Thực hư vụ chết người do “trúng đạn của Công an”?

Thứ Ba, 14/06/2016, 10:05
Mấy ngày nay, dư luận xôn xao về việc chiều 7-6, tại thôn 7, xã Long Hà, huyện Phú Riềng đã xảy ra một vụ chết người mà người thân của nạn nhân và một số đối tượng cho là do bị một Cảnh sát hình sự Công an huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước "nổ súng bắn chết" trong khi thi hành công vụ. Thực hư của vụ việc này như thế nào?


Cha tử vong khi ngăn cản Công an bắt con trai - nghi can tham gia một vụ đánh bạc

Khoảng 20 giờ ngày 7-6, một số trang cá nhân phát tán trên facebook hai video clip dài 3 phút 86 giây ghi lại quá trình xô xát giữa ba thanh niên mặc thường phục mà người dân cho rằng đó là Công an dùng súng bắn dân (?). Trong đó, xuất hiện hình ảnh một cụ già đang ngồi dưới đất huơ tay nói điều gì đó. 

Sau một hồi giằng co, một thanh niên và một người mặc sắc phục Công an xã đã chở ông cụ này đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Tuy nhiên, ông cụ đã tử vong tại Trạm xá xã Long Hà, huyện Phú Riềng.

Cơ quan điều tra bàn giao số tiền thu được trên người nạn nhân.

Sau 30 phút, chúng tôi đã có mặt tại trụ sở UBND xã Long Hà để ghi nhận vụ việc. Tại đây, đã có khá đông lực lượng Cảnh sát cơ động và các đơn vị điều tra đang bảo vệ hiện trường và trấn áp các đối tượng quá khích dùng gạch, đá ném và tấn công khiến hàng chục cán bộ, chiến sĩ Công an địa phương bị thương nhẹ. Đến 23 giờ cùng ngày, Giám định viên pháp y Trung ương tại TP Hồ Chí Minh đã có mặt để phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước tiến hành khám nghiệm tử thi phục vụ điều tra làm rõ nguyên nhân tử vong của nạn nhân.

Đến 6 giờ sáng 8-6, công việc khám nghiệm tử thi của cơ quan chức năng đã hoàn tất. Nạn nhân được xác định là ông Nguyễn Văn Nghinh (77 tuổi, ngụ thôn 7, xã Long Hà, huyện Phú Riềng). Ngay sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước và giám định viên pháp y đã thông báo kết quả sơ bộ cho người thân ông Nghinh và bàn giao thi thể cho gia đình tổ chức an táng. Chị Nguyễn Thị Thúy (con gái ông Nghinh), một trong hai người chứng kiến toàn bộ quá trình giải phẫu tử thi, thừa nhận vùng xương sọ phần đầu của ông Nghinh không bị tổn thương.

Hiện trường vụ việc.

Theo báo cáo ban đầu của Công an tỉnh Bình Phước, hai thanh niên trong clip phát trên facebook là Thiếu úy Đinh Công Duy và Thượng sĩ Nguyễn Văn Thỏa, chiến sĩ Cảnh sát hình sự Công an huyện Phú Riềng (mặc thường phục). Lúc đó hai chiến sĩ này đang phối hợp với Công an xã Long Hà đến thôn 7 để triệu tập Nguyễn Văn Dũng (tức "Dũng Ngẫu", 29 tuổi, ngụ thôn 7, xã Long Hà) về trụ sở Công an xã để làm việc và thi hành lệnh bắt tạm giam bị can đối với Dũng để điều tra làm rõ một vụ đánh bạc.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Riềng đã khởi tố vụ án vào ngày 25-5, trong đó Dũng có tham gia nhưng đối tượng trốn thoát. Quá trình tiếp cận đối tượng, Dũng hô hoán "Công an giả" và định tiếp tục bỏ trốn. Lập tức, Dũng bị lực lượng Công an giữ lại.

Cùng lúc này, cha mẹ, người thân và một số người hàng xóm của Dũng xông đến tấn công Thiếu úy Duy để giải vây cho Dũng. Thấy đồng nghiệp bị tấn công, Thượng sĩ Thỏa đã rút súng bắn đạn cao su bắn chỉ thiên để trấn áp. Lúc này, ông Nguyễn Văn Nghinh (cha Dũng) đã nhảy vào ôm lực lượng Công an để ngăn cản việc bắt Dũng. Trong lúc nhào tới, ông Nghinh bị trượt chân ngã xuống đất. Một lúc sau, ông Nghinh có biểu hiện mệt mỏi và bất tỉnh tại hiện trường.

Trong thời gian giằng co với các chiến sĩ Công an, một số đối tượng quá khích đã dùng tay đấm vào mặt Thiếu úy Duy gây chảy máu mũi và thương tích nhẹ. Tuy vậy, Thiếu úy Duy đã cùng với một Công an viên của xã nhanh chóng dùng xe máy chở ông Nghinh đến trạm xá cách đó khoảng 3km cấp cứu nhưng nạn nhân đã tử vong.

"Nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Nghinh không phải do trúng đạn của Công an”

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Ngô Thanh Hòa, Trưởng phòng Tham mưu - Người phát ngôn Công an tỉnh Bình Phước, cho biết: "Ngay sau khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng Cơ quan CSĐT trực tiếp chủ trì điều tra làm rõ; đồng thời trưng cầu cơ quan giám định pháp y Trung ương tại TP Hồ Chí Minh tiến hành khám nghiệm tử thi ông Nghinh.

Đối tượng Dũng tại cơ quan Công an.

Quá trình khám nghiệm tử thi, cơ quan điều tra đã mời đại diện chính quyền địa phương và gia đình ông Nghinh cùng tham gia chứng kiến. Tuy chưa có kết quả chính thức, nhưng qua ghi nhận, thu thập các dấu vết bên ngoài và trên cơ thể ông Nghinh, chúng tôi nhận định, nguyên nhân tử vong của nạn nhân không phải do vết thương từ đạn gây ra và không do yếu tố tác động ngoại lực.

Trong vụ việc này, ông Nghinh chết là điều đáng tiếc. Công an huyện Phú Riềng đã có báo cáo Huyện ủy, UBND huyện có những hỗ trợ nhất định cho gia đình tổ chức tang lễ cho ông Nghinh.

Còn một số đối tượng quá khích đã lợi dụng sự việc này để thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ, vu cáo, bịa đặt, xuyên tạc sự thật gây mất an ninh trật tự thì Công an tỉnh Bình Phước sẽ phối hợp các đơn vị chức năng xác minh, điều tra làm rõ để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật".

Có mặt tại buổi khám nghiệm hiện trường vụ việc thuộc khu vực ngã ba thôn 7 (xã Long Hà) do cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Phước tiến hành ngay buổi sáng hôm sau, rất nhiều người dân đến xem và biết rõ nhưng không dám cung cấp thông tin hoặc cung cấp rất miễn cưỡng. Họ nói rằng, không thấy ông Nghinh bị chảy máu, chỉ có một vết xước phía trên chân mày bên trái, còn Cảnh sát nổ súng ba phát nhưng bắn chỉ thiên lên trời.

Trong một diễn biến khác, tại Nhà tạm giữ Công an huyện Phú Riềng, bị can Nguyễn Văn Dũng khai nhận: "Quá trình giằng co giữa tôi với hai anh Công an thì cha tôi (ông Nghinh) có lao vào ngăn cản và bị té ngã. Trước đây, cha tôi có tiền sử bị bệnh tim. Trước và sau Tết, tôi cùng với chị gái đã đưa cha đi khám và điều trị mỗi lần khoảng 4 ngày tại Khoa tim mạch, Bệnh viện 175, TP Hồ Chí Minh".

Như vậy, trong vụ việc này có thể thấy rằng, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của ông Nghinh không phải do ngoại lực tác động, càng không phải do trúng đạn của Công an như một số người quá khích và một số tờ báo đã đăng tải thông tin mang tính chất vu cáo. Những chứng cứ khách quan xác đáng sẽ được làm sáng tỏ và kết luận chính thức từ cơ quan điều tra. Tuy nhiên, ngay từ những clip do một đối tượng ghi hình bằng điện thoại và phát tán trên facebook thể hiện sự bịa đặt.

Bởi lẽ, nếu bị trúng đạn, liệu ông Nghinh có thể ngồi được, còn huơ tay qua lại và nói năng với những người xung quanh? Mặt khác, trên mặt, quần áo, tay chân của ông Nghinh không hề có một vết máu loang nào; và nếu ông Nghinh bị trúng đạn thì người nhà, hàng xóm và đám đông liệu có để ông ngồi đó làm "bằng chứng" hay đưa ông đi cấp cứu ngay lập tức. Rõ ràng nếu sự việc không trở nên hỗn loạn như vậy và ông Nghinh trong tình trạng mệt mỏi được đưa đi cấp cứu kịp thời thì liệu có kết cục đau lòng xảy ra hay không?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc khi có kết luận chính thức của cơ quan chức năng.

Nhóm PV
.
.