảnh khiêu dâm trẻ em liên quan đến Internet.

Phóng viên CNN cũng tìm thấy rất nhiều video bán tràn lan trong các cửa hàng dành cho “người lớn” ở Tokyo có bìa mô tả những nữ sinh trung học mặc đồng phục tươi cười trước ống kính. Tháng 10-2015, các tổ chức và nhà hoạt động chống văn hóa khiêu dâm trẻ em kêu gọi chính quyền Nhật Bản có nhiều hành động hơn để bảo vệ những nạn nhân trẻ tuổi đồng thời xử lý mạnh tay đối với những nhà sản xuất cũng như người tiêu thụ hình ảnh này. Họ cho rằng Nhật Bản vẫn còn khoan dung đối với loại hình văn hoá đồi trụy này.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.