Bộ mặt mới của khủng bố: Tấn công rẻ nhất, trả giá đắt nhất

Thứ Năm, 31/08/2017, 19:22
Khủng bố đang "sống" bằng những "bộ mặt mới" nhằm thích ứng với sự truy đuổi đang diễn ra khắp toàn cầu. Trên khắp các chiến trường chính ở Trung Đông, Bắc Phi, tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang bị các lực lượng tấn công. Khả năng IS sắp tới bị tiêu diệt là rất lớn.

Song, vẫn còn những tổ chức khác tồn tại ở khắp các sa mạc ở châu Phi, các hòn đảo, rừng rậm ở Đông Nam Á, những vùng đồi hoang vu ở biên giới Pakistan-Afghnistan, thậm chí giữa lòng châu Âu... Khủng bố đang "sống" bằng những "bộ mặt mới" nhằm thích ứng với sự truy đuổi đang diễn ra khắp toàn cầu.

Những con số chết chóc

Ngày 26-8, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã lên tiếng nhận gây ra vụ tấn công bằng dao tại thủ đô Brussels của Bỉ trước đó một ngày khiến một binh sỹ bị thương. Trước đó, đêm 25-8, một người đàn ông đã bị cảnh sát Anh bắt giữ sau khi dùng dao tấn công cảnh sát ngay bên ngoài Điện Buckingham, nơi ở của Nữ hoàng Anh Elizabeth II ở thủ đô London.

Các chuyên gia nhận định, châu Âu đang trở thành điểm tấn công "ưa thích" của IS. Đồng thời, căn cứ vào cách thức tấn công của khủng bố, nhiều chuyên gia còn mỉa mai, châu Âu đang thất thủ trước khủng bố "giá rẻ".

Chỉ là một con dao, một chiếc xe tải nhỏ đi thuê, một tên khủng bố khi lao vào đám đông, đã gây ra thương vong cho hàng chục thường dân, để lại nỗi sợ hãi ghê gớm. Các vụ tấn công bằng cách đâm xe ô tô vào đám đông ở Barcelona và Cambrils (Tây Ban Nha) hay bằng dao tại Phần Lan cho thấy những kẻ khủng bố hành động bằng những phương tiện phổ thông hơn, ít tốn kém hơn bằng nguồn tài chính cá nhân.

Người dân Tây Ban Nha tưởng niệm các nạn nhân trong vụ tấn công ở phố đi bộ Las Ramblas, Barcelona. Ảnh: Reuters.

Không ít chuyên gia khẳng định châu Âu nói riêng và thế giới nói chung đã thất bại trong cuộc chiến chống nguồn tài trợ cho khủng bố. Dù các biện pháp quốc tế nhằm siết chặt nguồn tài chính của khủng bố, được thông qua sau vụ tấn công tòa tháp đôi tại New York ngày 11-9-2001, đã có tác động và vẫn còn cần thiết, song vẫn không thể đủ để ngăn chặn hoạt động của Al Qaeda, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) hoặc các thành phần thánh chiến nghe theo tuyên truyền của những tổ chức khủng bố này.

Chính vì khủng bố "giá rẻ" ngày càng lên ngôi, danh sách các vụ khủng bố và nạn nhân của nó cứ ngày một dài ra. Tây Âu là "địa chỉ" của 2% số vụ tấn công khủng bố trên thế giới trong năm 2016, còn số người thiệt mạng trong các vụ này chiếm chưa đầy 1% trong tổng số 34.676 người thiệt mạng trên thế giới do khủng bố.

Thông tin trên được đưa ra trong báo cáo Dữ liệu khủng bố toàn cầu mới được Đại học Maryland công bố. Theo báo cáo trên, khu vực Tây Âu hứng chịu 269 vụ trong tổng số 13.488 vụ, với 238 người thiệt mạng. Tuy số người thiệt mạng trong các vụ tấn công khủng bố không lớn, song việc sử dụng xe hơi làm công cụ thảm sát lại gia tăng cả về tần suất lẫn mức độ sát thương.

Trong khi đó, khu vực Trung Đông và Bắc Phi là nơi hứng chịu làn sóng tấn công cực đoan đẫm máu nhất, với 19.121 người thiệt mạng, chiếm 55% tổng số nạn nhân. Tại khu vực Nam Á, Pakistan là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các cuộc tấn công khủng bố, với hơn 1.100 người thiệt mạng, trong khi các vụ tấn công ở khu vực Nam Sahara của châu Phi tập trung chủ yếu ở Nigeria và Somalia.

Mấy năm qua, chỉ tính riêng châu Âu đã có hơn 20 vụ khủng bố khủng khiếp. Điển hình là vụ khủng bố ngày 17-8-2017, tại Tây Ban Nha làm hơn 100 người chết và bị thương đã nối dài thêm vào danh sách những vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở châu Âu. IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công.

Ngày 22-5-2017, vụ khủng bố do IS tiến hành tại buổi biểu diễn âm nhạc của ca sĩ người Mỹ Ariana Grande ở sân vận động Manchester Arena thuộc thành phố Manchester của Anh khiến 22 người thiệt mạng và 120 người bị thương, trong đó có nhiều trẻ em.

Ngày 19-12-2016, nghi phạm người Tunisia Anis Amri cướp một chiếc xe tải biển số Ba Lan rồi lao xe vào chợ Giáng sinh Breitscheidplatz ở trung tâm thủ đô Berlin, Đức khiến 12 người thiệt mạng và hơn 50 người bị thương.

Ngày 14-7-2016, tại Pháp, một người gốc Tunisia đã lái xe tải 19 tấn lao vào đám đông đang tụ tập ở thành phố Nice, miền Nam nước Pháp để xem pháo hoa khiến 86 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương.

Ngày 19-6-2016, một đối tượng lái chiếc xe màu trắng lao vào đám đông đang rời khỏi đền thờ Hồi giáo Finsbury Park trên đường Seven Sisters, phía Bắc thủ đô London, Anh khiến 1 người thiệt mạng và 11 người bị thương. Tất cả các nạn nhân đều là tín đồ Hồi giáo.

Ngày 7-4-2016, xảy ra vụ tấn công khi một chiếc xe tải lao vào một đám đông trên phố Drottninggatan, khu phố đi bộ lớn nhất của Stockholm, Thụy Điển và sau đó đâm vào một loạt cửa hàng bách hóa gần đó, khiến 4 người thiệt mạng và 15 người bị thương.

An ninh được tăng cường ở Barcelona. Ảnh: Washington Examiner.

Ngày 22-3-2016 đã trở thành "ngày đen tối" không chỉ với Bỉ mà với cả châu Âu, sau ba vụ tấn công khủng bố tại sân bay Zaventem và ga tàu điện ngầm Maelbeel ở thủ đô Brussels, làm 35 người thiệt mạng và hơn 200 người khác bị thương.

Ngày 13-11-2015, liên tiếp 7 vụ tấn công khủng bố đẫm máu xảy ra tại thủ đô Paris của Pháp khiến 129 người thiệt mạng, hơn 200 người bị thương. Ngày 7 và 8-1-2015: Tại Pháp, hai kẻ khủng bố mang theo vũ khí đã xả súng liên tiếp vào văn phòng của tờ tạp chí châm biếm Charlie Hebdo, làm 12 người thiệt mạng, trong đó có 8 họa sĩ và nhà báo, cùng 2 sĩ quan cảnh sát.

Một ngày sau đó, một nữ cảnh sát đã thiệt mạng khi đang điều tra vụ xả súng này tại ngoại ô Paris. Cùng ngày, một tay súng đã bắt một số con tin tại một siêu thị của người Do Thái. Bốn trong số các con tin đã bị bắn chết. Ngày 22-7-2011, Một kẻ cực đoan cánh hữu tên là Anders Behring Breivik đánh bom bên ngoài một tòa nhà chính quyền ở thủ đô Oslo của Na Uy, làm 8 người thiệt mạng.

Ngày 7-7-2005, 4 vụ tấn công khủng bố diễn ra trên 3 tàu điện ngầm và 1 xe buýt trong giờ cao điểm buổi sáng tại thủ đô London, của Anh làm 56 người thiệt mạng và 700 người bị thương.

Ngày 11-3-2004, tại Tây Ban Nha, một loạt bom bi được cài sẵn trên 4 chuyến tàu hỏa đang trên đường hướng về nhà ga Atocha ở thủ đô Madrid phát nổ, cướp đi sinh mạng của 191 người và làm 2.000 người bị thương.

Gieo rắc sợ hãi ở Châu Âu

An ninh ở châu Âu một lần nữa lại được đặt trong tình trạng báo động cao. Việc các cuộc tấn công khủng bố diễn ra liên tục cho thấy một thực tế là châu Âu đang phải đối mặt với một cuộc chiến gian nan và phức tạp.

Năm nay, các nước châu Âu tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố, song động lực đằng sau các cuộc tấn công khủng bố ở "lục địa già" vẫn chưa bị dập tắt, trái lại còn có khuynh hướng gia tăng. Anh, Pháp, Bỉ và thậm chí là cả khu vực Bắc Âu và Nam Âu vốn tương đối yên bình đều phải hứng chịu các "làn sóng" tấn công khủng bố.

Cựu chỉ huy lực lượng an ninh Pháp Frederic Gallois cho biết hiện giờ, cứ 4 đến 6 tuần lại xảy ra một vụ tấn công ở châu Âu. Các tổ chức khủng bố quốc tế như al-Qaeda và IS chủ tâm nhằm vào các "mục tiêu mềm" ở châu Âu hoặc các khu vực công cộng đông người. Đây chính là một phần trong chiến lược của chúng.

Trong Báo cáo về khuynh hướng và tình trạng khủng bố công bố hồi tháng 6 vừa qua, Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) cho biết EU đang phải đối mặt với rất nhiều mối đe dọa khủng bố cũng như các vụ tấn công mang tính chất bạo lực và liều chết, được thực hiện bởi các mạng lưới khủng bố và bởi cả những con sói đơn độc.

Những kẻ khủng bố không còn cần những kế hoạch tinh vi hay những thiết bị phức tạp, tốn kém. Cách thức tấn công mới đang dần lộ bộ mặt mới của chủ nghĩa khủng bố. Kể từ vụ tấn công thảm khốc 11-9-2001 nhằm vào nước Mỹ, nối tiếp là các vụ đánh bom nơi công cộng, các vụ khủng bố đang có xu hướng "phi chính trị" và không phân biệt nạn nhân.  IS đang kêu gọi những kẻ trung thành ở khắp thế giới thực hiện tấn công ngay trên quê hương của chúng, và kết quả là ngày càng có nhiều tên thánh chiến tiến hành các vụ tấn công ngẫu nhiên.

Chủ đích của những kẻ khủng bố là gieo rắc kinh hoàng, thu hút chú ý của truyền thông và công luận quốc tế, còn nạn nhân là ai thì không quan tâm.

Theo ông Cordesman,  chủ tịch chương trình Arleigh A. Burke tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), các âm mưu khủng bố thường đi theo chu kỳ, với các hình thức và mục tiêu tấn công khác nhau. Có những hình thức mới hoàn toàn như không tặc, vốn bắt đầu từ những năm 1960 và kéo dài đến giữa thập niên 1980, nhưng cũng có những kiểu tấn công chỉ là thay đổi một chút so với các phương pháp cũ.

Vụ tông xe nhằm vào thường dân trên phố đi bộ Las Rambias ở thành phố Barcelona (Tây Ban Nha) hôm 17-8 vừa qua, theo ông Cordesman, "giống đến kỳ lạ các vụ đánh bom và tấn công hồi cuối những năm 1880 và đầu thập niên 1920". Ngay cả khi vụ việc không thành, bọn khủng bố cũng thành công với mục tiêu thu hút chú ý của thế giới.

Vụ tấn công ở Barcelona là bằng chứng mới nhất cho thấy khủng bố đang chuyển hướng như thế nào. Từ tháng 12-2014 đến nay đã có 8 vụ tấn công tương tự ở Pháp, Đức, Anh và Thụy Điển. "Một lần nữa, một nhóm thiểu số cực đoan đã nhận ra chúng có thể thu hút sự chú ý của dư luận bằng những cuộc tấn công trực tiếp vào nơi công cộng dù chúng không có bất kỳ ý nghĩa về mặt chính trị hay chiến lược nào" - chuyên gia CSIS viết.

Thành công của những vụ này càng khuyến khích những kẻ khủng bố và thánh chiến tin rằng chúng có thể khiến truyền thông chú ý và buộc giới chính trị phải hành động, bất kể nạn nhân có giá trị về mặt chính trị, kinh tế hay quân sự nào không. Giới khủng bố sớm nhận ra giết người vô tội, không có khả năng chống cự vừa đơn giản vừa gây tác động lớn hơn tấn công các mục tiêu được bảo vệ chặt chẽ, vốn "khó ăn" hơn rất nhiều.

Các vụ tấn công như ở Barcelona tuần qua khiến thế giới bàng hoàng vì nạn nhân là người vô tội và thuộc mọi thành phần, từ địa vị xã hội, sắc tộc đến tôn giáo, khiến mọi người sợ hãi "nạn nhân có thể là bất kỳ ai" và đây là tất cả những gì kẻ khủng bố muốn: làm cho chứng "sợ Hồi giáo" (Islamophobia) lan càng xa càng tốt.

"Nếu mục tiêu chỉ là nuôi dưỡng chia rẽ, thù hận, căm ghét và sợ hãi giữa phương Tây và những người Hồi giáo, thì gần như tấn công (khủng bố) kiểu nào cũng sẽ làm được điều đó, và mục tiêu càng vô tội càng tốt" - chuyên gia Cordesman viết.

Phân tích thêm về thủ đoạn mới của chủ nghĩa khủng bố, ông Brian Jenkins, cố vấn cao cấp của tổ chức học giả RAND Corporation (Mỹ), cho rằng bọn khủng bố vốn vẫn thường nhằm vào các mục tiêu có tính biểu tượng như tòa tháp đôi trong vụ 11-9, song đang có sự dịch chuyển sang các mục tiêu mới như sân khấu hòa nhạc, chợ, quán bar và cà phê, cũng như các điểm giao thông công cộng.

Theo ông Jenkins, các cuộc tấn công này dù không đòi hỏi bọn khủng bố phải chuẩn bị kỹ càng nhưng lại đặt ra thách thức an ninh lớn cho các quốc gia. "Khủng bố giờ đây có thể tấn công bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu và bất cứ lúc nào, trong khi chính quyền thì làm sao bảo vệ mọi thứ, mọi lúc, mọi nơi?" - Jenkins giải thích.

Chính quyền có thể dựng các chốt an ninh, nhưng điều đó chỉ khiến bọn khủng bố chuyển hướng sang khu vực khác. "Các cuộc tấn công ngẫu nhiên đồng nghĩa với việc không có nơi nào là an toàn cho tất cả mọi người", ông kết luận. "Các nhóm Hồi giáo cực đoan không còn tiến hành các cuộc tấn công với mục tiêu chính trị và nhằm mục đích trả thù phương Tây, mà thay vào đó là các cuộc tấn công ngẫu nhiên, vốn dễ tiến hành nhưng khó ngăn chặn hơn, tất cả nhằm gieo rắc kinh hoàng cho phương Tây" - tờ Express (Anh) ngày 18-8 dẫn lời ông Guidère.

Qua một số vụ tấn công khủng bố gần đây cho thấy bộ mặt mới của chủ nghĩa khủng bố khi những kẻ khủng bố không còn cần những kế hoạch tinh vi hay những thiết bị phức tạp, tốn kém để giết người.

Thay vào đó, chính những phương tiện giao thông hay những vũ khí giản đơn có khả năng sát thương cao lại đang được sử dụng phổ biến. "IS không còn đủ nhân lực và vật lực để tiến hành các vụ tấn công quy mô lớn để truyền bá chủ nghĩa khủng bố khắp các nước phương Tây nên đang dần chuyển sang chiến thuật thực hiện các chuỗi tấn công quy mô nhỏ, ít tốn kém, song phải gây được thương vong ở mức tối đa" ông Guidère giải thích.

Thay vì sử dụng vũ khí công nghệ cao, các vũ khí được các phần tử khủng bố sử dụng phần lớn là công nghệ thấp, tự sát hoặc bán tự sát, rất khó để phân biệt với các vụ tấn công khác.

Hòa Nguyễn
.
.